Đề án Tu viện chuyên tu của Hòa thượng Thích Huệ Hưng: Hoài bão nào của riêng ai!

Đề án Tu viện chuyên tu của Hòa thượng Thích Huệ Hưng: Hoài bão nào của riêng ai!

Sinh ra ở đất nước Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 20 đầu 21 này, vào chùa tu tập mười – hai mươi năm rồi, tự dưng những người còn chút ít bồ đề tâm sẽ phát sinh một nhu cầu rất giống nhau, đó là tìm một nơi để tu hành, để hạ thủ công phu.

Vì sao lại ngộ vậy? Ấy là vì tuy đã xuất thế tục gia nhưng chưa xuất được phiền não gia và tam giới gia. Tâm bồ đề còn đủ mạnh sẽ là động lực đẩy họ “xuất gia” một lần nữa. Hiện thực cho thấy rằng, chùa chiền thì nhiều nhưng nơi tu hành thật sự rất ít, người giảng pháp rất nhiều nhưng người có sở chứng sở ngộ gần như vô tông tuyệt tích, pháp môn thì đa dạng nhưng đường lối thang bậc và chuyên sâu dường như không có. Tu sĩ trẻ phần nhiều tinh thần nương vào các bậc cao tăng trưởng lão để duy trì bồ đề tâm, nhưng chư vị đó cũng tự tu tự ngộ, chịu thương chịu khó, thành tựu một đời mang dấu ấn và nỗ lực cá nhân chứ không phải do đường hướng chung mang lại. Trong hàng ngàn người tu mới có một vài người thành tựu.

Chúng ta cũng có các trường Phật học, nhưng nó giúp phổ thông giáo lý và cung cấp cho người học một số phương pháp khoa học, kinh nghiệm nghiên cứu rồi chủ yếu vẫn có bằng cấp, vẫn hướng đến bằng cấp. Tuy nói là học nội điển chứ không học trực tiếp các tác phẩm kinh điển của tổ đức mà học sự luận giải của hậu bối, chưa kể là học những môn râu ria chẳng liên quan gì. Nhìn chung cái học ở ta ảnh hưởng chiều hướng thế học quá nhiều. Truyền thống đại học xoáy sâu vào các bộ kinh luận và tông phái của thời đại học Nalanda lừng danh không còn là nơi y cứ mà cái học của các hội Phật học đã đào tạo ra các bậc cao tăng trong thế kỷ 20 cũng dường như không được tham khảo học hỏi. Cái học hiện tại ở ta không hướng được người học vào sự thực hành. Học rồi người ta muốn tiếp tục học nữa chứ không quay lại thực hành. Nếu Phật giáo chỉ phát triển con đường nghiên cứu mà bỏ quên sự thực hành thì nó cũng trở thành một học thuyết như bao học thuyết khác, một môn học trong nhà trường.

Về pháp hành, không biết có phải vì tự tôn tông phái hay không mà chúng ta không tiếp nhận, hoặc tiếp nhận một cách không trọn vẹn đường lối tu tập tứ niệm xứ (minh sát/ Như Lai thiền/ vipassana) của Phật giáo nguyên thủy vốn có thang bậc tu tập rất rõ ràng. Nếu có sự tiếp nhận chỉ là sự tiếp nhận ở phương diện cá nhân, nhân duyên nhỏ lẻ, ở tầm vĩ mô chưa thấy một sự khuyến khích nào. Trong khi đó truyền thống tu chứng của Phật giáo Bắc truyền dường như bị đứt gãy, không còn thấy như lịch sử Trung Hoa và Việt Nam từng ghi nhận trong thiền sử. Những ghi chép trong Thiền uyển tập anh về thời đại huy hoàng của Phật giáo Việt Nam thời Lý-Trần chỉ là một trang cổ sử. Ai cũng xưng thuộc thiền phái Lâm Tế, Liễu Quán, Chúc Thánh, Tào Động… song hầu hết đều tu theo pháp môn Tịnh độ.

