Đôi dòng kỷ niệm về Thầy tôi - Hòa thượng Thích Minh Cảnh

Đôi dòng kỷ niệm về Thầy tôi - Hòa thượng Thích Minh Cảnh

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Kính bạch giác linh Thầy,

Năm 12 tuổi (1995), mẹ đưa con từ Quảng Nam vào Sài Gòn gởi cho thầy Nguyên Chấn là bạn của cha con. Thầy Nguyên Chấn gởi con ở chùa Vô Ưu để ni trưởng Như Phương tìm nơi thích hợp. Ni trưởng xin Thầy nhận con làm đệ tử. Lúc đó Thầy nói với Ni trưởng: “Còn nhỏ quá ốm đau tui không chăm sóc được”, nhưng chỉ tám ngày sau con được Thầy làm lễ xuất gia và bảo thượng tọa Nguyên Chơn cạo tóc để lại một cái chỏm. Con trở thành chú tiểu với pháp danh Không Hạnh và là người nhỏ nhất chùa khi đó. Sao mà mau vậy? Không phải trải qua mấy năm công quả sao? Có lẽ thầy sợ con buồn rồi bỏ chạy về nhà chăng? Lúc đó lớp lớn có các thầy: Nguyên Chơn, Viên Khai, Nguyên Hiền, Chiếu Sáng, Thiện Mỹ và Vạn Hạnh chuyên lo công việc phiên dịch. Lớp kế có các sư huynh Huệ Định, Minh Tâm, An Tuệ, Đồng Thọ và Minh Thuận đến nương thầy tu học. Sau khi hoàn thành bộ Từ Điển Phật Học Huệ Quang, thượng tọa Nguyên Chơn tham gia Ban phiên dịch và giảng dạy thêm một thời gian, các vị khác đều bổ xứ trụ trì hoặc về chốn tổ. Thượng tọa Viên Khai và Nguyên Hiền còn lui tới giảng dạy và phụ công việc với Thầy cho tới nay. Các thầy lớp sau, thầy Huệ Định về coi sóc Sơn Bửu, thầy Minh Tâm lên Trị An, hai thầy Đồng Thọ và Minh Thuận du học ở Trung Quốc mười mấy năm mới trở về gần đây. Trong thời gian đó, thầy Nguyên Trang, là người trực tiếp coi sóc mọi công việc. Còn con chỉ làm mỗi một việc thư viện. Việc duy trì Ban phiên dịch, lớp học và xây dựng chùa đến ngày hôm nay một phần rất lớn nhờ vào sự ngoại hộ của các thượng tọa Chơn Quang, Thiện Thuận của một số cư sỹ như Thiện Chí-Hoàng Mạnh Hùng (đã mất), chú Việt.

Kính bạch Thầy!

Nếu không buông được sự ray rứt, hẳn sự dằn vặt sẽ làm cho con rất đau khổ, khi những ngày cuối Thầy nằm trên giường bệnh, con cũng không thường xuyên kề cận chăm sóc Thầy. Mặc dù trước đó Thầy đã nói với thầy Nguyên Trang: “Thầy nói Không Hạnh mỗi ngày lên tui gặp ít nhất hai lần, tui có một đứa đệ tử mà nó ở đâu đâu”. Trong suốt mấy mươi năm theo Thầy, nhìn lại, con chỉ làm điều con thích, hiếm khi con cố gắng thực hiện điều Thầy mong muốn. Con không hiểu tại sao Thầy hiếm khi ngăn chặn sở thích của con. Thích đánh cờ tướng cho đánh cờ tướng, chỉ nói “đánh dễ, dừng mới khó”; vào đại học thích học ngành gì cho học ngành đó không cản cũng không định hướng; thích ở Huệ Nghiêm thì viết thư gởi hòa thượng Thích Minh Thông để con được thu nhận, thích Vipassana cũng chiều không phân biệt đại thừa tiểu thừa, thích nhập thất cho nhập thất. Ra thất ham làm ham chơi quên vào lại cũng không nhắc. Con chỉ miên man làm một việc liên quan đến bảo tồn tư liệu, bỏ cả tụng kinh ngồi thiền cùng đại chúng cũng không la rầy. Con không biết Thầy tin tưởng vào sự tự giác của con hay là bó tay buông xuôi nó luôn cho rồi! Gần 20 năm trước, có lúc giận Thầy con đã viết tờ giấy bỏ trong lu gạo nói là sẽ đi luôn. 50 ngày sau con quay lại, quỳ dưới chân Thầy, Thầy chỉ hỏi đúng 3 tiếng: “Sao vậy con?”. Rồi cả Thầy và con đều im lặng. Từ đó con biết kiếp này nhân duyên đã sắp đặt mình gắn bó với Thầy, với ngôi chùa Huệ Quang này rồi. Con ở với Thầy mãi đến giờ không còn đi nữa. Con vào chùa từ năm 1995 nhưng mãi đến 2015 mới chịu thọ Đại giới ở Huệ Nghiêm Thầy cũng không hề la rầy hay bắt con phải đi thọ giới, nhưng khi con xin đi thọ giới và xin vô ở Huệ Nghiêm thì Thầy rất vui. Đây là lần hiếm hoi con làm Thầy vui. Sau này, soạn đồ đạc bắt gặp chứng điệp thọ giới của thầy con mới hiểu. Thì ra Thầy bảy tám tuổi vào chùa mà cũng 33 tuổi mới thọ Đại Giới. Hèn chi!

Ngày nay, thư viện Huệ Quang (một phần của TTDTHN Huệ Quang) do con trực tiếp coi sóc, đã trở thành nơi lưu trữ đầy đủ các tư liệu Phật giáo nhất ở nước ta. Nhưng con luôn nghĩ có được điều đó là khởi phát từ tấm lòng trân quý tài liệu và tầm nhìn giáo dục xa rộng của Thầy. Bản thân Thầy nhặt nhạnh từng tờ báo từng quyển sách nát và tự tay may lại. Mỗi chuyến đi nước ngoài về, trong 4 va li thì 3 đã là sách. Mới năm ngoái đây, mặc dù đã nhuốm bệnh Thầy vẫn cố gắng na thêm về một số sách từ nhà của nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở Mỹ. Thầy theo dõi sát sao công việc của thư viện cho đến tận những ngày trọng bịnh, để kịp thời nhắc nhở những chỗ sai lệch. Thầy không giữ tiền chùa, nhưng tiền cá nhân Thầy luôn trích ra một phần để cho Thư viện. Thầy luôn hỏi tháng này có đủ tiền trả lương cho mấy nhỏ không. Chưa bao giờ khó khăn hay cần bổ sung sách báo mà Thầy không cho ít nhiều. 1/3 diện tích chùa hiện nay đang được sử dụng vào việc thư viện.

Đối với việc dạy chúng và học trò, Thầy hiếm khi lên tiếng khuyên răn điều này điều nọ. Thậm chí có khi thấy sai lầm Thầy làm ngơ như không. Không biết có phải Thầy lấy thân giáo và tự giác làm chính không? Chưa bao giờ thấy Thầy có một lời nói hay một ám chỉ này nọ phân biệt chư tăng các vùng miền khác nhau. Nhờ đó mà các huynh đệ, các học viên đến từ khắp mọi miền đất nước đều sum vầy trong một mái chùa, một lớp học. Thầy cũng không nặng nề chuyện ai là đệ tử mình. Chính vì điều đó con không muốn gần Thầy nhiều, để Thầy không thành của riêng ai, huynh đệ xung quanh ai đến với Thầy cũng tự nhiên, để nhiều người được gần gũi Thầy. Có lẽ Thầy cũng muốn điều đó nên chẳng bao giờ trách móc sự xa lánh có khi đến lạnh lùng của con. Khi Thầy tiếp khách, đối với người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn, người tri thức kẻ ít học, nét mặt Thầy đều phẳng lặng không khác. Thầy không khen chúng trong nhà và không chê người ở ngoài, ít khi trình bày quan điểm này nọ, chẳng bao giờ nói chuyện đại sự to tát. Để thấy được chính kiến của Thầy người ta cần phải tôn trọng để ý việc Thầy làm chứ đừng hi vọng Thầy nói ra. Thầy sống không có phe nhóm, không nói lời cổ xúy hình thành phe nhóm. Thầy bố thí hay cho ai một thứ gì đều không có ý cho người ta quý mình hay ngả về hướng mình. Thầy sống bình dị, mộc mạc, kiệm ước và nói ít làm nhiều. Thầy hầu như không làm phật lòng bạn đồng tu dù ở trong khuynh hướng nào, không mất lòng kẻ sĩ dù ở chính kiến nào và được chính quyền và người dân địa phương quý mến. Tâm hồn thầy trong sáng như trẻ thơ mặc dù luôn sâu sắc như người nhìn thấy được tương lai. Chúng ở với Thầy, có người siêng học, có người siêng tu, có người siêng cả hai, có người không siêng một cái nào nhưng ai ai cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều từ nếp sống của Thầy, thành ra chúng ở Huệ Quang tuy chân chất, quê mùa mà lại dễ thương, hiền lành, ít khoa trương thích làm hơn thích nói. Ai đi xa về hoặc ở xứ lạ tới có cảm nhận như một mái nhà quê.

Khi còn khỏe, Thầy rất hay dẫn lớp học đi du khảo tham quan đây đó, vui chơi thoải mái, nhưng kỳ thực đối với thi cử Thầy rất cấm kị chuyện quay cóp và Thầy chấm điểm rất khó. Thầy mà chấm điểm trung bình nghĩa là khá rồi đó. Đối với học trò Thầy rất nghiêm khắc, không bao giờ khen, có lẽ dịch bài mà không bị chê là tương đương với khen rồi. Trong chúng chưa bao giờ Thầy trực tiếp khen ai dù một vài chữ khá lắm, giỏi lắm. Nên những người ở gần thầy tự nhiên sự chờ đợi khen chê cũng nhờ đó mòn dần. Thầy la ngay mỗi khi học viên mắc lỗi. Thầy nghiêm đến mức có vị gặp Thầy là run không còn nói năng trả bài gì được. Thầy rầy như vậy nhưng không có một người nào giận Thầy hay ghét Thầy. Có người hỏi sao lạ vậy? con không biết Thầy có hoàn toàn từ bi trong khi la hay không. Con nghĩ đó là do thầy la cái nguyên tắc chứ không la một người nào. Người nào phạm vô cái nguyên tắc đó thì bị la, có khi thầy la xong hôm sau hỏi lại thầy không nhớ thầy đã la người nào.

Thầy rất thanh đạm thiểu dục tri túc trong sinh hoạt từ việc ăn, việc mặc, việc ngủ, việc đi lại và cả đến việc xây dựng chùa chiền. Gần mười năm rồi mà ngôi chùa vẫn chưa hoàn thành. Tâm huyết muốn có một cơ ngơi cho hoạt động phiên dịch và dạy học cũng không khiến thầy nôn nóng hơn. Điều này đối với chúng con thật là một điều kì diệu và chắc còn lâu lắm mới học được. Người ta có thể không tham những cái xấu nhưng cho phép mình tham lam đối với cái họ cho là tốt. Thầy thì không như vậy.

Thầy có biệt tài trong việc hiệu chỉnh văn, thầy sửa chữ rất đắt, đơn giản ngắn gọn nhưng chính xác và gần như không thể sửa cách khác hay hơn được. Thầy đã thay chữ nào vào rồi thì khó thay chữ khác được. Hàng ngàn học viên đã được trực tiếp học từ Thầy, có người giỏi kĩ năng này có người giỏi kĩ năng khác nhưng việc sửa văn khó tìm ra vị giáo thọ có thể sửa nhanh gọn và chính xác như Thầy. Đây là điều làm cho học viên nào biết để tâm học luyện dịch trực tiếp từ Thầy sẽ mau tiến bộ. Cả cuộc đời của Thầy dường như chỉ dành cho sự nghiệp phiên dịch Đại tạng và giáo dục, giáo dục cái chính cũng để quay lại phiên dịch Đại tạng. Xây chùa lập viện cũng cốt để có nơi làm hai việc đó. Cả ba việc đó đều đã đi được những bước dài nhưng đều cùng chung tình trạng dang dở khi thầy ra đi. Lớp đầu tiên của Thầy có những vị ưu tú như các thượng toạ: Viên Khai, Nguyên Chơn, Nguyên Hiền, Vạn Hạnh… các ni sư Nhật Đạo, Diệu Phúc, Như Hiếu, Như Giác, cô Huyền. Nhưng người tài thì nhiều nơi cần nên sau khi hoàn thành bộ Từ Điển Phật Học Huệ Quang rồi mỗi người mỗi nơi, Thầy lại kiên trì với các khóa tiếp theo đến nay đã hơn 15 khóa. Khóa 2 và 3 tuy không được Thầy kỳ vọng như khóa đầu nhưng thủy chung với Thầy suốt 20 năm, cùng trải bao thăng trầm, cùng nếm bao ngọt bùi để cùng với Thầy thực hiện cái nguyện ước cao cả cho đến tận ngày thầy quảy dép ra đi. Hiện còn các thầy Thiện Thuận, Nguyên Trang, Chúc Tâm, Chúc Thuận, Quảng Hùng, Vạn Thiện, các sư cô: Tắc Phú, Lệ Tuyên, Khánh Hiếu, Ngộ Bổn, Huệ Trang, Linh Thảo, Giới Niệm, Viên Lộc, Diệu Thảo, Diệu Quý, Hạnh Xuyến. Hiệu đính văn bản thì còn thượng tọa Phước Cẩn, cư sỹ Định Huệ đều đã già yếu. Chẳng biết rồi đây sẽ ra sao?

Thầy có những nguyên tắc bất di bất dịch, tuy việc nhỏ nhưng kiên định phải lớn lắm mới giữ được nó suốt mấy mươi năm như vậy:

- Không bỏ định kỳ viếng tháp sư ông Huệ Hưng và viếng thăm sư ông Trí Tịnh.

- Không bỏ sám hối và bố tát.

- Không bỏ ăn cơm quá đường, tuyệt đối không nhận thọ trai ngoại viện trong ba tháng hạ.

- Nghỉ ăn chiều vào ngày sám hối và bố tát và không ăn ngũ vị tân.

- Thọ trai ở nơi nào thầy cũng ăn nhiệt tình như ở nhà, không khách sáo xã giao.

- Ăn chung và ăn cùng một loại thức ăn với đại chúng.

- Không mang dép vào nơi đi chân không dù có dơ đến mấy.

- Chỉ la, bị phản ứng ngược lại, im lặng.

- Không nói lỗi người khác, không nói làm người khác bực dọc.

- Hay nói vui và dí dỏm nhưng chừng mực và tế nhị, nói ít nhưng nói đúng.

- Tôn quý di vật của tiền nhân, giữ gìn cẩn thận đồ vật không để nó bị hư hại.

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Mấy tháng gần đây bịnh Thầy có ngày tăng có ngày giảm, nhưng nhìn chung càng lúc càng đi xuống. Có lẽ Thầy cũng ý thức rõ điều này nhưng bao sở nguyện còn dang dở nên Thầy cứ kiên trì thử nhiều loại thuốc.

Ngày 22 tháng 6 âm lịch, Thầy cho gọi con vào và nói: “Ngoài việc thư viện, con có thể đảm trách thêm một số việc khác nổi không?” Và con mau chóng làm cho thầy thất vọng như mọi khi. Con đã nói: Con không muốn làm nhiều việc, sức khỏe và khả năng của con hạn chế, chùa mình bây giờ là một trung tâm lớn cần phải có người đủ tầm vóc đảm đương”. Đúng lúc đó có người vào thăm Thầy.

Dù con không thích làm nhiều việc, nhưng việc Thầy đặt niềm tin vào con cũng ít nhiều có gây cho con một sự phấn khởi vì được Thầy tin tưởng. Nhưng con và mọi người biết rằng, chưa đến lúc Thầy trông chờ vào con, Thầy đang trông chờ vào một người khác, một người mà Thầy đã chờ đợi hàng chục năm.

Cũng ngày hôm đó, Thầy gọi thầy Quang là vị thị giả có biết chút đông y vào và bảo: “Ông bắt mạch xem là mạch 10 ngưng hay mạch 15, để xem đi có đúng lúc không, nếu mạch 10 ngưng xem như tới số rồi. Xưa ông già tui mạch 30 ngưng nhằm mạch Thái tố hai tháng sau là mất”. Con không biết Thầy có rơi vào mạch Thái tố không vì vị thị giả không dám nói, nhưng từ ngày đó đến ngày Thầy đi là ngày 3 tháng 9 al, hơn 2 tháng mấy ngày.

Mấy hôm sau, Thầy lại ngã bịnh nặng, chân bắt đầu sưng lên căng cứng lần thứ hai, mọi người vào thăm Thầy ra đều lắc đầu nói Thầy sắp đi rồi. Con vào an ủi thầy, con nói: “Vô thường có thể làm mình bịnh nặng thì cũng có thể làm mình khỏe lại”. Thầy gật đầu nói “Hi vọng vậy”.

Khoảng một tháng sau, Thầy lại cho gọi con vào, chỉ ngồi xuống và nói, hiếm khi nào Thầy có cái động thái trịnh trọng đó: “Nè con, con ba mấy tuổi rồi, cần để ý cách cư xử, đối nhân xử thế của người khác”. Con im lặng như đồng ý, nhưng lại nghĩ rằng vụ này hơi khó, để từ từ tính, học làm em bé thì dễ dàng hơn, làm người đúng đắn sao mà khó quá. Có lẽ vì vậy mà trong mắt Thầy và trong mắt mọi người con luôn còn nhỏ. Nhưng con thích mãi mãi được nhỏ như vậy.

Quan sát Thầy, con biết Thầy luôn hi vọng bịnh mình có thể qua khỏi hoặc duy trì được một thời gian nữa. Bao nhiêu công việc: Việc chùa, việc Ban phiên dịch, việc lớp học chưa có người tiếp nhận đã gián tiếp bắt Thầy phải đấu tranh triền miên với cơn bịnh. Thầy luôn ở trong trạng thái tỉnh táo, càng bịnh dường như lại càng tỉnh. Khi quý hòa thượng vào thăm, thầy lắc đầu nói: “Nó không đau đớn gì hết, chân ngày càng sưng lên nhấc đi không nổi”. Thầy dường như đã tách được cái thân bệnh riêng ra khỏi sự hay biết vậy. Do đó cũng chữa bệnh, cũng hi vọng nhưng không thấy khổ sở khó chịu gì.

Thế mà, huynh đệ chúng con còn học đòi khuyên Thầy buông đi mà không biết rằng với Thầy việc buông và nắm dường như không khác nhau nữa:

Học người xưa, giữ tâm Thầy lúc cận kề sinh tử
Có hay đâu, nỗi lo nhân thế tuyệt tích đã lâu rồi.

Xin thưa quý ngài:

“Muôn duyên cắt đứt tấm thân nhàn
Hơn tám mươi năm cõi mộng tàn
Giã biệt xin đừng theo hỏi nữa,
Bên kia trăng gió mặc thênh thang”
(Mượn ý thơ tổ Pháp Loa qua lời dịch của hòa thượng Thích Phước Sơn)

Một tuần trươc khi ra đi có cá vị tôn túc pháp lữ thân thiết của thầy thường xuyên lui tới thăm hỏi như Hòa thượng Minh Thông ở Huệ Nghiêm, Hòa thượng Minh Thanh ở Bửu Sơn, Hòa thượng chùa Báo Ân, hòa thượng chùa Giác Nguyên, hòa thượng Trí Minh, hòa thượng Huệ Xướng, các huynh đệ chùa Vạn Đức, ni trưởng Vạn Đức, ni trưởng Như Phương… Có vị thăm Thầy vào buổi sáng sớm, có vị thăm vào buổi tối để có thể trò chuyện với Thầy được lâu. Quý ngài đó và Thầy có một mối ân tình thật sâu nặng.

Mấy mươi năm qua Thầy đã xuất gia cho nhiều huynh đệ như thầy Không Tú, thầy Tân, thầy Hải (ở Úc), thầy Ba (tập sự)… cũng về kề cận bên Thầy. Nhưng con không hiểu sao Thầy lại nói đệ tử chỉ có mỗi mình con?

NGÀY CUỐI CÙNG

Sáng ngày mùng 3 Thầy trở bịnh nặng nói chuyện khó khăn do đàm bắt đầu lên. Tối qua có lẽ Thầy đi tiêu nhiều nên mất sức. Có người mang bình oxy đến nhưng Thầy và chúng con đều quyết định để Thầy tự nhiên vì đến lúc ra đi Thầy cũng vẫn có thể nói chuyện bằng cách gật đầu hay lắc đầu với thầy Chúc Tâm và con đang hầu một bên.

Khoảng 7 giờ sáng Thầy bảo báo tin cho thành hội. Một giờ sau quý vị giáo phẩm vào thăm thầy trong khoảng nửa tiếng. Lúc này con không được ở bên Thầy nên không biết được diễn biến sức khỏe thầy trong thời gian này.

Khoảng 10 giờ Thầy không nói chuyện rõ nữa, Thầy bảo cho uống nước muối để tan đàm, uống xong chỉ có thể nói vài từ ngắn gọn mà các vị thị giả thân cận mới hiểu được.

Khoảng 11 giờ Thầy uống loại thuốc tây dùng tan đàm để nói chuyện với hòa thượng Minh Thông vào thăm nhưng vẫn không nói được nhiều.

Khoảng 11 giờ 30 phút, thầy thuốc trị bịnh cho Thầy cho uống loại thuốc tan đàm ông tự chế.

Lúc này thị giả Chúc Tâm hỏi: “Niệm Phật cho sư phụ nha”. Thầy gật đầu, và mọi người bắt đầu niệm Phật Di Đà.

Khoảng 12 giờ, Thầy hỏi thầy Chúc Tâm thuốc mới uống là thuốc nào. Sau đó thầy thuốc tiếp tục bôi thuốc khắp mình Thầy và cho uống tới hai ly thuốc đen do ông phục chế.

Khoảng 12 giờ 30 phút, Thầy hỏi ngày giờ. Thầy Chúc Tâm báo ngày mùng 3 tháng 9 âm lịch. Thầy gật đầu nhưng đôi mắt có vẻ không vui. Lúc sáng dọn tờ lịch trên bàn Thầy thấy có xếp ngày 4 âm lịch để sẵn, không biết ngày Thầy chờ đợi có phải ngày 4 không? Lúc này con còn muốn hỏi Thầy nhiều điều nhưng thấy Thầy đã mệt rồi nên để Thầy nghỉ. Trong suy nghĩ của tụi con một phần thấy Thầy có thể kéo dài thêm một hai hôm nữa nên chần chừ không hỏi.

Khoảng 13 giờ Thầy bắt đầu thở dốc, thầy Chúc Tâm bảo thầy thuốc ngưng đi, niệm Phật. Huynh đệ và mọi người tập trung vào niệm Phật cầu nguyện cho Thầy. Lúc này Chúc Tâm nói “buông nghe sư phụ, buông nghe”, Thầy gật đầu và để hai tay trong tư thế thiền, mắt khép dần lại.

Khoảng 13 giờ 20 phút, Thầy mở mắt ra, dường như nhìn mọi người lần chót, sau đó khép dần lại. Rồi cứ khoảng hai ba phút lại thở dốc một hơi. Mũi Thầy lúc này trào ra một ít nước thuốc uống quá nhiều khi này. Giây phút cuối mắt đã nhắm, bên khóe mắt Thầy có lăn ra một giọt nước mắt. Hơi thở cuối cùng thở ra không vô lại được đúng vào lúc 1 giờ 35 phút.

Trong lúc niệm Phật, thượng tọa Chơn Quang có vào bảo mặc niệm thôi. Hòa thượng Huệ Xướng trong buổi họp sau đó cũng nói nên như vậy. Thực ra hai vị nói trúng tâm nguyện của Thầy. Thầy từng nói Sư Ông (Huệ Hưng) trước kia chuyên tu thiền và trì luật, Thầy cũng tu thiền. Các sàn thiền của Sư Ông đều được Thầy trân quý giữ lại. Trong thời khóa của chùa sau này vì học chúng nhiều nơi đến học đã thay đổi nhiều nhưng lúc nào cũng có thời khóa thiền. Con nghĩ rằng nếu con hỏi giữ im lặng và không niệm Phật chắc chắn Thầy cũng sẽ gật đầu, nhưng như thế có thể làm tổn thương nhiều người có nhiệt tình cầu nguyện cho Thầy. Nhân duyên đã như vậy, Thầy đã tùy duyên, con cũng cố gắng mà học theo. Với con, tâm thế Thầy lúc ra đi là quan trọng nhất. Đôi tay an tường của Thầy đã cho con niềm tin và sự an ủi. Thầy thiền rồi niệm Phật cũng thành thiền thôi.

Thật là!

Người vào đời, không thấu lẽ đạo, đường lợi danh đâu đâu cũng vướng;

Thầy nhập thế, cũng dựng chùa, cũng xây tháp, cũng tụng kinh tọa thiền, cũng viết sách dịch kinh, song lấy có làm không do thấu hiểu điều nhiệm màu trong ý đạo, nên thong dong tự tại giữa trần ai.

Kính bạch Thầy,

Thực ra từ sáng sớm Thầy đã biết là Thầy sẽ ra đi. Khoảng 6 giờ sáng thầy bảo thầy Khai Giác: tui sắp đi. 7:30 Thầy lại nói với thầy Quang: “Lần này tui đi luôn”. Thầy chưa bao giờ thích nói cái kiểu dự báo như vậy. Thầy nói lần đầu và trở thành lần cuối. Con tự hỏi tại sao Thầy biết đi mà không gọi mọi người lại dặn dò, nhưng con đã kịp hiểu ra, đó mới là Thầy. Thầy không thích tỏ ra này nọ, tỏ ra mình biết trước thời gian đi để nuôi dưỡng tâm thể hiện của đồ chúng. Điều này con còn kém Thầy lắm.

Có lẽ con có nhiều điểm tương đồng với Thầy, nên con gặp Thầy trò chuyện nói ít mà hiểu nhiều, có khi chỉ nhìn rồi im lặng thế là đủ nhưng chính điều đó lại làm cho con không ở lâu bên Thầy được, vì thấy nói thêm nữa chỉ là thừa. Nhưng có một thứ rất cần giống Thầy thì con lại khác Thầy. Con sống cho sở thích của con, Thầy sống cho sở thích của người khác. Chính vì vậy, Thầy bảo con học cách đối xử của người khác con không biết phải bắt đầu từ đâu. Mấy ngày nay ngồi dưới kim quan Thầy con mới thấm thía sự kiên trì nhẫn nại của Thầy khi phải làm một vị trụ trì và con cũng thấy rõ hơn trí tuệ và công phu tu tập của Thầy rất sâu qua việc ứng nhân xử thế không mất lòng một người nào.

Kính bạch Thầy,

Công việc không bề bộn dang dở kiểu này thì cũng bề bộn dang dở kiểu khác. Sự dang dở không bao giờ kết thúc, chỉ có sự chấp nhận về sự dang dở là có kết thúc và nằm trong khả năng của chúng ta. Con nghĩ đời sống Thầy cũng nói lên điều đó. Thầy đã buông xả mọi thứ và tỉnh thức tới hơi thở cuối cùng. Đôi tay đến phút ra đi được khép hờ giống nhau trong tư thế thiền, rất tỉnh thức và đầy an tường. Cho đến sáng hôm sau trước lúc tẩm liệm, đôi tay vẫn ở trong tư thế rất đẹp đó. Đây quả là niềm an ủi và là lời giáo huấn sau cùng của Thầy đối với lớp hậu học chúng con.

Nam Mô A Di Đà Phật cầu nguyện giác linh Thầy chứng giám.

Huệ Quang một ngày trước khi di quan thầy
đêm mùng 5 tháng 9 năm Mậu Tuất (13-10-2018)
Đệ tử là Không Hạnh thành kính ghi lại

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài