Quan niệm của Bùi Giáng về thiên tài trong "Thi ca tư tưởng"

Quan niệm của Bùi Giáng về thiên tài trong

Thi ca tư tưởng - Bùi Giáng
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả.
Ảnh: Min

Mặc dù tiêu đề có vẻ khá nặng nề so với một cuốn sách lại rong chơi trong miền dâu bể nữa của Bùi Giáng. Nhưng có hề gì, ông sẽ bỏ qua mọi thứ vì ông là người “nhìn thấu” và “nghĩ suốt”. “Thi ca tư tưởng” là thi ca của tư tưởng, thi ca về tư tưởng hay tư tưởng đã được thi ca hóa? Tất nhiên, khi đã đặt tên cuốn sách như vậy, hẳn nhiên Bùi Giáng không muốn chúng ta lại “cưỡng bức ngôn ngữ” theo cái cách mà ta luôn làm khi đối đãi với vạn vật. Tại sao phải luôn cứ luận lý, rồi phân tách các thứ trong khi chúng vốn là một? Nếu Đi vào cõi thơ là hội “đạp thanh” của những thi sĩ – tài tử trong cái nô nức thanh xuân nói về vẻ trầm mặc chiều tà của nhà tư tưởng thì ở Thi ca tư tưởng, lại là cuốn “đoạn trường” để các nhà tư tưởng ghi tên các nhà thi sĩ và cả chính tên mình vào. Bùi Giáng luôn miên man về một cái khí chất, khiến “lũ chúng ta” dẫu biết trước vẫn muốn “tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Cái khí chất ấy, mang tên thiên tài.

Lời triệu từ 300 năm trước: “Anh hoa phát tiết ra ngoài/ Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”. Anh hoa, tài hoa, thiên tài chỉ nảy nở đúng một lần, trong một ngàn năm, hứng chịu bao gió sương, cũng chỉ nở đúng một lần, trong một ngàn năm. Biết rõ là bạc mệnh nhưng vẫn cứ phát tiết, không chịu phong bế. Vì có “đồ cùng” mới biết lòng tráng sĩ lạnh hơn Dịch thủy; vì có “bất bình” nên Bồ tát mới tầm thanh; vì “thi cùng nhi hậu”. Cũng như xuân tới, hoa đào nở. Nhưng đào hoa bung tiết bởi đông phong chăng? Nếu chỉ thấy xuân tình trong gió xuân thì cả đời chỉ quanh quẩn trong sự nở tàn. Hoa đào tự biết nó đã đến kỳ, đông phong là duyên khởi. Thi sĩ cũng vậy, họ làm thơ không phải vì… hay nhân danh vì… mà là tự thân nó thế. Thiên tài mà!

Thi ca tư tưởng - Bùi Giáng
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 với sự chấp thuận của gia đình tác giả.
Ảnh: Min

Một quan điểm nữa về dấu ấn thiên tài: các chủ đề trong thơ – thường là cái người ta hay chú ý tới – thực ra không mới. Cái làm cho mọi thứ trở nên mới mẻ, được trở về ngọn nguồn sáng tạo, được sống một lần trong đời, ấy là chất thiên tài. Trong xứ sở đau thương, Đinh Hùng phát lộ tiếng thét cuồng vọng tìm nơi lưu trú; Ngân Giang nữ sĩ thả trôi nỗi buồn vào nơi u mặc và thanh đạm; trong khi Vân Đài nữ sĩ vì một men say diệu vợi cũng vương buồn thăm thẳm… Các nhà trường phái hình thức Nga phát hiện được sự lặp lại của các chủ đề thơ và sự sáng tạo nằm trong cách viết (thi pháp). Nhưng cái cách viết ấy, từ đâu mà có? Chẳng phải từ tinh chất thiên tài ít ỏi liễm tàng từ tận sâu đáy hồn đó sao?

Và chất thiên tài này là bất khả tư nghị, như Đạo, như Không, như nhiên, vô thủy vô chung, không được sinh ra từ cái gì và cũng không vì cái gì mà mất đi…, như phút giây đốn ngộ, nếu có kẻ có thời gian mà ngồi phân tích, thì có lẽ phải lịch kiếp 500 lần. Khi nói về Hồ Dzếnh: “… phút xuất thần kỳ ảo bỗng nhiên nhảy vọt một bước lên tột đỉnh thiên tài, không gì giải thích được”. Nhưng kẻ thiên tài thực sự nào có ngạo thế vì định mệnh là đã bị ném vào bĩ cực, vào “dặm hồng bụi cuốn”, đau đớn đến nỗi lời thơ tự nhiên bay bổng phiêu lãng ra, còn nhà tư tưởng thì “vong ngôn’. Đó là định mệnh của những người luôn cầu tri kỷ, có nỗi đau mà không ai thấu vì có ai chịu hiểu đâu. Mà cái khốn cùng ấy nói một cách thẳng thừng, trước là “đắc” cho việc làm thơ, sau là “đắc” cho việc làm người, như Bồ Tát nghịch hành nhiếp dẫn tới cõi đốn ngộ cuối cùng. Bùi Giáng đã rất ẩn ý khi xem nỗi đau quấy quá thiên tài như con quái Minotaur đối với Martin Heidegger – người mà ông vô cùng yêu mến. Con nhân ngưu ấy là cuộc hôn phối trái trở như giữa ngôn ngữ tiền logic (thứ ngôn ngữ vượt qua khái niệm, không bị phân tích và gần với ngôn ngữ của nhà thơ) với nền kỹ trị đầy máy móc, tính toán, rập khuôn và định kiến. M.Heidegger đã chiến đấu với quái thú trong suốt cuộc đời mình như tìm cách “đáo bỉ ngạn” trước bể khổ và trong khi đó, chất thiên tài được phát tiết. Xem ra tận ác phải chăng là tận thiện?

Nhưng trong một thế giới ngổn ngang giữa những tư biện và soi mói, thiên tài bị lãng quên. Đến nỗi Lý Bạch “độc tọa” trên đỉnh Kính Đình, Nguyễn Du tự hỏi tri âm sau ba trăm năm, Nietzsche du hành vào cõi hư vô còn Albert Camus trở thành “Người xa lạ”. Đó có phải là tâm thái lạc nhịp với thời đại chăng? Hay là hương hoa thay vì trở về suối nguồn uyên nguyên với hương đồng cỏ nội thì nay lại phiêu trầm trong cõi điêu linh mà Bùi Giáng cho là dù văn minh nhưng thực chất là tự dối mình? Đôi lúc, ông cho thấy một phương diện khác của mình, một kẻ phó mặc vào cõi “diêu mang hỗn độn”, trông chẳng khác gì một đoạn ly tao đầy bất lực và không hồi kết, một kẻ đa mang lẩn quẩn trong giấc mộng rồi sớm muộn gì cũng tàn phai trong vô thường. Với những “nếp gấp” tư tưởng phức tạp đó, Bùi Giáng cho rằng chỉ có dùng thơ để bàn về thơ. Vì thi sĩ chỉ “ghi lại một đường trăng tê dại, vẽ lại một màu tuyết lạnh ngắt…” nên tại sao cứ phải “chém giết nhau chi tốn công đào huyệt?” Chúng ta chỉ nhìn thấy cái tiểu biệt mà không thấu rõ được cái đại đồng. Đã bao giờ trong suốt quãng đường đi xa xôi của mình, bạn đã có buổi trò chuyện trong im lặng như Đức Phật và tôn giả A-nan chưa?

“Biết rằng vô ích sao tôi vẫn/ Phung phí đời tôi mấy độ tươi” (Thơ Phạm Hầu). Dự hội đạp thanh, ghi tên vào sổ đoạn trường, bước lên chuyến xe hồng trần, ấy là những người dũng mãnh. Trong số những con rùa biển con được sinh ra, có bao nhiêu con sẽ đến được đại dương mà không bị vong mạng bởi vô vàn nguy hiểm trên mặt đất? Khi sống được 30 năm, những con đại bàng già sẽ va đập mỏ và móng vuốt của chúng vào vách đá, để mỏ và móng vuốt gãy đi và thay mới, và chúng lại bay lượn khắp bầu trời một lần nữa. Còn chúng ta, từ khi sinh ra, đã khóc. Nếu quả dư nước mắt, xin hãy khóc cho những người như Bùi Giáng và những nhà thi sĩ, nhà tư tưởng mà ông yêu quý. “Chính cái sự tình tránh được cuộc đáng tiếc, lại chính đó là điều đáng tiếc khôn hàn” – Bùi Giáng, thiên tài (giữa) bụi đời, hẳn đã an nhiên với cuộc lữ thứ của mình.

Huệ Quang, Xuân 2018

BẢO ANH

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài