I. SỰ CẦN THIẾT CỦA MỘT TU VIỆN PHẬT GIÁO CHUYÊN TU
Trong mọi thời kỳ, việc đào tạo Tăng tài để đảm đương việc hoằng pháp đều là nỗi băn khoăn lớn lao đối với người có ý thức đến vận mệnh của đạo Phật. Chúng ta đã có những Phật học viện để học tập, nghiên cứu giáo lý, kinh điển và phương pháp hướng dẫn Phật tử… nhưng một đạo tràng tu tập để thực hành giáo lý, những pháp môn của đức Phật nhằm đạt đến cứu cánh một cách thực tiễn thì hầu như chưa được xây dựng trên đất nước này, trong giai đoạn hiện nay.
Có thể nhiều người nghĩ rằng thời kỳ chúng ta là thời mạt pháp, việc tu chứng những quả vị như các đệ tử Phật ngày trước là một điều khó thực hiện được. Thực tế đã cho thấy rằng hiện nay trên thế giới và ngay cả trên đất nước chúng ta vẫn có người đạt đạo. Họ là những con người bình thường. Nhưng với một niềm tin mãnh liệt đối với chân lý được tu tập trong một môi trường thuận lợi, và được hướng dẫn đúng chánh pháp, họ đã chiến thắng nghiệp lực từ vô thỉ, khai mở được con mắt trí huệ, đạt đến bờ giải thoát, xa lìa sanh tử… Và khi việc lớn đã làm xong, họ lại tiếp tục gieo rắc những hạt giống lành để làm lợi ích cho quần sanh.
Đạo Phật là đạo của trí huệ, của giải thoát, cho nên việc thực hành là một điều tối quan trọng đối với người Phật tử. Mỗi ngày chúng ta thường lễ Phật, lẽ nào chúng ta lại không nhớ lời dạy khẩn thiết của Phật lúc Ngài sắp nhập diệt: “Này các con, tất cả các pháp đều vô thường, hãy nỗ lực tinh tấn lên để tự giải thoát!”.
Lời dạy cuối cùng của đức Phật đã khẳng định rằng muốn giải thoát, chúng ta phải nỗ lực thực hành, phải tinh tấn theo con đường mà Ngài và các đệ tử đã thực hiện, ngay trong cuộc sống này.
Cách Phật đã xa, nhiều lý thuyết mới đã du nhập vào văn hoá Phật giáo. Có những lý thuyết góp phần làm sáng tỏ đạo Phật, nhưng cũng có những lý thuyết vì muốn phù hợp với căn cơ của quần chúng nên đã đi khá xa với cội nguồn của Phật pháp. Cho nên thực hiện sự dung hợp vừa khế lý, khế cơ là điều tối quan trọng trong lúc này.
Bên cạnh những pháp gần gũi với quần chúng, hướng dẫn họ dần dần hướng về điều thiện, chúng ta cần xây dựng và phát triển một con đường chuyên tu theo đúng tinh thần mà đức Phật đã hướng dẫn các môn đệ của Ngài lúc còn tại thế. Đó là con đường nỗ lực tinh tấn để thực hành nhằm đạt đến cứu cánh trong thời hiện tại. Con đường này lấy việc khai mở trí huệ làm mục đích. Vì rằng chúng ta không thể nào có được sự giải thoát thực sự khi chưa có trí huệ. Với con mắt trí huệ, chúng ta sẽ thể hiện việc độ mình, độ người một cách đầy đủ.
Muốn thế, chúng ta phải thực hành, thực hành một cách tinh cần, rốt ráo. Nếu không có thực tu, thực chứng thì Phật pháp sẽ dần dần mai một, vườn hoa đạo sẽ trở nên khô cằn. Sự tu chứng là những lời thuyết giảng hùng hồn cho Phật pháp đem lại một nguồn sinh lực dồi dào cho những tâm hồn khát khao tìm chân lý.
Đất nước ta không thiếu những người thiết tha vì Đạo. Nếu có được một đạo tràng tu tập thuận lợi, được hướng dẫn đúng chánh pháp, chắc chắn chúng ta sẽ có được những bậc chơn tu đạt đạo để nối truyền ngọn đuốc trí huệ của đức Phật làm hải đăng soi đường cho mọi người đến bờ giải thoát, an vui.
Xây dựng một tu viện chuyên tu cho Phật giáo là góp phần quan trọng trong việc thực hiện hoài bão này.
II. VỊ TRÍ TU VIỆN
Vị trí lý tưởng của Tu viện là nằm ở vùng cao trên đồi núi, xa lánh làng mạc thị thành, nơi gần biển để có không khí trong lành tươi mát. Tuy nhiên phải làm sao không quá trở ngại giao thông để việc cung cấp lương thực cho thiền sinh được dễ dàng. Ở miền Đông chúng ta có vùng núi Long Hải đạt được những tiêu chuẩn như thế. Đây là vùng núi cao sát bờ biển, có đường giao thông nối từ Bà Rịa, Long Điền, Long Hải qua đèo nước ngọt đi về Phước Hải. Đây là vị trí thuận tiện nhất cho một Thiền viện chuyên tu. Vị trí này cách xa khu dân cư nên rất yên tĩnh. Nơi này ngày xưa có những ngôi chùa cổ, nhưng đã bị tàn phá cả rồi. Nay lập một Thiền viện nơi đây, chúng ta cũng lập lại di tích của Phật giáo thuở trước.
Và một vị trí tốt rộng là Đại Tòng Lâm Phật Giáo sẵn có ở tại Bà Rịa, có thể khai mở một đạo tràng chuyên tu rất tiện lợi.
III. QUY HOẠCH KIẾN TRÚC
A. NGOẠI VIỆN
1. Chánh điện
Tu viện chuyên tu không có những nghi lễ thường thức, chỉ cần một chánh điện đơn giản để tôn thờ, một tượng đức Bổn Sư, ngoài ra không thêm một hình tượng nào khác.
Vị trí chánh điện là nơi thoáng mát, tầm nhìn rộng rãi, có trang trí hoa kiểng mỹ thuật chung quanh. Khu vực phải thực trang nghiêm thanh tịnh.
2. Phương trượng
Hoà thượng phương trượng là linh hồn của Tu viện nên sẽ ngụ nơi một chiếc thất riêng. Chiếc thất này được thiết kế vừa đơn giản, vừa mỹ thuật và hùng tráng. Thất có hai gian: một gian kín đáo có vách để đặt giường nghỉ, bàn xem kinh, kệ chứa sách, bàn nước cá nhân và một hình đức Phật; một gian nhà mát trống trải để tiếp một vài khách đến tham vấn đột xuất.
Phương trượng ở gần chánh điện, gần Tăng đường công quả và gần nhà trù. Như vậy, phương trượng là trung tâm của khu vực sinh hoạt này để kiểm soát những thiền sinh chuẩn bị nhập thất.
3. Tăng đường công quả
Đây là nhà ở tập thể của những người đến xin nhập thất. Họ sẽ ở đây công quả một thời gian để cho phương trượng và ban chức sự xem xét đức hạnh, ý chí và trình độ trước khi cho vào thất quyết tử. Đây là gian nhà dài, không có ngăn phòng, có giường cá nhân, có khu nhà vệ sinh riêng biệt. Nhà này chứa được khoảng 40 người.
4. Nhà trù, nhà kho
Nhà trù - nhà kho dùng để chứa lương thực và gia công chế biến thực phẩm. Có những tủ đựng thức ăn, có lò phục vụ cho người, có sàn nước, giàn phơi chén, hồ nước, cống thoát nước, kho đựng gạo…, hai giường ngủ cho thủ kho, bàn soạn mâm, bàn ăn cho chúng công quả.
Vị trí nhà trù đặt nơi đầu cổng khu vực tịnh thất để tiện cho người công quả hộ thất mang thức ăn vào.
Một nhà kho dụng cụ khác với kho lương thực cũng gần đấy.
5. Nhà cư sĩ công quả
Dành cho những cư sĩ chuẩn bị xuất gia để nhập thất. Nhà này chứa khoảng 20 người.
6. Nhà khách cá nhân
Một nhà khách gồm hai gian: một gian cho khách nằm nghỉ và một gian để tiếp chuyện cá nhân. Thân nhân của thiền sinh công quả được tiếp chuyện trong thời gian 30 phút tại đây. Thiền sinh công quả sẽ hạn chế sự tiếp khách của mình để chuẩn bị vào thất quyết tử. Khách nữ không được đến gần Tăng đường, nhà trù và tuyệt đối không được đến gần những khu thiền thất. Khách chỉ ở trong phạm vi nhà khách, chánh điện hoặc tạm đến phương trượng. Có bảng yêu cầu họ dừng lại không bước vào những khu vực của chúng Tăng.
7. Thư viện
Một thư viện Phật giáo được phương trượng và ban chức sự giám định lại toàn bộ để biện rõ chánh tà hư nguỵ. Thư viện dành cho những thiền sinh đã xong việc, nghiên cứu để đủ kiến thức làm Phật sự.
8. Nhà ban Chức sự
Vài vị trong ban Chức sự là những người đã xong việc của mình và bây giờ phụ giúp phương trượng điều hành hướng dẫn cả thiền viên. Họ sẽ ở lại những chiếc thất trong khu vực thiền thất chính để hướng dẫn tu hành trực tiếp cho thiền sinh đang nhập thất. Họ cũng ở gần khu vực sinh hoạt để theo dõi những người công quả. Thất của ban Chức sự cũng giống như thất của thiền sinh, nhưng có thêm kệ đựng kinh sách và bàn viết.
9. Hồ chứa nước
Hồ chứa nước trên cao có ống chuyền vào khu thiền thất và khu sinh hoạt.
10. Khu tịnh thất hữu hạn
Đây là khu tịnh thất dành cho những người trong thời gian công quả chuẩn bị nhập thất vô hạn. Có khoảng 5 chiếc thất như vậy để họ thay phiên nhau với thời gian nửa tháng hoặc một tháng. Họ sẽ tập nhập thất ngắn hạn như vậy để xem ý chí của mình đủ để đi vào một lần nhập thất vô hạn hay không. Phương trượng và ban Chức sự sẽ kiểm soát về kỹ luật nhập thất của những người này xem họ có giữ đúng nội quy nhập thất hay chưa, rồi mới quyết định cho họ nhập thất quyết tử. Thất này chỉ có một gian nhà kín và hành lang kinh hành xung quanh. Có nhà vệ sinh riêng cho khu vực này. Khu tịnh thất hữu hạn nằm ở vành đai khu nhập thất chính và ở về phía phương trượng.
B. NỘI VIỆN
Khu tịnh thất chính
Đây là nơi mà toàn thể Phật giáo đặt kỳ vọng và trái tim mình.
Khu tịnh thất này biệt lập hẳn với khu sinh hoạt, có trồng giậu làm rào ngăn cách và lan sâu vào trong khu vực núi. Mỗi chiếc thất có hai gian: một gian kín và một gian nhà mát. Với kiến trúc mỹ thuật chắc chắn và đơn giản. Nhà vệ sinh nối liền riêng biệt mỗi thất. Tuỳ theo vị trí đồi dốc mà mỗi thất sẽ tạo một lối đi kinh hành khép kín thích hợp bên ngoài, không nhất thiết phải đi quanh thất.
Thất này có vẻ ngăn cách với thất kia bằng khoảng cách vừa phải và bằng cây trồng không thể cách nhau quá xa vì sẽ tốn đất xây dựng và bảo quản khó khăn. Trong trường hợp cực thịnh, số người nhập thất sẽ lên đến cả trăm người, thế nên khoảng cách các thất đừng gần quá nhưng đừng xa quá. Cây trồng hàng giậu sẽ góp phần ngăn cách thêm.
Mỗi thất có một đơn thùng, một bàn ăn, một ghế dựa, một ghế bố, một hình Phật. Tuyệt đối không có sách vở giấy viết. Cũng không cần thắp hương bàn Phật, chỉ tinh cần nhiếp tâm là đủ. Nơi gian nhà mát có đặt một thiền sàng nhỏ để ngồi thiền bên ngoài khi nóng bức. Mỗi thất đều có một chiếc đồng hồ để bàn và sẽ chỉnh giờ mỗi ngày theo tiếng kiểng vào lúc 11 giờ trưa.
IV. TĂNG SINH
Có hai hạng tăng sinh: một hạng đã được phương trượng chấp nhận cho nhập thất quyết tử vì nhận thấy họ đủ đức hạnh, đủ ý chí và biết được mấu chốt dụng công; hạng thứ hai là những người mới đến được cho nhập chúng để thử thách và rèn luyện trước khi vào thất chính thức.
1. Tăng sinh công quả
Điều kiện để một người được chấp nhận vào làm thiền sinh công quả là họ phải đặt niềm kính tin tuyệt đối nơi phương trượng là người đầy đủ phạm hạnh và đạo đức. Họ không đòi hỏi phương trượng phải có trí huệ thần lực như đức Phật thời tại thế. Thiếu niềm tin tuyệt đối này, họ sẽ không vâng phục trọn vẹn lời dạy của phương trượng và sự tu hành của họ sẽ trở thành vô ích.
Ngoài ra, họ phải có chánh kiến trong đạo Phật. Đó là sự am hiểu về Tứ diệu đế một cách sâu sắc, trong đó con đường Bát chánh đạo phải am tường triệt để.
Họ sẽ được trao cho những tài liệu giáo lý căn bản của tu viện để nắm vững đường lối tu tập. Họ được tự do cởi mở đến tham vấn phương trượng và ban Chức sự khi cần đến.
Những tăng sinh công quả sẽ nhận trách nhiệm theo sự phân công của ban Chức sự để tích luỹ công đức nhằm vượt qua một kỳ thất quyết liệt. Họ sẽ hộ thất một cách nghiêm chỉnh, không được nói chuyện với người đang nhập thất, lo lắng chu đáo cho người nhập thất về mọi mặt như ăn uống, thuốc thang. Ban Chức sự sẽ phân công mỗi người hộ bao nhiêu thất. Hoặc họ sẽ thay phiên nấu cơm, quét dọn vệ sinh, trồng cây, dọn cỏ, hái củi, tri khách…
Trong thời gian công quả này, họ phải tự trau dồi đức hạnh. Họ phải tu nhẫn nhục, cởi mở, không chấp, chịu đựng khó khăn, gian khổ, từ ái với huynh đệ, khắc phục dần tính ngã mạn, ích kỷ, sân hận… Bởi vì người nào chưa hoàn chỉnh về đức hạnh thì rất khó đi sâu vào đạo.
Thời khoá của tu viện sẽ sắp xếp cho họ giờ giấc công phu. Họ cần phải tinh tấn tu hành không lơi lỏng, không còn hướng tâm về những mục đích thế gian mà chỉ đem hết sức mình thực hiện sự nghiệp giải thoát, giác ngộ, để rồi giáo hoá chúng sinh, gieo truyền Phật pháp. Họ sẽ được nhập những kỳ thất ngắn hạn để tu tập. Phương trượng và ban Chức sự sẽ theo dõi và hướng dẫn họ kỹ lưỡng trong thời kỳ dụng công này.
Sau thời gian công quả để thử thách, nếu đủ điều kiện, họ sẽ được phương trượng nhận làm tăng sinh chính thức.
2. Tăng sinh chính thức
Những tăng sinh này được sắp xếp vào ở một tịnh thất riêng biệt cho mỗi người, và bắt đầu sống cuộc đời cô đơn, cô độc không kỳ hạn. Họ sẽ chấp nhận chết trong thất nếu chưa làm xong công việc của người xuất gia, đó là vô thượng phạm hạnh của A la hán.
Họ không còn suy tìm nghĩa lý kinh sách gì nữa mà chỉ chuyên tâm thực hành theo sự hướng dẫn của phương trượng.
Họ sẽ được ăn một ngày một bữa ăn trưa đầy đủ dưỡng chất và hai bữa ăn phụ sáng chiều. Khi đã đi sâu vào con đường tu tập thì họ chỉ giữ một bữa ăn ngọ mà thôi.
Ban Chức sự và phương trượng sẽ theo dõi họ kỹ càng trong đời sống công phu. Người hộ thất và người nhập thất không được nói chuyện trao đổi. Họ chỉ gật đầu và lắc đầu nhiều hơn nói thành lời với người hộ thất trừ khi có duyên sự đặc biệt phải dùng thuốc hay nhờ mời ban Chức sự đến.
Tất cả những tin tức bên ngoài đều không được cho người nhập thất biết, kể cả việc cha mẹ họ qua đời.
Công việc lao động của họ là chỉ tuỳ duyên làm cỏ quanh thất mình, hoặc một ít việc nhẹ trong thất.
Thời khoá tu tập của họ đặt trên sự tự giác và tuỳ theo trình độ của mỗi người, không phải ai cũng giống ai. Họ sẽ phải tiến qua ba bốn giai đoạn tu tập như sau:
1) Dùng pháp môn để phá hôn trầm vọng tưởng.
2) Hết hôn trầm vọng tưởng, được sức định tĩnh có thể ngồi lặng lẽ cả đêm.
3) Nhập định đóng 6 căn, ngồi suốt nhiều ngày liên tiếp.
4) Chứng trí huệ Bát nhã viên mãn, hợp nhất với chư Phật một thể tánh Niết bàn không còn sai biệt.
Qua bốn giai đoạn này, họ là người hoàn thành việc nhập thất và nhận sự phân công của phương trượng để giáo hoá phát huy Phật pháp.
3. Cư sĩ công quả
Những cư sĩ có duyên trực tiếp với tu viện chuyên tu cũng sẽ cho vào công quả để xuất gia và nhập thất sau thời gian thử thách. Họ được ở một gian nhà riêng gọi là nhà cư sĩ công quả và được dạy nội quy tu viện để giữ gìn như các tăng sinh đã xuất gia.
V. PHÁP MÔN
Tu viện chấp nhận mọi pháp môn chính thức có trong Phật pháp dù Nguyên thuỷ hay Đại thừa. Có những tăng sinh đã từng theo một pháp môn từ trước cũng sẽ được khuyến khích tiến sâu hơn nếu phương trượng xét thấy thích hợp, hoặc sẽ khuyên đổi theo pháp môn khác nếu thấy cần thiết. Các tăng sinh không được cố chấp pháp môn của mình và phải vâng lời phương trượng tuyệt đối về sự dụng công.
Tuy nhiên tu viện tán thán pháp môn niệm hơi thở vì những đặc điểm sau:
- Đó là pháp môn an ban đã có từ thời đức Phật tại thế (Nguyên thuỷ).
- Các kinh luận Đại thừa đều có áp dụng pháp môn này, kể cả các nhà theo Tổ Sư Thiền Trung Hoa.
- Có công năng điều hoà sức khoẻ tốt.
- Không kích động sự trỗi dậy của kiến giải.
- Hơi thở phá được vọng tưởng và hôn trầm dễ dàng.
- Hơi thở phá được ma chướng, vượt qua các ảo giác do tư tưởng tạo ra như một chiếc bè để qua sông.
Đây là một pháp môn hiện đang được áp dụng phổ biến tại các tu viện Phật giáo trên thế giới và mang lại kết quả phi thường, thích hợp với hầu hết mọi người.
VI. CÔNG TÁC
Công tác chính của tu viện là hộ thất, từ công tác chính này chia thành nhiều công tác phụ.
1. Nhà bếp
Chúng công quả luân phiên nấu bếp ba ngày một ban, số lượng tuỳ theo mức độ yêu cầu.
3 giờ sáng họ sẽ dậy toạ thiền đến 4 giờ đi nấu bữa ăn nhẹ buổi sáng.
Buổi trưa là bữa ăn chính nên họ phải vất vả hơn.
Buổi chiều là món cháo hay bột.
Có ba cấp độ ăn uống cho ba hạng người:
1) Sơ cấp là những người dùng đủ ba bữa.
2) Trung cấp là những người đã được sức định tĩnh, có thể bỏ được bữa ăn chiều.
3) Cao cấp là những người đã nhập định trụ, chỉ dùng bữa trưa hoặc có khi bỏ ăn suốt ngày liên tiếp.
Nhà bếp và những người hộ thất phối kiểm để sắp xếp thức ăn cho đúng đối tượng.
Thực phẩm do khách thập phương mang đến cúng dường hoặc ban nhà bếp đi chợ mua lấy.
Tu viện không nhận lễ trai tăng cúng dường của Phật tử vì đặc điểm của đời sống tịnh thất chỉ nhận thực phẩm và tự phân chia cho thích hợp.
2. Hộ thất
Ban Chức sự sẽ phân công mỗi người hộ một số thất quy định.
Họ đến nhà bếp sắp phần ăn vào lồng đúng giờ và lần lượt mang vào những nơi quy định để cơm nước. Sau bữa ăn, họ trở vào thu lại lồng để chuẩn bị cho bữa kế, bảo đảm bữa ăn phải đúng giờ giấc.
Ngoài việc mang cơm nước, thuốc men khi cần cho người nhập thất, họ cũng đảm nhiệm những công việc lặt vặt khác theo yêu cầu của tu viện.
3. Dọn cỏ, trồng cây
Cây sẽ được trồng dần dần để làm thành cánh rừng bao phủ khu vực tu viện, vừa để lấy củi. Hầu hết là cây liễu tràm (tràm bông vàng) hoặc bạch đàn và một số cây cảnh như tùng, bách, thông, cây ăn trái như mít, chuối, mãng cầu.
Sẽ có sự phân công chăm sóc cây trồng, dọn cỏ hằng ngày trong tu viện.
4. Chuyển vận
Khi đồ đạc, lương thực được mang đến chân núi, các tăng sinh công quả sẽ được phân công vận chuyển lên tu viện.
5. Tri khách
Một vài tăng sinh được phân công tri khách để sắp xếp hướng dẫn và lo đời sống cho khách.
6. Dọn dẹp vệ sinh
Mỗi sáng, họ phụ nhau dọn dẹp vệ sinh khu vực nhà ở, nhà bếp, chánh điện, nhà khách, nhà vệ sinh…
7. Khám bệnh
Một vài thiền sinh có khả năng y dược lo chăm sức khoẻ cho đại chúng, có thể góp ý với nhà bếp về thực phẩm thích hợp, hay hướng dẫn một vài động tác tập dưỡng sinh.
VII. SINH HOẠT TU TẬP
1. Đọc sách
Hầu hết những tu sĩ đến đây đều đã có một trình độ giáo lý căn bản, chỉ cần chỉnh đốn lại kiến giải cho thống nhất trong tu viện. Các tài liệu và sách báo phổ biến trong tu viện đều có tinh thần dung hợp giữa Đại thừa và Nguyên thuỷ lấy Giới, Định, Huệ làm phương châm và việc tu chứng làm cứu cánh, cuối cùng lấy việc độ người làm hạnh nguyện.
Nhưng thời gian tu tập sẽ chiếm hầu hết và khi đã vào thất rồi thì tuyệt đối không còn đọc sách nữa.
2. Thời khoá
Thời khoá tu tập sẽ áp dụng riêng cho từng người nhưng đại để được quy định như sau:
- 3 giờ khuya thức dậy công phu đến 5 giờ.
- Buổi sáng làm công tác và hộ thất.
- Trưa 2 giờ công phu đến 4 giờ chiều.
- Tối sau tiếng hô chuông ngắn lúc 7 giờ công phu đến 9 giờ.
3. Hô chuông
Mỗi ngày hô chuông ngắn vào hai thời 3 giờ 30 phút sáng và 7 giờ tối.
4. Bố tát
Mỗi tháng chúng hợp lại làm lễ Bố tát, nghe đọc lại giới bổn và thanh quy rồi phát lồ sám hối những lỗi lầm vi phạm.
Giới Tỳ kheo sẽ được trích một số giới quan trọng để Bố tát tuyên đọc (hoặc đủ hoặc lược).
5. Tham vấn riêng
Tăng sinh có thể đến tham vấn riêng với phương trượng và ban Chức sự vào bất cứ lúc nào những vấn đề liên quan đến sự tu hành của mình. Trừ những giờ thọ trai, giờ dụng công tu tập.
6. Nhập thất ngắn hạn
Thiền sinh công quả được luân phiên nhập thất ngắn hạn trong thời gian một tháng để tu tập và thử thách ý chí của mình.
VIII. THANH QUY
Những tăng sinh đến đây đều phải chấp nhận thanh quy của tu viện, thực hiện đúng đắn những yêu cầu sau:
1. Đủ lòng kính tin tuyệt đối về phạm hạnh và đạo lực của vị phương trượng.
2. Chỉnh đốn lại kiến giải theo giáo án của tu viện.
3. Tham vấn với phương trượng và ban Chức sự về mọi vấn đề chưa sáng tỏ.
4. Nghiêm chỉnh giữ gìn giới bổn, trau dồi đức hạnh.
5. Thuận theo sự phân công sắp đặt của ban Chức sự, không sợ khó, sợ khổ.
6. Không được tiếp khách quá 30 phút. Nếu người thân còn ở lại, chuyển qua tri khách sắp xếp chỗ nghỉ cho họ.
7. Những thư từ liên lạc đều trình cho ban Chức sự biết.
8. Tiền bạc giao cho thủ bổn, nếu cần giữ riêng vì duyên sự đặc biệt thì phải trình người trên.
9. Các tăng sinh phải sống theo tinh thần lục hoà.
10. Trong khi công quả tập tu không được nói chuyện nhiều với huynh đệ làm mất chánh niệm của mình và người khác.
11. Tuân theo thời khoá để tiến tu, giờ công phu phải thực hành đầy đủ, trừ lúc bệnh nặng.
12. Phải dẹp bỏ mọi duyên, quyết tâm tu tập.
13. Sắc phục, y áo phải theo quy định của tu viện.
14. Mọi tăng sinh đều phải ăn chay.
15. Tăng sinh nhập thất tuyệt đối không được nói chuyện với người ngoài, kể cả việc đọc thư từ của người thân.
16. Tuyệt đối không được đến gần khu vực nhập thất của ni chúng (nếu có).