1. Thân thế
Hòa thượng đạo hiệu Thích Minh Cảnh, thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40. Hòa thượng thế danh Nguyễn Hữu Danh, sinh ngày 12 tháng 11 năm Đinh Sửu (1937) tại làng Mỹ Thọ, quận Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Minh Biện, pháp danh Minh Chiếu; thân mẫu là cụ bà Trần Thị Mậu, pháp danh Diệu Thiệt. Hòa thượng là người con út trong gia đình có chín anh chị em, với bốn người anh chị xuất gia tu học.
1. Hòa thượng Thích Huệ Hưng, là anh hai, nguyên trụ trì Tổ đình Kim Huê – Sa Đéc đời thứ 8, khai sơn Tu viện Huệ Quang – TP.HCM (viên tịch năm 1990).
2. Hòa thượng Thích Huệ Viên, là anh thứ năm, nguyên trụ trì chùa Sơn Bửu – Vũng Tàu (viên tịch năm 2011).
3. Ni sư Thích nữ Như Trí, là chị thứ sáu, nguyên trụ trì Tu viện Diệu Đức (viên tịch năm 1978).
4. Ni trưởng Thích nữ Như Diệu, là chị thứ chín, trụ trì Tu viện Diệu Đức, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
2. Xuất gia tu học và hành đạo
Hòa thượng vốn sanh trong gia đình trung lưu phúc hậu, nhiều đời kính tin Tam bảo, sâu trồng ruộng phước Tăng-già, đặc biệt là có bốn anh chị xuất gia nơi cửa Phật, nên Hòa thượng đã bén duyên với cửa Phật khi tuổi còn rất nhỏ.
Năm 1945, do ảnh hưởng thời cuộc, ngôi trường đang học bị đóng cửa, Hòa thượng phải nghỉ học. Trong thời điểm đó, anh Hai của Hòa thượng (thầy Cả – hòa thượng Huệ Hưng) về thăm nhà với hình thức là một thầy tu, và sau đó, không biết do ham học hay do hạt giống bồ-đề nhiều đời nay đã nảy mầm, mà Hòa thượng đã vui mừng theo thầy Cả đến chùa Tổ ở rạch Cái Bèo để thầy Cả dạy cho học, rồi về chùa Long An ở Sa Đéc thọ học với hòa thượng Hành Trụ. Do sáng dạ học nhanh, nhớ dai nên Hòa thượng được ban pháp danh Minh Cảnh. Lúc này tuy mới 9 tuổi mà Hòa thượng đã học Minh tâm bửu giám, Sa-di luật giải bằng chữ Hán.
Năm 1947, Hòa thượng thọ giới Sa-di tại chùa Kim Huê (Sa Đéc) với hòa thượng Chánh Quả.
Đầu năm 1948, Hòa thượng từ giã miền quê sông nước theo thầy Cả lên nhập học tại Phật học đường Liên Hải đặt tại chùa Vạn Phước, Bình Trị Đông (nay là quận Tân Bình), đánh dấu bước đầu trên con đường tu học về sau trên đất Sài Gòn này. Cũng trong năm này và tại ngôi trường Phật học này, Hòa thượng được cố hòa thượng Thích Trí Tịnh chính thức nhận làm đệ tử. Từ đó Hòa thượng được theo hầu cận ân sư cũng như nhận được sự chăm sóc dạy bảo của một vị Thầy đúng nghĩa sư tư. Hòa thượng học ở đây cho đến năm 1950.
Năm 1951, Hòa thượng theo hầu hòa thượng Thích Trí Tịnh tại Linh Sơn cổ tự (Vũng Tàu). Tuy được theo hầu Thầy, được gần gũi, được dạy bảo nhiều điều, là điều may mắn không phải người đệ tử nào cũng có, nhưng vốn tính ham học, ham vui vầy với huynh đệ đồng môn, nên Hòa thượng sớm nhớ trường, nhớ lớp, vì vậy, năm 1953 Hòa thượng đã xin Ân sư được trở lại trường để tiếp tục khóa học.
Năm 1953-1954, Hòa thượng tu học tại Phật học đường Nam Việt đặt tại chùa Ấn Quang, quận 10, Sài Gòn. Nơi đây, Hòa thượng được gần gũi và học tập với hòa thượng Thích Nhất Hạnh, người Thầy đã tạo cảm hứng trên con đường học tập và phụng sự sau này của Ngài.
Năm 1954-1959, sau khi khóa học tại Ấn Quang kết thúc, theo phong trào thời bấy giờ, Hòa thượng cùng các huynh đệ đồng môn tiếp tục con đường thế học còn dang dở do thời cuộc.
Mùa hè năm 1960, theo sự khuyến khích và gởi gắm của hòa thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng khăn gói lên tàu ra đất Kinh kỳ, ở tại chùa Từ Hiếu để đi học trường Quốc Học và học chữ Hán với hòa thượng Quy Thiện. Tuy nhiên, việc học không có mấy kết quả, cộng thêm thời tiết khắc nghiệt nên cuối mùa đông năm ấy, Hòa thượng đành nói lời tạm biệt với chốn Kinh kỳ mà Ngài chưa có nhiều nhân duyên tìm hiểu.
Năm 1960-1961, từ Huế trở về, Hòa thượng tu học tại chùa Tập Thành với thầy Cả, thân mẫu nay đã xuất gia và những anh chị em xuất gia trong gia đình.
Năm 1961-1965, một lần nữa, Hòa thượng trở lại con đường học thế học tại trường Chi Lăng trên đường Nguyễn Tri Phương gần Ngã sáu, trường Phan Sào Nam trên đường Trần Quý Cáp gần chợ Đũi. Sau đó, Hòa thượng học tiếp cho đến tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Đại học Văn khoa. Đây là nền tảng vững bền cho nghiệp thầy giáo, giáo thọ của Hòa thượng cho đến tận bây giờ.
Năm 1965-1968, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Hòa thượng được cử về dạy học tại trường Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên.
Năm 1968-1975, Hòa thượng dạy học và làm việc tại Đại học Vạn Hạnh (đường Lê Văn Sỹ).
Năm 1969, Hòa thượng thọ giới Tì-kheo tại chùa Huệ Nghiêm, do hòa thượng Hải Tràng làm Hòa thượng đàn đầu, hòa thượng Trí Tịnh làm Tuyên luật sư, hòa thượng Hành Trụ làm Yết-ma a-xà-lê, hòa thượng Huệ Hưng làm Giáo thọ a-xà-lê.
Năm 1970, Hòa thượng tu học tại Tu viện Huệ Quang cho đến nay.
Năm 1971-1974, tuy ở tại Tu viện Huệ Quang, nhưng Hòa thượng làm Hiệu trưởng trường Bồ-đề Long Khánh, với mỗi ngày hai buổi đi về bằng xe đò.
Năm 1980, được sự ủy thác của thầy Cả, tức cố hòa thượng Huệ Hưng, Hòa thượng kế thế trụ trì Tu viện Huệ Quang cho đến ngày nay.
Năm 1984-1988 và 2002-2006, Hòa thượng đảm nhiệm chức vụ Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo quận Tân Bình, sáng lập lớp Sơ cấp Phật học quận Tân Bình.
Năm 1984-1991, Hòa thượng làm giáo thọ trường Cao cấp Phật học Khóa I và II.
Năm 1991, với niềm thao thức về giáo dục nội điển, đặc biệt là tâm nguyện phiên dịch bộ Đại tạng kinh tiếng Việt, Hòa thượng không quản ngại khó khăn, đã khai giảng lớp Hán Nôm tại trường Đại học Doanh Thương Trí Dũng.
Năm 1992, sau khi lớp Hán Nôm tại trường Đại học Doanh Thương Trí Dũng không đủ duyên tiếp tục, Hòa thượng đã khai giảng lớp Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang khóa I tại chính ngôi chùa mình đang trụ trì. Ba năm sau, việc giáo dục lại gián đoạn, Hòa thượng cùng các Tăng Ni khóa này đã bắt tay vào phiên dịch, biên soạn bộ Từ điển Phật học Huệ Quang, và công trình to lớn này kéo dài suốt 10 năm, đánh dấu thành quả bước đầu trong công tác phiên dịch sau này của Hòa thượng. Cũng trong thời gian này, Hòa thượng phiên dịch và cho đăng trên tuần báo Giác Ngộ bộ truyện Tế Điên hòa thượng với bút hiệu Đồ Khùng, sau này được in lại thành sách gồm ba tập.
Đến năm 1999, nhân duyên hội đủ, Hòa thượng tiếp tục khai giảng lớp Phiên dịch Hán Nôm Huệ Quang và duy trì đến nay đã được 15 khóa học. Tuy học viên tốt nghiệp tại đây không có bằng cấp, nhưng với hệ thống giáo dục nội điển chuyên sâu của Hòa thượng, các học viên ra trường đều có thể trở về làm giáo thọ các môn kinh, luật, luận hệ Hán cổ tại các trường Phật học khắp mọi miền đất nước.
Năm 2007, Hòa thượng được đề cử chức vụ Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, thành lập Ban Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang (Năm 2012 đổi thành Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang), trực thuộc Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đặt tại Tu viện Huệ Quang, gồm hơn 20 thành viên hoạt động cho đến hôm nay, với nhiều tác phẩm đã được phiên dịch và in ấn như: Phật Tổ đạo ảnh, kinh Xuất diệu, Giác hổ tập, kinh Phật thuyết chúng hứa ma-ha-đế, kinh Pháp cú thí dụ, kinh Đại thừa lý thú lục bát-nhã ba-la-mật, kinh Đại Tát-già-ni-kiền tử sở thuyết, Truyện nhân duyên phú pháp tạng, Chặng đường tham học, Lời trong cõi mộng, Tham cứu Tịnh Độ…, và còn nhiều tác phẩm đang dịch và biên tập. Những thành tựu này đã phần nào đóng góp vào sự nghiệp giáo dục Tăng tài cũng như hoằng pháp mà Hòa thượng luôn thao thức.
Năm 2002-2012 Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Bình và sau đó là Cố vấn chứng minh Ban Trị sự GHPGVN quận Tân Phú cho đến ngày viên tịch.
Năm 2012-2017, Hòa thượng giữ chức vụ Phó Viện trưởng kiêm Giám đốc Trung tâm Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang trực thuộc Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam.
Năm 2017, Hòa thượng được suy tôn thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN.
Trong những năm sau này, Hòa thượng từng làm Yết-ma các Đại giới đàn tại chùa Phổ Quang – TP. HCM, Đại Tòng Lâm – Vũng Tàu. Đặc biệt là chứng minh nhiều giới đàn do Tăng thân Làng Mai tổ chức tại Pháp và Thái Lan.
3. Viên tịch
Mùa an cư năm Mậu Tuất, bệnh tình của Hòa thượng trở nặng. Tuy môn đồ pháp quyến hết lòng chạy chữa, nhưng nghiệp dĩ vô thường vẫn ráo riết không buông. Khuya ngày mồng 03 tháng 09 năm Mậu Tuất, Hòa thượng hai lần báo với thị giả: “Tôi sắp ra đi!”. Lúc 13 giờ 35 phút, khi hàng đệ tử quỳ quanh hộ niệm, Hòa thượng chắp tay chào mọi người rồi trút hơi thở cuối cùng, trên môi thoảng một nụ cười hoan hỷ, nhẹ nhàng như đang đi vào giấc ngủ, thượng thọ 82 tuổi, 50 hạ lạp.
Kính nguyện Giác linh Hòa thượng cao đăng Phật quốc.
Nam-mô Huệ Quang đường thượng tự Lâm Tế Chánh Tông tứ thập thế thượng Minh hạ Cảnh húy Chơn Đài, Nguyễn công Hòa thượng tân viên tịch.
Môn đồ pháp quyến đồng bái soạn