TRANH MÉP SÁCH

TRANH MÉP SÁCH

Tranh mép sách là bức tranh được vẽ trên mép trước của quyển sách. Có hai dạng tranh cơ bản: một là tranh ẩn, người đọc phải đẩy mép sách lên để xem tranh và hai là tranh hiện rõ trên bề mặt mép sách khi  sách đang gấp.

Để xem tranh ẩn, người đọc phải đẩy nghiêng mép giấy đến một mức nhất định và tranh sẽ hiện ra. Tranh ẩn được vẽ màu nước từ rìa trên hoặc rìa dưới (trái hoặc phải) của tờ giấy chứ không phải trực tiếp trên mép sách.

Ngược lại, đối với kiểu tranh thứ hai, tranh được vẽ trực tiếp trên mép trước quyển sách đang gấp (phần cạnh trước sách - đối diện với gáy sách), người đọc sẽ dễ dàng nhìn thấy.

Các kiểu tranh

- Tranh đơn trên mép sách: là chỉ có 1 bức tranh trên bề mặt mép sách. Thông thường, nghệ nhân sẽ mạ vàng hoặc vẽ hoa văn phủ lên sau khi bức tranh đã khô, để cho bức tranh hoàn toàn được ẩn đi khi quyển sách đang gấp và mép sách không được đẩy lên.

- Tranh đôi trên mép sách: tranh vẽ trên hai phía của lề giấy, một bức tranh sẽ hiện lên khi ta đẩy mép sách lên ở phía này, và bức thứ hai sẽ hiện lên khi đẩy mép giấy ở phía ngược lại.

- Tranh ba trên mép sách: Cũng giống tranh đôi và thêm một tranh vẽ trực tiếp ở mép trước quyển sách (thay cho mạ vàng hoặc phủ vân). Tranh có thể bao phủ đến cả mép trên và mép dưới sách, được gọi là Bức tranh toàn cảnh. Chúng cũng được gọi là "Tranh ba cạnh".

Tranh chia đôi trên mép quyển Kinh Thánh

- Tranh chia đôi: có hai bức tranh khác nhau trên hai nửa quyển sách. Khi để mở quyển sách ngay giữa, một bức tranh sẽ hiện ra ở mép của nửa đầu quyển sách, và ngược lại, bức thứ hai ở mép nửa sau sách.

Thậm chí có vài kiểu tranh hiếm thấy phải ép hoặc xé theo một cách nhất định để xem tranh.

Lịch sử

Tranh vẽ trên mép sách xuất hiện sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ 10, những bức tranh này là dạng thiết kế mang tính biểu tượng. Loại tranh này cũng xuất hiện sớm ở Anh, vào khoảng thế kỷ 14, vẽ những huy hiệu bằng vàng và các màu khác. Kiểu tranh ẩn trên mép sách xuất hiện đầu tiên vào năm 1649. Bức tranh sớm nhất được ký tên và ghi ngày tháng lần đầu là vào  năm 1653: một huy hiệu gia đình được vẽ trên cuốn Kinh thánh xuất bản năm 1651.

Có một giai thoại thú vị về sự ra đời của các bức tranh ẩn trên mép sách đầu tiên như sau: Vua Charles đệ nhị nước Anh có người bạn là một nữ công tước. Bà thường mượn sách của ông và thỉnh thoảng quên trả lại. Chuyện đó cứ tiếp diễn nên nhà vua ủy thác cho họa sĩ Peter Lely và nghệ nhân đóng sách Samuel Mearne phải nghĩ ra phương thức bí mật để nhận diện sách của mình. Cả hai đã vạch ra một kế hoạch độc đáo. Vài tuần sau, khi nhà vua đến thăm nữ công tước, ông để ý có vài quyển sách quen thuộc trên kệ. Ông lấy chúng xuống và bảo, "Ta sẽ lấy những quyển sách vốn là của ta". "Nhưng thưa bệ hạ," bà phản đối, "Những quyển sách đó là của tôi". "Ồ?" nhà vua nhướn mày. Với nụ cười ranh mãnh, ông đẩy mép sách lên để lộ ra bức tranh được vẽ ẩn dưới mép sách là một huy hiệu hoàng gia. Mép sách được mạ vàng làm bức tranh ẩn hoàn toàn. Thừa nhận rằng Charles đã khôn ngoan hơn mình, nữ công tước phải cúi đầu chịu thua nhà vua.

Khoảng năm 1750, các chủ đề tranh chuyển đổi từ trang trí đơn giản và huy hiệu sang tranh phong cảnh, chân dung và tôn giáo, thường được vẽ với nhiều màu sắc. Các bức tranh hiện đại có nhiều biến thể hơn, chúng có thể miêu tả vô số chủ đề không được tìm thấy trên mẫu vật trước đó, bao gồm các cảnh tình ái hay các cảnh trích từ tiểu thuyết (như Jules Verne, Sherlock Holmes hay Dickens, v.v.). Trong một vài trường hợp, việc chọn chủ đề tranh sẽ liên quan đến nội dung sách hoặc ngược lại, không có liên quan gì. Ví dụ như bức tranh phong cảnh New Brunswick được vẽ trên cả Kinh thánh và quyển Tuyển tập thơ và kịch. Việc lựa chọn chủ đề để vẽ phụ thuộc vào họa sĩ, hiệu sách hoặc người sở hữu do chúng rất đa dạng.

Kỹ thuật này phổ biến vào thế kỷ 18 bởi John Brindley (1732-1756) - nhà xuất bản và đóng sách cho Hoàng tử xứ Wales, và Edwwards ở Haliffax - nghệ nhân đóng sách và hiệu sách nổi tiếng.

Phần lớn các bức tranh tồn tại vào khoảng cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX được sao chép lại từ bản gốc được phát hành vào đầu thế kỷ XIX.

Các họa sĩ chuyên vẽ tranh trên mép sách đa phần là ở Anh, Martin Frost MBE và Clare Brooksbank. Quyển "Từ điển chú giải về các họa sĩ vẽ tranh trên mép sách và nghệ nhân đóng sách" của L. Jeff Weber liệt kê nhiều họa sĩ và nghệ nhân cùng với tác phẩm của họ, trong đó có nhiều người hiện tại vẫn còn làm việc (2010).

Theo en.wikipedia

Trần Diễm Quyền dịch

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài