Thông điệp đầu năm học của Ban điều hành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang

Thông điệp đầu năm học của Ban điều hành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang

THÔNG ĐIỆP ĐẦU NĂM HỌC CỦA BAN ĐIỀU HÀNH TRUNG TÂM DỊCH THUẬT
HÁN NÔM HUỆ QUANG

VỀ ĐƯỜNG HƯỚNG DẠY-HỌC VÀ THI CỬ CỦA LỚP HÁN NÔM HUỆ QUANG

NIÊN HỌC 2023-2024

 

Đây là lần khai giảng thứ 20 của Lớp Hán Nôm Huệ Quang. Khác với những kỳ trước, năm nay khi ngôi Tu viện đã dần thành hình, cơ sở phục vụ việc dạy và học được hoàn thiện hơn và Ban Điều hành cũng có nhiều thời gian hơn để chăm chút cho công tác đào tạo. Đây cũng là năm đầu tiên Trung tâm có vạch ra một đường hướng và lộ trình học tập rõ ràng và đã được bá cáo đến toàn thể chư vị Giáo thọ sư và quý vị học viên.

Xin kính thưa toàn thể học viên, đặc biệt là các vị tân học viên – những người lần đầu bước chân vào ngôi nhà Huệ Quang, những vị có thể nói là bước vào một bước ngoặt của đời mình.

Nếu chúng ta xâu chuỗi những yếu tố quyết định sự nghiệp của một ai đó, thì đó là những quyết định mang tính bước ngoặt. Do đó, lựa chọn mang tính bước ngoặt phải đắn đo, cân nhắc, thận trọng. Cũng chính vì lẽ đó, chúng tôi cảm thấy cần phải có trách nhiệm nêu rõ đường hướng và đảm bảo thực hiện đúng đường hướng đó và gởi đến quý vị trước khi quý vị thi tuyển vào Huệ Quang. Do vậy, chúng tôi rất trân trọng những vị đã thi tuyển và trúng tuyển.

Trân trọng vì sao?

Vì trong xã hội ngày nay còn có những người từ bỏ cái có để tìm lấy cái không. Một trong những mục tiêu lớn của việc học là có được tấm bằng để tiến thân hoặc phụng sự. Nhưng Huệ Quang không có cái đó cho quý vị (dĩ nhiên vẫn có một bằng cấp mang tính danh dự, nhưng tấm bằng đó chưa được bên ngoài thừa nhận để học nối tiếp lên trên nữa). Biết được điều này, mà quý vị không chạnh lòng, vẫn nhất quyết thi vào.

Quý vị thực sự không đến vì hình thức, thế thì nhà trường lẽ nào lại không dám từ bỏ những hình thức sáo rỗng, phản tự nhiên trong việc tổ chức, dạy học và thi cử.

Nếu như đại học được cho là có lối học khai phóng hơn cấp phổ thông, thì cái học ở Huệ Quang cần phải khai phóng hơn nữa, phải mạnh dạn từ bỏ những cái hư danh không thiết thực, không đem lại ích lợi cho việc học.

Nói như vậy, không phải là chúng ta xóa bỏ hết quá khứ, đoạn tuyệt với con đường giáo dục của cha ông hàng ngàn năm nay. Trái lại, chúng ta cần phải ôn cố tri tân. Chính vì ôn cố một cách nghiêm túc nên chúng ta mới có đủ điều kiện để tri tân một cách đúng đắn.

Trong khung cảnh đó, chúng tôi rất muốn Huệ Quang đoạn tuyệt hẳn với lối dạy nhồi nhét cho được nhiều kiến thức vốn phổ biến ở Việt Nam suốt mấy mươi năm nay. Sao học viên cứ phải ghi chép những điều mà giáo trình đã có! Sao học viên cứ phải học những điều mà có thể quên bẵng sau khi thi xong! Chưa nói, những điều ấy không có một lợi ích nào cho sự huân tập tiềm thức của người học, như việc phải nhớ những tư kiến của người chủ xướng, hay những số liệu không cần thiết, vô hồn, vô cảm. Tại sao chúng ta cứ phải làm cái việc mà cả người dạy và người học đều nhận thấy nó có vấn đề và sợ nó.

Huệ Quang cũng cần chấm dứt hẳn với lối trả bài và thi cử hướng người ta phải thuộc lòng những điều vô bổ. Cách thi cử quyết định cách dạy và học, nhưng người ta không cải cách từ thi cử, đó là một sai lầm trầm trọng mà Huệ Quang tuyệt đối không được giẫm vào.

Lối dạy-học và thi cử như những năm qua ở nước ta là làm tổn hại học viên, không nhận thức được khả năng vốn có của mỗi sinh thể, không cho học viên một lập trường, một tư duy độc lập, triệt tiêu khả năng tự học và năng lực tiềm tàng vô tận của con người. Lối dạy ấy cũng đưa người thầy vào chỗ khuôn sáo, mai một, và làm cho những người có năng lực thật sự cảm thấy ngao ngán.

Lối dạy học và thi cử ấy chúng tôi cho rằng, nếu nói theo ngôn ngữ phương Tây là bạo hành tinh thần người học. Không những thế, chúng tôi còn cho rằng, nó tiềm ẩn một điều rất nguy hiểm, đó là nuôi dưỡng người ta chạy theo cái hữu danh vô thực, tức cái hư danh. Trong nhà Phật, cái danh thực (tức cái danh có một cách xứng đáng) đến lúc còn phải bỏ, huống gì cái danh hư!

Do vậy, Huệ Quang không những nên từ bỏ lối dạy-học và thi cử ấy mà còn nên từ bỏ một cách dứt khoát, không luyến tiếc.

Học ở Huệ Quang, từ khóa này, quý vị học viên sẽ không bị điểm danh mỗi buổi học. (Quý vị hãy tự điểm danh mình.) Quý vị cũng không bị bắt buộc phải chép bài, quý vị hãy ghi chú những gì mình cho là cần thiết. Quý vị sẽ không bị thi một bài thi với tính cách thuộc bài, vào cuối kỳ hoặc cuối môn.

Học ở Huệ Quang, nhất là từ khóa 20 này, quý vị không cần phải làm những điều đó. Nhưng trái lại, quý vị cần làm một vài điều khác:

Quý vị cần phải phát tâm. Đi tu phát tâm thì đi học cũng phải phát tâm. Tâm dõng mãnh thì thành tựu lớn lao, ý chí sắt đá thì không có gì không thành. Dân gian nói “có chí thì nên”. Nhưng muốn chân tu thật học thì trước phải có chân tâm. Không có chân tâm thì khó có chân tu, không có chân thành cầu học thì khó có thật học, dễ rơi vào học giả, học hình thức. Điều đó không thích hợp với cái học ở Huệ Quang. Không chỉ có tâm chân thật mà còn phải có tâm tôn kính và cẩn trọng. Tôn kính những vị Giáo thọ sư đã dành tâm huyết, thời gian, khả năng để truyền trao kiến thức cho mình. Cẩn trọng đối với tam nghiệp suy nghĩ, nói năng, hành động của mình để không ảnh hưởng đến người khác. Cẩn trọng đắn đo đối với những tư kiến của cá nhân trước khi đối thoại với thầy giáo, với bạn hữu trong những vấn đề học thuật. Đó là yêu cầu đầu tiên.

Kế đến, mong quý vị phát tâm không sử dụng điện thoại, internet riêng, nên sử dụng chung và sử dụng vào việc học. Đối với học viên nội trú ở Huệ Quang phải tuyệt đối áp dụng, vì quý vị sẽ có phòng học nhóm chung, có đủ trang thiết bị và thư viện khang trang, dồi dào tư liệu, đủ sức phục vụ tốt việc học của quý vị. Thời đại ngày nay, cái đó khó bỏ nhất. Cái khó bỏ bỏ được thì sẽ đạt được cái khó đạt.

Hạn chế các phan duyên như tiếp khách, hoặc những việc mà quý vị cho là Phật sự như: từ thiện, cúng đám, xây chùa… Quý vị hãy tập trung toàn tâm toàn ý cho 4 năm học, thời gian qua rồi không trở lại. Những công việc ấy, bây giờ không làm được, về sau có thể làm, thậm chí làm còn tốt hơn. Còn 4 năm học ở Huệ Quang không quay lại lần thứ hai.

Tuy không phải chép bài, không phải điểm danh, không phải thi cử nặng nề, nhưng tinh thần cầu học cần phải luôn thường trực trong tâm khảm mỗi người. Phải trân trọng thời gian của Giáo thọ sư, của bản thân và của thầy tổ đã dành cho mình mà đi học đều đặn và nỗ lực học tập cho có thành tựu.

Thành tựu của chốn cửa Không này, trong môi trường đào tạo của Huệ Quang, chính là sự nối dài và liên tục của những sự tiến bộ, trưởng thành về tri thức, nhận thức diễn ra hằng ngày. Nếu chúng ta thật học, tự khắc nhận ra sự tiến bộ ấy, và hoan hỷ với nó, chứ không cần chờ đợi một kết quả xa xăm hay một sự ban thưởng nào khác.

Quý vị vào lớp học này, được gọi là lớp Luyện dịch Hán Nôm, nếu chúng ta có quyết tâm trở thành nhà phiên dịch kinh điển, vậy hãy suy nghĩ về chư tổ, tiền nhân thành tựu trong lĩnh vực này để xem quý ngài đã làm gì để có thành tựu đó. Theo chúng tôi, năng lực cá nhân của quý vị, đội ngũ ban giảng huấn, đường hướng tổ chức đào tạo của nhà trường chỉ quyết định một phần; ý chí hay hoài bão, niềm tin đạt đến của quý vị quyết định phần còn lại. Niềm tin sẽ là yếu tố then chốt đầu tiên. Nếu chúng ta không tin thì sẽ không làm được, hoặc mất một khoảng thời gian kha khá để phát sinh niềm tin. Chúng ta bước chân vào Sài Gòn mà không tin chắc là có cái người ta gọi là Sài Gòn không, thì thật là quá phiêu lưu; cũng vậy, mình không tin là mình có dịch được chữ Hán mà cứ thi cứ học lớp Hán Nôm Huệ Quang thì cũng phiêu lưu không kém. Dĩ nhiên, quý vị có quyền hạ thấp mục tiêu tùy theo nhân duyên và sở nguyện của mình mà có sự đầu tư cho phù hợp. Nhưng dù sao, cũng nên xác định rõ từ đầu, để 4 năm trôi qua, chúng ta không cảm thấy mình chưa hoàn thành sở nguyện.

Giáo thọ sư dù giỏi đến mấy, học viên cũng nên chỉ xem quý ngài là người chỉ cung cấp cho chúng ta một vài phương pháp căn cơ, một số kiến thức chuẩn mực, tiếp cho chúng ta một quãng đường. Chúng ta cần xem việc tự học là vị Thầy có thể gắn bó thường xuyên, lâu dài. Hãy thử xem thư viện như một lớp học. Thay vì đến lớp, rảnh mới đến thư viện, thì chúng ta hãy đến thư viện, khi có tiết thì vào lớp. Thay đổi nhỏ ấy tạo cho người học có một tư thế đón nhận kiến thức một cách chủ động, tự tin. Việc học thầy và việc tự học nên được tiến hành song song.

Nói đến đây, có thể có nhiều vị cảm thấy hoang mang: Con đường học vấn là con đường của tri thức, của tri kiến, không ghi nhớ thì làm sao có được? Chúng tôi không phủ nhận điều đó, mô hình thành tựu tri kiến đó, nhưng chủ trương GHI NHỚ của Huệ Quang sẽ khác.

Thiết nghĩ, sự quá tải trong học đường, không phải do khối lượng kiến thức, mà do cái cách, cái bối cảnh mà kiến thức được đưa vào. Nước nào cũng phải học một lượng kiến thức tương đương về khoa học tự nhiên và xã hội. Ở những nước có bề dày về văn hiến, lịch sử, thì lượng kiến thức ấy có thể nói còn nhiều hơn. Là tu sỹ, còn phải học nội điển nữa thì làm sao học nổi! Ở Miến Điện, có cả trường đào tạo Tam tạng, trong đó, có một số vị xuất chúng đã thuộc được tam tạng nguyên thủy, số vị thuộc một tạng rất nhiều. Tàng thức của con người là vô hạn, nó như biển cả, có thể thâu nhận tất cả, nhưng phải là những thứ khế hợp; nếu là những thứ không phù hợp, nó sẽ đẩy lên mặt nước và trả lại cho người ta. Tâm thức ta chỉ thích ghi nhớ cái gì nó hiểu, nó thích.

HIỂU và THÍCH mà nhớ, không phải nhớ những thứ vô hồn. Cái nhớ trong sự hiểu mới có cái dụng rộng lớn, không hạn cuộc. Cái thích trong sự nhớ mới tiết kiệm được dung lượng của bộ nhớ. Chúng tôi cho rằng không HIỂU không THÍCH mà bắt phải nhớ là phản giáo dục. Do vậy, mục đích tối ưu của chúng tôi khi mời một vị Giáo thọ sư là tìm cho quý vị một vị thầy mà trong lãnh vực đó có thể làm cho quý vị đến cuối khóa sẽ hiểu và thích bộ môn đó, không phải nhớ được bao nhiêu từ, bao nhiêu sự kiện hay thi được bao nhiêu điểm. Chuyện nhớ được bao nhiêu và thi được bao nhiêu điểm là hệ quả, không phải nguyên nhân. Chúng ta cứ tạo nhân, đừng lo không gặt quả.

Khi đã thích rồi, thì chỉ cần tịnh tiến để đến đam mê, có đam mê mới có sáng tạo, có phát kiến.

Tại sao có đam mê mới có phát kiến? Việc này dưới góc độ duy thức học Phật giáo càng thêm sáng tỏ. Người có đam mê không chỉ học bằng ý thức mà còn bằng vô thức, không chỉ học trong lúc thức mà học cả trong lúc ngủ. Có nhiều bạn đam mê toán học, gặp bài khó mấy ngày không giải được, trong lúc ngủ tự nhiên giải được. Tự nhiên mà không phải tự nhiên, cái trớn của nhiều ngày miệt mài đã đi vào giấc ngủ. Tiềm thức với tính cánh vô tư không căng thẳng của nó, nó đương nhiên làm tốt hơn. Chưa từng thấy có một nhà khoa học nào mà không có đam mê. Chưa từng thấy vị tổ sư nào thành tựu mà không có sự dụng công.

Quý học viên tu sỹ cũng nên lưu ý, có một vài vị chúng ta hay quan điểm sai lầm xem nhẹ tri kiến, bảo rằng con đường thực hành với thực nghiệm tâm linh mới đưa đến rốt ráo, và là cái nên làm. Quý vị nên biết rằng, tri kiến thực sự không có sự tách biệt với thực hành. Có nhiều bộ môn phải qua thực hành mới rút ra được tri kiến đúng đắn. Người có sự thực hành, có sở đắc nói ra một vấn đề người thuộc lý thuyết suông không nói được như vậy. Nên ở trên có nói, HIỂU để NHỚ thì cái dụng của nó mới rộng được. Nếu bây giờ ở đây, khi có đủ điều kiện để học, chúng ta lại học không ra gì, thì liệu, khi chuyên tâm vào sự tu tập, có đảm bảo rằng chúng ta sẽ tu tập tốt không?

Khi đã cân nhắc kỹ và lựa chọn rồi, thì phải nỗ lực học cho có kết quả, đừng thoái lui giữa chừng. Thoái lui giữa chừng sẽ tạo tâm lý hay bỏ cuộc về sau. Người ta nói thất bại là mẹ thành công là chỉ cho những người quyết tâm thực hiện cho bằng được một việc. Còn thất bại việc này chạy qua làm chuyện khác thì chỉ càng ngày càng mất tự tin vào chính mình.

Thực ra con đường học Phật vốn nằm trong ba chữ Văn-Tư-Tu. Nhưng đã lâu rồi, chúng ta ai cũng thuộc làu, nhưng làu mà không thông. Nếu thấu triệt, hẳn ta đã không bị cuốn theo đường lối học vấn nặng nề về hình thức, đánh mất con đường thiêng liêng, khế hợp một cách tự nhiên với nghiệp thức của nhơn sanh mà đức Thế Tôn đã giảng dạy.

Như vậy, không phải chúng ta không nên nhớ, mà là thay đổi cách nhớ; không phải không nên tiếp nhận tri kiến mà là tiếp nhận một cách có chọn lọc, có sắp xếp; tiếp nhận một cách thật khế hợp với nghiệp thức con người.

Do vậy, đối với những kiệt tác nội-ngoại điển, quý vị không chỉ nên nhớ mà còn phải nhớ nhiều, nhớ làu làu. Đó cũng là điều tinh túy trong cách học của cổ nhân mà việc ÔN CỐ một cách nghiêm túc không thể nào không nhận thấy. Đó là cái hay của người xưa mà chúng ta nên kế thừa. Tác phẩm kinh điển là những trước tác đạt đến độ rốt ráo về tư tưởng và nghệ thuật ngôn từ, thỏa mãn được mỹ cảm hướng thượng của tâm thức con người, có thể kể đến như: Kinh tạng Nikaya, kinh Kim cang, Quy Sơn cảnh sách, Lão Tử đạo đức kinh, Cổ văn quan chỉ, Truyện Kiều, Thơ Đường, Thơ Thiền Lý-Trần, Thơ Rabinath Tagore… “Có bột mới gột nên hồ”. Hãy để những tác phẩm kinh điển ấy trở thành chất liệu của tâm thức ta. Con đường mà quý vị học viên đang bước vào là con đường của chữ nghĩa, của ngôn ngữ. Không có lý do gì chúng ta lại không thừa hưởng gia tài quý báu ấy.

Riêng đối với học viên dự khuyết, dự thính của khóa này, tức những vị không đủ điểm trúng tuyển, nhưng có tinh thần cầu học và không ngừng nỗ lực đạt được sự tiến bộ, Trung tâm sẽ tổ chức cho quý vị thi tuyển vào cuối năm, để quý vị cũng trở thành những học viên chính thức về hình thức như các vị khác.

Việc học hành và thi cử của quý vị sẽ được xây dựng trên bản đường hướng chúng tôi đã gởi đi và những điều đã được nhấn mạnh trong thông điệp buổi hôm nay.

Kính mong Quý chư tôn đức, quý vị Giáo thọ sư, cùng toàn thể hội chúng cùng chung sức với Ban Điều hành chúng tôi, để ngày càng kiện toàn đường hướng chương trình giảng dạy ở Huệ Quang, hầu mong từ đây có thể gieo trồng những mầm non xanh tươi, góp phần cho khu rừng muôn màu của đạo pháp và quê hương.

Huệ Quang, thượng tuần, trọng thu, năm Quý Mão, 2023

(Thầy Không Hạnh đại diện Ban Điều hành nhà trường đọc trong ngày khai giảng năm học mới)

 

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài