Hòa thượng Thích Minh Cảnh trong một chuyến sưu tầm cùng Thư viện Huệ Quang

Hòa thượng Thích Minh Cảnh trong một chuyến sưu tầm cùng Thư viện Huệ Quang

Thư viện Huệ Quang hiện tại có thể được xem là nơi lưu trữ đầy đủ nhất tư liệu Hán Nôm, sách, báo chí Phật giáo ở nước ta. Có được điều đó là cả chặng đường dài miệt mài theo đuổi đường lối mà Thầy chúng tôi đã chủ trương. Sinh tiền, Hòa thượng đã sát cánh cùng Thư viện trong các chuyến sưu tầm. Dưới đây là hình ảnh và bài viết về chuyến sưu tầm tư liệu ở miền Tây năm 2012 do Hòa thượng đích thân ghi lại trong cuốn sổ tay của mình. Tâm huyết Ngài đã dành cho nền tư liệu Việt Nam, đặc biệt là tư liệu Phật giáo đến chúng tôi là những người kề cận cũng không khỏi bất ngờ.

“Ngày 30-3-12 (10-3 Al)

Sáng nay dự định đi Sadec sớm mà hôm qua mượn xe không nói kỹ. Được cho mượn xe 4 chỗ mà mình cần là xe 7 chỗ phải cầu đổi lại.

Đổi xe được, 9 giờ mới khởi hành. Đi nhằm thứ 7, nhằm giỗ tổ Hùng Vương, người ta đi nhiều, xuống Long Định bị kẹt cầu, tới chùa Kim Huệ Sadec 12g30 trưa.

Đoàn sưu tầm tại chùa Kim Huê.

Ăn cơm trưa làm việc. Nhờ tác động của anh Ngọc, Thiền Lâm cũng hoan hỷ, cho mở tủ kinh soạn sách cho mình lựa, những quyển nào chùa cần thì để lại, còn những quyển cũ kỹ không cần thiết thì cho mình.

3g30 mới bắt đầu lên chùa Phước Huệ.

Trước tiên gặp mấy cô tiền trạm, nhờ mình có đôi nét giống H.T. thầy Cả, họ nể nang cho gặp mặt sư bà Giác Ngọc. Ni trưởng nay cũng 96t, còn minh mẫn, có nhớ có quên. Nhờ vậy hỏi thăm một vài chi tiết về lớp học ni của chùa Phước Huệ xưa. Sau đó, hưởng ứng việc sưu tầm tài liệu cho thư viện, mấy cô mở tủ cho một số sách, có mấy bộ bản Bắc, mấy quyển Quy Nguyên nghĩa chữ Nôm.

Hầu chuyện sư bà chùa Phước Huệ.

Xong việc xuống nhà tương ăn hủ tiếu, anh Ngọc đãi mà mấy cô không lấy tiền, cả những hũ chao hột, chao miếng, bình nước tương cũng biếu luôn.

Trên đường về ghé chùa Hương, chẳng có sách vở chi, được cho bịch xoài cát Hòa Lộc to tròn mỗi trái bằng bắp chân.

Tối ngủ lại ở chùa Kim Huê, sáng ra Thiện Hương có việc không theo đoàn nữa. Hẹn với Huệ Tài 8 giờ xuống Vạn An, nhưng lần quần ăn sáng một người 1 tô đầy, làm thủ tục từ giã mấy thầy. Tội nghiệp H.T. Thiên An đưa ra tới cổng. Ghé nhà anh Ngọc rồi lên đường xuống Vạn An.

Thấy ngõ vào cấm xe 4 bánh, phái đoàn phải lội bộ, may đường không xa. Chùa Vạn An nằm bên bờ phải của rạch Cái Xép, rạch uốn quanh, từ ngoài đường lớn nhìn vào có cảm giác như chùa ở bên kia rạch. Hồi đưa Phật ngọc về chùa chỉ làm xong phần dưới, nay làm thêm phần trên một tầng nữa có cổ lầu, từ xa đã nhìn thấy phần cổ lầu vàng rực vượt qua ngọn cây ở phía dưới. Chùa mới nằm bên chùa cũ, sức chứa được khoảng 30 chúng, nhưng hình như chỉ có Huệ Tài, thường vắng mặt với công tác ứng phó giao tiếp.

Về lại chốn tổ Vạn An.

Đến Vạn An, Huệ Tài tỏ vẻ hoan nghinh công việc về thư viện của mình nhưng nói tư liệu đem gởi hết, không có để ở chùa, chờ ý kiến của Quảng Nghiêm. Sự thực thì để trong tủ nhà sau. Nói ba điều bốn chuyện chụp được hình chư ni của lớp Vạn An hồi năm 1940 sau khi ở chùa Bà Ba Xàng đem qua.

Đây là tư liệu cần cho bài viết về trường ni ở Nam Bộ.

Hy vọng ở Vạn An được xem hoặc chụp ảnh một số sách, mà Huệ Tài nói vậy thì đành chịu.

Trở lại chùa Hội Phước ở Nha Mân. Chùa đã cất xong chánh điện, xây theo lối Bắc, bề rộng lớn hơn bề sâu, những cột kèo toàn bằng gỗ. Phía sau đang xây giảng đường và làm hậu tổ. Công trình rất rộng lớn, tuy xây trệt nhưng đáng giá nhiều tỷ bạc.

Không có Thiện Phước ở nhà, mấy chú bảo đi về Saigon. Còn lại mấy thầy nhỏ vừa mới thụ tỳ kheo ở Huệ Nghiêm hôm 19-2 vừa rồi. Sẵn dịp nói vài điều sách tấn mấy chú. Tất cả đều hoan hỷ. Kế qua thăm khu mộ tháp bên trái chùa. Khu mộ tháp sơn sửa lại rất khang trang.

Sách tấn các chú ở chùa Hội Phước.

Đọc bia tháp tổ chùa Hội Phước.

Tại tháp tổ chùa Hội Phước.

Giã biệt chùa Hội Phước.

Như thế, chuyến đi ngày nay coi như lỗ vốn không được gì thêm. May sao, thầy Thoa đi trong đoàn nhớ lại một điểm ở Cái Tàu Hạ là chùa Phước Long, trụ trì hồi xưa có học Hán văn với thầy có sách cổ chữ Hán. Chùa  ở dốc cầu Cái Tàu Hạ từ Bắc lên, đi vào ngõ một đoạn. Vào chùa thì thầy trụ trì đi vắng, có vị sư huynh phụ tá, nghe mình trình bày và cho thầy Thoa nói chuyện bằng điện thoại, cuối cùng họ cho mình tùy ý muốn gì cứ lấy. Soạn trong đống sách cũ rách, còn lại một ít sách sửa lại dùng được, có quyển Minh Tâm bảo giám quyển 2 của Pétrus Ký dịch giải. Thầy Thoa xin. Thầy phụ tá trụ trì giới thiệu ở chùa Long Hòa gần cầu Bắc còn một số sách ở đây đem về dưới.

Mình ghi nhận điều đó và trước khi về tặng cho chùa bộ Trí Tịnh toàn tập.

Chùa Bà Ba Xàng (Tân Hòa) đón rước.

Tiếp đó mình ghé chùa Bà Ba Xàng, tức chùa Tân Hòa, ngày xưa chùa có đất rất rộng, ... giờ còn lại một dải hẹp. Đặc biệt ở mộ bà có một bài bia bằng chữ Nôm, khắc lõm. Không Hạnh lấy chuối thoa lên bảng dán giấy rồi lấy cây lăn mực lăn lên, chữ lộ ra rất rõ. Toàn bộ bản chữ Nôm, những câu đối Nôm đều rập hết. Đây là một thu hoạch của chuyến đi này.

Chùa Tân Hòa đãi cho một bữa trưa. Nói trưa chớ đã 12g30.

Ăn cơm xong, nói lời cảm ơn, chụp hình thờ Bà Ba Xàng, tiếc rằng hình khắc trên đá trắng nên chụp không rõ.

Rời chùa Tân Hòa, đến chùa Long Hòa. Đến nơi mới 1g15. Thầy trụ trì còn nghỉ. Sau khi nghe biết mình ở Huệ Quang đã soạn bộ Từ điển Huệ Quang và muốn sưu tầm tài liệu, thầy rất hoan hỷ. Thầy mở hết tủ, cho hết những kinh sách chữ Hán cũng như Việt ở trong tủ. Kiểm tra, được một số báo Giác Ngộ khổ lớn, báo chí và một số kinh chữ Hán.

Chùa Long Hòa hiến sách.

Thầy còn giới thiệu ở Vĩnh Long có sách cổ. Phái đoàn nhờ thầy hỏi kỹ giùm rồi thông tri lại.

Rời Long Hòa đã 2g30.

Ngày hôm nay kể như tiền hung hậu kiết.”

Đoàn sưu tầm vào chùa An Long.

Rời chùa An Long.

Rập bản tại chùa Tân Long.

Hòa thượng, thượng tọa trụ trì Tân Long, thầy Lệ Hưng (Vân Phong), thầy Không Hạnh.

Cùng hòa thượng Đắc Pháp tại Thiền viện Sơn Thắng.

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài