Đường Hướng Và Kế Hoạch Đào Tạo Các Lớp Hán Nôm Huệ Quang

Đường Hướng Và Kế Hoạch Đào Tạo Các Lớp Hán Nôm Huệ Quang

ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO

CÁC LỚP HÁN NÔM HUỆ QUANG

 (Áp dụng từ khóa XX-2023)

Duyên khởi:

Nếu như ngôn ngữ Pali là chiếc chìa khóa cho những ai thật sự muốn đi sâu vào ngôi nhà Phật học Nam truyền, thì với Phật học Bắc truyền, Cổ Hán ngữ và Sanskrit là những công cụ đắc lực nhất để thâm nhập Tam tạng kinh điển. Trong đó, Cổ Hán ngữ cho đến nay, được biết là ngôn ngữ lưu giữ nhiều nhất Tam tạng Bắc truyền.

Đối với các nước đồng văn với Trung Hoa như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam, Cổ Hán ngữ còn đóng một vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn hóa và ngôn ngữ. Riêng với Việt Nam, trong ngôn ngữ học thuật và cả ngôn ngữ đời thường, các từ ngữ Hán Việt vẫn chiếm quá nửa, trong nếp nghĩ hằng ngày vẫn có sự chi phối của Tam giáo – thành tựu văn minh đã trưởng thành trên nền tảng của Cổ Hán ngữ.

Do vậy, việc dạy Cổ Hán ngữ đối với tăng tín đồ Phật giáo Việt Nam không chỉ là đào tạo các thế hệ phiên dịch Tam tạng kinh điển, mà còn là cửa ngõ quan trọng để thâm nhập kinh tạng trong quá trình học Phật, đồng thời cũng là phương tiện vô cùng đắc dụng cho những ai quan tâm một cách căn cơ đến ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Mục tiêu:

  • Đào tạo các thế hệ phiên dịch Tam tạng kinh điển Bắc truyền hệ Hán ngữ, với kỳ vọng về lâu dài có được Tam tạng Việt ngữ.
  • Đào tạo giáo thọ sư bộ môn Cổ Hán ngữ cho các trường Phật học trong nước và Trung tâm Dịch thuật Hán nôm Huệ Quang (TTDTHNHQ).
  • Cung cấp một phương tiện đắc dụng cho những ai muốn thâm nhập Phật học Bắc truyền.
  • Giúp người thời nay hiểu một cách sâu sắc, căn cơ hơn về Việt ngữ.
  • Hưng khởi niềm đam mê Cổ Hán ngữ, giúp người trẻ trong nền văn minh vật chất hiện nay tìm thấy cái đẹp trong nền đạo học và minh triết phương Đông xưa.
  • Mục tiêu riêng đối với Huệ Quang: Việc được học và tốt nghiệp lớp Hán Nôm Huệ Quang (từ khóa XX) là niềm tự hào đối với các học viên.

Đường hướng:

  • Theo tinh thần của đại học, nhà trường sẽ cung cấp những phương pháp, kiến thức cơ bản, chuẩn mực nhất về chuyên môn theo chiều hướng khai phóng, tạo cảm hứng nhằm khai mở niềm đam mê của học viên, từ đó học viên nỗ lực rèn luyện thêm để phát huy hết tố chất và sở trường của mình.
  • Tránh lối dạy nhồi nhét và thi cử mang tính trả bài. Thi cử sẽ có sự tham gia giữa giáo vụ và giáo thọ, tổ chức theo hướng mở, nhằm kích hoạt sự tư duy sáng tạo và độc lập của học viên. Cách thi cử sẽ ảnh hưởng đến cách dạy và học. Sự quá tải trong học đường chủ yếu do cách dạy và thi chứ thường không phải do lượng kiến thức hay giờ học.
  • Đào tạo học viên giỏi việc đọc hiểu và viết Hán cổ; viết đúng và viết hay Việt ngữ –  tức thông thạo ngôn ngữ được chuyển dịch và ngôn ngữ chuyển dịch.
  • Về môn học, lấy Hán cổ và Việt văn làm trọng tâm, xem Sanskrit là công cụ tham chiếu quan trọng (với những ai muốn tiến sâu vào con đường phiên dịch Tam tạng), Anh ngữ và Hán ngữ hiện đại (Hán kim) là kênh tham khảo thiết thực (khi các nhà luận giải đương thời sử dụng nhiều hai ngôn ngữ này); các môn thiết yếu là các tác phẩm nội điển kinh-luật-luận; các môn bổ khuyết là những môn hỗ trợ cho mục tiêu đào tạo như: Lịch sử phiên dịch Tam tạng Hán ngữ, Tư tưởng Phật giáo bộ phái, Văn học cổ điển Trung Hoa, Tác phẩm kinh điển Tam giáo v.v., thêm vào đó là các buổi nói chuyện chuyên đề để bổ sung kiến thức, gia tăng niềm đam mê và kích hoạt tinh thần tự học tập, nghiên cứu cho học viên.
  • Dạy thêm chữ Nôm và các tác phẩm của chư tổ sư Việt Nam để Tam tạng Việt Nam mai sau hội đủ thành phần Phật giáo Việt Nam, góp chút công sức trong việc giữ gìn và phát huy tinh thần Phật giáo Việt Nam.
  • Học viên hoàn thành 4 năm học sẽ được cấp bằng. Sau đó nhà trường tổ chức thêm 2 năm luyện dịch nâng cao cho học viên. (không bắt buộc).

Lưu ý: Bản đề án này nên xem như phương thang trị bệnh, người thầy thuốc tùy theo sự chuyển biến của bệnh tình mà gia giảm cho phù hợp, quá trình uyển chuyển điều trị không kém phương thang; cũng vậy, sự điều hành sáng suốt, ứng biến, sát sao và chu toàn của Ban quản trị nhà trường trong toàn bộ tiến trình đào tạo cũng vô cùng quan trọng, dẫn đến sự thành công của đề án.

(Mỗi mục nhỏ có đường hướng riêng, thống nhất với đường hướng tổng quát)

KẾ HOẠCH PHÂN BỔ CÁC MÔN (5 nhóm):

  1. Hai môn trọng tâm: Hán cổ (Cổ Hán ngữ) và Việt ngữ.
  2. Ba môn nội điển: Kinh, Luật, Luận.
  3. Các môn bổ trợ: Ngôn ngữ học đại cương, Từ nguyên học, Âm vận học, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, Thơ thiền Lý-Trần…
  4. Ngôn ngữ bổ trợ: Hán kim, Sanskrit, Anh ngữ, Chữ Nôm.
  5. Chuyên đề bổ sung: Lịch sử phiên dịch Hán tạng, Tổng quan Đại tạng kinh, Kinh nghiệm học cổ ngữ…
  1. HAI MÔN TRỌNG TÂM: Hán cổ và Việt ngữ

Cần phải am tường và thực hành thành thục ngôn ngữ dịch và ngôn ngữ được chuyển dịch. (Ví dụ, không làm được một bài thơ bát cú Việt ngữ thì sao có thể dịch được bài bát cú từ Hán cổ!)

Dạy xuyên suốt 4 năm, mỗi tuần từ 6 tiết.

HÁN CỔ gồm 3 môn thành phần:

1. Ngữ pháp Hán cổ (4 tiết/tuần): Nên để một giáo thọ sư dạy xuyên suốt và có giáo trình/giáo án cho toàn khóa 4 năm. Lấy Cổ văn quan chỉ làm nồng cốt cho những ví dụ và bổ sung những ví dụ từ những áng văn hay của Phật giáo.

2. Văn thể Trung Quốc lược giảng (2 tiết/tuần): Mỗi học kỳ dạy khoảng 2 thể văn (bao gồm thơ). Mỗi thể văn chọn dạy vài tác phẩm tiêu biểu. Dạy kỹ những thể văn phổ dụng, dạy đại cương các thể văn ít phổ dụng. Có thể có nhiều giáo thọ cho bộ môn này. Dạy trực tiếp trên nguyên tác Hán văn.

3. Văn thể Trung Quốc thực hành (2 tiết/tuần): Dạy 4 học kỳ ở lớp Luyện dịch Hán Nôm nâng cao. Trọng tâm tập trước tác các văn thể Trung Quốc phổ dụng.

 

Mục tiêu: Hiểu rõ và thực hành thành thục các kiểu từ/tự và câu cơ bản, thuộc nhiều kiểu câu điển hình. Nắm vững các thể văn, thể thơ cổ điển Trung Quốc. Viết được các thể văn Trung Quốc phổ dụng như: liễn đối, bi ký, thơ thất ngôn bát cú-tứ tuyệt v.v..

VIỆT VĂN gồm 3 môn thành phần:

1. Tiếng Việt thực hành (2 tiết/tuần): Học ngữ pháp Việt ngữ theo lối thực hành ở cấp đại học, tránh lặp lại chương trình cấp III. Nên để một giáo thọ dạy xuyên suốt. Dạy lý thuyết it, thực hành nhiều, thực hành kiểm nghiệm lý thuyết.

2. Văn thể Việt Nam lược giảng, chủ yếu các thể văn cổ điển (2 tiết/tuần): Mỗi học kỳ dạy từ 1-2 thể văn (bao gồm thơ). Mỗi thể văn chọn dạy vài tác phẩm tiêu biểu. Dạy kỹ các thể văn phổ dụng và dạy đại cương các thể văn ít phổ dụng.

3. Văn thể Việt Nam thực hành: Dạy 8 học kỳ (2 tiết/tuần). Trọng tâm tập viết các thể văn cổ điển phổ dụng Việt Nam. Nên mời giáo thọ riêng/nhiều giáo thọ cho bộ môn này.

Mục tiêu: Hiểu rõ và thực hành thành thục các kiểu từ/tự và câu cơ bản, thuộc nhiều kiểu câu điển hình. Nắm vững các thể văn, thể thơ cổ điển Việt Nam. Viết được các thể văn Việt Nam phổ dụng như: liễn đối, bi ký, phú, thơ thất ngôn bát cú-lục bát-song thất lục bát v.v..

Môn bổ trợ trực tiếp cho môn Việt Ngữ:  Ngôn ngữ học đại cương (học kỳ đầu)

Đối với 2 bộ môn Ngữ pháp Hán cổ và Tiếng Việt thực hành, không nên thay đổi giáo thọ sư. Mỗi lần thay đổi giáo thọ là thay đổi phương pháp, cách thức và cả tên gọi hệ thống thuật ngữ làm cho người học phải đi lại từ đầu. Tối kỵ! Vì vậy, việc chọn người dạy bộ môn này phải cân nhắc họ có đủ tố chất, sức khỏe và thời gian gắn bó trong 4 năm hay không. Hai bộ môn này, giáo thọ sư cần phải hoạch định một chương trình dạy toàn khóa 4 năm.

Môn Ngữ pháp Hán cổ trong 4 năm sẽ cung cấp đầy đủ hệ thống ngữ pháp cơ bản về Hán cổ. Tuy vậy, môn ngữ pháp chỉ ra đời khi có tương tác với văn hóa ngôn ngữ Tây phương. Trước đó, tiền nhân bẩm thụ ngữ pháp qua cách đọc và thuộc nhiều áng văn tinh túy. Đây là dạng ngữ pháp uyên nguyên, nó không phân tích chia nhỏ như ngữ pháp ngày nay, nhưng lại giúp người học cảm thụ tốt và sáng tác được Hán cổ. Do vậy, nhà trường cần sắp xếp môn học và định hướng giáo thọ sư theo khuynh hướng này để giúp các học viên có ý thức tự rèn luyện thêm khuynh hướng học ngữ pháp một cách tự nhiên theo kiểu xưa. Được như vậy mới gọi là ôn cố tri tân, học cái hay thời nay mà không bỏ quên cái hay của thời xưa.

  1. BA MÔN NỘI ĐIỂN: KINH, LUẬT, LUẬN

Cấu trúc Tam tạng chia theo kinh-luật-luận, vì vậy việc đào tạo Hán Nôm Phật giáo cũng nên theo cấu trúc này. Giúp học viên nắm được cơ bản cấu trúc Tam tạng, cũng như am tường các kinh điển phổ thông mà tiền tổ đã sử dụng; nếu không chuyên tâm để trở thành dịch giả cũng có thể giảng dạy các bộ kinh-luật-luận tại các trường Sơ-Trung-Cao cấp Phật học.

Ưu tiên chọn các giáo thọ sư cơ hữu, đan xen mời những giáo thọ sư khác có sở trường/thủ đắc một số bộ kinh/luật/luận tham gia giảng dạy.

Giáo thọ sư ngoài việc giảng dạy trực tiếp văn bản các bộ kinh/luật/luận như các năm trước đây, từ khóa XX này trở đi, bắt buộc thêm các buổi giới thuyết đại cương trước khi vào chính văn. Phần giới thuyết nêu được nguồn gốc, các dị bản, lịch sử phát triển, tình hình phiên dịch, vị trí của kinh văn trong toàn bộ văn hệ, những điểm đặc thù-đặc dị của bộ kinh/luật/luận và nội dung tổng quát bộ kinh/luật/luận.

Nên có hình thức giảng dạy và thi cử đổi mới đối với các môn nội điển này, vì việc suốt 8 học kỳ lặp đi lặp lại dễ gây tâm lý nhàm chán đối với học viên.

(Để bổ sung kiến thức cho 3 môn này, cần các buổi nói chuyện đại cương về Luật học, Kinh học và Luận học của Phật giáo… nhằm cung cấp một cái nhìn vĩ mô, tổng thể cho học viên khi đã có chất liệu là đã tương tác trực tiếp trên nhiều văn bản của Tam tạng.)

Kế hoạch dự kiến 3 môn nội điển Kinh-Luật-Luận trong 8 học kỳ:

HK.1

Kinh: A Hàm:

Tăng Nhất A Hàm 增壹阿含經: phẩm Tứ đế 四諦品; phẩm Tam bảo 三寶品; phẩm Thiện tri thức 善知識品...

Trung A Hàm: kinh Ưu-bà-tắc ;  phẩm Xá-lê tử tương ưng, kinh Thủy dụ [3]  舍梨子相應品; phẩm Trường Thọ vương 長壽王品

Trường A Hàm: kinh Du hành 遊行經; kinh Chủng đức 種德經; phẩm A-tu-luân - kinh Thế ký 世記經阿須倫品

Tạp A Hàm: kinh số 15; kinh số 25; kinh số 26…

Luật: Tam quy: Quy giới yếu tập 歸戒要集…; Ngũ giới: Kinh Ưu-bà-tắc giới 優婆塞戒經, kinh Phật thuyết ưu-bà-tắc ngũ giới tướng 佛說優婆塞五戒相經…; Thập thiện: Tại gia luật yếu quảng tập 在家律要廣集

Luận: Môn Lập thệ phát nguyện - Khuyến phát bồ-đề tâm tập 勸發菩提心集, 立誓發願門; Khuyến phát bồ-đề tâm văn - Tỉnh Am thiền sư ngữ lục 省庵法師語錄,勸發菩提心文; Quy Sơn cảnh sách cú thích ký 溈山警策句釋記; Long Thơ tăng quảng Tịnh độ văn 龍舒增廣淨土文...

HK.2

Kinh: Đại tập: Kinh Chánh pháp niệm xứ 正法念處經, Kinh Quán Hư Không Tạng bồ-tát 觀虛空藏菩薩經, Kinh Phật thuyết bát-chu tam-muội 佛說般舟三昧經;

Kinh Tập: Kinh Giải thâm mật 深密解脫經, Kinh Phật thuyết chư đức phước điền 佛說諸德福田經, Kinh Phật thuyết tối vô tỷ 佛說最無比經

Luật: Oai nghi: Tì-ni nhật dụng thiết yếu hương nhũ ký 毗尼日用切要香乳記.

Bồ-tát giới: Phật thuyết Phạm võng kinh Bồ-tát tâm địa phẩm hiệp chú 佛說梵網經菩薩心地品合註, Bồ-tát giới bổn kinh tiên yếu 菩薩戒本經箋要

Luận: Trúc song tùy bút - Vân Thê đại sư di cảo 遺稿,竹窻隨筆; Tịnh độ thánh hiền lục 淨土聖賢錄; Tam bảo cảm thông lục 三寶感通錄...

HK.3

Kinh: Bát đại nhân giác kinh lược giải 八大人覺經略解, Phật thuyết A-di-đà kinh yếu giải 佛說阿彌陀經要解, Phật di giáo kinh giải 佛遺教經解, Thắng Man kinh nghĩa ký 勝鬘經義記...

Luật: Tác trì: Kết giới: Trùng trị tì-ni sự nghĩa tập yếu 重治毗尼事義集要; Yết-ma: Trùng trị tì-ni sự nghĩa tập yếu 重治毗尼事義集要

Luận: Tịnh độ luận 淨土論; Quy nguyên trực chỉ 歸元直指; Bát thức quy củ trực giải 八識規矩直解, Cảnh Đức truyền đăng lục 景德傳燈錄...

HK.4

Kinh: Kim cang tam-muội kinh thông tông ký 金剛三昧經通宗記, Phật thuyết Vu-lan-bồn kinh tân sớ 佛說盂蘭盆經新疏, Quán Vô Lượng Thọ Phật kinh nghĩa sớ 觀無量壽佛經義疏; Chiêm sát thiện ác nghiệp báo kinh huyền nghĩa 占察善惡業報經玄義...

Luật: Tác trì: Bố-tát thuyết giới: Trùng trị tì-ni sự nghĩa tập yếu 重治毗尼事義集要, An cư Tự tứ: Trùng trị tì-ni sự nghĩa tập yếu 重治毗尼事義集要...

Luận: Thiền lâm bảo huấn 禪林寶訓; Đàm tân văn tập 鐔津文集; Phật pháp kim thang biên  佛法金湯編, Ngũ đăng toàn thư 五燈全書

HK.5

Kinh:

Bản duyên: Pháp cú: Pháp cú kinh 法句經;

Phật truyện: Phật bản hạnh tập kinh 佛本行集經, Trung bổn khởi kinh 中本起經, Phật thuyết phổ diệu kinh 佛說普曜經

Luật: Tác trì: Ca-thi-na: Tì-ni tác trì tục thích 毗尼作持續釋; Thuyết tịnh: Tì-ni tác trì tục thích 毗尼作持續釋; Thọ dược: Tứ phần luật khai tông ký 四分律開宗記, Phân vật: Luật tông hội nguyên 律宗會元...

Luận: Vạn thiện đồng quy tập 萬善同歸集, Phật tổ lịch đại thông tải 佛祖歷代通載, Linh Phong Ngẫu Ích đại sư tông luận 靈峰蕅益大師宗論, Duyệt tạng tri tân 閱藏知津, Bát-nhã đăng luận 般若燈論, Thập nhị môn luận 十二門論, Xuất tam tạng ký tập 出三藏記集...

HK.6

Kinh: Bản duyên: Phật bản sanh: Phật thuyết Thiểm tử kinh 佛說睒子經, Phật thuyết thái tử Mộ Phách kinh 佛說太子慕魄經, Trường Thọ vương kinh 長壽王經;

Thí dụ: Pháp cú thí dụ kinh 法句譬喻經, Phật thuyết Quán Đảnh vương dụ kinh 佛說灌頂王喻經

Luật: Tác trì: Truyền giới: Truyền giới chánh phạm 傳戒正範, Thọ giới: Luật Thập tụng 十誦律. Luật Hữu bộ: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da phá tăng sự 根本說一切有部毘奈耶破僧事, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bách nhất yết-ma 根本說一切有部百一羯磨...

Luận: Câu-xá: Luận A-tì-đạt-ma câu-xá 阿毘達磨俱舍論, Câu-xá luận ký 俱舍論記; Lục túc: Luận Thi thiết 施設論

HK.7

Kinh: Lăng-già a-bạt-đa-la kinh tông thông 楞伽阿多羅寶經宗通, Kim cang toản yếu san định ký 金剛經纂要刊定記, Đại bát-niết-bàn kinh tập giải 大般涅槃經集解, Nhân vương bát-nhã kinh sớ 仁王般若經疏 ...

Luật: Chỉ trì: Ba-la-di: Tứ phần giới bổn như thích 四分戒本如釋; Tăng tàn: Tì-ni chỉ trì hội tập 毘尼止持會集, Di-sa-tắc bộ hòa ê ngũ phần luật 彌沙塞部和醯五分律

Luận: Trung luận - Quán nhân duyên phẩm 中論觀因緣品, Ma-ha chỉ quán 摩訶止觀, Đại thừa nghĩa chương 大乘義章, Lâm Tế tông chỉ 臨濟宗旨, Tông cảnh lục 宗鏡錄...

HK.8

Kinh: Lăng-nghiêm tông thông 楞嚴宗通, Diệu pháp liên hoa kinh huyền nghĩa 妙法蓮華經玄義, Pháp hoa văn cú ký 法華文句記, Chú Duy Ma Cật kinh 注維摩詰經, Hộ quốc bồ-tát hội - kinh Đại bảo tích 大寶積經,護國菩薩會

Luật: Chỉ trì: Ba-dật-đề: Luật Ma-ha tăng-kỳ 摩訶僧祇律; Chúng học: Tứ phần tì-kheo giới bổn sớ 四分比丘戒本疏, Diệt tránh: Tứ phần luật hành sự sao tư trì ký 四分律行事鈔資持記...

Luật Hữu bộ: Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì-nại-da 根本說一切有部毘奈耶, Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ bật-sô-ni tì-nại-da 根本說一切有部苾芻尼毘奈耶

Luận: Nhân minh luận 因明論, Thành duy thức luận 成唯識論, Triệu luận 肇論, Hộ pháp luận 護法論, Giải hoặc luận 解惑編, Du-già luận ký 瑜伽論記...

  1. NGÔN NGỮ BỔ TRỢ

Quan điểm: Chuyên một môn và biết nhiều môn.

Các bậc tiền bối phiên dịch của Phật giáo VN có nhiều vị chỉ thông thạo mỗi Hán cổ vẫn dịch rất thành công. Đó là vì các ngài có sự thâm nhập kinh tạng nên “ngộ nhất pháp thông vạn pháp”; các ngài đa phần đều viết đúng, viết hay Việt văn; đặc biệt nhất là người đọc cảm nhận được năng lượng tích cực vô ngôn trong kinh văn quý ngài dịch – được xem là do năng lực tu tập cá nhân mang lại. Đó là cái hay của tiền tổ mà người dịch kinh ngày nay cần phải kế thừa. Không kế thừa sẽ rất thiếu sót.

Ngày nay, Tam tạng có nhiều kênh tham chiếu, khi kinh điển được ghi chép, chú giải rộng rãi trên các ngôn ngữ Sanskrit, Hán kim, Anh ngữ, nên người có nguyện vọng tham gia phiên dịch Tam tạng cũng không nên khước từ lợi thế này. Có một số câu kinh/luật/luận ta biết rằng nếu không có tiếng Sanskrit hoặc sự tra cứu liên văn bản soi chiếu thì khó có thể khẳng định chính xác nghĩa của nó.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể cùng một lúc dung nạp nhiều ngôn ngữ, nên sẽ gia tăng các ngôn ngữ dần dần theo năm tháng. Hán kim bắt đầu từ năm thứ hai, Sanskrit bắt đầu từ năm thứ ba, Anh ngữ và Chữ Nôm bắt đầu từ năm thứ tư. Các ngôn ngữ này, mỗi tuần chỉ dạy 2 tiết nên không thể truyền tải hết kiến thức, cốt yếu là cung cấp một lượng kiến thức cơ bản và giúp cho học viên thấy được vai trò, giá trị, sự cần thiết của ngôn ngữ tham chiếu, gây được tình yêu đối với các ngôn ngữ, từ đó học viên tự nỗ lực đào luyện để hoàn thiện theo mục tiêu riêng của cá nhân.

Chuyên đề bổ sung: Mời những người thành công trong việc học ngôn ngữ/nhiều ngôn ngữ nói chuyện, chia sẻ kinh nghiệm và phương pháp.

  1.  CHUYÊN ĐỀ BỔ TRỢ

Gồm chuyên đề bổ trợ kiến thức tổng quát, như: Lịch sử phiên dịch Hán tạng, Kinh nghiệm phiên dịch, Tổng quan Luật tạng, Cách học cổ ngữ, Thơ văn chữ Hán Nguyễn Trãi v.v..

Và chuyên đề bổ trợ cho các bộ môn khác: Chuyên đề về Hư tự (bổ sung cho môn Ngữ pháp Hán cổ),  Thành tựu nghiên cứu Phật giáo Anh ngữ (bổ sung cho môn Anh ngữ)

Những chuyên đề ngoài việc bổ sung kiến thức còn mang tính gợi mở, gợi hướng, gợi hứng… khi học viên được tiếp xúc với các học giả có sở trường chuyên môn, các giáo sư danh tiếng trong và ngoài nước.

Nhà trường sẽ lựa chọn chuyên đề dựa trên sự cần thiết của việc bổ sung chuyên môn cho học viên trong mối tương quan mật thiết với sở trường/thủ đắc của diễn giả.

Ngoài ra, mỗi học kỳ sẽ có ít nhất một buổi thảo luận nhóm theo từng chủ đề có giáo thọ sư riêng hướng dẫn, như: Chỉ thông thạo Hán cổ, có thể dịch kinh không?; Tiền tổ dịch kinh thế nào? Các hòa thượng Thích Minh Châu, Thích Nhất Hạnh học ngôn ngữ như thế nào? So sánh đối chiếu các bộ từ điển Hán Việt từ xưa đến nay v.v..

Một số chuyên đề dự kiến:

  1. Tổng quan Phật giáo Đại thừa
  2. Tổng quan Luật tạng
  3. Tổng quan Luận tạng
  4. Tổng quan bố cục Đại Chánh tân tu đại tạng kinh: bố cục Đại Chánh tạng theo sách in, bố cục CBETA (Tạng điện tử)
  5. Tổng quan Lịch sử phiên dịch Đại tạng kinh Hán truyền
  6. Hướng dẫn cách đọc Phiên thiết Hán tự
  7. Thành tựu nghiên cứu Phật giáo Anh ngữ
  8. Hư tự
  9. Kinh nghiệm học chữ Hán cổ
  10. Kinh nghiệm học cùng lúc nhiều ngôn ngữ…

PHÂN BỐ MÔN HỌC DỰ KIẾN TRONG 8 HỌC KỲ

Các môn bổ trợ có thể có sự gia giảm và dịch chuyển cho phù hợp với tình hình cụ thể của mỗi học kỳ và sở trường của giáo thọ sư.

 

HỌC KỲ

2 MÔN

TRỌNG TÂM

3 MÔN

NỘI ĐIỂN

MÔN BỔ TRỢ

NGÔN NGỮ BỔ TRỢ

CHUYÊN ĐỀ BỔ TRỢ
(Mỗi tháng 1-2 buổi nói chuyện)

HK.1

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

 -Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Ngôn ngữ học đại cương
  2. Từ nguyên học
  3. Thư pháp

 

 

0

  1. Tổng quan Đại tạng kinh
  2. Thảo luận nhóm: Chỉ thông thạo Hán cổ, có thể dịch kinh không?
  3. Học một lúc nhiều ngôn ngữ
  4. Kinh nghiệm học Hán cổ
  5. Kinh nghiệm luyện thư pháp chữ Hán

HK.2

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

 -Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Từ nguyên học
  2. Thư pháp
  3. Vi diệu pháp căn bản

 

 

0

  1. Lịch sử phiên dịch Hán tạng
  2. Thảo luận nhóm: Các bậc tiền tổ dịch kinh thế nào?
  3. Toát yếu Thanh tịnh đạo luận

HK.3

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

-Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Từ nguyên học
  2. Thư pháp
  3. Lão giáo và tác phẩm kinh điển
  4. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ

Hán kim

  1. Đại cương Luật tạng (2 buổi)
  2. Kinh nghiệm học Hán kim
  3. Toát yếu thiền chỉ và thiền quán
  4. Thơ chữ Hán Nguyễn Trãi

 

HK.4

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

-Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Từ nguyên học
  2. Thư pháp
  3. Những cấu trúc câu thường gặp trong kinh điển Đại thừa
  4. Nho giáo và tác phẩm kinh điển
  5. Lịch sử Phật giáo Ấn Độ

Hán kim

  1. Đại cương Luận tạng (2 buổi)
  2. Kho tàng Tam tạng trong tiếng Sanskrit
  3. Âm vận học
  4. Thơ chữ Hán Nguyễn Du (2 buổi)
  5. Thời sự dịch thuật trong nước và quốc tế

HK.5

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

-Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

 

  1. Thư pháp
  2. Nho giáo và tác phẩm kinh điển
  3. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc
  1. Hán kim
  2. Sanskrit
  1. Kinh nghiệm học tiếng Sanskrit
  2. Học tử ngữ ở các đại học trên thế giới
  3. Thảo luận nhóm……….

HK.6

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

-Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Thư pháp
  2. Nho giáo và tác phẩm kinh điển
  3. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc
  1. Hán kim
  2. Sanskrit

- Thành tựu nghiên cứu Phật học Anh ngữ (2 buổi)

- Những từ Hán Việt dùng sai thường gặp trong ngôn ngữ viết và nói ngày nay

HK.7

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành

-Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Thư pháp
  2. Nho giáo VN và tác phẩm kinh điển
  3. Lịch sử phật giáo Việt Nam từ du nhập đến nay

 

  1. Hán kim
  2. Sanskrit
  3. Chữ Nôm
  4. Anh ngữ

 

- Kinh nghiệm học tiếng Anh

- Những điểm tương đồng và dị biệt giữa kinh A-hàm và Nikaya

(2 buổi)

HK.8

  1. Hán cổ

-Ngữ pháp Hán cổ

-Văn thể TQ lược giảng

  1. Việt ngữ

-TV thực hành -Văn thể VN lược giảng

-Văn thể VN thực hành

 

  1. Kinh
  2. Luật
  3. Luận

(Xem Ba môn nội điển)

  1. Thư pháp
  2. Các Tông phái Phật giáo ở Việt Nam
  3. Các tác gia PG Hán ngữ danh tiếng (tư tưởng-trước tác-văn phong)
  1. Hán kim
  2. Sanskrit
  3. Chữ Nôm
  4. Anh ngữ

 

 

 

 

THỨ 2

THỨ 3

THỨ 4

THỨ 5

THỨ 6

THỨ 7

CN

SÁNG

7:00h-

8:30h

HÁN CỔ

(Ngữ pháp Hán cổ)

KINH

Tăng nhất A-hàm-phẩm Tứ đế, Tam bảo…

 

LUẬT

Quy giới yếu tập

Kinh Ưu-bà-tắc giới

HÁN CỔ

(Ngữ pháp Hán cổ)

LUẬN

Khuyến phát bồ-đề tâm tập

Tỉnh Am thiền sư ngữ lục

Nói chuyện chuyên đề

 

Giải lao

 

 

 

 

 

 

 

SÁNG

9:00h-10:30h

VIỆT VĂN

(Văn thể VN lược giảng)

VIỆT VĂN

(Tiếng Việt thực hành)

HÁN CỔ

(Văn thể TQ lược giảng)

NGÔN NGỮ HỌC ĐẠI CƯƠNG

VIỆT VĂN

(Văn thể VN thực hành)

(mỗi tháng 1-2 buổi)

 

Nghỉ trưa

 

 

 

 

 

 

 

CHIỀU

13:00h-14:30h

 

 

 

 

 

 

 

Giải lao

 

 

 

 

 

 

 

15:00h-16:30h

TỪ NGUYÊN HỌC

THƯ PHÁP

CHỮ HÁN

 

 

THƯ PHÁP

CHỮ HÁN

 

 

HỌC KỲ 1 (26t/tuần, chưa kể các buổi nói chuyện chuyên đề)

Lý giải việc sắp xếp các môn bổ trợ trong học kỳ đầu:

  1. Ngôn ngữ học đại cương hay Cơ sở ngôn ngữ học Tiếng Việt: Nhằm cung cấp một cái nhìn vĩ mô, hệ thống về cấu trúc ngữ âm, ngữ thái, ngữ nghĩa và ngữ vựng tiếng Việt. Nhà phiên dịch là người tư duy và tương tác hằng ngày với ngôn ngữ; việc nắm vững quy luật của ngôn ngữ một cách hệ thống, bài bản sẽ giúp cho học viên có cái nhìn đúng đắn, chuẩn mực về các vấn đề liên quan đến ngữ nghĩa (tránh lệch lạc) và là nền tảng cơ sở bổ trợ cho sự tiến bộ ở các bộ môn liên quan về lâu dài.
  2. Từ nguyên học: Nhằm giúp học viên có kiến thức vĩ mô về văn tự học Cổ Hán ngữ; giúp nhớ sâu, khắc sâu chữ Hán, hiểu thấu đáo từng chữ Hán và tiếng Việt có liên quan (Hán; Hán-Việt; Nôm). Khác với các ngôn ngữ khác đa phần chỉ có âm-nghĩa, Hán tự có cấu trúc là hình-âm-nghĩa. Việc nắm sâu nguồn gốc từ qua việc phân tích, chiết tự, truy tầm từ nguyên… sẽ khai thác được phẩm chất của Hán tự.

Dự kiến học trong 3 học kỳ: Học viên sẽ nắm được những kiến thức cơ bản về từ nguyên và nhớ như in khoảng 500 chữ Hán thông dụng (trung bình mỗi tuần học 8 chữ). Lúc này học viên sẽ ngưng môn này để dành thời giờ cho những môn khác. Tuy không học hết mọi từ vựng, nhưng chuyên tâm học đến đây, học viên đã nâng tầm cảm thụ Hán tự khá tốt rồi, hình thành lối mòn tự nhiên tiếp nhận và nhớ sâu Hán tự một cách căn cơ.

  1. Thư pháp: Học kỳ đầu học 4 tiết/tuần, các học kỳ sau học 2 tiết/tuần.

Học mà chơi-chơi mà học. Học với tâm thế nhẹ nhàng, mưa dầm thấm lâu, đặt mục tiêu phù hợp với sở trường, sở nguyện của mình.

Nhằm khắc phục cái lỗi đọc được mà viết ít được của học viên Huệ Quang lâu nay.

Có nhiều văn bản được viết theo lối triện thư, thảo thư v.v., nếu không nắm được cách viết, cũng không đọc được.

Cảm thụ được vẻ đẹp của chữ Nho, qua đó tăng thêm niềm đam mê với Cổ Hán ngữ.

Giúp học viên nắm vững phép viết chữ Hán cổ (theo đúng nghĩa của từ thư pháp), nhớ sâu, khắc sâu chữ Hán, đam mê chữ Hán; còn việc trở thành một nhà thư pháp là do thiên tư và quyết tâm riêng của cá nhân, ngoài phạm vi đào tạo của nhà trường.

Lưu ý: Các học viên là cử nhân/thạc sĩ/tiến sĩ các ngành Ngữ văn/Hán Nôm có quyền không học hai môn: Tiếng Việt thực hành và Ngôn ngữ học đại cương.

PHÂN BỔ THỜI GIAN

Học luôn mùa Hạ, vì theo truyền thống các chùa, thời gian Tết-Phật đản-Vu-lan, tăng ni sinh phải nghỉ hết 2 tháng, nếu nghỉ thêm 3 tháng Hạ thì không đủ thời gian học. Thời gian gián cách quá lâu cũng làm cho việc học bị gián đoạn, nguội lạnh, ảnh hưởng đến nhịp học của học viên. Thời gian học bị rút ngắn cũng ảnh hưởng đến thời gian và giáo án của giáo thọ. Do vậy, Ban điều hành Trung tâm cần trao đổi với Giáo hội địa phương để học viên được đi học. (Nếu cần có thể đeo thẻ Học viên Huệ Quang khi đi học trong giai đoạn này.)

Học 24-30 tiết/tuần. Ngoài ra, dự kiến sẽ có các buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức vào thứ 7/chủ nhật. Trung bình mỗi tháng 1-2 kỳ.

Các môn trọng tâm và nội điển học vào buổi sáng. Các môn bổ trợ học vào cuối ngày. Tạo một khoảng thời gian trống dài để các học viên tương tác trao đổi (học nhóm) rèn luyện thêm tại lớp/thư viện. Buổi trưa, cả lớp dùng cơm ở trai đường. Học viên nội trú về phòng, các học viên ngoại trú nghỉ tại lớp học/thư viện, các học viên ở gần có thể về chùa.

ĐỐI VỚI HỌC VIÊN NỘI TRÚ

Trung tâm sẽ nhận tối đa 10 học tăng  (không nhận học ni và cư sĩ) chấp thuận các điều kiện:

+ Ngoài 2 thời công phu bắt buộc, học viên dành toàn tâm toàn ý, toàn thời gian cho việc học. Hạn chế mọi phan duyên tiếp khách, cúng đám, hoạt động “Phật sự” hay trở về chùa tổ.

+ Trong 4 năm, học viên không sử dụng điện thoại và máy vi tính riêng.

(Trung tâm sẽ bố trí một phòng học có máy lạnh, máy vi tính, mạng cho học viên tại Thư viện. Học viên có thể mang theo máy vi tính cá nhân để lại ở phòng này).

(Nếu học viên xin vào quá 10 người, Trung tâm sẽ ưu tiên điểm thi tuyển từ cao đến thấp.)

Do không có nhiều phòng, nên các học viên hạn chế mang đồ dùng và sách vở vào phòng, để phòng ở được rộng rãi. Tư liệu tham khảo hầu như Thư viện Huệ Quang không thiếu, nên học viên không phải mua sắm nhiều.

(Việc không sử dụng điện thoại và mạng riêng này cần phải áp đặt với các học viên nội trú. Việc này tuy khó nhưng hiệu quả sẽ vô cùng to lớn và sẽ là sự khác biệt đáng kể nhất đối với các khóa trước đây.

Về lâu dài, các học viên nội trú học hiệu quả sẽ tạo nên lực lượng hạt nhân và tâm lý khát ngưỡng cho các khóa sau).

VỀ  GIÁO THỌ SƯ

Chiêu mộ hiền tài, không phân biệt vùng miền, địa vị, khuynh hướng, miễn là có một số quan điểm chung, có chuyên môn sở trường đều nên quy tụ. Có thể dùng người có tư chất kỳ dị, nhưng tuyệt đối không dùng người thiếu phẩm hạnh và tư cách đạo đức.

Bằng cấp, tước phẩm là tiêu chí phụ; thực tài, chuyên môn, phương pháp truyền đạt, khả năng truyền cảm hứng cho học viên, tâm huyết và khí độ là những tiêu chí chính.

Cách thức lựa chọn giáo thọ: Cố gắng mời được những người ưng ý nhất có thể trong từng bộ môn. Có cân nhắc đến yếu tố gắn bó với Huệ Quang lâu dài và phù hợp việc đi lại, sức khỏe. Giáo thọ không nhất thiết là người danh tiếng nhất trong bộ môn, nhưng là người có khả năng giúp học viên tiến bộ nhất bộ môn đó theo quan điểm của Trung tâm.

Yêu cầu giáo thọ cung cấp giáo trình hoặc tối thiểu phải có giáo án đại cương cùng với đường hướng áp dụng giáo trình/giáo án ấy trong mối tương hợp với đường hướng và kế hoạch đào tạo của nhà trường (khi mời giáo thọ phải cung cấp cho họ bản “Đường hướng và kế hoạch”, cũng như trao đổi, góp ý để xây dựng chương trình bộ môn cho phù hợp, sát với nhu cầu của học viên Huệ Quang. Mời trước ít nhất vài tháng để giáo thọ có thời gian chuẩn bị. Có một số bộ môn đặc thù nên mời trước/định hướng trước một hoặc thậm chí vài năm. Có nhiều giáo thọ sư giỏi nhưng nhiều việc hoặc ở nước ngoài nên chủ động mời trước nhiều tháng/năm).

Việc mời giáo thọ sư và sắp xếp các bộ môn từ khóa XX do Chánh văn phòng đặc trách học vụ phụ trách (sau khi đã trình qua với Ban điều hành).

THI CỬ - TỐT NGHIỆP

Đầu vào: thi Hán văn và Việt văn.

Đối tượng:

- Tu sĩ: tốt nghiệp các trường Trung cấp Phật học, Cao đẳng Phật học, Học viện Phật giáo hoặc tương đương, học viên học các chuyên khoa Phật học khác.

- Các đối tượng không phải Tăng ni sinh nếu có khả năng và nhu cầu học cũng có thể tham gia thi tuyển, như: sinh viên các ngành thuộc hệ khoa học xã hội (đặc biệt Hán Nôm), giáo viên dạy ngữ văn, các nhà nghiên cứu muốn học thêm Cổ Hán ngữ v.v..

Mọi học viên phải có trình độ học vấn thế học tối thiểu là tốt nghiệp cấp III.

Hồ sơ và mọi thông tin đăng trên website thuvienhuequang.vn hoặc fanpage Lớp Hán Nôm Huệ Quang/Thư viện Huệ Quang.

Đề nghị: Giáo thọ sư được chọn của môn Hán cổ và Việt văn tham gia chấm thi cùng Ban Điều hành.

Học viên thi đậu vào Lớp Hán Nôm được học miễn phí hoàn toàn trong 4 năm.

Các học viên không đậu vào Lớp Hán Nôm có nhu cầu học và với số lượng trên 40 vị nhà trường sẽ mở Lớp Hán Nôm dự bị. Lớp này học viên phải đóng học phí.

Học viên hoàn thành 8 học kỳ và khóa luận/thi tốt nghiệp sẽ nhận bằng cấp của Trung tâm (Có mẫu thiết kế riêng).

Các học viên sau khi tốt nghiệp muốn tham gia vào Ban dịch thuật của Trung tâm hoặc có nhu cầu học nâng cao thì ghi danh vào Lớp Luyện dịch nâng cao với học trình 2 năm. (Không đóng học phí)

 

ĐƯỜNG HƯỚNG VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO

LỚP LUYỆN DỊCH HÁN NÔM NÂNG CAO

(học trình 2 năm)

Hai năm này, học viên làm việc chính, giáo thọ sư giữ vai trò tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ học viên. Giáo thọ sư sẽ ít giảng dạy, trình bày, thay vào đó dành nhiều thời gian cho việc tổ chức thảo luận, chấm bài, sửa văn v.v..

Khuyến khích nhiều môn học tổ chức theo hướng thảo luận nhóm, chia thành những nhóm nhỏ thuyết trình, phản biện. Quá trình tự tìm hiểu, vắt óc tư duy và tranh biện về chủ đề mình quan tâm có thể giúp học viên sáng tỏ thêm nhiều điểm và am tường sâu sắc, nhớ lâu các chủ đề chuyên môn, nhớ một cách thích thú không phải miễn cưỡng. Quá trình ấy cũng hình thành thói quen làm việc nhóm, thói quen biết lắng nghe và trình bày sở kiến cá nhân, thói quen xử lý những va chạm trong sinh hoạt học thuật, giúp học viên trưởng thành và dễ dàng làm việc tập thể về sau.

Số môn học và tiết học giảm nhưng học viên phải làm việc nhiều hơn ở nhà.

  1. Hai môn trọng tâm:

- Hán cổ: Giáo thọ sư không dạy ngữ pháp Hán cổ mà để học viên phân tích và thực hành ngữ pháp Hán cổ.

- Dạy trước tác bằng Hán văn các thể văn Trung Quốc phổ dụng (tức môn Văn thể Trung Quốc thực hành).

- Dịch lại một số tác phẩm kinh điển văn chương Trung Quốc và Việt Nam theo phong cách và sở trường riêng của học viên.

  1. Ba môn nội điển:

- Ba môn kinh-luật-luận chuyển từ giảng dạy sang luyện dịch. Giáo thọ sư hướng dẫn học viên dịch văn bản ở nhà và sửa ở lớp. Không chỉ chú trọng nội dung đúng sai mà còn quan tâm sát sao cách chọn từ, viết câu, ngôn ngữ dịch thuật của học viên.

- Có ít nhất một môn kinh/luật/luận chia nhóm để dịch trong mỗi học kỳ.

  1. Ngôn ngữ bổ trợ:  Duy trì 4 ngôn ngữ phụ: Hán Kim, Sankrit, Anh ngữ, chữ Nôm mỗi môn 2 tiết/tuần nhưng dạy theo hướng thực hành dịch văn bản là chính. Giáo thọ sư cho học viên tập dịch/phiên âm các đoạn văn ngắn và dễ rồi nâng dần lên dài và khó.
  2. Môn bổ trợ: Dịch thuật đối chiếu:

- Đối chiếu các bản Hán dịch của một bản kinh/luật/luận (Vd: Khảo sát những điểm tương đồng và dị biệt của các bản Hán dịch kinh Kim cang)

- Đối chiếu các bản Việt dịch của một bản kinh/luật/luận (Vd: Khảo sát những điểm tương đồng và dị biệt của các bản Việt dịch kinh Di giáo)

- Đối chiếu văn bản đa ngôn ngữ (Vd: Kinh Pháp cú qua các bản Phạn-Hán-Anh ngữ)

Học/thảo luận môn này, không cốt yếu phải đi đến kết luận cuối cùng, nhưng quá trình suy niệm, đối chiếu, trao đổi, tranh biện sẽ làm cho tư tưởng dịch thuật của học viên trưởng thành hơn.

- Tư tưởng Phật giáo bộ phái

- Tập dịch thơ Đường, tập dịch thơ thiền Lý Trần, Tập dịch văn biền ngẫu

- Tập dịch tự bạt trong sách Hán Nôm Trung Quốc và Việt Nam

- v.v..

  1. Chuyên đề:

- Quan điểm dịch thuật từ Hán sang Việt xưa và nay

- Cách học giả Tây phương dịch kinh văn sang Anh ngữ

- “Ngũ bất phiên” có còn hoàn toàn đúng trong thời điểm hiện nay? (thảo luận)

- Phương pháp và quan điểm thảo luận nhóm

- v.v..

Huệ Quang, trọng xuân Quý Mão, 2023

Ban Điều hành

TTDTHN Huệ Quang

 

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài