Trong những năm 1965-1967, ý thức dân tộc đã bộc phát mãnh liệt tại miền Nam, song song với những chuyển biến lớn của thời cuộc.
Trong bối cảnh ấy, Hiệp ước Văn hóa Pháp Việt mãn hạn và sinh viên học sinh Sài Gòn đã tổ chức một phong trào đòi đóng cửa các "trường Tây" vào cuối năm 1966. Lúc đó tôi có nhận một chức vụ tại Bộ Giáo Dục và chủ trương chánh thức của Bộ cũng là chấm dứt sự hiện diện của các trường ngoại quốc tại miền Nam.
Chủ trương này sớm được tán thành nhiều và bị chống đối cũng không ít, từ phía những thế lực không có lợi lộc gì trong việc "đóng cửa trường Tây".
Phần lớn những bài tôi viết trong giai đoạn đó, lúc còn làm ở Bộ Giáo Dục cũng như sau khi từ chức, đều nhằm biện hộ trực tiếp hay gián tiếp cho chủ trương nói trên. Đồng thời, tôi cũng muốn tìm xem hai chữ "dân tộc" có ý nghĩa gì đối với riêng tôi, trên bình diện đời sống và trên bình diện tư tưởng.
Năm 1967, nhà xuất bản Trình Bày đã gom góp các bài ấy, thêm vào một số bài viết từ thời Ngô Đình Diệm, để làm thành cuốn sách này.
Cuốn sách có vẻ hỗn tạp vì gồm nhiều loại văn: hồi ký, diễn thuyết, bút ký, tâm thư. Nhưng nó cũng có tính cách thống nhất vì chỉ có một chủ đề là dân tộc.
Thật sự, đối với tôi cũng như đối với một số anh em khác, những năm sôi động nói trên là năm "tìm về dân tộc" và cuốn sách này là một chứng tích nhỏ nhoi của sự "tìm về" đó.
Nay nhà xuất bản LỬA THIÊNG tái bản cuốn sách, tôi viết những dòng này để soi sáng thêm nội dung của nó, hy vọng nó sẽ giúp ích phần nào những người trẻ tuổi trên con đường tìm lại quê hương.
Trích Lời nói đầu của tác giả