Cũng như đợt một, chuyến sưu khảo là sự kết hợp giữa Trung tâm Văn hóa Liễu Quán Huế và Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang, dự kiến kéo dài một tháng (trọn tháng 3 ÂL, Quý Mão, 2023).
Chuyến sưu khảo đã trải qua nửa chặng đường, đoàn đã làm việc tại Tổ đình Từ Hiếu hơn 10 ngày. Hiện đoàn đang làm việc tại Tổ đình Báo Quốc.
Hòa thượng Thích Quang Nhuận đến thăm đoàn làm việc tại Tổ đình Báo Quốc
Trong thời gian này, đoàn cũng số hóa được toàn bộ kho mộc bản tại Trung tâm Lưu trữ và Nghiên cứu, hai tủ sách nhỏ tại chùa Hồng Khê và chùa Khánh Sơn.
Tại Tổ đình Từ Hiếu, với sự hoan hỷ của Hòa thượng Thích Từ Đạo, cùng sự giúp đỡ nhiệt thành của các thầy Từ Dung, thầy Mãn Hướng, đoàn đã chụp lại toàn bộ mộc bản, văn bia, tháp mộ, liễn đối, long vị, hình ảnh, tranh vẽ xưa, chi tiết kiến trúc v.v..
Bên trong chánh điện Tổ đình Từ Hiếu
Bộ Thiền môn nhật tụng áp dụng rộng rãi trong các chùa ở Huế được Từ Hiếu khắc ván vào niên hiệu Thành Thái. Hiện mộc bản vẫn được lưu trữ đầy đủ và bảo quản rất tốt.
Tổ đình Từ Hiếu do Tổ Tánh Thiên Nhất Định - một vị Tăng cang lỗi lạc đương thời, khai sơn vào khoảng năm 1843, được các bậc cao tăng kế thế trụ trì. Đời thứ 9 là Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Hiện nay chùa do Thượng tọa Thích Từ Đạo coi sóc. Tổ đình Từ Hiếu được xem là một ngôi danh lam còn giữ lại được nhiều nét đẹp cổ kính và là một ngôi Tổ đình có nhiều ảnh hưởng đến Phật giáo xứ Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.
Bảo tháp tổ Khai sơn Tổ đình Báo Quốc - Tổ Giác Phong
Tại ngôi Tổ đình này, vào năm 1960, Thầy của chúng tôi là cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh có đến tu học một thời gian. Hòa thượng Nhất Hạnh là người đã tiễn Thầy ra ga Sài Gòn để ra Huế. Mới đó mà đã hơn 60 năm trôi qua, cả Thầy tôi và Hòa thượng Nhất Hạnh đều đã ra đi.
Tổ đình Báo Quốc do Tổ Giác Phong khai sơn vào khoảng nửa cuối thế kỷ 17. Chùa cũng được nhiều bậc cao tăng kế thế trụ trì. Phật học đường Báo Quốc phát triển rực rỡ qua hai giai đoạn trước và sau 1945. Chính nơi đây đã góp phần hun đúc nhiều thế hệ cao tăng Phật giáo cận đại như: Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Trí Tịnh, Hòa thượng Thiện Minh, Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa, Hòa thượng Nhất Hạnh… Trường Trung cấp Phật học của Huế hiện đặt tại chùa.
Ngôi vị trụ trì Tổ đình Báo Quốc hiện tại do Hòa thượng Thích Đức Thanh đảm nhiệm. Ngài nguyên là Trị sự trưởng Phật giáo Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ trước.
Thượng tọa Thích Không Nhiên và Giáo sư Lê Mạnh Thát
đang xem ảnh tư liệu xưa tại Tổ đình Báo Quốc
Bên cạnh những tư liệu như các Tổ đình khác, Báo Quốc còn nhiều tư liệu Hán Nôm và Việt ngữ. Với sự hợp tác của Tổ đình, đoàn sẽ cố gắng số hóa lại những gì có thể.
Trong thời gian làm việc tại các Tổ đình, nhị vị Hòa thượng Thích Hải Ấn (chùa Từ Đàm) và Hòa thượng Thích Quang Nhuận (chùa Hiếu Quang) thường xuyên lui tới thăm hỏi, trợ duyên cho đoàn.
Phía Liễu Quán do Thượng tọa Thích Không Nhiên làm việc thường trực, ngoài ra còn có bác Nguyễn Văn Thịnh và một số vị học tăng tới phụ trợ.
Số hoá tư liệu
Phía Huệ Quang có tôi (Không Hạnh), thầy Văn Quang, cùng các bạn trong Thư viện Huệ Quang: Diệu Thu, Diễm Quyền, Tấn Đức, Duy Hiệp và các bạn cộng tác viên: Anh Quốc, Tuấn Linh, Duy Linh, Phi Hùng, Thanh Tuấn.
Trong thời gian làm việc tại Huế, đợt một năm ngoái cũng như năm nay, đoàn nghỉ tại chùa Hiếu Quang. Với sự độ lượng và cảm thông của Hòa thượng, đoàn đã có một môi trường làm việc lý tưởng cho những người vốn xuất thân ở chùa như chúng tôi. Ngày hai bữa, chúng tôi ăn cơm tại Hiếu Quang. Buổi trưa xin cơm tại ngôi chùa đoàn đang làm việc. Hòa thượng sống bình dị nhưng lo mọi thứ chu toàn cho đoàn. Nếu có ai đó tri ân hòa thượng thì ngài nói: "Quý vị đã thay chúng tôi làm cái việc mà lẽ ra chúng tôi phải làm”. Chúng tôi thọ ơn nuôi dưỡng và trợ duyên của Hòa thượng quá nhiều. Ngài là một nguồn động lực lớn để đoàn đến đất Cố đô sưu khảo. Nếu Phật giáo Huế lưu trữ được nhiều tư liệu về sau, đó là nhờ rất nhiều vào sự đóng góp thầm lặng của Ngài.
Hiếu Quang, những ngày cận Phật đản Quý Mão, 2023.
Thích Không Hạnh