Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990)

Tiểu sử Hòa thượng Thích Huệ Hưng (1917-1990)

Hỡi ơi! Đàn truyền giới thiếu thầy Hòa thượng
Chùa Huệ Quang vắng bóng Tôn sư
Mây trắng phủ đầy trời Bát nhã
Hoa đàm rơi rụng cả lối về.

oOo

I. THÂN THẾ

Hòa thượng Pháp húy Ngộ Trí, đạo hiệu Thích Huệ Hưng, thế danh Nguyễn Thành Chẩm, thuộc dòng Thiền Lâm Tế đời thứ 39, là đệ tử Sư tổ Vạn An (Sa Đéc).

Ngài sinh năm Đinh Tỵ (1917) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu, thân mẫu là cụ Trần Thị Mậu, pháp danh Diệu Thiệt. Năm 62 tuổi, cụ bà xuất gia thọ giới Sa di ni.

Hòa thượng là con trưởng trong gia đình gồm 7 anh em. Ngài hướng dẫn và dìu dắt các em vào lộ trình giải thoát sau này như:

1/ Thượng tọa Thích Huệ Viên, trụ trì chùa Sơn Bửu (Vũng Tàu).
2/ Thượng tọa Thích Minh Cảnh [Hòa thượng], trụ trì Tu viện Huệ Quang, Chánh đại diện Phật Giáo quận Tân Bình, giảng viên trường Cao cấp Phật học Việt Nam.
3/ Ni sư Thích Nữ Như Trí (đã viên tịch năm 1978)
4/ Ni sư Thích Nữ Như Diệu [Ni trưởng], trụ trì Tu viện Diệu Đức, quận Bình Thạnh.

II. XUẤT GIA

Vốn sinh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tin ngôi Tam bảo, sâu trồng nơi ruộng phước Tăng già, Hòa thượng sớm nhận thức cảnh trần gian ảo mộng, cuộc đời giả huyễn vô thường. Rồi một hôm, đi tham phương các thắng tích danh lam, đến núi Sập để tìm nơi tu dưỡng, Hòa thượng quyết chí ăn chay trường, hằng ngày lo niệm Phật, tụng kinh. Cơ duyên hội đủ, âu ngày xưa đã sẵn nhân lành, đến cửa Phật Vạn An, Ngài được Tổ sư cho thế phát năm 1938, vừa tròn 21 tuổi.

Từ đó yên phận tu trì, trau dồi kinh luật, gần gũi thầy hiền, bạn tốt, mong chờ ngày dự tuyển Phật trường.

Năm 1942, Tổ Vạn An khai đàn trao giới, Hòa thượng chính thức thọ Sa di. Vốn thông minh sẵn có và lòng khát ngưỡng Đại thừa, ngày đêm tinh tấn tu hành, lo phụng trì chánh giới.

Năm 1943, Tổ Vạn An biết Hòa thượng là bậc Pháp khí Đại thừa, xứng đáng ngôi Long tượng của Phật pháp, bèn quyết định cho thọ Tỳ kheo Bồ tát giới tại chùa Viên Giác ở Vĩnh Long. Sau đó ở lại chùa này an cư tu học kinh luật trong mười tháng rồi qua chùa Phước Duyên – Mỹ Tho.

Năm 1945, Hòa thượng đến học tại Phật học đường Lưỡng Xuyên – Trà Vinh được 6 tháng. Vì tình hình chiến sự trong nước, Ngài trở về học với Hòa thượng Hành Trụ tại chùa Long An – Sa Đéc.

Cuối mùa đông 1947, Ngài cầu học với Hòa thượng Thích Trí Tịnh tại Phật học đường Liên Hải – Sài Gòn.

III. HÀNH ĐẠO

Năm 1951, vì thân tâm bì quyện, Hòa thượng dưỡng bệnh tại chùa Giác Nguyên – Khánh Hội, đồng thời dạy kinh cho Tăng chúng. Cũng tại chùa Giác Nguyên này, Ngài phiên dịch kinh Duy ma cật và Kim cang giảng lục.

Năm 1954, với hoài bão “Hoằng pháp là nhà, lợi sanh là sự nghiệp” Hòa thượng đã phụ giúp Hòa thượng Thích Thiện Hòa, viện chủ chùa Ấn Quang giảng các bộ kinh Đại thừa.

Năm 1955, Hòa thượng làm Phó Liên trưởng Hội Cực Lạc Liên Hữu do Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Chánh Liên trưởng.

Năm 1956, Ngài sang Nam Vang dạy khóa hạ tại chùa Chuẩn Đề. Khi trở về, Ngài được mời làm trụ trì chùa Kim Huê – Sa Đéc.

Năm 1957, Giáo hội Tăng già Nam Việt mở khóa huấn luyện trụ trì “Như Lai sứ giả” tại chùa Pháp Hội do Hòa thượng Thích Thiện Hoa làm Trưởng ban và mời Ngài đảm nhiệm Phó Trưởng ban kiêm Thơ ký.

Năm 1958, Hòa thượng giảng dạy tại Phật học đường Phước Hòa – Trà Vinh.

Năm 1960, Hòa thượng mời thượng tọa Huệ Phát giữ chức trụ trì chùa Kim Huê để Ngài yên tâm bế quan thiền định.

Năm 1962, Hòa thượng xây dựng Thiền viện Tập Thành ở Bà Chiểu và làm giới sư Đại giới đàn Phật học đường Nam Việt chùa Ấn Quang.

Năm 1964, Hòa thượng làm giới sư Đại giới đàn Việt Nam Quốc Tự.

Năm 1966, giới sư Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm.

Năm 1969, Hòa thượng giảng kinh Viên Giác tại chùa Tuyền Lâm. Trong thời gian này, Hòa thượng cũng phụ trách giảng dạy tại Phật học viện Cao đẳng Huệ Nghiêm.

Năm 1970, Hòa thượng khai sơn Tu viện Huệ Quang rồi thường trụ và hành đạo tại đây.

Năm 1972, giới sư Đại giới đàn Huệ Quang – Mỹ Tho.

Năm 1973, giới sư Đại giới đàn Phước Huệ – Nha Trang.

Năm 1974, Hòa thượng làm giới sư Đại giới đàn chùa Quảng Đức – Long Xuyên.
Được mời làm thành viên Hội đồng Giáo phẩm Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và được suy cử làm Tổng lý Hội đồng quản trị chùa Ấn Quang.

Năm 1975, giới sư Đại giới đàn Thiện Hòa chùa Ấn Quang.

Năm 1982, Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ I đề cử Hòa thượng chức vụ Phó ban trị sự Thành hội kiêm Ủy viên giáo dục Tăng Ni.

Năm 1984, giới sư Đại giới đàn do Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tại chùa Ấn Quang, giảng dạy các trường hạ do Thành hội tổ chức, cùng giữ chức Hiệu phó kiêm giảng viên trường Cao đẳng Phật học Việt Nam cơ sở 2.

Năm 1987, Đại hội Phật giáo nhiệm kỳ II, Hòa thượng được tái cử chức vụ Phó ban trị sự Thành hội. Mùa an cư năm này, Hòa thượng làm Thiền chủ Trường hạ do Thành hội tổ chức tại tổ đình Vĩnh Nghiêm. Tháng 10/1987, Hòa thượng đi dự Đại hội Phật giáo toàn quốc kỳ II tại Hà Nội. Ngài được tấn phong Hòa thượng và được đề cử làm Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 1988, giới sư Đại giới đàn do Thành hội Phật giáo tổ chức.

Năm 1989, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được thành lập, Hòa thượng được đề cử làm Trưởng ban Phật giáo chuyên môn.

IV. SỰ NGHIỆP PHIÊN DỊCH

Hòa thượng đã phiên dịch: kinh Duy ma cật, Kim cang giảng lục, Lược sử đức Lục Tổ, Pháp môn tu chứng Lăng Nghiêm Đại Định.

Chưa xuất bản: kinh Phật thuyết đương lai biến, kinh Phật thuyết diệt tận, Tập tri kiến giải thoát.

Đang soạn dịch: kinh Phạm võng hiệp chú.

TÓM LẠI

Cuộc đời hành đạo và hóa đạo của Ngài rất bình dị, chơn tu thật học, nghiêm trì giới luật, xiển dương Phật pháp bằng con đường giáo dục tại miền Nam. Ngài thật xứng đáng là một Luật sư giáo thọ của Tăng Ni, Phật tử trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói chung và của Tăng Ni Phật tử miền Nam nói riêng vậy.

Thời gian năm tháng, bốn đại theo duyên tăng giảm, rồi ngã bệnh tại thiền sàng, chẳng bao lâu Hòa thượng thu thần viên tịch ngày 28 tháng Giêng năm Canh Ngọ.
Sống được 74 tuổi đời và dự được 46 mùa kiết hạ.

Thiệt là:

Từ chơn như Ngài đến ba miền
Nay viên tịch trở về chín phẩm.
Tông phong Tổ ấn gởi lại non sông,
Giáo hội môn đồ ngàn thu vĩnh biệt.

Phụng vị Việt Nam Phật giáo, Giáo hội Tăng sự Ban trưởng, tự Lâm Tế Chánh tông, Tam thập cửu thế, thượng Huệ hạ Hưng, húy Ngộ Trí, Nguyễn công Hòa thượng giác linh.


CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài