Theo truyền thuyết của một số người đời nay thì Dịch cân kinh được chia làm hai ngành: nội công dịch cân kinh và ngoại công dịch cân kinh. Đó là một quan niệm sai lầm.
Dịch là đổi, cân là gân mạch; Dịch cân nói chung là môn học biến đổi những sợi gân xương yếu ớt, vô dụng để trở thành những sợi gân xương mạnh mẽ hữu dụng. Nó cũng có nghĩa là sau khi luyện tập công phu này, một người yếu ớt sẽ trở thành một người cường tráng, đồng thời những sợi gân, những khớp xương khi vận động trong hoạt động về võ nghệ trở nên hữu hiệu vô cùng.
Trọn bộ Dịch cân kinh này được truyền từ Đạt ma Thiền sư gồm 24 đoạn (hay 24 phương pháp) chia ra trước sau hai bộ. Bộ đầu của Dịch cân kinh dạy cách so sánh, sửa đổi, luyện tập gân cốt, đó là bí quyết của những người mới nhập môn; còn bộ sau dạy những phương pháp rất tinh ảo, đó chính là con đường thẳng hay con đường tắt đưa đến sự thành công mau chóng.
Nếu theo công phu này mà luyện tập cho đến mức thành tựu tức là được liệt vào bậc trung của nội công thì có thể vận nhu thành cương chống đỡ được kẻ muốn lăng nhục mình. Không những vậy, Dịch cân kinh còn làm thay đổi hẳn thể chất con người bởi vì sau khi tập luyện thành tựu con người trở nên mạnh mẽ, gân cốt rắn chắc, chẳng khác nào đứa trẻ mới ra khỏi bào thai thì xương cốt của nó cũng thay đổi.
Như vậy, kẻ học võ nếu luyện tập và thành tựu được môn nội công Dịch cân kinh này thì gươm đao không thể làm tổn thương được bệnh tật tiêu tán hết, sức khỏe tăng bội phần, cử động hết sức lanh lẹ. Đến mức tuyệt đỉnh, có thể thay đổi, di chuyển cả kinh mạch.
(Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của tác giả)