(T6, 11/8/15)
Ngày 29 tháng 7 năm Ất Mùi (2015), đáng lẽ nói Ất Mùi nhưng tôi lại nhớ là Quý Mùi. Đầu óc bắt đầu lão hóa hơi nặng. Nhờ có sức khỏe, được bồi dưỡng tốt nên đi đứng còn vững vàng, bước trên hai chân chớ chưa đến nỗi phải sử dụng chân thứ ba. Tôi hễ mỗi đêm thức dậy nghe rêm rã thắt lưng tuy rằng có tập Dịch cân kinh mỗi sáng hơn 400 cái. Từ khi vào nhà thương đến nay, cơ thể bắt đầu có hiệu quả, nhưng ăn uống thấy không ngon lắm. Bây giờ đi đứng mới thấy mình rã cái dò tức rõ cái già. Mọi người thấy tôi đi đứng nói cười tưởng đâu là người hiểu biết nhiều thông thái lớn, chớ có ngờ đâu tôi so với ngày trước quên đi rất nhiều. Ngày xưa tôi đọc truyện Tàu nhớ lại kể vanh vách không sót một chi tiết, mà bây giờ chuyện hôm qua bữa nay không nhớ nổi. Việc hiện tại cần nhớ, nhất là tên người muốn nhớ bỗng nhiên quên mất. Càng cố nhớ giống như đi xuống vũng lầy, càng chìm sâu hun hút. Đang ngồi một mình bỗng nhiên nhớ lại điều cần nhớ, tên từng loại mà không cần phải dụng ý. Những chi tiết đó nếu không ghi chép liền, nó lại chìm sâu trong tiềm thức như cũ. Tóm lại, nó nhớ nhớ quên quên, không thể vận dụng suy tìm được. Cũng may là lên lớp giở sách ra gặp mặt chữ còn nhớ để đọc, để cắt nghĩa, để phân tích, nhưng khi xếp sách lại, những điều đã nói trả về cho sách hết. Đầu óc thường nằng nặng, hơi khó chịu, cầm cuốn sách lên đọc độ nửa trang, tự nhiên bị chìm trong vô thức, như ngủ mà không phải ngủ trong vài giây, tỉnh lại cố đọc tiếp với mắt cay sè. Từ khi vào bệnh viện trong mười ngày hai lần cấp cứu đến giờ, sức khỏe mấy tháng nay bắt đầu có hồi phục nhưng cũng giống như máy đánh bạc vận hành. Ví dụ từ 100 hạ xuống điểm 20 rồi bắt đầu nâng lên 80, lại xuống 15 rồi nâng lên 60, lại xuống 30 thì hết tiền. Trong 30 cuộc thì may mắn lắm mới có một cuộc lên được số 100 để lãnh thưởng. Sức khỏe tôi cũng vậy, nó cũng lên xuống bất thường, nhất là bộ tiêu hóa, khi vầy khi khác, có lúc rêm bên này, có lúc rêm bên kia, có khi rêm ở giữa, mình chẳng biết thế nào mà lường. Còn mấy tháng nữa lên hàng tám mà không biết bước tới đó nổi không! Trong vòng sanh tử mênh mang vô bờ bến, mình không có đạo lực, như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển mênh mông, khó được an thân giữa cơn sóng dồn dập. Mỗi ngày qua đi, tuổi già chồng chất qua năm tháng nặng trĩu, được mọi người nể trọng vì tuổi già lọm khọm. Đó là chức danh trưởng lão gọi theo tuổi tác mà ở đời người ta gọi là “sống lâu lên lão làng”. Ở trong đạo Phật còn có một hạng trưởng lão đáng nể khác. Đó là những vị cố gắng tiến tu vượt bậc không kể năm tháng, có sự tiến bộ trên con đường tu tập, xứng đáng là một tiêu biểu hướng dẫn người khác tiến tu trên đường tu tập có hiệu quả như mình. Những bậc ấy tuy tuổi còn trẻ nhưng cũng được tôn xưng là trưởng lão. Chức danh đó mới đúng thiệt là trưởng lão cao quý trong đạo Phật. Xét lại mình còn mấy tháng nữa được làm trưởng lão 80, đi đứng chưa đến nổi chống gậy lom khom nhưng về mặt tu hành chưa có gì vượt trội hơn người khác, bởi sự lười biếng và phóng túng quá nhiều trong cuộc sống. Bây giờ nhìn lại giựt mình, cố gắng thúc liễm thân tâm, nhưng đã trễ: tâm viên ý mã đã quen thói buông lung, cột giữ mãi nhưng chưa chịu dừng nghỉ.
Có người nói: “Thầy tu lâu chắc là đạo cao đức trọng lắm”. Mình nghe nói xấu hổ thật nhưng cũng cố đáp loanh quanh: “Tu lâu nhưng có được gì đâu. Bởi ham chơi quá nên càng tu càng ngu thêm”. Quả thật càng ngu thiệt. Có người không đọc sách được, không thu thập những ý mới, không định tâm được, trí huệ không phát sáng, thành ra mỗi lúc một quên đi trong mờ mịt, ngu ngơ.
Có người hỏi: “Khi thầy đi chơi xa, việc quản lý Huệ Quang này thầy định giao cho ai?”. Tôi chỉ trả lời: “Tu viện này đâu phải sở hữu của tôi. Thử coi mình là một chiến sĩ trong đội quân chiến thắng. Nếu một người ngã xuống, người khác trong đoàn đứng lên tiếp tục nối tiếp công việc người trước đã làm. Cứ lần lượt như thế, có gì mà phải lo”. Tôi nghĩ, như mấy thầy ở bên Nam tông vậy mà khỏe. Các vị ấy vào chùa học pháp để tu, có thể ở trú xứ này hay đến một trú xứ khác hoặc nơi chốn rừng núi nào đó khất thực đủ sống. Chỗ nào thuận tiện thì ở, không thuận tiện thì đi. Tới đâu sống hòa hợp với chúng ở đó, không nghĩ mình là ông chủ sở hữu nơi đang ở. Họ coi công việc quản lý tự viện là bổn phận phải làm trong tình thế bất đắc dĩ mà thôi. Tôi nghĩ, nếu có được quan niệm như vậy thì thanh thản biết bao, rảnh rang biết bao và không hề bị vướng mắt vào danh vào lợi gì cả.
Trái lại, các thầy bên Bắc tông mình vào chùa có nhiều ý định không giống nhau, ít có người phát tâm cầu đạo giải thoát mà phần lớn lo tư lợi cá nhân nhiều hơn. Hoặc có người ở chùa không cần để ý đến những tạp vụ trong chùa mà chỉ lo riêng cho bản thân để được học hành đỗ đạt, có địa vị tiếng tăm trong xã hội. Hoặc có người thấy ở chùa có lợi dưỡng sung túc, được Phật tử ủng hộ dồi dào rồi tìm cách chiếm hữu quyền trụ trì ngôi tự viện đó để trục lợi cho riêng mình. Các vị ấy cũng độ bà con thân tộc vào hàng ngũ tu hành. Đó là vấn đề vây cánh để vững mạnh thế lực để chiếm hữu quyền lợi ngôi tự viện ấy một cách vững chắc.
[T4/30/9/15*]Sở dĩ có tình trạng âm mưu với những thủ đoạn giành giật cơ sở làm lợi là bởi ít người tu có nghĩ đến sự nghiệp chơn chính của mình. Nếu nghĩ đến công việc cần làm và phải làm nghĩa là đặt mục tiêu giải thoát ở trước mắt để hạ thủ công phu. Nếu nghĩ đến mục đích giải thoát cần tiến tới người ta sẽ chăm chăm đến sự việc của mình mà không rảnh rang nghĩ đến những mưu toan thủ lợi.
Nếu khi xuất gia bằng lòng chánh tín tam bảo, người ấy được hướng dẫn và dạy bảo những việc cần làm và phải làm trong ngôi tự viện tức là quên mình vì mục đích chung. Dù gặp khó khăn cách mấy vẫn cố gắng vượt qua. Vị ấy được hướng dẫn tu tập từ những bước đầu trụ tâm vào một pháp hoặc một đề mục lần lần tâm yên tịnh phát sinh an lạc tiếp tục hướng lên mãi trong sự tĩnh tâm nhẹ nhàng đó cho đến khi vị ấy cảm thấy có sự an lạc thật sự luôn tồn tại trong tâm mình. Sự an lạc ấy là một món quà vô giá tự mình phấn đấu được và tự mình cảm nhận được không phải do người khác đưa đến. Khi có được tình trạng đó người tu luôn thấy sự tu hành là quý giá biết bao không có gì đánh đổi được. Tất cả những sự vật bên ngoài chỉ là những phù phiếm biến thiên không tồn tại.
Các vị sư nam truyền tu theo pháp tứ niệm xứ đã dạy bảo cho nhau tu hành theo thứ bậc quán thân, thọ, tâm, pháp. Những phương pháp đó được dạy rất kỹ vì vậy đã có những kết quả hiện đời có thể tin cậy được. Còn các thầy bắc tông của mình ngoài pháp môn niệm phật luôn luôn lấy tín hạnh nguyện làm đầu, gia công niệm phật tâm tiếng khắng nhau để đạt tới nhất tâm bất loạn chánh niệm hiện tiền được đến giai đoạn đó mới mong được cuối đời vãng sanh tịnh độ.
Nói về thiền tông là do chữ thiền-na tàu dịch là tĩnh lự, cốt cũng lắng đọng tâm ý là chính, nhưng trong đó có chia làm nhiều pháp tu, đó là thiền tưởng và thiền niệm. Thiền tưởng là vận dụng trí tưởng tượng của mình cho một làn khí xoay chuyển từ mũi xuống đơn điền rồi chạy dọc xuống hậu môn, theo đốc mạch chạy lên đỉnh đầu và trở về mũi lại gọi là một chu kỳ. Có người niệm phật cũng theo lối tưởng tượng đó, nam trên đầu, mô ở miệng, a ở ngực, di hai bên tay trái phải, đà ở đơn điền dưới rún và Phật trở về tim v.v. Nghĩa là lối này tưởng tượng làn khí nó chạy theo đốc mạch và càng ngày càng thông suốt sinh mạch để được khỏe mạnh và tâm chuyên chú hơn.
Thiền niệm là chỉ nghĩ đến một đề mục hay một điểm sáng ở trước mặt ví dụ như nghĩ đến câu niệm phật đó là ai của thiền thoại đầu và cứ niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật với sự chú tâm không nghĩ quàng xiên lần lần tâm được an định vào đề mục hay là câu niệm Phật của mình.
Thiền tưởng nó có sự di động theo trí tưởng tượng của mình mỗi khi hành pháp trên đường vận chuyển đí phát ra ánh sáng. Những người ở cõi âm gặp được ánh sáng đó rất mừng rỡ, họ đến chỗ phát ánh sáng đó với hai mục đích hoặc là vui mừng mà đến nương cậy hay hỗ trợ; hoặc là khó chịu muốn đến để hủy diệt ánh sáng đó đi. chính vì ý niệm phá hoại này mà những người tu thiền tưởng luôn luôn bị một lực đối kháng trong khi hành thiền mà người ta gọi là chư vị thử sức.
Người ta gọi thiền tưởng như người đi để lại dấu chân trên cát. Từ dấu chân đó người ta có thể tìm được người đi phía trước. Còn thiền niệm cũng như gió thổi qua đồi cát không để lại một dấu vết gì. Do đó cho nên người tu thiền niệm ít bị thử thách từ bên ngoài, trừ ra những nội chướng của tự thân gây nên mà thôi. Vì vậy trong Thanh tịnh đạo luận hướng dẫn là người tu thiền phải có một thiện tri thức để giúp đỡ mình. Nói thiện tri thức chớ thật sự là người đi trước có kinh nghiệm dìu dắt từng bước một trên con đường tu tập; đó gọi là a xà lê.
Xét ra ở Việt Nam có rất nhiều đạo tràng, niệm Phật cũng có, tu thiền cũng có. Các đạo tràng niệm Phật rất đông và đạo tràng tu thiền cũng không phải ít, nhưng phần hướng dẫn chưa được chu đáo lắm. Vì vậy các đạo tràng dần dần dân số cũ ít đi, thay vào đó những người mới. Dù sao tinh thần hướng đến giải thoát của tín chúng cũng rất mạnh mẽ nhưng thiếu sự hướng dẫn chặt chẽ và hiệu quả trên đường tu tập. Mấy mươi năm qua đi, về pháp môn niệm phật, ngoài hòa thượng thích trí tịnh không có ai nối tiếp sau này. Đúng ra mọi người đều khát vọng một thần tượng với đầy đủ đạo hạnh như các vị cổ đức ngày xưa, nhưng mấy mươi năm nay vẫn chưa tìm thấy người đáng đặt niềm tin trọn vẹn. Như các vị phật sống ở Tây Tạng được tôn lên để giữ niềm tin cho dân Tây Tạng với điều kiện tái sinh theo truyền thống đã đem lại niềm tin chặt chẽ cho người Tây Tạng lâu nay. Đó là niềm tin theo hình thức hành chánh của giáo đoàn chớ không phải là đại diện cho bậc cho bậc chân tu cao cả nhất. Nhưng dù sao cũng là có được một niềm tin thống nhất để mọi người nương theo đó tự hào với niềm tự tin dân tộc.