Trang chủ Ấn phẩm Luận Hương hoa vườn giáo pháp (Pháp uyển châu lâm)

Hương hoa vườn giáo pháp (Pháp uyển châu lâm) - hết hàng

Tác giả Pháp sư Đạo Thế

Dịch giả Ban Dịch thuật Hán Tạng Pháp Âm

Kích thước 16.5x24.5 cm

Số quyển 5 quyển

Năm xuất bản 2018

Hình thức Bìa cứng, có hộp

Nhà xuất bản Hồng Đức
Đơn giá

HƯƠNG HOA VƯỜN GIÁO PHÁP ( PHÁP UYỂN CHÂU LÂM) - Pháp sư Đạo Thế biên soạn, tái bản năm 2018 có sửa chữa.

"Pháp uyển châu lâm" một trăm quyển do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường, Trung Quốc. Sư họ Hàn, người Trường An, Kinh Triệu. Năm mười hai tuổi, sư xuất gia tại chùa Thanh Long. Sau thời gian tu tập, sư nổi tiếng tinh thông Luật học. Trong khoảng niên hiệu Hiển Khánh (556-561), sư tham gia dịch trường của ngài Huyền Trang. Sau đó, sư vâng chiếu chỉ đến trụ tại chùa Tây Minh cùng với ngài Đạo Tuyên xiển dương Luật học. Năm Hiển Khánh thứ tư (659), sư soạn xong bộ "Chư kinh yếu tập" hai mươi quyển. Sư lại tiếp tục dành khoảng thời gian mười năm (659-668) mở rộng bộ này thành bộ "Pháp uyển châu lâm", mời Lan đài thị lang Lí Nghiễm viết lời tựa. Theo các nhà nghiên cứu Phật học, sách này có hai điểm đặc sắc:

1. Ghi chép đầy đủ về người và vật: Hoàn toàn chú trọng vào sách y cứ, không ức thuyết, suy đoán, hư cấu. Vì thế Pháp uyển đã dẫn dụng rất nhiều kinh sách. Ngoài ba tạng của nhà Phật, còn có sấm thư, vĩ thư của Nho gia, Đạo sĩ pháp luân kinh, Lão Tử thăng huyền kinh... là kinh điển của Đạo giáo. Sư lại trích dẫn cả Tạp sử, Bại sử, như Ngụy lược, Tề xuân thu, Liệt dị truyện, Tinh dị truyện... Nếu việc gì không có điển cứ thì y theo lời của người thời bây giờ kể, như Vương Đồng Nhân, Vương Huyền Sách, Uyển sư, Pháp Vân, tì nữ của Thôi Nghĩa Khởi...

2. Bảo tồn được những văn hiến và sử liệu quí báu: Về Phật điển, Pháp uyển trích dẫn văn của năm mươi hai loại kinh sách đã thất lạc mà từ lúc soạn Khai Nguyên Thích giáo lục đến nay chưa tìm thấy, như kinh Thiện quyền, Quán Phật tam-muội, Tịnh độ tam-muội... cùng rất nhiều bản kinh nghi ngờ không do Đức Phật thuyết bị thất lạc. Về ngoại thư thì dẫn những đoạn văn trong Minh tường kí, Trung Thiên Trúc hành kí của Vương Huyền Sách... nay đã thất truyền.

Pháp uyển châu lâm, "Pháp uyển" tức sự hội tụ Phật pháp; "châu" là báu vật, dụ cho giáo pháp Phật-đà quí giá và dung thông vô ngại; "lâm" nghĩa là nhóm họp. Như vậy Pháp uyển châu lâm là một bộ sách trọng yếu, gom tập tất cả những tinh hoa của Phật pháp.

Bộ sách này có đầy đủ tính chất của một bộ Bách khoa toàn thư Phật giáo. Toàn sách gồm một trăm chương, từ chương Kiếp lượng đến chương Truyện kí. Tùy theo nội dung, đặc tính của mỗi chương mà phân chia thành sáu trăm sáu mươi tám bộ. Trong mỗi chương hoặc bộ, ngoài việc dẫn dụng ba tạng, truyện kí, còn có riêng phần Cảm ứng. Phần này trích dẫn người, vật, sự việc trong một trăm tám mươi bảy bộ sách nội ngoại giáo để minh chứng. Trong đó bao gồm các sách về sử kí, bút kí, Chư tử, chưởng cố, tiểu thuyết... Đặc biệt, những dẫn chứng đều chú trọng đến xuất xứ, nếu là sự việc đương thời thì mỗi mỗi đều ghi là do người nào, ở đâu kể lại.

Vì sách trích dẫn rất nhiều nội ngoại điển, lại được sắp xếp có hệ thống, tùy theo nội dung mà phân ra chương mục riêng biệt, nên rất dễ dàng tra cứu và xem đọc, không thể thiếu đối với hành giả nghiên cứu tu tập. Hơn nữa, những đoạn kinh văn dẫn dụng không phải sao chép nguyên bản mà trích chọn những yếu nghĩa liên quan đến đề tài muốn nói. Đây thật là một bộ sách cực kì quí báu trong kho tàng văn hiến Phật giáo.
...

Thích Nguyên Chơn giới thiệu