Tôi là ai?

Tôi là ai?

(Phần giới thiệu của Thiền sư U Jotika trong tác phẩm “Snow in the summer”_ Sương rơi trên ngọn tuyết tùng_ Uyển Lan dịch)

Sống làm người, mỗi chúng ta ai cũng có những nỗi niềm, tâm tư muốn giãi bày với người khác, đó là một nhu cầu; nhu cầu đó mạnh và cần thiết cho sự trưởng dưỡng của chúng ta. Nếu người ta sống mà không có cơ hội để giãi bày tâm tư, người ta sẽ dần đánh mất khả năng tư duy sáng tạo của mình. Tuy nhiên, rõ ràng đó cũng chính là một sự vướng mắc. Bản thân tôi không vượt qua sự vướng mắc này. Nhiều lần tôi cầm bút lên muốn viết, rồi lại thôi, rồi lại cầm lên. Thật khó để chuyển thành lời những điều đang có trong tâm trí tôi. Xin bạn đừng nghĩ rằng tôi đang giảng đạo, tôi chỉ giãi bày những quan điểm cá nhân của tôi trước cuộc sống, trước những gì tôi quan sát và cảm nhận được.

Tôi biết những điều tôi nói ra có thể sẽ bị hiểu lầm. Người ta có thể dùng chính lời của tôi để lên án tôi hay phủ nhận tôi. Tôi cảm thấy không thể giãi bày một cách minh bạch những suy tư của tôi trên những dòng chữ như thế này. Nói bằng lời thì sẽ dễ hơn, nhưng thậm chí nói bằng lời cũng vẫn khó diễn đạt một cách trọn vẹn, đầy đủ. Tôi chỉ là cố gắng trong giới hạn khả năng của mình mà thôi, mong bạn hãy hiểu cho như thế. Những gì tôi nói ra có thể không đồng thuận với những tư tưởng hay ý thức hệ được đề cập đến trong Đại Kỳ Thư (*), thậm chí chính bạn cũng có thể sẽ bất đồng quan điểm với tôi. Tôi không mong nhận được sự đồng thuận của người khác, vả lại những gì tôi nói ra cũng không nhất thiết phải luôn luôn đúng, nó đâu phải là chân lý toàn triệt, nó chỉ là kết quả của luồng mạch suy tư của tôi trong khoảng thời gian của tháng 10 năm 1986. Theo dòng thời gian, mọi thứ đều thay đổi, tôi cũng không ngoại lệ. Xin cuộc đời hãy tha thứ cho tôi! Tôi là một kẻ tuyệt vọng trước cuộc đời, bao nhiêu ước vọng thay nhau sụp đổ trong tôi. Bạn có thể không tin, tùy bạn vậy! Có lẽ một ngày mai lâu xa nào đó tôi sẽ tìm thấy chân giá trị của cuộc đời và vui vẻ sống.

Tôi sinh ngày 5 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Hồi giáo nhưng lại lớn lên và được học trong trường dòng Cơ đốc giáo La Mã. Tôi đã đọc biết bao nhiêu sách vở trên đời mà nói, từ Đông sang Tây, tự cổ chí kim. Hồi còn trẻ, người ta còn cho tôi là cộng sản nữa chứ, chỉ bởi vì tôi không tin vào tôn giáo, bất cứ hình thức tôn giáo nào. Còn bây giờ ấy hả? tôi có đặt niềm tin của mình vào tôn giáo hay không? Ồ! Tôi cũng không biết nữa! Lúc 19 tuổi, tôi đã từng có ý nghĩ muốn trở thành một tỳ kheo (bhikkhu); ấy thế mà tôi lại chui đầu vào trường đại học, trở thành sinh viên để rồi sớm nhận ra rằng giáo dục nhà trường chẳng hợp với tôi chút nào. Tôi muốn được tự học theo sở thích của mình. Tôi nhận thấy rằng mọi người xung quanh ai ai cũng chạy theo tiền bạc, danh vọng, địa vị và đắm mình trong những thú vui nông cạn, hời hợt, chẳng đáng.

Về sau tôi đã khẳng định rằng con đường tri thức, chữ nghĩa chẳng đáng để tôi dồn nỗ lực và tâm trí của mình vào, tôi không muốn sống hết phần đời còn lại như thế này nữa. Tôi đã bỏ nhà ra đi dù rằng trong lòng tôi hết sức yêu thương hai đứa con gái của tôi. Trong cái xã hội đầy rẫy tranh chấp, ganh đua này tôi không sao chen chân vào được để tìm ra cho mình một chỗ đứng, để sống, để tồn tại. Trở thành một tỳ khưu và lang thang suốt đời trong rừng có lẽ là cách sống thích hợp nhất của tôi, phù hợp với khí chất con người tôi.

Tôi có một người bà mà tôi hằng yêu quí, bà tôi là người tộc Shan. Bà tôi đã sống chân chất và bình dị trong suốt cuộc đời của bà rồi mất khi bà 80 tuổi. Khi đó tôi mới 14 tuổi, tuổi thơ tôi, tôi đã sống gần gũi và thân thiết với bà. Thỉnh thoảng tôi vẫn hay nhớ thương bà. Tôi thích người Shan, họ hiền lành, bình dị và chân thật. Ở Myanmar, tộc người Shan chủ yếu sinh sống tập trung ở Maymyo (một thị trấn nằm giữa Myanmar, N.D.); một số người Shan sống rải rác ở làng Ye Chan Oh, gia đình tôi xuất thân ở làng này. Ngoài ra còn có một ngôi làng tên là Yengwe mà đa số dân làng cũng là người Shan, ở làng Yengwe người ta giao tiếp với nhau bằng tiếng Shan. Đa phần đàn bà tộc Shan đều giống như bà tôi, họ sống lặng lẽ, âm thầm, giản dị và chân chất, yêu thương mọi người, biết đủ và thân thiện. Đó là những con người của xã hội truyền thống, họ sống gần gũi với thiên nhiên ở miền thảo dã. Trong thành phố, thật khó mà tìm thấy những con người như thế. Những người ở thành phố đa phần coi trọng vật chất, tiền bạc và trong lòng thì chất đầy nghi kỵ; người càng giàu có thì lòng càng chất cao sự nghi ngờ đối với người khác. Những người đó sống trong sự ám ảnh về tiền bạc nặng đến nỗi cứ luôn nghĩ rằng mọi người xung quanh ai cũng đều chăm chăm dòm ngó vào túi tiền của họ.

Trong mái nhà của ba mẹ tôi, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, tôi không cảm thấy có gì vui, tôi không tìm thấy sự thân thuộc và cảm thông trong gia đình; tuổi thơ tôi, tôi đã sớm cô đơn dưới chính mái nhà của mình rồi. Trong nhà, tôi chỉ thương mỗi người chị gái của tôi, chị ấy cũng thương tôi lắm, nhưng lại không hiểu tôi. Vâng! Tôi không bao giờ thuộc về cái gia đình ấy. Tôi là một kẻ lạ trong ngôi nhà của mình, nơi tôi sinh ra và lớn lên. Thỉnh thoảng tôi ước mong được trở về lại ngôi làng ngày xưa đó của người Shan để thăm người chị gái. Mối quan hệ của tôi với ba mẹ tôi là mối quan hệ yêu-ghét thường tình, chỉ vậy! Ba mẹ tôi đều đã qua đời hết rồi.

Sống trong gia đình đó, tôi thật rất cô đơn. Bởi vậy, tôi rất hiểu và cảm thông được quan hệ tình cảm của bạn ở trong gia đình. Đừng lấy làm buồn, ổn cả đó thôi! Chúng ta sẽ tìm thấy tình cảm yêu thương ở chốn khác, bên ngoài gia đình. Hãy ghi nhớ lời này của tôi: “Sau này dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi vẫn luôn bên cạnh bạn như một người cha, người anh, người bạn, người thầy…”

Tôi là một kẻ đứng giữa lằn ranh của hai nền văn hóa Đông-Tây. Sinh ra ở Myanmar nhưng từ nhỏ đã học trong trường Tây, tiếp cận với đủ mọi hình thức tôn giáo khác nhau: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, và cả chủ nghĩa vật chất nữa chứ (qua bộ môn triết học). Cuối cùng thì sao? Tôi chẳng còn biết tin vào cái gì nữa. Nào là tâm lý học Tây phương với những tên tuổi như Freud, Carl Jung, Adler, Rogers, Laing, William James,...v.v..; Triết học thì có Socrates, Plato, Aristotle, Hegel, Kant, Nietzsche, Kierkegaard, Bertrand Russel, Wittgenstein, Bergson,..v.v.. đủ để làm cho người ta hoang mang, bối rối lắm đấy. Ở trường tôi đã theo học ngành kỹ sư điện; ngoài ra tôi còn đọc nhiều về khoa học thực nghiệm hiện đại, trong đó có cả lý thuyết về lỗ đen. Tôi biết một điều. Trong cái biển tri thức mênh mông của nhân loại với vô số những khuôn mặt xuất chúng gồm các thiên tài, triết gia, bác học, khoa học gia vĩ đại của loài người; thật ít ỏi biết bao cái tri thức, cái sự hiểu biết nào mà người ta dám khẳng định chắc thật, dám chắc chắn với chính mình rằng đó chính là sự thật hiển nhiên.

Điều quan trọng nhất cần phải biết là những gì đang diễn ra trong tâm. Vâng, tâm tôi chỉ muốn tự do. Đáng lẽ tôi phải biết điều này sớm hơn, ngay từ lúc đầu, nhưng cũng không sao. Không gì sánh được với tự do.

Tôi chẳng bao giờ đi đâu, đôi khi tôi cảm thấy tù túng do ở yên một chỗ quá lâu. Tôi là một con sư tử cơ mà, theo cách tính tuổi của người Miến Điện thì tôi cầm tinh con sư tử. Một con sư tử thì chỉ muốn rong ruổi trong rừng sâu, hay chạy nhảy trên những đỉnh núi cao, đại ngàn mới là chốn dung thân của nó. Ôi! Tự do. Tôi không sao chịu nổi sự giới hạn hay bất kỳ sự ràng buộc nào. Cực đoan đến nỗi tôi xem những mối quan hệ thân thiết với người này người kia là những nỗi đe dọa đối với tự do của tôi. Tôi yêu tự do của mình và tôi sẽ không đánh đổi tự do đó với bất cứ thứ gì, không gì sánh được với tự do. Tự do ở bên trong cũng thế. Càng ngày tôi càng phát hiện thêm những yếu tố ràng buộc và giới hạn tự do của tâm. Mặc dù tôi đã đọc kỹ Tam Tạng Kinh Điển nhiều lần, nhưng thỉnh thoảng tôi lại phát hiện thêm những điều mới trong đó, khi đó tôi cảm thấy vui sướng như vừa trải qua một cuộc khám phá ra cái mới, thật là thú vị. Thật là hạnh phúc biết bao khi tự mình hiểu ra sự thật, chỉ là những chân lý đơn giản nhỏ bé thôi cũng chứa đựng biết bao là hạnh phúc, chân lý muôn năm! Ta đã thấy mi rồi! Eureka!

Tôi cảm thấy rất khó chịu đối với những người đọc được điều này điều nọ trong sách vở rồi thao thao bất tuyệt như thể chính mình đã chứng nghiệm, đã phát hiện ra những gì mình đang nói vậy. Thỉnh thoảng tôi phát hiện ra tôi cũng làm cái việc y như những người đó. Nhưng chứng bệnh này của tôi đang càng ngày càng thuyên giảm. Tôi là một con sư tử của núi rừng. Một mình, nhưng không còn cô độc, tôi đã học được cách sống một mình. Thỉnh thoảng tôi ước có ai đó ngồi nghe tôi giãi bày những tri kiến sâu sắc tôi mới phát hiện ra, nhưng dễ gì tìm được người nào biết lắng nghe một cách có hiểu biết và cảm thông. Trong các cuộc tiếp kiến, hầu như chỉ có tôi là người phải lắng nghe mà thôi, người ta thích tìm đến tôi để nói về chuyện này chuyện nọ. Độc lập và tự do, cả về vật chất lẫn tinh thần, đó là điều quan trọng hơn hết. Tự do có nhiều hình thái và mức độ. Tôi phải sống theo bản chất và tính khí của mình, một con sư tử của đại ngàn, bằng bất cứ giá nào. Tôi biết tôi sẽ làm thất vọng những người bạn của mình, người ta đã kỳ vọng quá nhiều ở tôi. Cho nên người ta sẽ phải thất vọng về tôi. Tôi hướng đến sự tự do của mình, chớ không phải chiều lòng người khác. Tôi đang đọc cuốn “ Ký ức, giấc mơ, và suy tưởng”, một cuốn sách quan trọng và nổi tiếng của Carl Jung và vô cùng thích thú với những lập luận của Jung. Đôi khi tôi bắt gặp những điều Carl Jung nói về ông ấy cũng chính là những điều tôi muốn nói về mình. Để tôi trích cho bạn một câu nói của Jung nhé, như vầy: “Khi còn là một đứa trẻ tôi đã cảm thấy cô đơn rồi, và bây giờ vẫn thế; chỉ bởi vì tôi biết nhiều điều mà người khác không biết và không muốn biết. Cho nên tôi không thể nói thẳng ra những hiểu biết sâu sắc của mình bởi vì người ta sẽ không tin và không muốn tin, không nghe và không muốn nghe”.

Cô đơn không có nghĩa là xung quanh không có ai, mà là không thể chia sẻ với người khác những điều mà bạn cho là quan trọng trong cuộc đời hoặc phải ôm ấp trong lòng những niềm tin, những giá trị mà bạn thiết tha còn người khác thì không chấp nhận. Một người càng hiểu biết nhiều hơn người khác thì người đó càng cô đơn. Nhưng sự cô đơn lại không mâu thuẫn với tình thân hữu, bởi trong mối quan hệ con người không ai nhạy cảm hơn những kẻ cô đơn; và tình thân hữu sẽ tiến triển sâu sắc hơn khi mà mỗi bên giữ được những tính cách cá nhân đặc trưng của mình, không tự tan chảy mình vào kẻ khác. Tôi phải tuân thủ cái nguyên tắc nội hàm này, nó là một thứ đã bám rễ sâu trong tôi, buộc tôi không được lựa chọn. Tuy nhiên, đôi lần tôi cũng phản kháng lại; thật mâu thuẫn phải không, nhưng thử hỏi ai sống trên đời mà không mâu thuẫn chứ? (Bàn qua về chuyện luân hồi-tái sinh, trong trường hợp của tôi, cái đổng lực tiên khởi hẳn phải là đổng lực của sự khao khát hiểu biết đến độ đam mê đã dẫn đường cho sự tái sinh của tôi trong cõi này, bởi tôi cảm thấy đó là yếu tố mạnh nhất trong bản chất con người tôi).

Tôi đã nhận ra rằng ta hãy chấp nhận những luồng suy nghĩ đang vận hành trong ta như là một phần của thực tại, đừng xua đuổi hay phán xét chúng. Những chuẩn mực, những hệ quy chiếu mà từ đó ta phán xét tính phải-trái, đúng-sai của sự việc vẫn hiện hữu, vẫn ở đó, nhưng chúng không còn tác oai tác quái nữa, chúng bị đẩy xuống hạng thứ yếu.

Ghi nhận những ý nghĩ đang có mặt, đang vận hành trong tâm quan trọng hơn những phán xét chủ quan của chúng ta đối với những ý nghĩ đó. Nhưng cũng đừng áp chế, đè nén những phán xét này bởi giờ đây chúng cũng như những ý nghĩ kia, là một phần của tổng thể thực tại đang diễn biến, vận hành. (Vì vậy, hãy ghi nhận tất cả mọi thứ, trông rõ mọi điểm của khuôn mặt thực tại).

Người nào quay lưng chối bỏ sự thiêu đốt như hỏa ngục của những trạng thái về cảm xúc, tình cảm thì sẽ không bao giờ vượt qua được nó. Anh ta bỏ chạy, lánh nạn ở ngôi nhà hàng xóm, nhưng rồi sau đó ngọn lửa kia vẫn sẽ tràn sang và thiêu rụi mọi thứ. Nếu chúng ta quay lưng bỏ lại phía sau hay cố tình quên lãng một thực tại khó chịu nào đó thì cũng chính là đang nuôi dưỡng cho thực tại đó lớn thêm lên. Điều nguy hiểm là những gì ta cố tình lờ đi kia sẽ trở lại với một sức mạnh to lớn hơn. (Đừng phớt lờ hay áp chế cảm xúc, mà hãy ghi nhận sự hiện diện của chúng. Đối với tôi, “vượt qua” (đối tượng cảm xúc) không có nghĩa là “xử lý” (chúng) mà là nhận biết chúng, trải nghiệm chúng trong chánh niệm.)

Trong thế giới hiện đại ngày nay, chúng ta đang chạy đuổi theo, kỳ vọng và tôn thờ một ảo tưởng có tên gọi là “phát triển”. Thực ra là, việc tôn thờ sự phát triển của chúng ta nguy hại ở chỗ là nó áp đặt lên chúng ta những kỳ vọng ấu trĩ hơn về tương lai và trốn chạy quá khứ một cách ráo riết hơn. Quan sát kỹ thì chúng ta sẽ thấy, rằng những thành tựu, những cải tiến trong xã hội có được từ công nghệ, từ phương thức luôn luôn rất ấn tượng lúc đầu, nhưng lâu dài về sau chúng càng bộc lộ sự mơ hồ trong giá trị và con người luôn phải trả giá đắt cho chúng trong mọi trường hợp. Xét một cách tổng thể, chúng chẳng hề làm cho con người mãn nguyện và hạnh phúc chút nào, cái mà chúng tạo ra chỉ là những vị ngọt ma mị của trần thế mà thôi. Ví dụ, sự trao đổi thông tin và giao tiếp nhanh hơn trong thế giới số rốt cuộc chỉ đẩy cuộc sống của con người đến một nhịp độ khó thở hơn và làm cho mỗi người chúng ta có ít thời gian hơn cho chính mình. (Cho nên, chúng ta hãy sống đơn giản đi, càng đơn giản càng dễ chịu).

Còn đây là những lời của Carl Jung: “Tôi từng sống ở nơi không có điện đóm gì cả, ở đó tôi phải canh giữ lửa để sưởi ấm. Buổi tối, tôi thắp sáng bằng ngọn đèn dầu cũ kỹ. Tôi lấy nước từ một cái giếng bơm, không có nước máy. Tôi chẻ củi để nấu nướng. Những công việc chân tay mang đậm dấu ấn cuộc sống truyền thống giản tiện này làm cho tôi cảm nhận tính giản dị, chân chất của cuộc sống. Để sống cho giản dị, không có dễ đâu! (“Giản dị là điều khó nhất ở trên đời, đó là giới hạn tột cùng của sự từng trải và là nỗ lực cuối cùng của thiên tài_ G. Xăng”.) Ở Bollingen, sự im lặng vây bọc lấy tôi đến nỗi tôi cảm thấy như sờ được vào sự im lặng đó vậy, tôi sống hòa điệu khiêm cung với tự nhiên, đó mối quan hệ truyền thống mặc nhiên giữa con người và thiên nhiên. Tịch mặc vô biên, vô ngôn.

Trong một ngôi tháp ở Bollingen người ta có cái cảm giác đồng thời sống qua nhiều thế kỷ khác nhau. Tôi tin rằng cho đến khi tôi mất đi thì nơi này vẫn thế, vẫn cái vẻ trầm lặng tịch mặc vô biên kéo dài qua nhiều thế kỷ, cất giữ quá khứ xa xưa trong cảnh trí và mọi vật xung quanh; Quá khứ ghé thăm và ở lại với nơi này, hình bóng của quá khứ trải lên trên từng bậc thềm, mái ngói, và trên từng chiếc lá của khu rừng trước mặt. Nơi đây, hầu như chẳng tìm thấy một vết tích nào của thời đại. Nếu một người sống ở thế kỷ 16 đến sống trong ngôi tháp này, thì chỉ có ngọn đèn dầu và diêm quẹt là mới lạ đối với anh ta; ngoài ra, anh ta sẽ cảm thấy rất quen thuộc và thoải mái với mọi đồ vật xung quanh. Ở đây chẳng có gì khuấy động quá khứ uy linh của người thiên cổ, không cả một ánh đèn điện hay một tiếng chuông điện thoại”.

Còn nhiều điều để nói nữa đấy, nhưng tôi nghĩ là nên dừng bút ở đây. Nghe nữa chắc bạn sẽ chết vì chán đấy! Bản thân tôi cũng là một người nổi loạn, xét theo một khía cạnh nào đó, tôi đã nổi loạn trong suốt cuộc đời mình. Tôi có sở thích là được sống trong rừng thẳm, trong núi sâu, tách biệt khỏi con người và xã hội ồn ào ngoài kia; sống đơn giản trong tịch lặng và bình an chỉ với một ít đồ đạc đơn sơ đủ dùng. Bạn hỏi tôi có bao giờ khóc không á? Ồ! Có ai tin nổi không chứ, một lão sơn tăng già như tôi mà vẫn còn nước mắt để khóc ư? Bên trong tôi luôn có một cái gì đó âm ỉ như than trong lò ấy, bạn không nhìn thấy lửa ngọn của nó nhưng nó vẫn cứ đốt cháy ra trò đấy. Tôi không thích sự phán xét của con người; sự hiểu biết và cảm thông thì tốt hơn nhiều. Tôi là một con người, cho nên tôi cũng bất toàn. Và tôi còn trở nên bất toàn thêm ấy chứ, cho nên tôi sợ những người cứ luôn luôn phán xét người khác. Tôi muốn được cô đơn một mình trong đại ngàn xanh thẫm, bước những bước chân tự do thanh thản của một con sư tử núi. Người ta nói rằng một nhà sư thì chẳng nên vướng mắc với người nào, hay vướng mắc vào chuyện này chuyện kia mới phải, nhưng tôi không làm được như vậy. Tôi vẫn là một con người, sự thật là vậy, và tôi không cố tỏ ra mình thế này thế nọ. Tôi nỗ lực hết mình để có sự hiểu biết chân thật về chính mình, về cuộc đời; chánh niệm về những gì đang diễn ra, đang vận hành trong tâm tôi. Tôi không màng tiếng thơm; một mai tôi ra đi khỏi cõi đời, sẽ chẳng có gì còn lại. Gió bụi đại ngàn sẽ xóa sạch mọi dấu chân của sư tử, một con sư tử núi cô đơn.

….và đại ngàn  biết người xưa đúng hẹn

thả cánh chim chiều về mộ đứng kêu.

                             Uyển Lan dịch

 __________________

(*) The Great Books: Đại Kỳ Thư, là một tập hợp gồm 54 tập sách được xuất bản lần đầu tiên năm 1952 tại Mỹ bởi Encyclopedia Britannica, Inc. Encyclopedia Britannica, Inc là cơ quan đã phát hành bộ Bách khoa toàn thư Britannica, được xem là một trong những bộ Bách khoa toàn thư có thẩm quyền nhất. The Great Books gồm những tác phẩm liên quan mật thiết những vấn đề của thời đại trong những bối cảnh lịch sử trọng yếu, đáng được đọc đi đọc lại, những hệ tư tưởng được bàn cãi nghiêm túc và sâu rộng trong nền văn minh Tây phương.

Bộ sách được tái bản lần thứ 2 năm 1990 với số lượng 60 tập, trong đó cập nhật một số bản dịch mới, lược bỏ một số tác phẩm, thêm vào một số tác phẩm quan trọng của thế kỷ 20. ( Nguồn: Wikipedia)

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài