Đầu thế kỷ XX, trước trào lưu Tân Học sôi nổi, các cụ nhà Nho như Trần Tế Xương phải thốt lên:
Nào có ra gì cái chữ Nho,
Ông nghè ông cống cũng nằm co.
Chi bằng đi học làm thầy phán,
Tối rượu sâm banh, sáng sữa bò. (Chữ Nho)
Đến đầu thế kỷ XXI, để có một tương lai xán lạn, bên cạnh bằng cấp người ta chọn học các ngôn ngữ Anh, Hoa, Nhật...
Nếu hiểu lỗi thời là đi ngược lại xu hướng của số đông thì hiển nhiên việc học chữ Nho đã quá lỗi thời.
Nhưng điều đó không có nghĩa là việc học chữ Nho tước đi tương lai xán lạn của bạn.
Xin đừng nhìn việc học chữ Nho như một sự hoài cổ hay một lòng bi mẫn, dầu rằng, động lực tinh thần ấy đã đưa bạn đến với việc học chữ Nho.
Học chữ Nho cần xem như một trách nhiệm vì kho tàng của tiền nhân phần đa vẫn chưa được chuyển sang chữ Quốc ngữ.
Học chữ Nho như một phương tiện tất yếu để am tường Việt ngữ một cách căn cơ, khi mà cơ cấu của Việt ngữ vẫn là một sinh thể chưa thể tách rời với chữ Nho.
Cần giỏi chữ Nho để hiểu được người xưa, hiểu được minh triết Á Đông.
Với sự duyên hệ về ngôn ngữ, văn học và văn hóa của chữ Nho trong cơ cấu Việt ngữ, việc giỏi chữ Nho không chỉ giúp bạn giỏi một cổ ngữ đơn thuần, mà còn có thể làm sâu sắc hơn trong mọi lĩnh vực bạn tham dự. Vì sao? khi "công cụ của tư duy" đủ đúng đắn và khế hợp trong nền minh triết bạn đang thụ hưởng, nó nhất định mang đến cho bạn một nội lực nhận thức sâu sắc.
Cho nên, chữ Nho hiện nay, không chỉ nên được dạy cho những người có lòng hoài cổ, mà còn nên dạy cho những người trẻ tuổi, và cần phải dạy có phương pháp, để trong một thời đại có quá nhiều thứ phải học, họ vẫn có thể theo học và giỏi trong một khoảng thời gian không cần quá dài.
Lớp Từ Nguyên và Nho Văn ở Huệ Quang đang được vận hành theo tông chỉ đó.
(Ảnh) Lớp Từ Nguyên 1, vừa khai giảng sáng nay tại Phòng đọc Thư viện Huệ Quang do thầy Nguyễn Hữu Minh HIển phụ trách. Lớp học vào 9:00-10:30 thứ 7 và CN hằng tuần.
Hiện tại có Lớp Từ Nguyên 1 học ban ngày và Từ Nguyên 2 học buổi tối. Trong năm nay, Huệ Quang không mở thêm Lớp Từ Nguyên nào nữa. Hai Lớp hiện có sẽ được học dần lên.
Sài Gòn, Trọng Xuân, Giáp Thìn
Lãn Văn