Sách học chữ Hán cho học sinh nhỏ tuổi ngày xưa

Sách học chữ Hán cho học sinh nhỏ tuổi ngày xưa

Ấu học quình lâm - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017. Ảnh: Min

Nền nho học ở nước ta đã lùi sâu vào dĩ vãng nên nhiều người, nhất là lớp trẻ ngày nay không hình dung được cách học hành và chế độ thi cử thời xưa. Trong bài này tôi muốn giới thiệu sơ lược một số “sách giáo khoa” được dùng làm tài liệu giảng dạy và học tập cho lớp học trò nhỏ tuổi mới bắt đầu bước chân đến “cửa Khổng sân Trình”.

Hán học giải minh - Tạ Vân Long - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017. Ảnh: Min

Cuốn sách vỡ lòng chữ Hán phổ biến nhất để đào tạo nhân tài tương lai của nhiều thế hệ trước đây là cuốn Tam tự kinh. Như tên gọi của nó, mỗi câu trong sách gồm 3 chữ có gieo vần để người học dễ nhớ, chữ cuối các câu chẵn có vần với nhau, cứ liên tiếp hai vần trắc rồi lại hai vần bằng:

Nhân chi sơ,
Tính bản thiện.
Tính tương cận,
Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo,
Tính nãi thiên

Giáo chi đạo,
Quí dĩ chuyên

Cuốn Tam tự kinh do một nhân vật nổi tiếng đời nhà Tống là Vương Ứng Lân(1) soạn để dạy trẻ trong nhà, nhưng về sau nhiều người thấy hay mới đem phổ biến dùng làm sách huấn mông (dạy trẻ) và cũng được đưa vào Việt Nam khá sớm.

Cuốn sách đề cập đến nhiều nội dung: Từ cách giáo dưỡng một em bé mới lên 5-6 tuổi về vấn đề tu dưỡng tính tình, về lễ nghi hiếu đễ, về đối nhân xử thế… cho đến những kiến thức về lịch sử, xã hội và cả những vấn đề vạn vật và vũ trụ mà chỉ gói gọn trong khoảng 1000 chữ Hán. Ở Việt Nam trước đây cũng đã có người diễn âm Tam tự kinh ra thể lục bát để trẻ con dễ học, dễ nhớ, chẳng hạn:

Bà Mạnh ở chọn láng giềng,
Con thơ biếng học chém liền cửi khung.
Năm con họ Đậu một dòng,
Nghĩa phương hòa một bảng rồng cả năm.
(Tích Mạnh mẫu, trạch lân xử.
Tử bất học, đoạn cơ trử
Đậu Yên sơn, hữu nghĩa phương.
Giáo ngũ tử, danh câu dương).

Huấn mông tam tự kinh diễn ca - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017. Ảnh: Min

Đứng về quan điểm giáo học pháp hiện đại thì nội dung cuốn sách có chỗ chưa thích hợp với lứa tuổi vỡ lòng, nhưng nhờ cách học truyền thống đó mà phần lớn các nhà nho đã trở thành những người mẫu mực của thời đại họ.

Ngày nay ở Trung Quốc cũng rất coi trọng vấn đề kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nên các nhà giáo dục đã dựa vào cuốn Tam tự kinh để soạn cuốn Tân Tam tự kinh(2) bổ sung thêm những kiến thức và nội dung mới cho các em thiếu nhi học tập.

Ngoài cuốn Tam tự kinh, các em còn được học một số sách khác như Ấu học ngũ ngôn thi, Sơ học vấn tân, Minh đạo gia huấn, Minh tâm bảo giám v.v… để chuẩn bị cho giai đoạn học tập tiếp theo là nghiên cứu các sách học kinh, truyện (Tứ thư, Ngũ kinh).

Tiếp theo cuốn Tam tự kinh, các thầy đồ thường cho học sinh học cuốn Ấu học ngũ ngôn thi. Đó là một cuốn sách thơ năm chữ gồm 278 câu, nội dung khuyên các em chăm chỉ học hành để đỗ đạt cao và ra làm quan, hưởng vinh hoa phú quý. Do đó cuốn sách còn gọi là Trạng nguyên thi. Cuốn sách nêu lên những mục tiêu để khích lệ các em phấn đấu:

Mãn triều chu tử quý
Tận thị độc thư nhân.
(Các quan sang trong triều mặc áo đỏ, áo tía, hết thảy đều là những người học hành).

hoặc:

Nhất tử thu hoàng ân,
Toàn gia thực thiên lộc.
(Một người con đội ơn vua, cả nhà được hưởng lộc trời)

… Trong sách có những câu thuộc loại châm ngôn nổi tiếng, đến nay vẫn còn nguyên giá trị:

Thế thượng vô nan sự,
Nhân tâm tự bất kiên.
(Trên đời chẳng có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền).

Thê hiền phu nội trợ,
Tử hiếu phụ tâm khoan.
(Vợ hiền lo việc nội trợ cho chồng, con hiếu thảo làm vui lòng bố)

Bạch nhật mạc nhàn quá,
Thanh xuân bất tái lai.
(Ngày xanh chớ bỏ qua, tuổi xuân không trở lại).

Cuốn Ấu học ngũ ngôn thi không nằm trong danh mục sách của người Trung Hoa, nên nhiều người cho rằng tác giả cuốn sách là người Việt Nam, nhưng chưa xác định được thời gian và con người cụ thể. Có một điều khẳng định là phần lớn những ngữ liệu cũng như nhiều đoạn thơ đều lấy từ trong kho tàng vốn cổ của Trung Quốc. Ai đã từng học chữ Hán trước đây hẳn rất thích thú với 4 câu thơ nói lên sự toại nguyện trong từng trường hợp cụ thể mà bản thân đã có dịp trải qua:

Cửu hạn phùng cam vũ,
Tha hương ngộ cố tri.
Động phòng hoa chúc dạ,
Kim bảng quái danh thì.
(Hạn lâu được trận mưa rào,
Xa quê bạn cũ ghé vào thăm ta.
Động phòng đêm ấy đuốc hoa,
Tên ghi đầu bảng còn ngờ chiêm bao).

Hoặc những câu thơ tuyệt đẹp tả thú chơi của những tao nhân mặc khách:

Xuân du phương thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì,
Thu ẩm Hoàng hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi.
(Cỏ non hương ngát đường xuân dạo,
Hồ biếc sen thơm nắng hạ vờn,
Thu nhắp Hoàng hoa thời bát ngát,
Đông ngâm Bạch tuyết giọng ngâm trong.)

Tản đà, nhà thơ tài hoa và đa cảm hồi đầu thế kỷ đã ghi lại trong Giấc mộng lớn câu chuyện học chữ Hán của ông như sau: “Năm mình lên năm tuổi, tức là năm Thành Thái thứ năm, ở Nam Định vỡ lòng học chữ Hán. Khi ấy đi học còn phải có người cõng, về nhà thì thích chơi chuồn chuồn. Trong năm ấy học được một quyển Tam tự kinh, một quyển Ấu học ngũ ngôn thi và một phần Dương tiết. Trong ba quyển sách ấy. thích nhất là quyển Ấu học ngũ ngôn thi Trong Ấu học ngũ ngôn thi thích nhất là hai câu “Hoa cù hồng phấn nữ, Tranh khán lục y lang”(3). Cái bệnh đa tình từ đấy, cái lòng mê khoa cử cũng từ đấy”. Thế mới biết tác dụng của cuốn sách giáo khoa vỡ lòng đối với người học mạnh mẽ đến dường nào.

Việc học tập ngày xưa, nhất là ở lứa tuổi ấu học không có chương trình quy định chặt chẽ và khoa học như ngày nay, nên việc học sách gì trước, sách gì sau là do thầy đồ quyết định, vì “sách giáo khoa” không có hệ thống đi từ dễ đến khó, mà mỗi quyển đều có nội dung riêng biệt không phụ thuộc lẫn nhau. Chẳng hạn cuốn Sơ học vấn tân đề cập đến vấn đề lịch sử Trung Quốc và Việt Nam, có thêm một phần nói về cách xử thế và những lời khuyên đối với học trò; quyển Minh đạo gia huấn gồm những lời khuyên về luân thường đạo lý và những câu châm ngôn xử thế; quyển Hiếu kinh dạy về đạo hiếu đối với cha mẹ; quyển Minh tâm bảo giám sưu tập những câu danh ngôn của các bậc hiền triết đã nói trong các kinh điển để răn dạy người đời và xem đó là “tấm gương quý báu để soi sáng lòng người” (Minh tâm bảo giám).

Ngoài ra còn có những loại như: Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự. Đặc biệt Tam thiên tự(4) là một cuốn sách hay, dễ học, dễ nhớ vì có vần và có đối, học luôn được cả chữ Hán và chữ Nôm:

Thiên trời, địa đất,
Cử cất, tồn còn.
Tử con, tôn cháu,
Lục sáu, tam ba.
Gia nhà, quốc nước.
…..

Tóm lại, sách học chữ Hán ngày xưa là “Khuôn vàng thước ngọc” lưu truyền từ đời này sang đời khác không có gì thay đổi cho đến khi kết thúc chế độ khoa cử ở nước ta (1918).

CHÚ THÍCH

(1) Vương ứng Lân: tự là Bá Hậu, như vậy ứng Lân và Bá Hậu là một, chứ không phải là 2 người như trong cuốn Khoa cử và giáo dục Việt Nam (tr.72) của Nguyễn Q. Thắng Nxb. Văn hóa – Thông tin, 1993.

(2) Tân tam tự kinh – Quảng Đông giáo dục xuất bản xã 1995.

(3) “Đường hoa gái đẹp má hồng,
Tranh nhau nhìn ngắm anh chàng áo xanh”.

(4) Tam thiên tự do Ngô Thời Nhiệm soạn, bản khắc có chữ Hán và chữ Nôm./.

Thế Anh

(Lấy từ nguồn http://nhanmyhocduong.org/sach-hoc-chu-han-cho-hoc-sinh-nho-tuoi-ngay-xua/)

Dưới đây là các tựa sách học chữ Hán mới phát hành và sách do thư viện Huệ Quang ảnh ấn





CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài