Ni lưu cần có chùa riêng chăng?

Ni lưu cần có chùa riêng chăng?

Chùa Giác Hoa (Bạc Liêu) - Một trong những ngôi chùa ni đầu tiên ở Nam Bộ.Nguồn ảnh: Fb DulichBacLieu

Ngày nay, trên khắp nước Việt Nam ta, ở đâu cũng thấy có chùa dành cho chư ni, ta cứ tưởng chùa dành cho chư ni đã song hành từ đầu với chùa dành cho chư tăng. Kỳ thật, ở Nam bộ, mãi đến những năm 1930 người ta còn đặt vấn đề: “Ni lưu cần có chùa riêng chăng?”

Đây là bài báp phòng vấn Hòa thượng Khánh Hòa của tác giả V.N .

Hòa thượng Khánh Hòa được xem là vị tổ sư của Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam. Qua bài viết, ta có thêm tư liệu quý báu về hành trạng của Ngài.

Chúng tôi cho đăng lại nguyên văn bài đã được đăng trên Phụ Trương Phật Học của tờ Lục Tỉnh Tân Văn từ số 1 đến số 3 ra vào khoảng tháng 6-1935. 

……………………………………….

Biết được sư cụ là cũng nhờ tôi có đi dự kiến lễ lạc thành hội Lưỡng Xuyên Phật Học ở Trà Vinh. Bấy lâu nay vẫn nghe tiếng mà tiếc vì không biết mặt. Tiếng Sư cụ ở lục tĩnh ai lại không nghe mà lúc tôi gặp thì mắt phàm phu nầy không sao rõ biết người đức hạnh.

Ở tại tổng lý văn phòng có một nhà sư tuổi quá lục tuần ngồi tại bàn nghiêm nghị không thấy hoạt động gì, không thấy tiếp rước ai, thỉnh thoảng ngó thoáng bóng người qua lại rần rần kia; ở dưới đất có cả ngàn người xao xự lại qua.

Gương mặt bao giờ cũng trầm tĩnh, cặp mắt sáng suốt, miệng rộng, Sư cụ Lê Khánh Hòa bận cái áo nhuộm dà cũ kỷ quá, tôi thấy lần thứ nhứt bảo thầm trong bụng: Ông thầy nào lụi xụi quá mà ở tại phòng tổng lý của hội, mọi người thì lo lăn xăn còn ông nầy sao rảnh rang ngồi không vậy?

Đến chừng thấy thầy thơ ký Phặm Văn Luôn có chuyện gì đến nói nghe tiếng: Bạch Sư cụ…

Hỏi ra mới rõ là sư cụ Lê Khánh Hòa!! Nghe tiếng sư cụ tôi muốn thừa dịp nào vào làm quen mà mãi luôn 3 ngày lần nào lên phòng tổng lý thấy cặp mắt nghiêm nghị, gương mặt trầm tĩnh bộ không muốn nói chuyện cùng ai nên tôi bắn lùi xuống ngay.

Mãn cuộc lễ lạc thành, về Sài Gòn được 4 ngày nghĩ cơ hội may mà không gặp nên sẵn dịp đi Bến Tre, liền định hỏi thăm chùa Tuyên Linh.

Tới Bến Tre gặp chú lính gác đường tôi hỏi thăm chùa Viên Giác thì chú lính chỉ ngay đường mé sông vô tòa bố rồi qua khỏi cầu đương đúc quẹo qua phía tay mặt, con đường nầy vào chùa Viên Giác.

Nghe chỉ vậy, tôi đạp xe máy đi ngay. Y theo lời chỉ tôi đến chùa rất dễ. Bước vào chùa gặp ông giáo nhờ ông bạch giùm cùng ngài Hòa thượng rằng tôi có chút việc cần muốn hầu Hòa thượng.

Ông giáo mời tôi ngồi uống nước, cách 5 phút sau tôi thấy ngài Hòa thượng Viên Giác từ từ ở dưới nhà hậu bước lên. Vốn đã gặp ngài ở bên hội Lưỡng Xuyên nên vừa thấy ngài tôi chỉ xá rồi ngài hỏi tôi đi có chuyện chi.

  • Bạch ngài, tôi xuống đây trước thăm ngài sau nhờ ngài chỉ đường qua chùa Tuyên Linh.
  • Thầy ra xe đi Mỏ Cày, qua Mỏ Cày hỏi thăm ngã tư Tú Sơn đi xe ngựa thì chỉ có 0$20 đến ngã tư Tân Trung đi vào chùa 0p20 tiền xe nữa thì tới.
  • Bạch ngài, tôi có xe máy đi tiện không?
  • Được, có xe máy đi khỏi tốn tiền. Đây đi qua Mỏ Cày đâu 7, 8 ngàn thước, từ Mỏ Cày qua chùa 6,7 ngàn thước gì đó, gần mà.

Tánh không kỷ lưỡng, nghe dạy vậy, khi uống trà xong, liền từ giã ngài Hòa thượng Viên Giác ra đi. Nghĩ 13 cây số không mấy gì xa mà sợ qua Bac mất công, nên tôi xuống tàu đi Mỏ Cày.

Đến Mỏ Cày đã 5 giờ chiều, tôi lên xe máy đi ra ngã tư, chạy xuống con đường đi Thạnh Phú. Cứ việc đạp xe chạy, chạy mãi đến 5 cây số bắt được 2 người đồng hành hỏi ra mới hay từ Giồng Quéo xuống Tân Hương còn hơn 13 cây số nữa!!

            Thấy hai người đồng hành đạp xe chạy chậm nên tôi bỏ đi trước một mình, đạp tháo mồ hôi mà chưa tới đâu là Tân Trung. Đến được Tân Trung mừng quá quẹo qua lộ đá đỏ chạy luôn đi hơn nữa giờ mới tới chợ. Qua cầu khỉ tưởng đã tiêu xác vì phần mệt mà còn phải đầu xe máy qua cầu ván sấp linh chinh; mới vừa bước lên cầu trật chơn may gượng đặng; qua khỏi nạn cho là có ơn trên phò hộ.

Chạy đường vườn thêm hai cây số nữa mới nghe tiếng mỏ, tôi xuống xe máy vào chùa. Đến nơi trời đã tối rồi nên coi kỷ không được, bước vào nhà hậu hỏi thăm huynh nhỏ ở trong ra có Sư cụ ở chùa không. Huynh nhỏ trả lời có, may sao vừa lúc nói xong tôi thấy Sư cụ trong liêu bước ra.

Bữa đó Sư cụ cũng mặc bộ đồ dà trổ màu rồi Sư cụ thấy tôi đến đảnh lễ thì nhận tôi là người làm nhà báo, tôi bạch lại kỹ. Sư cụ mời tôi vào liêu.

Thấy tôi có vẽ mệt, Sư cụ bảo nghỉ một chút sẽ nói chuyện, còn tôi nhơn bị cảm cũng đã lâu muốn đi nghỉ mà sợ nằm ngủ luôn hỏng cả việc.

  • Bạch Sư cụ, con đến đây nhờ Sư cụ chỉ giáo một điều quan trọng. Tất Sư cụ cũng rõ ở Nam kỳ bây giờ chưa có một cái chùa nào cất riêng cho ni lưu ở. Con tưởng đạo Phật ta ngày nay bên nam có trường dạy học mà bên ni chưa có. Đến như chùa tăng thì có cả ngàn mà chùa ni thì chưa có một cái nào. Vậy con nhờ Sư cụ dạy cho rõ coi ni lưu cần phải có chùa riêng chăng?

Lúc bây giờ Sư cụ ngồi kiết già, tay chống cằm, gần bên có cái quả sơn đỏ. Sư cụ lóng tai nghe chăm chỉ cặp mắt sáng suốt kia lúc nào nhìn ngó tôi, tôi cúi xuống tay rút thuốc ra hút, trông cho Sư cụ ngó lơ, tôi liếc nhìn Sư cụ thấy vẻ mặt Sư cụ có phần tươi tắn và ôn hòa hơn lúc gặp ở tại hội.

Nghe tôi thuật câu chuyện, Sư cụ ngôi suy nghĩ một hồi lâu rồi thong thả thốt ra.

Theo luật thì tì kheo ni có chùa riêng. Ở Bắc thì đã có lâu rồi. Trung và Nam chưa có mà thôi. Mấy cô vì thiếu học nên phải ở theo chùa tì heo tăng. Hồi trước mấy bà vãi từ bốn năm mươi tuổi mới vô chùa. Gần 20 năm nay nhiều cô tuổi nhỏ phát tâm tu hành. Số ấy càng ngày càng đông, nên cần phải lập chùa riêng cho ni lưu. Mà cần nhứt phải lập qui tắc nhứt định theo luật. Trong luật có nói chùa tì kheo ni cất không cách quá 1 cây số cùng chùa tì kheo tăng đặng tiện bề tùng giái khai kỳ. Thường lệ thì bữa rằm và 30 thì tì kheo ni đến chùa tì kheo tăng học hỏi còn bữa 16 và mồng một thì tì kheo tăng qua chùa tì kheo ni chỉ dạy kinh luật.

Lúc Phật đi thuyết pháp, dì của Phật xin thọ ký, Phật không cho. Nhờ ông A Nan cầu xin giùm nên Phật cho, nhưng phải thọ Bát kỉnh pháp (Bát kỉnh pháp nầy Sư cụ có cắt nghĩa rõ, xin gát  lại đăng kỳ sau).

  • Bạch Sư cụ, việc cất chùa riêng cho ni lưu là việc tốn kém nhiều. Nếu không có bên tì kheo tăng tán trợ thì vấn đề nầy khó giải quyết.
  • Tôi cũng rõ vậy, nhưng nếu mấy cô lo học cho tinh tấn, giữ giới hạnh cho hoàn toàn, thì bên tì kheo tăng có hẹp gì mà chẳng giúp cho. Hiện giờ có một đôi cô học hành khá mà bởi giới hạnh không có thì ai dám hộ trợ?
  • Bạch Sư cụ con cũng rõ vậy nên con mong sao bây giờ nên lập trường dạy ni lưu trước đã.
  • Thì bên hội Lưỡng Xuyên đã có tính vậy hễ khai trường cho bên tăng xong thì hội định dùng chùa Phước Hòa để làm trường dạy bên ni.
  • Bạch Sư cụ, con đã có nghĩ chuyện nầy. Con có tính cùng ngài hòa thượng Khánh Thuyên ở chùa Long Phước (Ba Tri) nên lập một cái trường cho ni lưu tại Ba Tri trước. Ngài Khánh Thuyên muốn lắm nhưng cần phải sữa soạn cái chùa lại cho phân biệt. Ngài tính thỉnh một vị pháp sư Bắc vào và ngài nói nếu có cô Huệ Tâm ở trong nầy thì giải quyết vấn đề nầy rất mau.

Cô Huệ Tâm có ở đây lâu. Tôi cũng tiếc cho cô lúc nầy không còn ở trong nầy. Còn mấy cô đây còn đương cầu học hành cho khá.

  • Bạch Sư cụ, vấn đề nầy Sư cụ dạy bao nhiêu đó, con đà thấy được tấm lòng từ bi của Sư cụ rồi. Con xin gác nó lại vì còn phải mất ngày giờ nhiều mới giải quyết xong. Hiện thời con xin thưa Sư cụ việc nầy: Ông chủ nhân Lục Tĩnh Tân Văn đã xuất bản tờ Phật Học. Vì ông thấy đạo Phật ta nên truyền bá cho phổ thông, cần có cơ quan cho chánh đáng. Bởi vậy ông giao cho con phần đi cổ động và chủ trương tờ Phật Học. Xét vì con tài hèn sức yếu, lẻ đạo chưa thông suốt con phải nhờ chư đại đức trong tăng già hoan hỉ giúp cho. Con mong sao tờ Phật Học của Lục Tĩnh Tân Văn sẽ là cái ông truyền thinh để bành trướng việc đạo cho tính tấn thêm. Con nhờ Sư cụ từ bi giúp thêm chút ít bài vở.
  • Tôi bây giờ trong mình thường hay có bịnh, tôi không dám hứa ngay, nhưng để coi tờ Phật Học ra sao rồi tôi sẽ tính. Tôi xin giới thiệu một người giúp bài vở cho.
  • Sư cụ dạy vậy con xin vâng. Mà tờ Phật Học của Lục Tĩnh Tân Văn có một cái chương trình rộng rãi. Nếu khi xuất bản tất sao trong tòng lâm cũng vui lòng giúp nó.

Ông chủ nhơn Lục Tĩnh Tân Văn muốn sao cho đạo Phật ta hiệp nhứt lại thì cái ảnh hưởng nầy không phải là một chuyện thường vậy. Nghĩ nếu tờ Phật Học  của Lục Tĩnh Tân Văn mà được trong tăng già phụ giúp và chư thiện tín tán trợ thì bổn phận chúng tôi phải giữ sao cho tròn.

  • Ấy cũng là một việc may cho nền đạo, lẽ nào tôi là người tôi Phật mà đành ngó lơ sao. Vậy để chờ thong thả tôi sẽ định đạt.

Câu chuyện đến đây thấy mình ngồi lâu mệt quá, lại nghe tiếng chuông tiếng mỏ tiếng tụng kinh trên chánh điện nổi lên, nhơn dịp ấy tôi xin phép vào đơn nằm nghỉ…

V.N

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài