Thiền uyển truyền đăng lục 5 quyển của Hòa thượng Phúc Điền

Thiền uyển truyền đăng lục 5 quyển của Hòa thượng Phúc Điền

Hòa thượng Phúc Điền, hiệu An Thiền, người gốc Hà Tây (nay là Hà Nội) sinh ra và xuất gia vào khoảng triều Tây Sơn, hoằng dương đạo pháp vào các triều Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Ngài được biết đến với hai công hạnh nổi bật. Thứ nhất trùng hưng nhiều ngôi già lam danh tiếng ở miền Bắc, như các chùa Pháp Vân, Đại Giác, Phú Nhi, Liên Trì, Liên Phái,… Việc thứ hai là sưu tầm và tổ chức khắc ván nhiều bộ kinh sách quan trọng của Phật giáo, đặc biệt các bộ có liên quan đến Phật giáo sử, mà nhờ đó ngày nay chúng ta có thêm chút tư liệu về thiền tổ, thiền phái nước Nam vốn còn quá ít ỏi. Một trong những bộ sách đó là Thiền uyển truyền đăng lục 5 quyển.

 Sách Hán Nôm do hòa thượng Phúc Điền trước tác, diễn Nôm hoặc biên tập được biết đến nay còn có:

  1. Đạo giáo nguyên lưu 3q (còn gọi là Tam giáo quản khuy).
  2. Thiền uyển truyền đăng lục 5q (Gồm Kế đăng lục HQPĐTS-10: Thiền uyển truyền đăng lục 43/1-43/2)
  3. Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi (HQPĐTS-34)
  4. Tại gia tu trì Thích giáo nguyên lưu
  5. Thiền lâm bảo huấn diễn Nôm (HQPĐTS 31/1-31/2)
  6. Thiền lâm quy ước (HQPĐTS-12)
  7. Tam bảo hoằng thông
  8. Phóng sinh giới sát văn
  9. Hiệu đính Phật tổ thống ký
  10. Sa di luật nghi giải âm
  11. Tam giáo nhất nguyên giả âm
  12. Hộ pháp luận diễn âm
  13. Thái căn đàm diễn âm

Trùng san kinh sách Hán văn:

  1. Kinh Hoa Nghiêm
  2. Kim Cương Di Đà kệ chú chân kinh
  3. Vô Lượng Thọ kinh
  4. Đại phương tiện Phật báo ân kinh chú nghĩa
  5. Giải hoặc biên
  6. Đỉnh hồ sơn chí

(Những bản có mở ngoặc ghi HQPĐTS là những tựa đã được Thư viện Huệ Quang phục chế theo nguyên bản)

Để hiểu thêm về nguồn gốc của Thiền uyển truyền đăng lục, chúng tôi xin trích dẫn đoạn khảo cứu của thầy Thích Đồng Dưỡng trong bài “Các truyền bản Kế Đăng Lục” đăng trên “Đặc san Suối Nguồn số 3&4”, ấn hành năm 2012.

“Theo như chúng ta biết, vào thời Hậu Lê, thiền sư Như Sơn soạn và khắc in (Kế Đăng Lục) năm Giáp Dần (1734). Đến đời nguyễn, vào năm Tự Đức thứ 12 (1859), Phúc Điền có tục biên một số vị thiền sư phái Lâm Tế vào bản sách của Như Sơn và cho khắc in bộ Kế đăng lục. Theo bài tựa do Phúc Điền viết:

“Nước ta xưa có Thiền uyển làm lục, Tập anh làm tên, chép đại khái các bậc cao tăng thạc đức của ba triều đại. Nội dung lỗ mỗ bất nhất, văn mạch khó phân, cho nên hiệu đính lại, chép ra khắc in lưu hành, để giữ bản cổ, riêng làm quyển thượng. Đến triều Trần có một quyển Thánh đăng ngữ lục, chỉ chép ba tổ triều Trần, có tích không hình. Đến đời Hậu Lê, tổ sư Như Sơn noi theo sách Ngũ đăng hội nguyên, soạn thành ba quyển, có hình có tích. Bắt đầu từ Phật Uy Âm, thứ đến 7 Phật Thế Tôn, sau nữa đến 28 tổ Tây thiên, 6 tổ Đông độ, và 3 tổ Chuyết Công, Minh Lương, Chân Nguyên thuộc pháp phái Lâm Tế và 2 vị hòa thượng Thủy Nguyệt và tổ sư Tông Diễn thuộc chính tông Tào Động ở nước ta. Pháp phái Lâm Tế từ tổ Chân Nguyên truyền đến thượng sĩ Cứu Sinh về sau chưa được bổ sung vào. Nhân đó, lão tăng theo thứ tự kế đăng ở trên mà tiếp tục phụ thêm 5 vị tổ sư có hình có tích từ cuối đời nhà Lê cho đến khoảng năm Mậu Ngọ niên hiệu Tự Đức thánh triều, trong có bậc thượng sĩ xuất trần, phụng xứ cao lưu tu trì; ngoài có thánh quân đại thần, tại gia cư sĩ ngoại hộ, nếu sắp xếp thì có thứ tự, thương xót đèn tổ tàn mà sắp mất, vì thế lão tăng đem hết tâm lực, mấy phen lược chép từ ba tổ nhà Trần, hai phái Lâm - Tào, chân tục nhị đế, làm thành một tập cùng Ngoại khoa tạp lục, biệt làm quyển hạ, khiến pháp truyền nhau, mà đèn tiếp nối”.

Phúc Điền đã làm một công việc là vừa khắc in hai tác phẩm Thiền uyển tập anh, Kế đăng lục, vừa biên tập một quyển hạ để trở thành một bộ sách gồm 5 quyển, lấy tên là Thiền uyển truyền đăng lục, như ông đã ghi với tên đề Truyền đăng ngũ quyển. Từ những cơ sở do Phúc Điền đưa ra, chúng tôi tiến hành thu tập các tư liệu còn lại trong các thư viện. Viện Nghiên cứu Hán Nôm có một quyển với dòng đầu ghi “Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục quyển thượng” (kí hiệu A 2767)13, cuối sách tờ 65a10 ghi “Đại Nam Thiền uyển truyền đăng quyển thượng”, gáy sách từ tờ 1 đến cuối sách đều đề “Thiền uyển truyền đăng lục quyển thượng”. Theo các nhà nghiên cứu, bản sách này là bản in lại sách Thiền uyển tập anh mà Phúc Điền có nói và Ông cho nó trở thành quyển thượng của bộ sách mình. Theo Phúc Điền, ba quyển Kế đăng lục sẽ là ba quyển tiếp theo. Còn quyển cuối được ông đề là quyển hạ và do chính ông viết. Quyển hạ của sách Truyền đăng cũng còn được trân tàng tại Viện Nghiên cứu Hán nôm, kí hiệu VHv.6. Dòng đầu của tờ 1 ghi “Đại Nam Thiền uyển kế đăng lược lục, tự trần chư tổ Lâm Tế - Tào Động quyển hạ” trên gáy đề “Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ”. Như thế, cả hai quyển thượng hạ, trên gáy sách vẫn đề là Thiền uyển truyền đăng lục và có thể chính là tên mà Phúc Điền muốn đặt cho tập sách của mình.”

Ba quyển giữa của Thiền uyển truyền đăng lục chính là bản Kế Đăng Lục (tên đầy đủ là Ngự chế Thiền uyển thống yếu kế đăng lục) của Như Sơn được trùng khắc gồm quyển nhất, quyển tả và quyển hữu. Truyền bản Kế Đăng Lục in thời Lê (Giáp Dần 1734) của Như Sơn hiện không còn, Bản trùng san lại năm Tự Đức thứ 12-1859 của Phúc Điền đóng thành 3 tập rời hiện Viện Hán Nôm được biết có quyển hữu (chính là bản AC.158b mà Thích Đồng Dưỡng đã chứng minh thuộc truyền bản Tự Đức 1859) và Thư viện Huệ Quang có quyển nhất cùng niên đại; quyển tả hiện chưa tìm thấy. Truyền bản Kế Đăng Lục chùa Nguyệt Quang, Hải Phòng in vào Duy Tân nguyên niên-1907 (hiện còn trân tàng tại chùa Linh Ứng, Gia Lộc, Hải Dương. Bản này dễ bị nhầm lẫn là bản Tự Đức do chữ Duy Tân được để nhỏ ở bài bạt cuối sách) và truyền bản Kế Đăng Lục được thực hiện trong bộ Việt Nam Phật Điển Tùng San vào năm 1943 (Bản này in lại bản chùa Nguyệt Quang nhưng bỏ đi lời bạt của ngài Phổ Thận trùng khắc năm Duy Tân nên hay bị nhầm là y cứ vào bản Tự Đức).

          Thiền uyển truyền đăng lục quyển thượng chính là trùng khắc lại nguyên bản Thiền uyển tập anh với nhan đề (Trùng khắc) Đại Nam thiền uyển truyền đăng tập lục quyển thượng.

          Thiền uyển truyền đăng lục quyển hạ được khắc bản với nhan đề Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục tự Trần chư tổ Lâm Tế, Tào Động quyển hạ.

          Quyển thượng trước nhan đề có thêm chữ trùng khắc (khắc lại) quyển hạ thì không. Quyển thượng ghi Phúc Điền hòa thượng đính tử (sửa bản in) trong khi quyển hạ ghi Phúc Điền hòa thượng phần hương biên tập (đốt hương biên soạn). Khảo sát sơ bộ quyển thượng nhận thấy hòa thượng Phúc Điền không đưa bài tự đầu sách và bài bạt cuối sách vào lần trùng khắc không hiểu có dụng ý gì. Lần này ngài đã chấm câu cho văn bản vốn không được chấm câu ở văn bản thời Lê. Ngài thêm hoặc bớt một số chữ ở một số câu (như đoạn nói về thiền sư cảm thành, bản thời Lê ghi: “Kiến Sơ tự đệ nhị thế Cảm Thành thiền sư Tiên Du nhân dã tính thị sơ xuất gia đạo hiệu Lập Đức…”; bản trùng khắc của ngài ghi: “Kiến Sơ tự, đệ nhị thế, Cảm Thành thiền sư, Tiên Du nhân dã, vị tường tính thị, sơ xuất gia, đạo hiệu Lập Đức”. Ngài đã chấm câu và thêm vào chữ vị tường). Ngài cũng thay đổi một số tục tự như chữ Tiên Du (Tự điển không đủ font chúng tôi không thể dẫn ra, bạn đọc quan tâm có thể đối chiếu các sách, đều đã được Thư viện Huệ Quang ấn hành)… Để hiểu thêm sự khác biệt giữa Thiền uyển truyền đăng lục quyển thượng và Thiền uyển tập anh cần phải khảo sát bài bản kĩ lưỡng hơn nữa mới có thể đưa ra những nhận xét về giá trị của hai văn bản. Tuy nhiên, trước mắt chúng tôi nghĩ quyển thượng của Thiền uyển truyền đăng lục cũng đã giúp ích rất nhiều cho việc phiên dịch tác phẩm Thiền uyển tập anh thời Lê, bởi kiến văn của ngài Phúc Điền khá rộng, hơn nữa vào thời ngài, sách về lịch sử chư tổ còn đầy đủ hơn ta ngày nay nên đã là nguồn tham khảo chất lượng cho những kiến giải của ngài thể hiện qua quyển thượng mà chúng ta có thể thừa hưởng được.

          Truyền đăng lục quyển hạ là một bộ thiền sử rất quý ghi chép thuần túy về chư tổ Việt Nam tiếp nối từ cuối thời Trần, rồi Lê cho đến thời của ngài là đầu Nguyễn-một giai đoạn còn nhiều khoảng trống- xem như tiếp nối sứ mệnh của quyển thượng ghi chép Thiền sử từ thời Trần về trước. Quyển hạ là một pho Thiền sử quan trọng và quý hiếm nhưng chưa từng được khảo sát, phiên dịch và giới thiệu đến học giới thật là một điều đáng tiếc.

          Thiền uyển truyền đăng lục thượng và hạ mà chúng tôi được tận mục sở thị còn lưu trữ ở ba nơi. Viện Hán Nôm có quyển hạ mấy trang đầu bị mất chữ. Thầy Thích Đồng Dưỡng chùa Ba Phong, Quảng Nam sưu tầm được cả hai quyển thượng, hạ nhưng đều mất một số chữ ở mấy trang đầu cả hai quyển. Thư viện Huệ Quang là nơi thứ 3 lưu trữ đủ bộ thượng, hạ và may mắn không bị mất chữ mấy trang đầu. Thư viện Huệ Quang đã phục chế lại bộ Thiền uyển truyền đăng lục thượng, hạ dựa vào 3 nguồn lưu trữ trên.

            Như vậy Thư viện Huệ Quang đến nay đã phục chế lại theo như nguyên bản trọn bộ Thiền uyển truyền đăng lục 5q của hòa thượng Phúc Điền. Bao gồm Kế đăng lục mang ký hiệu HQPĐTS-10 và Thiền uyển truyền đăng lục thượng, hạ mang ký hiệu 43/1-43/2

Huệ Quang, Hạ Tuần tháng 7 năm Canh Tý
Thích Không Hạnh kính ghi


CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài