Sài Gòn, tiết đông năm Kỷ Hợi
Lãn Văn
Thời nào và ở đâu cũng vậy, vạn sự khởi đầu nan là một điều tất yếu. Trong hàng trăm khởi đầu như vậy chỉ có một hai là đi đến cùng và nó phụ thuộc rất nhiều vào người lĩnh xướng. Tuy người tiên phong không phải quyết định tất cả, nhu cầu thời đại sẽ sản sinh ra những người tiên phong, nhưng lịch sử lựa chọn người đó. Ấy là vì nhân duyên đã sắp đặt như vậy. Họ không làm tất cả nhưng họ có thể làm cho tiến trình diễn ra sớm hơn và dấu vết lịch sử của một giai đoạn dài sau đó sẽ mang nhiều sắc màu của người tiên phong. Trong cái chung có cái riêng.
Nếu lấy thời điểm ra đời Pháp Âm-tạp chí đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, do hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng vào tháng 9.1929 làm mốc khởi đầu của Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam thì đến nay đã tròn 90 năm.
Trái ngọt của phong trào ấy là sự ra đời các Hội Phật giáo, Phật học đường, Phật học thư xã và báo chí Phật giáo khắp 3 miền, nền tảng ra đời của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Các thế hệ tăng tài Phật giáo thế kỷ 20 và nề nếp sinh hoạt của chùa chiền, Phật tử có quy củ cũng nhờ công cuộc chấn hưng ấy, kể cả việc tranh đấu Phật giáo những năm 1963 cũng là thành tựu nối tiếp của công cuộc chấn hưng đã gây dựng trước đó.
Các bậc tiền bối chấn hưng phải kể đến hòa thượng Khánh Hòa, Huệ Quang, sư Thiện Chiếu, hòa thượng Thanh Hanh, cư sĩ Lê Đình Thám… nhưng người khởi đầu, nhiệt huyết và bền bỉ nhất có lẽ là hòa thượng Khánh Hòa.
Đọc HÀNH TRÌNH NHỰT KÝ - đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội của ngài ta thấy được sự khởi xướng một phong trào gieo neo như thế nào. Công việc cao cả của ngài không phải ai cũng đồng thuận, các bậc trưởng lão không phải ai cũng ủng hộ, mặc dù ngoài mặt ai cũng khen công việc đó là cao quý, lớn lao, nên làm ngặt vì lý do này lý do nọ.
Trong thời gian bôn ba vận động, ngài cũng gặp được vài người cùng chí hướng, một hình ảnh rất đẹp diễn ra tại chùa Kim Huê – Sa Đéc. Vị Yết ma của chùa đã ân cần động viên và gom hết của cải ủng hộ ngài 60 đồng, không những thế còn nói: “Xin Hòa thượng chớ phụ lòng mà nhận lãnh của chút ít nầy, để phụ giúp vào trường học, Hòa thượng cũng dư biết, chùa tôi thật là nghèo, chớ chi của chùa nầy mà giàu có như các chùa khác, thì tôi nguyện dưng cúng cả”. Hòa thượng Khánh Hòa nhận và gởi lại 10 đồng để “phòng việc nhang dầu”.
Năm 1995 tôi cùng thầy tôi đến Kim Huê, chùa hãy còn mái lá đơn sơ, cột kềo xiêu vẹo, chư tăng thì đang đi làm ruộng. Ta biết nơi nghèo nàn này đã sản sinh ra nhiều bậc danh tăng cho Phật giáo Việt Nam.
Người có tiềm lực thì không muốn làm, người không có tiềm lực thì nhiệt thành. Cái phước của con người nó bạc vậy. Nếu lấy thước đo về sự ủng hộ mà làm việc thì không tránh khỏi muộn phiền và chán nản.
“Minh mông vịnh biển Xiêm La
Muốn tìm đồng chí biết qua phương nào?”
Người học Phật có hiểu biết thì chỉ có một thước đo, đó là thước đo nhân quả. Làm việc trong niềm tin kiên cố vào nhân quả thì không thể bất mãn được. Ngài nói “Nan hành năng hành, nan xả năng xả”. Làm việc với sự mong cầu nhiều quá thì tất yếu muộn phiền có mặt khi không đạt được. Làm việc nếu không có mong cầu thì làm sao có đủ nhiệt huyết để làm đến nơi đến chốn. Vấn đề là mong cầu phải được nuôi dưỡng trong sự hiểu biết về nhân quả. Chính sự hiểu biết này sẽ giữ được lửa hăng say phụng sự mà tránh được muộn phiền. Cuộc đời hoạt động của ngài đã chỉ dạy ta điều đó.
Có một hình ảnh rất đặc biệt diễn ra trong đời của người khởi xướng công cuộc chấn hưng Phật giáo. Hòa thượng Khánh Hòa, trong lúc khó khăn, đã bán nóc chùa Tiên Linh bằng gỗ quý-nơi ngài trụ trì để có tài chánh trang trải cho việc đào tạo tăng tài. Đây có lẽ là hình ảnh rất đẹp và hi hữu của Phật giáo Việt Nam. Nó cho thấy ngài không còn là chủ nhân của một ngôi chùa, nó đưa toàn bộ tâm tư và đời sống của ngài vào một ngôi chùa rộng lớn hơn - không hình không tướng - đó là sự hưng vong của Phật giáo nước nhà thời bấy giờ. Chính cái tầm vóc to lớn ấy, tinh thần nhiệt huyết ấy đã lan tỏa, tác động và đủ sức hiệu triệu một guồng máy, một cỗ xe cũ kĩ ngưng trệ. Ngài xứng danh là vị tổ của Phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam mà lịch sử đã lựa chọn. Chúng ta ngày nay ít nhiều đều thọ ơn của ngài theo cách này hay cách khác.