"Nguyễn Du đã dùng phép tu của nhà Phật để mở rộng tâm thức từ quan điểm tương đối nhân quả Tài Mệnh xung đột đến quan điểm vũ trụ hóa, vì thi sĩ đã quan niệm Tài Tình cũng như Định Mệnh đều là động tác của của cái linh vũ trụ hay Tâm Không, Như Như. Ở quan điểm giới hạn vào nhân thân thì cả ba giới tiềm thức, ý thức, siêu thức hay dục giới, sắc giới, vô sắc giới đều tạo nghiệp, đều động tác, đấy là tài năng hay nghiệp (Karma) thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Ba bình diện hay giới ấy đều là động tác của một bản thể chung là Tâm thể. Ở bình diện động tác chúng đều bị định luật chi phối điều khiển như là có định mệnh. Định mệnh chi phối toàn thể vũ trụ hiện tượng nội giới cũng như ngoại giới, và theo nhà Nho, ấy là tất cả vũ trụ Tam Tài: Thiên, Địa, Nhân. Giải thoát khỏi định mệnh, vượt lên trên định luật nhân quả có nghĩa là tu tâm, đạt tới quan điểm bản thể đại đồng, đồng nhất thể với tâm linh vũ trụ. Cho nên Nguyễn Du đã đem Phật học nối Nho học để hoàn thành vũ trụ nghệ thuật tam giáo truyền thống của dân tộc:
"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng BA chữ Tài."
Đến đây nghệ thuật Nguyễn Du đã kéo Thiên Mệnh nhập thể vào Tâm Linh Phật Giáo, và Tâm Linh Phật giáo cũng trở nên ý thức nghệ thuật làm nguồn cảm hứng sáng tạo vậy."
Trích Chương "Biện pháp giải thoát của thi sĩ Nguyễn Du qua nghệ thuật"
Nguyễn Đăng Thục