Trong Thiền lâm bảo huấn có đoạn:

“Trạm Ðường Chuẩn Hòa thượng sơ tham Chân Tịnh, thường chích đăng trướng trung khán độc. Chân Tịnh ha viết: "Sở vị học giả cầu trị tâm dã. Học tuy đa nhi tâm bất trị, túng học nhi hề ích. Nhi huống bách gia dị học, như sơn chi cao, hải chi thâm, tử nhược vi tận chi, kim khí bản trục mạt, như tiện sử quí, khủng phương đạo nghiệp. Trực tu đỗ tuyệt chư duyên, đương cầu diệu ngộ, tha nhật quan chi, như suy môn nhập cữu, cố bất nan hỹ". Trạm Ðường tức thời bình khứ sở tập, chuyên trú thiền quán. Nhất nhật văn nột tử độc Gia Cát Khổng Minh xuất sư biểu, khoát nhiên khai ngộ, ngưng trệ đốn thích, biện tài vô ngại, tại lưu bối trung tiển hữu quá giả. 

(Hòa thượng Thanh Kiểm dịch: Trạm Ðường Chuẩn Hòa thượng lúc đầu tham thiền ở Chân Tịnh, thường thắp đèn trong trướng đọc kinh sách. Chân Tịnh liền mắng rằng: "Ðiểm chính của người học là ở chỗ trị tâm. Nếu học dẫu nhiều mà tâm chẳng sửa trị, thì ví có học nhiều cũng chẳng có ích gì. Hơn nữa, lại còn rất nhiều môn học khác của hàng trăm nhà khác nhau, nhiều như núi cao biển sâu. Vậy ông dù có học hết được tất cả, nhưng đó chỉ là sự việc bỏ gốc theo ngọn, đem cái hèn dùng vào chỗ quí, sợ nó ngăn ngại mất đạo nghiệp. Vậy nên phải chấm dứt mọi duyên, để cầu diệu ngộ. Nếu ở một ngày khác ông xem các môn học ấy, thì dễ dàng cũng như người chỉ việc đẩy chốt cửa mà vào, chẳng gặp chi khó khăn". Trạm Ðường tức thời dẹp bỏ chỗ mình đang tập, rồi chuyên tu thiền quán. Vào một ngày, ông nghe thấy kẻ nột tử đọc biểu xuất sư của Gia Cát Khổng Minh (1) bừng dậy khai ngộ, gỡ hết các chỗ ngưng trệ, có biện tài vô ngại, trong hàng lưu bối ít ai hay vượt được ông.)

Trong Thiền uyển tập anh, bộ thiền sử xưa nhất còn lại của nước ta, đã ghi nhận những nỗ lực tu tập của các bậc cao tăng khi còn là hành giả, những vị đó tu hành quên ăn bỏ ngủ, năm này qua năm khác, chỉ chuyên tâm nhứt ý vào mỗi một việc cốt tủy tham thiền của mình cho đến khi tỏ ngộ mới thôi. Nhưng từ thời hậu Lê về sau thì thưa dần và đến hiện tại thì dường như đứt hẳn. Đến nỗi ngày nay ý niệm tu tập giải thoát trong một đời trở nên quá xa xỉ với tu sĩ Việt Nam. Chùa chiền vẫn tiếp tục được xây dựng, được trùng tu khang trang, những khu du lịch tâm linh hoành tráng mọc lên khắp nơi, nhưng bồ đề tâm của hàng tu sĩ càng ngày càng nhỏ lại. Tu sĩ ngày nay gặp nhau không nói chuyện đạo mà nói chuyện đời, không nói chuyện niệm Phật tọa thiền được bao nhiêu giờ, chuyên tâm nhứt ý được bao nhiêu phút mà nói chuyện làm chùa to Phật lớn. Nó dường như lặp lại vòng luẩn quẩn mà khi bắt đầu phong trào chấn hưng Phật giáo mà sư tổ Khánh Hòa và các bậc tiền bối có phản ánh. Nhưng sự suy đồi của Phật giáo khi ấy dễ nhận thấy vì nó nằm trong vỏ bọc của sự thất học, mê tín còn sự suy đồi ngày nay nằm trong lớp áo huy hoàng của học thức và bằng cấp. Đầu thế kỷ trước, người ta ít học nên không biết đường hướng để tu tập, đầu thế kỷ này, người ta học nhiều quá mà tâm bồ đề bị teo tóp nên cũng không còn cái hạt nhân để tu tập. Cái học không phải là sai, nhưng giữa đôi bờ lịch sử 1975 dường như tính chất của việc học Phật đã thay đổi.

Tu sĩ Bắc truyền Việt Nam dấn thân phụng sự khi tuổi đời còn đôi mươi và tuổi đạo chưa là bao, ngay cả những vị có học vị cao theo đường lối giáo dục của Phật giáo hiện tại thì khả năng làm chủ tâm ý, trình độ chứng ngộ dường như không có. Họ phần nhiều không bóc tách được đâu là việc làm phước thật sự, đâu là do động lực tham đắm ngũ dục chi phối hành động của mình, thành thử những việc được gọi là “Phật sự” mà họ đang thực hiện nhiều khi chỉ mang lại phiền não cho họ và đối tượng. Mang tiếng là đạo của trí huệ, nhưng phần đa tu sĩ Việt Nam làm phước hơn là tu huệ. Phước có thể hồi hướng cho việc tu tập, hỗ trợ huệ, nhưng phước tuyệt nhiên không thể trực tiếp giải thoát con người khỏi khổ đau, vì khổ đau có cội gốc từ si mê. Bóng tối chỉ có thể xóa tan bằng ánh sáng.

Việc tu hành đâu phải là dễ dàng, mặc dù có căn lành vào chùa rồi nhưng cũng phải vun đắp không ngừng. Người ta thường nói rằng “Tu không xong thì ra đời làm được gì”. Câu đó nên đổi lại: Tu tập tốt thì ra đời làm việc chắc chắn tốt, hoặc việc thế gian không làm được thì cũng không tu tập được. Vì sao vậy? Vì người tu tập đi ngược lại dòng nghiệp tham sân si huân tập bao đời, nghiệp thức đã thành quán tính như một dòng sông chảy xiết. Nếu chỉ dùng ý chí và sự siêng năng của người đời thì chưa đủ dấn thân vượt qua được con suối nghiệp kinh khủng đó. Nếu dễ dàng thì đức Phật không phải sáu năm khổ hạnh, đức Lục tổ bao năm giã gạo, đến lúc tỏ ngộ vẫn còn nương nấu nhóm thợ săn để đào sâu sự chứng nghiệm, Cao Phong Nguyên Diệu thiền sư không phải lập nguyện 3 năm không dính giường chiếu và hàng trăm hàng ngàn công hạnh không ngại gian khó, vị pháp quên thân của chư tổ trong thiền sử. Thế mà ngày nay chúng ta vào chùa chưa thành tựu đạo nghiệp, tâm tánh chưa khai mở mà đã vội chạy theo làm những cái ta gọi là “Phật sự” mà không ngờ rằng toàn hun đúc cho lòng tham của mình. Rồi duyên theo duyên, danh lợi lớn dần, thành tựu đến sớm khi đạo lực còn yếu làm “tối mặt tắt đèn” không còn một giây phút định tâm. Toàn bộ thời đầu tư cho con đường “bồ tát đạo” đâu còn phút giây nào quán chiếu với những phiền não tham, sân, mạn, nghi… sâu kín bên trong.

Ở các nước Phật giáo nguyên thủy, người tu sĩ không phải nắm giữ tiền bạc, người trụ trì không phải lo việc xây cất tự viện,... tức tránh đi một sự sở hữu vô cùng rối rắm làm trở ngại cho việc tu tập. Họ càng niên cao lạp trưởng càng thảnh thơi. Người tu sĩ nguyên thủy chỉ làm mỗi chính vụ của mình là thực tập thiền (thiền định và thiền quán) nên khái niệm về sự chuyên tu hay nhập thất không nảy sinh trong suy nghĩ của họ, trong nhu cầu của Phật giáo nước họ. Ở ta, ai có khả năng một chút càng niên cao lạp trưởng càng đa đoan nhiều việc, càng kiêm nhiệm đủ chức, chẳng thấy có một chút thảnh thơi nào. Nội việc đi chứng trai “đền ơn đáp nghĩa” giữa các chùa hoặc “gieo duyên” cho Phật tử cũng ngốn một lượng thời gian và sức khỏe không nhỏ. Để thực hành một hạnh nguyện bồ tát đạo gì đó thì được, còn để tỏ rõ thiền cơ trong sự đa đoan ấy thì vô cùng khó.

Cố hòa thượng Thích Huệ Hưng những năm 1990 với vai trò là Trưởng ban Tăng sự Trung ương, Phó Ban trị sự Thành hội PGTPHCM và Tổng lý quản trị tổ đình Ấn Quang (cũng là người khai sơn ngôi Tu viện Huệ Quang) có lẽ là người cảm nhận sâu đậm nhất về nhu cầu tu tập của tu sĩ Phật giáo thời bấy giờ. Chính vì vậy ngài đã viết hẳn một đề án “Mô hình một tu viện chuyên tu” gồm 12 trang đánh máy roneo và một bản thu gọn 3 trang thay mặt ban Tăng sự TW trình bày trước giáo hội trong kỳ họp thường trực vào ngày 12-10-1988. Sau đó chính ngài được giáo hội giao coi sóc, đôn đốc việc xây dựng Viện chuyên tu tại Đại Tòng Lâm. Tiếc rằng công việc tiến hành chưa được bao lâu thì ngài viên tịch.

Trong di chúc để lại, Hòa thượng có tha thiết đề nghị với giáo hội 3 việc: 1. Mở lớp hoằng giới, 2. Thành lập tu viện chuyên tu, 3. Mở lớp huấn luyện trụ trì. Ngài viết:  “Phật giáo hiện nay có tín đồ Phật tử rất đông trên 80% dân số, tăng ni tứ chúng cũng rất nhiều nhưng đa số chỉ học hiểu để phát triển mặt rộng của thế đế hơn là đệ nhất nghĩa đế, nên ít có người tu chứng đến chỗ rốt ráo như người xưa đời Trần, đời Lý, Trúc Lâm Tam Tổ v.v… Do đó, tôi hằng ao ước thực hiện được một viện chuyên tu để làm phương tiện cho những vị xuất gia phát tâm tu hành đạt ngộ bổn tâm, chứng vô sanh nhẫn hầu làm đèn Thiền, đuốc Tuệ cho hậu tấn noi theo”

Hai lớp Hoằng giới và huấn luyện trụ trì thường xuyên được giáo hội tổ chức, nhưng viện chuyên tu chính thức mà ngài hằng ao ước vẫn chưa được thực hiện.

Đề án Tu viện chuyên tu mà ngài đề xuất, mục đích nhằm đào tạo một lớp tu sĩ thực tu thực chứng, giải thoát trong một đời, tự độ rồi mới độ người, khôi phục truyền thống tu chứng của tiền tổ thời Lý, thời Trần. Phương hướng tổ chức là xây dựng một hệ thống các ngôi thất độc cư để hạ thủ công phu, cắt đứt mọi duyên, mọi sự liên lạc với bên ngoài. Các thất phân làm 2 khu: khu thứ nhất cho các thiền sinh công quả hoặc các vị mới tập nhập thất. Khu thứ hai là những ngôi thất vĩnh cửu, tức dành cho những vị đã có một trình độ về pháp học và pháp hành tương đối thuần thục phát tâm hạ thủ công phu cho đến thành tựu mới ra thất. Giữa các ngôi thất là thất phương trượng, thất ban giảng huấn để có nơi cho các hành giả tham vấn khi cần. Ngoài ra còn có nhà bếp, nhà khách, thư viện… phục vụ nhu cầu tối thiểu cho việc nhập thất lâu dài.

Tâm nguyện thành lập một viện chuyên tu của Hòa thượng Thích Huệ Hưng phát xuất từ nhu cầu thực tế của Phật giáo Việt Nam như đã phân tích ở trên, nhưng lại cũng có dấu ấn cá nhân rất rõ từ người đã đề xuất ra mô hình ấy.

Hòa thượng xuất gia với sư tổ Đạt Thới-Chánh Thành chùa Vạn An Sa Đéc năm 21 tuổi (1938). Từ nhỏ Ngài đã có thiên hướng nghiêm trì giới luật và tu thiền định. Trong bản tiểu sử của ngài có một chi tiết rất đáng chú ý. Đó là việc xảy ra vào năm 1960 (năm ngài 44 tuổi) khi ngài đương nhiệm trụ trì tổ đình Kim Huê-Sa Đéc được  hai năm, ngài đã mời thượng tọa Huệ Phát thay mình giữ chức vụ trụ trì, để yên tâm bế quan thiền định. Việc làm ấy tuy rất bình thường với một tu sĩ nhưng rất ít thấy xảy ra trong Phật giáo sử cận đại Việt Nam. Việc làm ấy đã cho thấy ngài nhận thức việc trụ trì chỉ là một trách nhiệm thực sự, là việc tăng sai, nó không phải là của ai, công việc chính yếu của người xuất gia là việc tu tập, quan chiếu nội tâm, làm sáng tự tánh.

Chính nhờ chân tâm ấy nên dù việc giáo hội đa đoan mà việc tu tập luôn được duy trì, không những tự thân luôn hướng về việc tu tập mà cũng luôn muốn tạo điều kiện cho tha nhân tu tập. Cho nên trong di chúc cuối cùng ngài vẫn thiết tha mong một Tu viện chuyên tu chính thống do giáo hội được thực hiện. Hằng năm đến ngày giỗ ngài, giáo hội và pháp lữ của ngài vẫn đọc lại bản di chúc ấy. Hoài bão quý giá ấy xứng đáng được ca tụng nhưng việc thực hiện vẫn chưa được tiến hành, thì cái mục đích mà ngài mong muốn sau khi viên tịch 30 năm cũng không có gì thay đổi.

Vào những năm cuối đời (1988-1990), ngài được giáo hội tin tưởng giao phó trông coi việc thành lập Viện chuyên tu tại Đại Tòng Lâm. Một am nhỏ được cất lên và Ngài ở nơi đó trực tiếp coi sóc công việc xây cất. Tiếc thay, một lần nữa, những công trình rất có ý nghĩa của Phật giáo Việt Nam lại chết yểu như bao công trình khác. Cái phước duyên của Phật giáo nước ta nó cứ luôn như vậy.

May thay, tuy trên phương diện giáo hội không hoàn thành một công trình chính thức như nguyện vọng ban đầu, nhưng từ văn phòng của Viện chuyên tu ấy, một ngôi chùa đơn sơ giữ nguyên tên chung Viện chuyên tu làm tên riêng. Người trụ trì ngôi chùa mang tên lạ đó là hòa thượng Thích Thiện Tánh (thầy của thầy Thiện Thuận). Sau này, nhân duyên biến đổi, chùa được dời về làng Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa, chùa vẫn giữ tên cũ. Nhân duyên lại tiếp tục biến chuyển khi mặt bằng được giải phóng làm đường, chùa lại được dời về Long Thành, Đồng Nai, quý thầy vẫn thủy chung gọi tên chùa là Viện chuyên tu. Thật là xúc động, chỉ là chuyện cái tên chùa, nhưng nó đã thể hiện tâm nguyện luôn hướng đến việc tu hành của bao thế hệ “chùa” Viện Chuyên Tu. Và cũng vì vậy, giữa Viện Chuyên Tu và Tu Viện Huệ Quang có một sự liên hệ từ khởi nguyên. Ở Viện chuyên tu hiện tại chưa thể hình thành một mô hình như hòa thượng Huệ Hưng vạch ra, chưa có một bậc phương trượng hướng đạo, nhưng những năm qua cũng có những ngôi thất mọc lên để tránh duyên tu tập, và trong dự án sắp được khởi công, được biết có hẳn một khu vực nội viện.

Một nơi khác rất đáng để được làm biểu tượng cho sự tu tập của Phật giáo hiện tại đó là nội viện chùa Huệ Nghiêm. Mô hình nội viện tỏ ra phù hợp với Phật giáo Việt Nam hiện tại. Ở các thiền viện của hòa thượng Thích Thanh Từ đều có nội viện và nội viện làm trọng tâm, trong khi ngoại viện giữ chức năng như các ngôi chùa khác. Nội viện Huệ Nghiêm rộng khoảng một mẫu đất, phòng ốc khang trang đầy đủ phương tiện tu tập. Ngoài Tịnh nghiệp đường (như là chánh điện) còn có giới đài là nơi để thọ giới và làm các nghi lễ liên quan đến giới luật như bố tát tụng giới, làm pháp tăng tàn… được xây dựng rất tôn nghiêm. Chúng trong nội viện chỉ ăn ngày hai bữa, không giao tiếp với bên ngoài, không sử dụng mạng Internet hay điện thoại (chỉ có một điện thoại chung). Chư tăng không được giữ tiền hay tài sản nào riêng. Chấp tác mỗi ngày độ một tiếng, phân công các nhóm trị nhựt hành đường. Toàn bộ thời gian còn lại dành cho việc học giới, hành giới và tu tập. Mùa hạ tăng chúng ở trên Tịnh nghiệp đường còn nhiều hơn trên tăng phòng. Phòng chư tăng là một dãy dài ở chung chứa được 40-50 vị, chúng sa di ở một phòng khác tầm 20 vị. Chúng sa di là chúng đệ tử của hòa thượng viện chủ Thích Minh Thông. Chúng tỳ kheo mới được nhận vào, chủ yếu là những vị mới vừa thọ giới. Các khóa đầu tới 3-4 năm, các khóa sau này nghe nói chỉ còn 1 năm. Có các nhà riêng để hành tăng tàn, có một thất riêng để luân phiên nhập thất từ 1 tuần lần đầu cho đến 3 tuần các lần sau. Có cả 10 ngôi thất trước đây dưới chân đèo Bảo Lộc, sau này dời về miền Tây cho những vị tốt nghiệp khóa học nhập thất dài hạn, trong đó còn dự kiến có những ngôi thất dài hạn nhập từ 3 năm trở lên, giống như thất vĩnh cửu trong mô hình của hòa thượng Thích Huệ Hưng. Hằng năm có tầm 30-40 vị tăng khắp mọi miền đất nước về đây tu học. Chính môi trường giới luật và thanh quy có phần gắt gao ấy đã chắt lọc được những học tăng có khuynh hướng tu tập tụ hội về. Ở đây họ chuyên tâm tu tập nên bồ đề tâm tăng trưởng, bằng chứng là sau khi ra trường đa phần muốn đi nhập thất để tìm cầu giải thoát chứ không muốn đa đoan thế sự như chư tăng nơi khác. Điều đó quả là một thành tựu to lớn trong vòng xoáy của Phật giáo hiện tại với đời sống đầy vật dục nầy. Trái tim của mô hình ấy chính là hòa thượng Thích Minh Thông. Ngài Phật sự đa đoan mà không bỏ công phu một buổi nào. Chính công hạnh tu hành của ngài đã hình thành nên một Phật địa trang nghiêm như vậy. Chúng tôi không biết mô hình đó có ảnh hưởng hoặc tham chiếu mô hình của hòa thượng Thích Huệ Hưng hay không nhưng nó đã chứng tỏ một điều, rằng nhu cầu có những tu viện chuyên tu là rất lớn và nó thực sự mang lại kết quả chứ không phải là một đề án lý thuyết.

Nhưng nơi hiếm hoi ấy, có giới đài trang nghiêm bậc nhất Việt Nam ấy, gần đây không được chọn làm nơi thọ giới cho hàng tỳ kheo nữa. Các chú sa di trong nội viện cũng phải đi học trung cấp cho giống với người ta. Đời sống luôn có ngoại lệ, chính ngoại lệ đã tạo nên một nội viện Huệ Nghiêm trang nghiêm như vậy, nhưng nguyên tắc lại không có ngoại lệ, chính việc nguyên tắc đã tước đi sự phát triển cục bộ. Người ta không chấp nhận trăm hoa đua nở, dòng riêng trong dòng chung âu cũng là số phận nghiệp báo của Phật giáo Việt Nam. Rồi hương đồng gió nội sẽ bay đi ít nhiều, bay cho đến hết bản sắc thì sẽ không còn nên tảng để phát triển, dòng riêng bị cuốn vào dòng chung.

Nhưng chính nhu cầu đã tạo nên những dòng riêng, nhu cầu bức thiết về một nơi có đủ điều kiện để tu tập, đó là sự mọc lên của Viện chuyên tu, của nội viện thiền phái Trúc Lâm, của Thiền tứ niệm xứ theo phương pháp Làng Mai, của hệ thống hàng ngàn am thất ở Thiền Viện Phước Sơn, của nội viện Huệ Nghiêm hay một số nơi có khuynh hướng xây dựng nội viện và thiền thất khác nữa…

Chúng ta không cần thực thi nguyện vọng của một ai đó nếu như nó không gắn với một sự thiết thực nào, nhưng một nguyện vọng xác đáng mà không được thực hiện hoặc chậm thực hiện là một sự tổn thất vô hình to lớn. Người đề xuất cũng chẳng mất mát gì vì họ đã làm việc mình cần làm. Mất mát là những người ở lại.

Kính bạch Sư Ông, nếu như đề án của ngài vẫn không được quan tâm thực hiện trên phương diện chính thống thì nó vẫn rất bổ ích cho những ai được đọc nó, ngẫm nghĩ về nó. Cái nhân đó được gieo mầm chờ duyên lành hội đủ sẽ mọc lên, có thể trong một sắc màu và hình thức không nguyên vẹn, như những nội viện nhỏ lẻ đã hình thành; và lạc quan hơn, biết đâu trong một hình thức không nguyên vẹn ấy, cái giá trị nguyên vẹn mà Sư Ông hướng đến lại được thực hiện một cách rốt ráo.

Huệ Quang, đầu hạ năm Canh Tý, 2020

Thích Không Hạnh

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài