Muội ư cổ giả, hà dĩ minh kim

Muội ư cổ giả, hà dĩ minh kim

Năm Kỷ Dậu (1789), một Ban dịch thuật được hoàng đế Quang Trung cho thành lập do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đứng đầu, nhằm dịch Nôm các tác phẩm Hán văn của tiền nhân. Các tác phẩm như Tiểu học, Tứ thư, Ngũ kinh… đã được diễn Nôm và dâng vua thưởng lãm. Sách chưa kịp khắc ván thì vua băng hà. Triều đình suy thoái, kế hoạch phục hưng văn hóa đất nước chìm vào dĩ vãng.

180 năm sau (1969), cũng năm Kỷ Dậu, một Ủy Ban Dịch Thuật khác thuộc Bộ Quốc gia giáo dục miền Nam (lúc bây giờ là Phủ Quốc vụ khanh đặc trách về văn hóa) được thành lập do cụ Mai Thọ Truyền làm chủ tịch. Ủy ban dịch thuật gồm Ban Cổ văn và Ban Kim văn. Số học giả tham dự lên đến vài trăm người.

“Ban Cổ văn lại chia thành các tiểu ban: Quốc âm, Văn chương, Sử địa, Triết học, Tôn giáo. Ban Kim văn có các tiểu ban: Pháp văn, Ý, Đức, Nhật, Anh… mỗi tiểu ban chuyên dịch một ngoại ngữ hầu thâu góp những tinh hoa văn hóa nước ngoài để làm giàu cho nền văn hóa dân tộc; còn các tiểu ban Cổ văn bắt đầu diễn dịch những tác phẩm do người Việt trước thuật bằng chữ Hán và chữ Nôm để phát triển những giá trị tinh thần lễ giáo và học thuật cổ truyền, ngõ hầu gây dựng lại nền nếp luân thường của tiền nhân để làm căn bản tái thiết cơ đồ văn hóa và phục hưng tinh thần đoàn kết dân tộc.”…

Sách Hán-Nôm được Ban Cổ văn sử dụng xuất phát từ hai nguồn chính:

  1. Chi nhánh văn khố Đà lạt
  2. Viện khảo cổ Sài Gòn

Thời điểm đó theo ghi nhận của Ban Cổ văn, chi nhánh văn khố Đà Lạt có vài trăm tựa sách, còn Viện khảo cổ có khoảng một ngàn tựa sách chủ yếu là Vi phim do Viện Viễn Đông Bác Cổ cung cấp.

Đến tháng 7-1970, chỉ một năm sau ngày thành lập, Ban Cổ văn cho biết đã hoàn thành khảo dịch 50 tác phẩm và đang được tuần tự xúc tiến ấn loát theo khả năng của ngân sách.

Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 do Tạ Quang Phát khảo dịch, xuất bản năm 1974 là bản cảo được xuất bản sau cùng. Tổng số tác phẩm được xuất bản là 30 tựa với 48 quyển được liệt kê ở cuối tập 6 của bộ Minh Mệnh chính yếu. Trong đó có nhiều tác phẩm đã được hoàn thiện nhưng mới chỉ xuất bản được một phần như Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí (5/11 tập), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (1/6 tập), Quốc sử di biên (1/2 tập). Danh mục các sách đã được Ban cổ văn khảo dịch chưa xuất bản cùng với các sách đang trong kế hoạch khảo dịch chúng tôi không nắm được số lượng bao nhiêu và gồm những tựa nào vì không tìm được tài liệu kê cứu.

Trong các tác phẩm đã được ấn hành, hơn nửa là các tác phẩm về sử học, số còn lại là biên khảo, địa chí, văn hóa giáo dục, văn học… Đội ngũ dịch giả là những học giả có uy tín và thâm bác Hán học như Tạ Quang Phát, Lê Xuân Giáo, Lê Hữu Mục, Nguyễn Hữu Quỳ, Hoàng Văn Suất… Các tác phẩm không chỉ được dịch/ phiên âm mà còn được chú giải cẩn thận. Ở đầu mỗi tác phẩm thường có một bài biên khảo khá công phu về tác phẩm và tác giả. Tác phẩm Huấn dịch thập điều diễn nghĩa ca của vua Thánh Tổ và Dực Tông do Lê Hữu Mục phiên dịch đã dành hơn 100 trang để biên khảo về lịch sử nền giáo dục nước nhà, nội dung tác phẩm và thân thế sự nghiệp của các tác gia. Nguyễn Thọ Dực, người được phân công dịch trọn tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, cũng đã dành một thiên dẫn nhập công phu về nền văn hóa học thuật của Việt Nam từ xưa, nguyên lai đường hướng của Ủy ban dịch thuật và nội dung tác phẩm Lịch triều hiến chương loại chí… Những dịch phẩm của Ban Cổ văn về nội dung đã được thực hiện một cách cẩn trọng.

Không những thế, các dịch phẩm còn được trình bày trân trọng trong một hình thức nhất quán. Theo đó, mỗi bộ ngoài phần khảo cứu, phiên âm dịch nghĩa, chú giải; còn có phần nguyên bản Hán - Nôm được chụp nguyên vẹn đặt phía sau. Chữ in sắc sảo trên loại giấy trắng, dày và tốt. Phần bìa mỗi bộ đều nhất quán trên đề tác giả, nhan đề sách, dịch giả, logo Ủy Ban Dịch Thuật ở góc trái, dưới cùng là hàng chữ TỦ SÁCH CỔ VĂN - ỦY BAN DỊCH THUẬT. Màu sắc, hoa văn và kiểu chữ trên bìa được thay đổi liên tục và hài hòa trong tổng thể bộ sách.

Với nội dung và hình thức được tổ chức bài bản, mỗi dịch phẩm của Tủ sách cổ văn xứng đáng là một tác phẩm hoàn bị. Tủ sách cổ văn trở thành một công trình học thuật nghiêm túc và đầy mỹ thuật. Tủ Sách Cổ Văn từ việc đi bảo tồn và phát huy di sản đã trở thành một di sản đáng được quan tâm sưu tầm. Thư Viện Huệ Quang với sự đồng điệu về những công trình Hán - Nôm, đã may mắn sưu tầm được đầy đủ các tác phẩm đã được ấn hành trong Tủ sách cổ văn.

Với 30 tác phẩm gồm 48 quyển đã được ấn hành, Tủ sách cổ văn thực sự đã làm được phần nào hai mục tiêu đề ra là gìn giữphát huy vốn cổ của tiền nhân. Tuy nhiên, với thọ mạng ngắn ngủi chỉ tồn tại từ 1969-1975, sự dang dở của Tủ sách cổ văn đem đến cho người có tâm hồn hoài cổ một một niềm thỏa mãn bi thương và là nguồn động lực thôi thúc những công trình mang tính bảo tồn - học thuật của những thế hệ sau.

Việc tập đại thành những tác phẩm Hán-Nôm của tiền nhân không chỉ bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản cha ông về lâu dài mà còn có thể ngay thời điểm ấy giúp Ủy ban dịch thuật có một nền tảng học thuật vững vàng để biên soạn những công trình học thuật mới trong thời đại của mình. Không phải ngẫu nhiên mà Tủ sách cổ văn có đến phân nửa là dịch phẩm về sử học được ấn hành. Họ muốn biên soạn một bộ tín sử có giá trị trong giai đoạn 1970 mà họ cho là cấp bách dựa trên nền tảng của các công trình sử học đời trước. Họ là những học giả đầy phong thái, tự trọng nhưng cũng rất cẩn trọng và cầu thị. Họ hiểu rất sâu sắc rằng nếu như không hiểu rõ nền học thuật thời xưa lấy gì làm nền tảng để soi sáng nền học thuật hôm nay!

Trong khi chúng ta là thế hệ đi sau họ ngót nửa thế kỷ, luôn mong muốn thoát khỏi ảnh hưởng ngoại lai, nhất là văn hóa Tàu vốn in dấu quá sâu đậm trong nền văn hóa dân tộc lại thường xuyên đọc sách Tàu, coi phim Tàu, dịch sách Tàu, in sách Tàu. Còn sách sử Việt thì biết rất ít, đối với cổ tịch nước nhà thì xem như những pho tượng thiêng liêng dành riêng cho một giới nào đó, trưng tàng trong viện bảo tàng hoặc các kho lưu trữ. Chúng ta muốn phục hưng văn hóa nước nhà nhưng lại tập trung xiển dương văn hóa nước người. Phải có bọt mới gọt nên hồ chứ? Tâm hành bất nhất. Thật không thỏa đáng chút nào!

Muội ư cổ giả hà di minh kim!

Trong ý hướng ấy, Thư viện Huệ Quang lần lượt cho ảnh ấn lại trọn bộ Tủ sách cổ văn để phục vụ một số bạn đọc có nhu cầu đọc sách giấy, cũng là đa dạng thêm hình thức bảo tồn văn bản. Trước đây Thư viện cũng đã cho đọc trực tuyến miễn phí trọn bộ Tủ sách cổ văn trên trang thuvienhuequang.vn cũ và trang timsach.com.vn

 

Huệ Quang, mùa Thu năm Đinh Dậu, 2017

Thích Không Hạnh

                             DANH MỤC TỦ SÁCH CỔ VĂN

STT
TÊN TÁC GIẢ - TÁC PHẨM
NGƯỜI DỊCH/CHÚ/PHIÊN
SL
NĂM XUẤT BẢN
1
Vô Danh - Phạm Công Tân Truyện – Nguyễn Quang XỹHoàng Văn Suất
1970
2
Tự Đức - Ngự Chế Việt Sử Tổng VịnhLê Xuân Giáo và Nguyễn Quang Tô3 tập1970
3
Bùi Huy Bích - Hoàng Việt Văn TuyểnNguyễn Đình Diệm3 tập1971 - 1972
4
Hoàng Cao Khải - Việt Sử YếuLê Xuân Giáo
1971
5
Lê Văn Ngữ - Trung Dung Thuyết ƯớcNguyễn Duy Tinh
1971
6
Minh Mệnh - Huấn Dịch Thập ĐiềuLiên Hữu Mục
1971
7
Trần Hữu Hiền - Sơn Hậu Diễn TruyệnHoàng Văn Hòe
1971
8
Trương Cam Tựu - Tây Nam Nhị Thập Bát Hiếu Diễn CaVũ Văn Kính
1971
9
Tự Đức - Thánh Chế Học Giải Nghĩa CaNguyễn Hữu Quỳtập 1
1971

10Vô Danh - Đinh Lưu Tú Diễn CaSơn Chung Đỗ Nhật Tân1971
11Vô Danh - Hàm Hòa Diễn TruyệnĐỗ Nhật Tântập 11971
12Vô Danh - Hoàng Việt Xuân ThuNguyễn Hữu Quỳ1971

13Vô Danh - Lưu Bình Diễn CaHoàng Văn Suất1971
14Vô Danh - Nguyệt Hoa Vấn ĐápHoàng Văn Suất1971
15Vô Danh - Tam Tổ Hành TrạngTrần Tuấn Khải1971

16Vô Danh - Tây Sơn Thuật LượcTạ Quang Phát 1971
17Vô Danh - Thiếu Nữ Hoài Xuân Tình ThiHoàng Văn Suất 1971

18Vô Danh - Trần Trá Hôn Diễn CaPhan Vọng Húc1971
19Vỹ Khiêm… - Nhàn Trung Vịnh Cổ Vịnh SửLưu Minh Tâm1971

20Nguyễn Trãi - Ức Trai TậpHoàng Khôi2 tập1972
21Nguyễn Văn Mại - Việt Nam Phong SửTạ Quang Phát 1972
22Lê Quý Đôn - Phủ Biên Tạp LụcLê Xuân Giáo2 tập1972
23Quốc Sử Quán - Minh Mệnh Chính Yếunhiều dịch giả6 tập1972

24Lê Quý Đôn - Vân Đài Loại NgữTạ Quang Phát3 tập1972 - 1973

25Lê Quý Đôn - Đại Việt Thông SửLê Mạnh Liêu1973
26Phan Thúc Trực - Quốc Sử Di BiênLê Xuân Giáotập thượng1973

27Tự Đức - Thánh Chế Văn Tam TậpBùi Tấn Niên và Trần Tuấn Khải2 tập1971 - 1973
28Vương Duy Trinh - Thanh Hóa Quan PhongNguyễn Duy Tiếu1973
29Phan Huy Chú - Lịch Triều Hiến Chương Loại ChíLê Thọ Dực4 tập1971-1974
30Quốc Sử Quán - Đại Việt Sử Ký Toàn ThưTạ Quang Pháttập 11974


CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài