"Chư kinh yếu tập còn có nhan đề Thiện ác nghiệp báo luận, 20 quyển do sa môn Đạo Thế ở chùa Tây Minh biên tập vào niên hiệu Hiển Khánh đời Đường (656-660) được thâu nhập vào Đại Chính tạng quyển 54.
Đạo Thế tự Huyền Uẩn, họ Hàn, nguyên quán Y Khuyết (nay là Tây Nam, huyện Y Xuyên, tỉnh Hà Nam) nhân vì ông nội làm quan nên gia đình dời về Trường An. Năm 12 tuổi, Sư xuất gia ở chùa Thanh Long chuyên nghiên cứu Luật bộ, sưu tầm kinh sách. Vào khoảng niên hiệu Hiển Khánh (656-661), Sư nhận chiếu tham dự dịch trường của Tam Tạng pháp sư Huyền Trang. Về sau, Sư vào chùa Tây Minh cùng ngài Đạo Tuyên xiển dương Luật tông. Ngài trứ tác 11 bộ sách, tổng cộng 154 quyển, trong số đó các sách đã bị thất truyền gồm có: Đại Tiểu thừa Thiền môn Quán (10 quyển), Thụ giới nghi thức (4 quyển), Lễ Phật nghi thức (2 quyển), Đại thừa lược chỉ quán (1 quyển), Biện ngụy hiển chân luận (1 quyển), Kính phúc luận (3 quyển), Tứ phần luật ni sao (5 quyển), Kim cang Bát-nhã tập chú (3 quyển). Hiện còn Chư kinh yếu tập (20 quyển), Tì-ni thảo yếu (6 quyển) và Pháp uyển châu lâm (100 quyển).
Chư kinh yếu tập là một tác phẩm trích lục trong kinh sách Phật những điều liên quan đến giáo pháp, tu hành, nghi quỹ và luận thuật các việc liên quan đến thiện ác nghiệp báo rồi chia thành các thiên. Toàn thư được chia làm 30 bộ loại: Kính Tam bảo (17 mục), Kính pháp (7 mục), Nhiếp niệm (4 mục), Nhập đạo (4 mục), Bái tán (3 mục), Hương đăng (4 mục), Thụ thỉnh (8 mục), Thụ trai (2 mục), Phá trai (2 mục), Giàu sang (2 mục), Nghèo hèn (2 mục), Khích lệ (2 mục), Báo ân (3 mục), Phóng sinh (4 mục), Làm phúc (6 mục), Chọn bạn (5 mục), Nghĩ kĩ (5 mục), Lục độ (20 mục), Nghiệp nhân (5 mục), Tham dục (3 mục), Tứ sinh (6 mục), Thụ báo (9 mục), Thập ác (10 mục), Dối gạt (6 mục), Biếng nhác (3 mục), Rượu thịt (3 mục), Xem tướng (3 mục), Địa ngục (8 mục), Tống chung (9 mục), Linh tinh (13 mục). Tổng cộng 185 mục.
Đặc điểm của Chư kinh yếu tập là tính lý luận, là tính thuật tác. Về tính lý luận, trong sách này trích lục nguyên văn Kinh, Luật, Luận Phật giáo liên quan đến ý nghĩa, nội dung, yêu cầu, phương pháp tu hành của người tại gia và xuất gia. Tuy nhiên, trong đó chẳng thiếu ví dụ, ngụ ngôn và truyện tích, nhưng chúng đều được xiển thuật theo lý luận của giáo pháp, giáo quy, đồng thời chẳng tự thành hệ thống cũng chẳng chiếm địa vị chủ đạo. Lý luận được đề cập đến rất rộng rãi, có hàm nghĩa kính trọng Phật, Pháp, Tăng; quy tắc nhiễu tháp, nhập tự; phương pháp nhiếp niệm, kiềm chế dục vọng; công đức đốt hương, cúng Phật, thụ trai, phóng sinh; ba đường ác của nghiệp thân phạm thập ác; nghiệp nhân giàu sang, nghèo hèn; yếu chỉ của lục độ Đại thừa; bốn loài (noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh) của hữu tình chúng sinh; nguyên lý và chủng loại của nghiệp báo; nhiếp ý của địa ngục, sinh hoạt thức ngủ ăn uống của người xuất gia.
Về tính thuật tác, Chư kinh yếu tập tuy lấy việc trích lục kinh văn làm chủ thể nhưng có nhiều chỗ trong nội dung là do tác giả trứ thuật, có tư tưởng lý giải của tác giả trong đó. Trong tác phẩm này, trừ bộ loại Thập ác ra, 29 bộ loại kia mở đầu đều có phần dẫn nhập do soạn giả viết để lược thuật đại ý của một bộ hoặc một thiên, có tác dụng nêu lên cương lĩnh. Lại nữa ngoài phần dẫn nhập, y cứ vào nội dung của kinh văn biên định trong các mục cũng có phần do tác giả trứ tác. Các phần này mở đầu có hai chữ "thuật viết" đặt ở đầu của nguyên văn được trích lục.
Nguồn gốc tư liệu của Chư kinh yếu tập trích lục từ Kinh, Luật, Luận Hán dịch. Do vì tác giả nghiêng nặng về trình bày giáo lý cho nên chỉ chọn lấy phần nhiều là luận như: luận Đại Trí độ, luận Thập trụ Tì-bà-sa, luận Đại trang nghiêm, luận Du-già-sư-địa, luận Kim cang cương luận Thành thật, luận Câu-xá, luận Địa trì, luận Thi thiết, luận Giải thoát đạo, luận Tân Bà-sa v.v. Về Luật thì có trích dẫn luật Tứ phần, luật Thập tụng, luật Ma-ha-Tăng-kì, kinh Phạm võng, kinh Bồ tát thiện giới, kinh Ưu-bà-tắc giới v.v. Về kinh thì các kinh Phật trích lục như kinh A-hàm, kinh Hoa nghiêm, kinh Pháp hoa, kinh Đại tập, kinh Phổ diệu, kinh Hiền ngu, kinh Tạp bảo tạng, kinh Vị tằng hữu v.v. ngoài ra còn có các kinh chưa thấy ghi trong kinh lục như: Kinh Xá-lợi-phất xử thai, kinh Đại thừa liên hoa tạng, kinh Nhật Vân.
Ngoài Kinh, Luật, Luận, Chư kinh yếu tập còn trích lục Tây quốc hành truyện của Vương Huyền Sách đời đường, Cao tăng truyện của Tuệ Kiểu đời Lương, Tây Vực Kì-hoàn tự đồ của Đạo Tuyên đời Đường, Thượng thư của Nho gia (trong phần Thuật viết) có dẫn Lễ Kí, Tả truyện, Hoài Nam Tử.
Lúc Đại sư Ấn Quang (1862-1940) còn tại thế, Ngài thường khuyên các đệ tử chú trọng đến tội phúc nhân quả, nên Ngài giới thiệu Pháp uyển châu lâm của Ngài Đạo Thế cho mọi người, như trong thư đáp Đặng Tân An, Đại sư viết: Đến như lúc xử sự bình thường hoặc sợ làm tội không hay, giảm phúc không biết, nên đọc bộ Pháp uyển châu lâm tất sẽ nắm được khuôn phép để giữ gìn, tâm niệm không dám buông lung nữa" (Ấn Quang văn sao). Nhưng bộ Pháp uyển châu lâm dày đến 100 quyển, thiết nghĩ không tiện cho người hiện nay thời giờ eo hẹp duyệt đọc, cho nên Ban Dịch Thuật chọn tác phẩm Chư kinh yếu tập (tức Thiện ác nghiệp báo luận) 20 quyển có cùng một nội dung và cũng cùng một soạn giả phiên dịch ra tiếng Việt có phụ thêm phần cước chú để cống hiến cho bạn đọc xa gần.
Nguyện tập sách này được nhiều người thấy nghe rồi vâng làm theo lời Phật dạy, hiện đời thân tâm an lạc, sống trong thế giới hòa bình hạnh phúc, sau khi bỏ báo thân này sinh về cõi Phật thanh tịnh."
Tu viện Huệ Quang
Ngày 15-03-Kỷ Sửu (9/4/2009)
Định Huệ kính ghi