Tự trần

Tự trần

Trước khi chính thức hiệu triệu công cuộc chấn hưng Phật giáo, hòa thượng Khánh Hòa đã có nhiều năm chuẩn bị. Để hiểu rõ hơn về giai đoạn tiền chấn hưng Phật giáo, Thư viện đăng lại toàn văn bài “Tự trần” của hòa thượng Khánh Hòa được đăng trên tạp chí Pháp Âm, nhân tròn 90 năm chính thức khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam:

Tôi là pháp danh “Khánh Hoà” tự hiệu Như Trí, ở chùa Tiên Linh, xứ Tân Hương thuộc tỉnh Bến Tre. Khi 20 tuổi đã xuất gia, trong khoảng 28 năm, nào là Viễn hành tham phương, nào là ứng thư tự vụ, bổn phận hàn vi nầy, đã cam bề thất học!

Thầm nghĩ: tiêu cực chẳng có, mà tích cực cũng không, đạo thiểu lực vi, ôm lòng hổ thẹn!! Lật bật quanh quẩn với người, thôi đã thấy năm Bính Dần báo hạ, tôi vào ngồi giảng tịch tại chùa Long Phước Trà Vinh, chín tuần đã mãn, tình cờ có quan huyện Hàm Cửu, vời các vị Hoà thượng sang nhà ông. Tôi hiệp cùng đi, khi ông thiết đãi thời chay rồi, thì ông lại đọc một bài diễn văn, yêu cầu sửa đạo… Bài diễn văn ông kêu ca nghe thảm thiết; làm cho công chúng bất giác phải cảm khái mà động lòng!

Bấy giờ có Hoà thượng ở chùa Bảo Lâm (Cái Bè Sadec) động chút thương tâm, buộc thầy phải đôi dòng tầm tã!! Nhưng ngôn luận chẳng qua là khuyến khích, chớ còn thực hành, thì còn lắm trông mong. Bởi vậy sự kết liễu chưa thấy động cơ, mà ôm ấp mặc nhiên giải tán!

Kể tháng 8, tôi sang Long Phước một lượt nữa, hầu ngồi chủ toạ gia giáo. Bấy giờ có thầy sa môn Huệ Quang ở chùa Long Hoà, bảo tôi phải chủ động theo lời yêu cầu của quan huyện. Tôi tế tâm trù nghĩ..., hèn lâu mới thốt được một lời rằng: Ôi thôi! Tăng đồ hủ bại, Phật giáo suy vi!! Chết nỗi! Cái hiện trạng của giáo đồ, đang thời kì thất học, lúng túng trong vòng hắc ám, học sai dùng lộn những luật kinh. Nãi chí, ứng phú nhân gian, giáp thêu mũ nhọn, mang râu vẽ mặt lại tự kêu là “hát Phật”. Da dĩ, giả trang thiền tướng áo dà chuỗi hột, gọt tóc trau hình mà đời cũng lầm tưởng cho là “thầy tu”. Té ra vô giải tì kheo mãn diêm phù đề, khiến cho thế gian lầm lạc.

Như muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo thì cần nhứt các nhà học giả nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cất nhà thư xã, thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ, khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được phép luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp, thì Phật pháp mới chuyển tăng hưng vượng.

Còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sanh tấn nghiệp luôn luôn. Học cho thông Ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhậm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu diễn dương diệu pháp, thì mới trong mong tăng giới được tinh tấn.

Giả sử muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo; cứ như hai phương diện trên đây, thì mới thấy hoàn toàn kết liễu, bằng như phúc huỷ ngoài cái phạm vi ấy, thì không bao giờ kiến hiệu nổi.

Phật giáo suy đồi là bởi tăng đồ thất học. Nay chỉ còn được một đôi ông bạn học rộng thấy xa, nhưng lải rải ở nơi lục châu, chưa biết có ai đồng chí nhiệt thành mà đề xướng thật hành cái phương pháp ấy. Chớ còn phần đông là sư tử trùng, ký sanh loả, nếu chinh một góc địa phương thì không thể nào mà thi hành cái phương pháp ấy cho đặng. Vậy nên cần phải dùng địa điểm trung tâm ngõ hầu tiện bề cử động.

Độ trước tôi đã nghe hoà thượng Giác viên (Cholon) cùng các vị đại đức có quang gián tại Cầu Ngan (Travinh) có các vị đàn việt viên quan yêu cầu sửa đạo, đến nay đã hèn lâu mà vẫn còn im lặng như tờ, chí như mình đây đạo thiểu lực vi, lại ở nhằm biên địa chắc khó mà thi thố cái chủ nghĩa ấy.

Thôi! Để cho tôi lui về thôn dã, tịnh thất tiểu am, đành chịu bề tiêu cực.

Thầy Huệ Quang nghe đoạn, thầy cũng không còn phương châm nào mà ngoài cái phạm vi trên kia, mà thầy cũng không thể còn lời nào là trịnh trọng được nữa!!!

Sang năm Đinh Mão (1927) tháng 2 tôi qua đám thượng lương chùa Long Khánh Trà Vinh, luôn dịp lại bàn qua cái vấn đề xưa kia với ông Huệ Quang một lượt nữa. Cùng nhau trù sách, hầu ra Trung kỳ kiết hạ, được quan sát Phật giáo cổ địa thế nào, và chiêu tập thêm một vài đồng chí? Tình cờ cho câu chuyện, bỗng dưng mà gặp thầy sa môn Thiện Chiếu là toạ chủ ở chùa Linh Sơn (Saigon). Người cũng lại tỏ cái cảnh đoạn trường của Phật giáo, tâm đầu ý hiệp, từ đây mới còn chút hy vọng tương lai. Nhưng cũng gác để bên lòng, hầu đợi khi phản hồi sẽ tiến thủ.

Bây giờ an cư ba tháng ở Hạ Qui Nhơn, tham khẩu các hàng trưởng lão, có Bích Liên đại sĩ, cũng tỏ dấu rằng hoằng pháp lợi sanh, hầu trả ơn thừa Phật pháp. Thầy cũng đem những thương tâm chất chứa, tỏ bày và hứa chịu sẽ hiệp thành.

Qua tháng năm, Thiện Chiếu từ Bắc kỳ trở lại, có mang về vài quyển Hải triều âm, ấy là cái cơ quan của Phật giáo hội Trung Hoa, bỗng chốc mà thêm được cho chúng tôi một vài cái vẻ hân hạnh nữa!

Mồng mười tháng 7 chính là ngày giải hạ. Trở về, đến Saigon tôi có tạm đình nơi Linh Sơn mà bàn lại, Thiện Chiếu khuyên rằng phải cấp tấn, lại đưa chương trình Phật giáo hội của Trung Hoa cho tôi xem, và bảo phải thiết lập ngay chớ nên để trễ. Cái hoàn cảnh ấy, một tấm thân này, đem đối lập, tợ hồ như đã ra chiều thôi thúc! Đến cuối tháng 7, tôi còn phải lên Linh Sơn một lượt nữa mà bàn tính đoạn rồi thì cũng trở lại.

Hôm nay vẫn là tháng 8, tôi cùng Huệ Quang động thân tam, tứ thứ Saigon. Bây giờ hiệp cùng một người cư sĩ, được đi yêu cầu các vị hoà thượng miệt Chợ Lớn, Sài Gòn, như là chùa Hội Khánh, Giác Hải, Từ Ân, Giác Viên v.v nhơn duyên thêm may mắn, cách một ngày sau, thì chùa Giác Lâm có đám đại trai đàn, bấy giờ có cả các vị hoà thượng sư cụ thảy đều tề tựu. Tôi đích thân đi đảnh lễ, khẩn cầu, mong được sư cụ sư ông từ bi hiệp thành và huệ cố! Nhưng tiếc vì tấc thành này chưa đến, nên sư cụ, sư ông im lặng chẳng phán một lời gì!? Từ đây, ngày qua một tháng, tháng khỏi một tháng, lật bật thiều quang đưa đuổi, trống chùa đà báo tin Mậu Thìn.

Thôi đi:

Xích bích phi bảo, thốn âm thị cạnh.

Sang năm Mậu Thìn (1928), tôi cùng hợp với Huệ Quang, Tử Nhẫn, Chơn Huệ, Thiện Chiếu hầu tổ chức những Phật học viện, thư xã. May nhờ có ông Trần Nguyên Chấn và cư sĩ Thái Bình là Ngô Văn Chương cũng chung cùng tài chánh và nhờ thầy Thiện Niệm ở chùa Viên Giác, Thầy Từ Phong ở chùa Liên Trì, hai vị cũng sẵn lòng quyên trợ ít nhiều.

Bắt đầu năm Kỷ Tỵ, tháng hai, tôi đi tìm người trí thức, đồng tâm hiệp tác, vãng phản ư lưỡng xuyên, chỉ được 3 thầy sa môn hứa hành, mà đến nay cũng chưa thấy hiệu quả.

Tháng ba tôi trở về Thư xã, thấy mấy bạn ở nhà đà khởi công biên tập.

Than ôi! Tài chánh không hư, mà cấp tấn thành tựu. Tháng tư tôi nguyện kiết hạ an cư, nào hay đâu ngọn gió cấp tấn lung lay thôi thúc:

Ngoài cư sĩ hi vọng pháp âm

Trong đồng chí yêu cầu xuất bản

khiến cho tôi lòng lại chẳng an, xét mình đức bạc tài sơ, dám đâu múa búa nơi Ban môn mà gieo mình vào chiến địa.

Ôi! Kể từ hồi động cơ học Phật là năm Bính Dần, đến nay là năm Kỷ Tỵ, đôi ba năm trời Bắc, Nam buôn tẩu, yêu cầu đại đức lận đận trần ai, nghĩ tại nửa đời, lẩn bẩn chốn không môn, rờ tay lên đầu đã ngoài thiên mạng, mà chưa có một chút chi lợi ích cho đời, thật lấy làm đau lòng xót dạ. Hôm nay mắc lấy cái hoàn cảnh tấn hoá nó buộc phải nên làm cho tôi lóng cóng ngoài cửa thiền môn.

Vả lại bạn đồng chí quyết định làm Tòng Lâm, y theo luật bá trượng đời Đường thì chức việc phải có thay đổi, nên tôi mới chịu tạm lãnh đó thôi.

Cúi xin mười phương đại đức thương tình xét cho.

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoGiới thiệu sách "Lão Tử Đạo đức kinh chú"

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài