Về một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Về một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

"Thuở nhỏ, song song với những cuốn sách khác, tôi đọc sách của Hồ Hữu Tường. Cuốn đầu tiên, Phi Lạc Sang Tàu in tại Pháp, bìa nhiều màu, được tôi đọc đi đọc lại vài lần: tôi thích nghe anh chàng Phi Lạc “nói dóc” và cũng vì phần mở đầu rất hấp dẫn đối với tôi. Trong chương đầu, một người nào đó do theo sấm ký đi tìm “thánh nhơn” khởi từ Cầu Bông qua Lăng Ông Bà Chiểu, mà nhà tôi ở Đakao, gần Cầu Bông, thật là một điều trùng hợp lý thú. Tôi rất ao ước được gặp anh chàng Phi Lạc bằng xương bằng thịt luẩn quẩn ở Đakao, Tân Định (1). Những cuốn sau đó gồm những chuyện ngụ ngôn, truyện Ngày Xuân: Con Ve và Con Kiến (2), sự tích con chim trích, sự tích bánh chưng bánh dày, ăn quả trả vàng, người anh tham lam, cũng được in tại Pháp, nhà xuất bản Kim Khánh vào khoảng năm 1950, mỗi trang đều có hình vẽ rất đẹp. Có người nói với tôi rằng những truyện ngụ ngôn và cổ tích nói trên do Hồ Hữu Tường kể nhưng ông không ký tên. Rồi đến hai cuốn sách mỏng: Nỗi Lòng Thằng Hiệp, Muốn Hiểu Chính Trị, hai cuốn tiểu thuyết: Thu Hương, Chị Tập trong bộ “Gái nước Nam làm gì?”

Quyển Phi lạc sang Tàu (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Quyển Chị Tập (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Vào khoảng 1952 tôi đọc những bài của Hồ Hữu Tường trên báo Mới xuất bản tại Sài Gòn, chủ nhiệm: Phạm Văn Tươi và đồng thời tôi đọc tập san Cảo Thơm do Hồ Hữu Tường làm chủ nhiệm, xuất bản tại Paris. Tập san Cảo Thơm đăng tiểu sử và công trình của nhà bác học Bửu Hội, Nguyễn Đạt Xường, nhà văn Phạm Duy Khiêm, Triều Sơn… (3). Năm 1953, tôi đọc hai cuốn có tính cách nghiên cứu của Hồ Hữu Tường: Kinh Tế Học, Xã Hội Học Nhập Môn (4). Cũng trong năm 1953 tôi đọc hai tờ nguyệt san Pacific (xuất bản từ năm 1952) do Hồ Hữu Tường làm chủ nhiệm, xuất bản tại Paris, in nhiều màu, nhiều hình ảnh đẹp. Những cây viết trên báo đó ký những tên lạ hoắc. Họ viết về đất nước của họ. Họ không khoe vẻ đẹp của quốc gia họ, chỉ đề cập đến những vấn đề gai góc, hóc búa mà dân tộc của họ đang gặp phải. Tôi có cảm giác như tôi đang quan sát năm, bảy cái mụt nhọt, không có mụt nào chịu nung mủ, mà tôi không có tài mổ một mụt nào cả. Vài tháng sau tôi quên hết những vấn đề thời sự lẩm cẩm của đầu thập niên năm mươi trên Pacific, vì những vấn đề ấy không liên quan gì đến non sông đất nước của mình, vì đâu phải “chuyện ông chuyện cha” gì của mình mà mình phải lý tới cho mệt tim mệt óc. Nhưng tờ Pacific để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp: kể từ ngày có chủ nghĩa thực dân, vấn đề Việt Nam không bao giờ được giải quyết cách riêng rẽ, vấn đề Việt Nam nằm trong toàn bộ Đông Dương, liên quan mật thiết với vấn đề của nhũng quốc gia Thái Bình Dương. Đầu óc của Hồ Hữu Tường khi cho ra đời nguyệt san Pacific là đầu óc của con chim đại bàng, còn đầu óc của tôi lúc bấy giờ là đầu óc của con chim sẻ. Hai khối Nga, Mỹ trong tương lai sẽ cùng nhau lo cho tất cả những quốc gia Thái Bình Dương trong thế “cộng tồn,” do đó nước Việt Nam sẽ là một nước trung lập.

Pacific ra được tám số thì dẹp tiệm vì Hồ Hữu Tường, năm 1954, khăn gói từ Paris trở về Việt Nam. Từ 1952 cho đến nay, trải qua hơn 40 năm, chưa có người Việt Nam nào tiếp tục công trình Pacific của ông.

Đầu năm 1954 tôi đọc tuần báo Phương Đông, rồi nhựt báo Phương Đông (không đọc liên tục vì không đủ tiền mua báo mỗi ngày) do Hồ Hữu Tường làm chủ nhiệm để lắng nghe ông trình bày chủ trương “trung lập chế.” Cũng vào đầu năm 1954 tình cờ tôi đọc “La seule bonne voie” của Hồ Hữu Tường. Bài viết này dày khoảng mười trang giấy, cỡ giấy đánh máy, giấy quý, in đẹp, không phải một cuốn sách, cũng không phải một bài báo, không đề giá bán, tôi gọi nó là một thứ truyền đơn. “La seule bonne voie” (Con đường tốt đẹp duy nhất) là bản tuyên ngôn về trung lập chế của Hồ Hữu Tường. Trong phần mở đầu ông cực lực phản đối việc chia đôi đất nước, yêu cầu cựu Thủ tướng Bửu Lộc hoặc cựu hoàng Bảo Đại không ký tên vào Hiệp định Genève. Phần sau Hồ Hữu Tường đề nghị một giải pháp cho nước Việt Nam mà Hồ Hữu Tường gọi là “con đường tốt đẹp duy nhất”: Trung lập chế. Bản tuyên ngôn này với lời lẽ nghiêm túc, đoan chính khác hẳn với những câu nói bông đùa trào lộng của thằng mõ làng Cổ Nhuế khi nói chuyện “đánh cuội” với phái Hồng Môn.

Năm 1965 tôi đọc tuần báo Hòa Đồng do ông chủ trương cũng để nghe lại lập trường trung lập chế của ông. Vài năm sau báo Hòa Đồng chết ngủm vì lý do thời cuộc, báo không chuyên chở đến được miền Trung. Tôi lại theo dõi bài viết của ông trên nhật báo Ánh Sáng do Hoàng Hồ làm chủ nhiệm. Trên báo này ông hô hào chủ thuyết “siêu lập chế” hoặc “liên hiệp quốc hóa” hoặc “quốc tế hóa” nước Việt Nam. Năm 1967, trong hồi ký “41 Năm Làm Báo,” Hồ Hữu Tường viết: “Mà nếu trào lưu lịch sử khiến cho nước Việt Nam chảy xuôi theo dòng trung lập, ấy là thuận lòng trời, đẹp ý người” (5). Rồi đến Phi Lạc Bỡn Nga, Phi Lạc Náo Hoa Kỳ, Tiểu Phi Lạc Náo Sài Gòn (được đăng rải rác trên các nhật báo xuất bản tại Sài Gòn), Thằng Thuộc Con Nhà Nông, Trầm Tư Của Một Người Tội Tử Hình…

Quyển Tiểu Phi Lạc náo Sài Gòn (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Quyển Phi Lạc náo Hoa Kỳ (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành
 

Quyển Thằng Thuộc con nhà nông (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Quyển Trầm tư của một tên tội tử hình (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Tại Mỹ, năm 1992, tôi đọc lại hồi ký “41 Năm Làm Báo.” Nói tóm lại, tôi đọc gần hết tác phẩm của Hồ Hữu Tường, từ những quyển tiểu thuyết (6), những cuốn khảo luận cho đến những bài viết trên nhật báo, tuần báo, bán nguyệt san, nguyệt san… Cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hồ Hữu Tường là cuốn Người Mỹ ưu Tư, phổ biến hạn chế, in tại Pháp vào cuối thập niên 60, tôi chưa được hân hạnh thưởng thức.

Quyển Người Mỹ ưu tư (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Trong số những tác phẩm của Hồ Hữu Tường có một cuốn tôi cho là sáng giá nhất, giá trị đáng được lưu lại mãi mãi đến ngàn sau: Tương Lai Văn Hóa Việt Nam in tại Hà Nội, năm 1946. Cuốn sách này rất mỏng, đồ chừng ba mươi trang giấy in, khổ nhỏ, mỏng như cuốn Muốn Hiểu Chính Trị và Nỗi Lòng Thằng Hiệp. Cuốn sách ấy chứa đựng những lời tâm huyết của Hồ Hữu Tường về văn hóa Việt Nam và nhất là về tương lai văn hóa Việt Nam. Trong Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, Hồ Hữu Tường bảo rằng ông đã thấy được văn hóa Việt Nam là một kho tàng hết sức quý báu, một kho tàng tỏa đầy ánh sáng rực rỡ không những trong tương lai nó sẽ chói lọi khắp miền Đông Nam Á Châu mà còn sáng rực trên khắp thế giới (7). Ông nói rằng ông đã khám phá được cái kho tàng văn hóa Việt Nam giống như một người đã ôm được một rương vàng bạc, ngọc ngà, trân châu xà cừ, mã não… ông muốn la thật to, muốn hét thật lớn cho mọi người đều biết chứ ông không muốn ôm trọn kho tàng ấy làm của riêng. Nhưng rồi ông cho rằng có thể có nhiều người không tin. Nhưng riêng ông, ông tin lắm vì ông đã từng khám phá cái kho tàng ấy. Đặc biệt trong cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, Hồ Hữu Tường không định nghĩa hai chữ văn hóa. Không cần phải hiểu văn là gì, hóa là gì, culture là gì, khám là gì. Cũng không cần phải tìm hiểu nhà văn này định nghĩa văn hóa ra sao, triết gia kia định nghĩa văn hóa như thế nào. Cũng không cần tìm hiểu văn hóa khác văn minh ra sao. Ông không hề so sánh văn hóa giữa nước này với nước nọ, văn minh giữa nước nọ với nước kia. Hồ Hữu Tường rất mực có lý vì theo tôi định nghĩa một từ chuyên môn chỉ gây cho độc giả thêm nhức đầu, rối rắm, không bổ ích gì. Văn hóa đã là như vậy rồi, khi đề cập đến văn hóa trong trí mỗi người đã có sẵn ý niệm sơ khởi, căn bản, nền tảng về văn hóa thì cần chi phải định cho nó một nghĩa nữa.

Trở lại ý chính của cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam: Hồ Hữu Tường nói rằng dân tộc Việt Nam đã có một nền văn hóa lâu đời, và nền văn hóa Việt Nam là một kho tàng trong tương lai sẽ là một ngọn đuốc sáng rực cả thế giới. Thấy được kho tàng ấy ông hết sức vui mừng, ông muốn reo hò, nhảy múa, muốn la hét cho mọi người đều biết sự khám phá quí báu ấy của ông. Ông kỳ vọng trong tương lai con cháu của chúng ta sẽ làm cho nó rạng rỡ khắp năm châu.

Với bút pháp cực kỳ đơn giản, ngắn, gọn, với giọng văn hết sức bình dị, chân thành, lôi cuốn, Hồ Hữu Tường muốn cho mọi người cùng cảm nhận như ông đều nhận chân giá trị cao quý của nền văn hóa Việt Nam. Rất tiếc, hiện nay tôi không có cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam của Hồ Hữu Tường trong tay để trích dẫn vài đoạn văn chính yếu (l0).

Một ưu điểm nữa của cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam là Hồ Hữu Tường không hề nói rõ một số hay tất cả chi tiết về nền văn hóa Việt Nam. Việc khai triển phát huy ấy dành cho thế hệ tương lai. Mỗi người thò tay vào rương vàng đều có thể đem ra một thỏi vàng, một viên ngọc …

Như trên đã nói, cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam của Hồ Hữu Tường ra đời năm 1946. Mười mấy năm sau, 1967, trên tuần báo Hòa Đồng Hồ Hữu Tường minh chứng một cách mạnh mẽ rằng truyện cổ tích “Cô Bé Lọ Lem,” Cendrillon của Pháp, Cinderella của Anh, của Mỹ là do truyện cổ tích “Tấm Cám” của Việt Nam mà ra. Truyện Tấm Cám được người Tàu diễn ra bằng chữ Tàu rồi sau đó được người Âu Châu diễn lại thành truyện “Cô Bé Lọ Lem” và ngày nay nhiều nước có truyện cổ tích ấy. Minh chứng rằng truyện cổ tích Tấm Cám là nguồn gốc cổ tích Cô Bé Lọ Lem chủ đích của Hồ Hữu Tường muốn hé lộ cho chúng ta thấy một chút xíu ánh sáng lấp lánh từ cái rương vàng văn hóa Việt Nam. Rương vàng văn hóa Việt Nam đã từng bị khối văn hóa Tàu che lấp, đè bẹp muốn nghẹt thở. Trong cuốn Phi Lạc Sang Tàu, mượn lời trào lộng của Phi Lạc, Hồ Hữu Tường “chửi cha” văn hóa Hán tộc đồng thời cực lực đề cao văn hóa Việt Nam. Hồ Hữu Tường chê từ kinh điển Tứ Thư, Ngũ Kinh cho đến y, lý, số tướng… Những thứ này tiêm nhiễm vào đầu óc người Việt Nam quá lâu khiến cho bọn hủ nho cứ nhai đi nhai lại cái bã của văn hóa Hán tộc. Lúc nào mở miệng ra cứ thuộc lòng Khổng Tử “viết,” Mạnh Tử “viết,” Tử “viết” mà tại sao không phải là một người Việt Nam nào đó “viết”?

Quyển Tương lai văn hóa Việt Nam (Hồ Hữu Tường) do Thư viện Huệ Quang ấn hành

Trong Phi Lạc Sang Tàu chúng ta thấy Nguyễn Bỉnh Khiêm “viết,” La Sơn Phu Tử “viết,” đức Phật Thầy Tây An “viết” chứ không còn những triết gia Trung Hoa “viết” nữa. Hồ Hữu Tường rất giận và rất ghét văn hóa ngoại lai Hán tộc cho nên ông trói gô tất cả triết gia Trung Hoa vào một bó và gọi là “ông ba Tàu” (11). Phải đến lúc không còn ông ba Tàu nào “viết” nữa mà là người Việt Nam “viết” cho dẫu là những gì “viết” đó nằm trong ca dao, tục ngữ, truyện tiếu lâm, hoặc nơi cửa miệng của nhân vật tưởng tượng Cống Quỳnh. Tất cả đều “rặc ròi” Việt Nam không pha lẫn một chút chữ Tàu. Nguyễn Mạnh Côn trách cứ Hồ Hữu Tường rêu rao sấm ký mê tín dị đoan của Bửu Sơn Kỳ Hương. Thật không phải vậy, ngàn lần không phải vậy. Nguyễn Mạnh Côn không phải là tri kỷ của Hồ Hữu Tường. Trong Phi Lạc Sang Tàu chúng ta thấy tất cả nền văn hóa Hán tộc đều sụp đổ cách thê thảm dưới gót chân của Phi Lạc, thằng mõ làng Cổ Nhuế, làm nghề gánh phân, một tên hạng bét của nước Việt Nam. Đọc truyện Cống Quỳnh, Phi Lạc Sang Tàu tôi cảm thấy sảng khoái vì được giải tỏa mặc cảm tự ti của người dân Việt bị Tàu cai trị quá lâu.

Cho nên dù Hồ Hữu Tường hoạt động trong lãnh vực nào ông cũng dùng “tinh thần dân tộc” làm nền tảng. Năm 1948 ông tuyên bố: “vấn đề lớn nhất là đường lối dân tộc” (12). Đến năm 1954, nước Việt Nam sắp sửa bị chia đôi ông cũng thốt ra một câu nghe rất xót xa và cảm động – xót xa vì có những kẻ đi ngược lại đường lối dân tộc, cảm động vì câu nói của ông rất mực bộc trực, chân thành và khẩn thiết – “mà không ai thương tình cho rằng mình đi đường lối dân tộc (13). Đường lối dân tộc chính là kim chỉ nam do Hồ Hữu Tường hoạt động trong lãnh vực chính trị lẫn văn hóa. Đường lối dân tộc, tinh thần dân tộc cuộn tròn trong di sản văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi tồn tại, không có áp lực nào, không có kẻ thù nào cũng không có chủ thuyết ngoại lai nào tiêu diệt nổi.

Đầu thập niên bảy mươi, Hồ Hữu Tường ra tận quận Bình Khê, Qui Nhơn để với uy tín sẵn có của ông, mời toàn ban “Nhạc Võ Tây Sơn” vào trình diễn tại Sài Gòn. Buổi trình diễn “Nhạc Võ Tây Sơn” được trình chiếu lại trên đài truyền hình Việt Nam để tất cả khán giả Việt Nam thưởng thức. Để thực hiện công trình văn hóa này dĩ nhiên Hồ Hữu Tường phải tốn khá nhiều thì giờ, khá nhiều công của. Ban “Nhạc Võ Tây Sơn” gồm từ mười lăm đến hai mươi tay trống, mặc quần áo võ thuật, đứng theo đội hình phức tạp, mỗi người đứng sau chiếc trống với chiếc dùi nhỏ. Trống có nhiều cỡ lớn nhỏ khác nhau. Ngoài trống ra không có một nhạc cụ nào khác. Tất cả tiếng trống nổi lên tạo thành một hòa tấu khúc. Người đánh trống vừa đánh vừa ra một ít điệu bộ giống như múa nhưng nghiêng về võ. Bản nhạc được trình diễn thuộc loại “tiếng trống thúc quân.” Đó là tiếng trống lệnh: khi nghe điệu trống này đoàn quân tiến về phía trái, khi nghe điệu trống kia đoàn quân tiến về phía phải, khi nghe điệu trống khác tiến lên hoặc dừng lại. Tôi không thể nào dùng văn tự để diễn tả chu đáo nhạc, càng không thế nào diễn tả rõ ràng võ trong “Nhạc Võ Tây Sơn.” Nếu tôi cố gắng e rằng tôi làm hư mất thực chất của Nhạc Võ Tây Sơn. Sau bản nhạc “trống thúc quân” một anh chàng ra sân khấu biểu diễn quyền Tây Sơn, sau đó một cô gái múa roi Bình Định theo điệu trống. Ngày nay chúng ta thưởng thức Nhạc Võ tây Sơn trên sân khấu, nhưng vào thời Hoàng đế Quang Trung, mỗi người đều phải học Nhạc Võ Tây Sơn để khi lâm trận biết nghe theo trống lệnh.

Đầu thập niên 1990 trong kỳ Đại Hội Văn Hóa Quốc Tế tổ chức tại Houston, Texas (14) ban tổ chức đã mời được ban Nhạc Võ Nhựt Bổn trình diễn. Những tay trống trong ban nhạc gồm toàn những cô gái trẻ măng mặc đồng phục tuyệt đẹp cũng đứng thành đội hình phức tạp, cũng mỗi người sử dụng một trống lớn nhỏ khác nhau, cũng vừa đánh trống vừa ra ít điệu bộ như vũ nhưng nghiêng về võ, nội dung bản nhạc cũng như “trống thúc quân.” Thi sĩ Huy Lực và tôi lấy làm ngạc nhiên vì Nhạc Võ Nhựt Bổn tương tự như Nhạc Võ Tây Sơn. Tôi giả thuyết rằng khi xâm lăng Việt Nam trong đệ nhị thế chiến, người Nhựt đã học lấy Nhạc Võ ấy rồi đem về Nhựt thành lập ban Nhạc Võ Nhựt lưu truyền cho đến ngày nay. Tôi lặp lại trên đây chỉ là giả thuyết. Nếu giả thuyết ấy đúng chúng ta ghi thêm điểm son cho nền văn hóa Việt Nam, nếu giả thuyết ấy sai độc giả cứ xem như những lời bâng quơ của thằng mõ làng Cổ Nhuế!

Chẳng những giả sử vào thế kỷ XX Nhạc Võ Tây Sơn được truyền vào nước Nhựt mà thuở xa xưa cách nay một ngàn hai trăm năm nhạc vũ được truyền vào nước Nhựt do Thiền sư Phật Triệt. Thiền sư Thích Mãn Giác viết: “Theo học giả Hajime Nakamura, Vũ Nhạc Triều Đình Nhựt Bổn (tên Nhựt là Bungaku hoặc Gagaku) đã được du nhập vào Nhựt Bổn cách đây một ngàn hai trăm năm do một Thiền sư Việt Nam, tên là Phật Triệt. Đó thực là một kỳ quan của nhân loại (one of wonders of the world). Người Nhựt đã hãnh diện chí lý về nghệ thuật này mà họ đã gìn giữ được qua bao nhiêu thế kỷ (cf. Hajime Nakamura, Contribution of Eastern Thought and Buddhism to world culture, Vạn Hạnh Bulletin, Vol. V, Number 2, June, 1973, trang 157). Theo học giả Nhựt Kyòshò Hayashima thì Thiền sư Phật Triệt đã dạy nhạc Việt Nam ở Học Nhạc Viện Hoàng Gia Nhựt, vũ nhạc tên là Rinyùhachiraku, và Thiền sư Phật Triệt dạy chữ Phạn cho Tăng sĩ Nhựt” (cf. Encyclopedia of Buddhism, Vol. III, 1992). (Thiền sư Thích Mãn Giác, Kinh Pháp Bảo Đàn, Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam xuất bản, 1990, trang 98).

Tôi đã đọc một ít sách về Hoàng đế Quang Trung. Những cuốn sách sau đây không nhắc đến Nhạc Võ Tây Sơn: Quang Trung Nguyễn Huệ của Hoa Bằng (15), Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô Tất Tố dịch (16), Nguyễn Huệ, Giấc Mộng Lớn Chưa Thành của Nguyễn Ngu Í (17), Nguyễn Huệ của Huy Lực (18), Nước Non Bình Định của Quách Tấn (19), Một Vài Sử Liệu Về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ gồm những bài viết của Tạ Quang Phát, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Nhã, Hoàng Xuân Hãn, Lý Văn Hùng, Đặng Phương Nghi (20), Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim (21). Trong cuốn Một Vài Sử Liệu Về Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ những giáo sĩ người Pháp, người Tây Ban Nha: Lavoué, Diego de Jumilla, Girard, Labarette, Le Roy, Le Labousse, Barixzy… sống vào thời Tây Sơn, viết những điều tai nghe mắt thấy dưới triều đại Tây Sơn từ chính trị, quân sự, thuế khóa, thương mại, tiểu công nghệ, tập quán, cách ăn mặc, cách giải trí, các tuồng hát nhưng tuyệt nhiên không hề nhắc đến Nhạc Võ Tây Sơn, chỉ có Đào Đặng Quý trong cuốn Nhân Vật Bình Định (22) nhắc một cách sơ lược về Nhạc Võ Tây Sơn. “Nhạc Võ Tây Sơn,” một trong những thành tựu văn hóa quý báu, thuần tuý Việt Nam. Nếu như trong tương lai nó có cùng số phận với hát bài chòi, hát bội là một điều hết sức đáng tiếc.

Cho rằng truyện cổ tích Tấm Cám là nguồn cội của những truyện Cô Bé Lọ Lem trên toàn thế giới, mời toàn ban Nhạc Võ Tây Sơn từ Bình Khê, Bình Định trình diễn tại Sài Gòn, Hồ Hữu Tường đã hé lộ cho chúng ta một vài tia sáng lấp lánh thoát ra từ rương vàng Văn Hóa Việt Nam. Còn nhiều nữa, nhiều nữa, những dữ kiện văn hóa Việt Nam mà Hồ Hữu Tường đã ủy thác lại cho thế hệ mai sau đào xới khai triển, phát huy và phổ biến. Nhưng làm thế nào để mà đào xới, phát huy văn hóa Việt Nam? Đây là câu trả lời: Chúng ta phải nhìn lại cái quá khứ quý báu 4000 năm văn hiến để mà tiến tới. Đó là nguyên tắc mà Phạm Công Thiện đã nêu ra: “Tại sao nhìn lại? Càng nhìn lại đằng sau thì càng nhìn thấy đằng trước. Những gì đã xảy ra trong quá khứ là sức mạnh khủng khiếp xô đẩy mình phóng tới đằng trước tương lai rất rõ ràng dứt khoát. Tất cả tương lai đều nằm ở đằng sau lưng mình; tất cả mấy ngàn năm lịch sử Việt Nam đã là tương lai..” (23). Niềm tin mãnh liệt của Hồ Hữu Tường: Văn hóa Việt Nam sẽ chói lọi trên toàn thế giới trong tương lai, cái tương lai như được mang cõng trên lưng, trên vai quá khứ.

Nhân đây tưởng cũng nên nhắc lại ý kiến của Hồ Hữu Tường về công tác hay sinh hoạt văn hóa. Hồ Hữu Tường cho rằng làm văn hóa không phải dễ. Ông nói: “…Tôi mới thấy rằng làm văn hóa cực kỳ khó…(24) vì “muốn làm văn hóa phải có khả năng văn hóa (25). Đã có khả năng rồi phải có phương tiện. Chẳng hạn sau khi đã hoàn tất một cuốn sách rồi phải có tiền để in. Ông viết: “Viết xong rồi còn phải in ra… Chẳng có một vị Mạnh Thường Quân nâng đỡ thì đó là một ảo mộng” (26). Muốn in một cuốn sách, xuất bản một tờ báo, lập một phòng sinh hoạt văn hóa, xây cất một thư viện, khai quật những cổ vật, nghiên cứu một thổ ngữ, trước tiên phải có tài chánh. Hồ Hữu Tường kỳ vọng ở “đàn hậu tấn” đầy đủ tài năng và phương tiện để làm văn hóa (27).

Hồ Hữu Tường cho biết trong bức thư gởi Jean Paul Sartre, ông nhận giữ chức Phó Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn, mục đích chỉ để tham dự vào việc đào tạo “đàn hậu tấn,” những người trẻ trí thức tin tưởng vào sự luân hồi: … “j’ ai accepté le poste de vice-recteur de l’ Université bouddhique Vạn Hạnh pour participer à la formation intellectuelle des jeunes croyants de la transmigration.” (Dialogue, sđd, tr.3l).

Hồ Hữu Tường muốn đào tạo “những người trẻ tin tưởng vào sự luân hồi,” ý nói sinh viên trí thức Phật Tử Vạn Hạnh tin tưởng mãnh liệt vào Phật Pháp. Cho nên cuối bức thư ấy Hồ Hữu Tường nói với Sartre rằng, chúng tôi tin tưởng trong tương lai, theo lời huyền ký của đức Phật Thích Ca, đức Phật Di Lạc sẽ tái sanh để tái tạo cõi trần này: “Il me reste plus qu’à attendre, comme tous les paysans bouddhiques, l’arrivée du bodhisttva Maitreya sur cette terre, pour réaliser le miracle annoncé par Cakya-Mouni, dans un sermon, à la fin de ses jours: sauver le monde de la destrucion totale…”(Dialogue, sđd, trang 35 và 36). Cho nên chính trong bức thư gửi Sartre, Hồ Hữu Tường nói rằng ông không bao giờ tin tưởng vào bất cứ chủ nghĩa (isme) nào của Tây phương: “Tôi chống lại tất cả những chủ nghĩa, chúng làm táng thất nhân loại. (…) Cho nên tôi sợ tất cả chủ nghĩa, chúng đưa dẫn đến Chiến tranh Thế Giới.” (Je suis contre tous les ismes qui ra vagent l’humatiné (…) C’est pourquoi j’ai peur des ismes qui amènent la Guerre Mondiale). (Dialogue, sđđ, trang 29 và 30).

Nhắc lại cuối bức thư ấy, Hồ Hữu Tường tin tưởng mãnh liệt vào sự tái sanh của đức Phật Di Lạc. Đức Phật Di Lạc sẽ tái sanh. Ấy là sự kiện sẽ xảy đến trong tương lai xa. Trong hiện tại và trong tương lai gần, Hồ Hữu Tường trông cậy vào đàn “hậu tấn” đang có hoặc sẽ có những công trình sáng chói, rực rỡ làm vẻ vang văn hóa Việt Nam.

Trở lại cuốn sách Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, tuy là một cuốn sách mỏng – mỏng như một xấp giấy truyền đơn khiến tôi nghĩ rằng nó rất khó được lưu giữ tại các thư viện hoặc trong tủ sách gia đình – nhưng đầy ắp những câu văn bốc lửa, nóng bỏng, cháy hừng hực tựa hồ như ngọn đuốc soi sáng cho thế hệ Việt Nam mai sau. Hơn hai mươi năm sau, kể từ khi cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam ra đời, 1967, cũng như Hồ Hữu Tường, Phạm Công Thiện cũng có niềm tin cực kỳ mạnh mẽ về tính cách sáng rực của văn hóa Việt Nam: “… tất cả những khám phá vĩ đại nhất của văn hóa loài người mấy ngàn năm nay bỗng nhiên và tự nhiên được thể nhận tựu hình tại Việt Nam” (28). Nói cách khác, theo Phạm Công Thiện, tất cả văn hóa của loài người sẽ được kết tụ lại tại Việt Nam.

Hồ Hữu Tường đã từng hoạt động trong nhiều địa hạt (29), nhưng không bao giờ ông quên hoạt động văn hóa. Ông tin tưởng mãnh liệt rằng ông thành công rực rỡ trong lãnh vực này: “Hơn ai hết, tôi nhận thức rằng tôi chắc chắn sẽ thành công vĩ đại trong địa hạt văn hóa…” (30). Trong thực tế, Hồ Hữu Tường đã thành công vĩ đại trong lãnh vực văn hóa: ông đã để lại cho chúng ta cả ngàn bài báo bằng tiếng Pháp, tiếng Việt trên cả chục tờ báo trong suốt 41 năm, từ báo lậu, báo bí mật, báo viết tay, báo in trên xương xoa, báo công khai… cho đến những cuốn tiểu thuyết, khảo luận, hồi ký.

Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, một cuốn sách mỏng, là gốc của một cây cổ thụ, còn những cuốn sách khác như Phi Lạc Sang Tàu Phi Lạc Náo Huê Kỳ, Phi Lạc Bỡn Nga, Tiểu Phi Lạc Náo Sài Gòn, Thu Hương, Chị Tập… chỉ là những cành, những lá của cây cổ thụ ấy. Ông nói: “Các tác phẩm khác chỉ là đem những tư tưởng đã nói rồi trong quyển này (Tương Lai Văn Hóa Việt Nam) đem ra mà mở rộng về bề mặt hay nói sâu hơn mà thôi” (3l). Cho đến năm 1967, sau khi đã viết xong hàng ngàn bài báo, xuất bản hơn chục cuốn sách, Hồ Hữu Tường kết luận về cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam như sau: “Đến nay (1967), tôi chưa viết quyển sách nào đắc ý hơn” (32)."

Carrollton, Texas tháng 6-1993

Thiện Hỷ

(Thế Kỷ 21 số 170, June 2003)

[Lãnh Vực]

Chú Thích:

* Bài này trích từ cuốn Trở Về Cố Hương của Thiện Hỷ, Viên Thông xuất bản California 1999.

(1) Năm 1935, Hồ Hữu Tường cư ngụ tại Đakao, sau đó ông dời đi nơi khác. Đến đầu thập niên 1970, ông cư ngụ tại đường Trần Quang Khải, Đakao gần Cầu Bông.

(2) “Con Ve và Con Kiến” là một vở kịch gồm ba hay bốn màn. Những màn đầu giống y như truyện ngụ ngôn La Cigale et La Fourmi của La Fontaine. Màn cuối như sau: giữa mùa đông dông bão nổi lên ì ầm rồi lụt lội khắp nơi. Kiến ta bị dòng nước cuốn phăng giữa dòng, tình thế rất nguy kịch. Đứng trên cây thấy kiến sắp chết đuối, ve đưa chân đạp chiếc lá vàng. Chiếc lá từ từ rơi trước mặt kiến. Kiến bám lấy. Ve lặng lẽ bay đi. Ấy luân lý của Hồ Hữu Tường như thế, cao hơn La Fontaine một bực.

Tại Mỹ, những phim ngắn hoạt họa trên TV phần nhiều chỉ là những đòn “ăn miếng trả miếng.”

(3) Những bài viết này có tính cách kích thích thanh niên Việt Nam lúc bấy giờ xuất dương sang Pháp du học. Du học để mà “nên” chứ không phải du học để mà “hư.”

(4) Hồ Hữu Tường ký bút hiệu Khổng Cưu, hai cuốn sách ấy do Tân Việt xuất bản, năm 1946.

(5) Hồi ký 41 Năm Làm Báo, trang 173, Trí Đăng xuất bản 1968, Đông Nam Á, Paris tái bản năm 1984.

(6) Hồ Hữu Tường nói rằng ông không có khả năng viết tiểu thuyết. Tiểu thuyết của ông nhằm triển khai sấm ký của Đức Phật Thầy Tây An, người sáng lập Bửu Sơn Kỳ Hương, Phi Lạc và Tiểu Phi Lạc đi đến đâu “nói dóc” đến đó cho nên tiểu thuyết của ông thuộc loại tiểu thuyết trào phúng. Vạn bất đắc dĩ ông mới viết được hai cuốn tiểu thuyết tình, tình cách mạng, do thi sĩ Đông Hồ khuyến khích: Thu Hương, Chị Tập (41 Năm Làm Báo, sđd, trang 136-137).

(7) Trong bản nhạc Việt Nam! Việt Nam! Phạm Duy viết: “Lửa thiêng soi toàn thế giới!”

(Trong chữ définition (định nghĩa) của Pháp có chữ finir nghĩa là chấm dứt. Như vậy tất cả mọi câu định nghĩa về một ý niệm đều có tính cách hạn hẹp, khô cằn, cái ý niệm ấy bị đóng chết trong một khuôn khổ chật hẹp do đó định nghĩa một ý niệm không thể dạt được thể tính của ý niệm ấy. Chẳng hạn chúng ta không thể định nghĩa “tình yêu” là gì. Nhưng nói đến tình yêu thì ai ai cũng đều cảm nhận.

(9) Im Lặng Hố Thẳm của Phạm Công Thiện, xuất bản tại Sài Gòn, 1967, Trần Thi tái bản tại Hoa Kỳ 1987.

(10) Bạn đọc nào còn giữ cuốn Tương Lai Văn Hóa Việt Nam của Hồ Hữu Tường, nhà xuất bản Minh Đức Hà Nội, 1946, xin copy cho tôi trọn cuốn. Thành thật đa tạ trước. Năm 1965, nhà xuất bản Đồ Chiểu tái bản quyển này, nhưng không đúng nguyên văn, đã bị “tam sao thất bản” nhiều.

(11) 41 Năm Làm Báo, sđd, trang 156

(12) Sđd, trang 143

(13) Sđd, trang 173

(14) lnternational Festival’s Houston

(15) Bốn Phương, Sài Gòn xuất bản, 1956

(16) Nhà Xuất Bản Tự Do, Sài Gòn 1958

(17) Không nhớ tên nhà xuất bản và năm in

(18) Tác giả xuất bản, in tại Houston, 1990

(19) Không nhớ tên nhà xuất bản và năm in

(20) Đại Nam, California xuất bản, 1992

(21) Đại Nam, Callfornia tái bản, không rõ năm in

(22) Không nhớ tên nhà xuất bản và năm in

(23) Trang 10, bài tự cuốn Rèn Luyện Tâm Thuật Huyền Linh của Phạm Công Thiện dịch Ascèse Spirittual Excercise của Nikos Kazantzakis, Đại Nam, California xuất bản, 1991.

(24) (25) 41 Năm Làm Báo, sđd, trang 165

(26) (27) 41 Năm Làm Báo, sđd, trang 169

(28) Im Lặng Hố Thẳm, sđd, trang 20. Trong bài viết Trở Về Cố Hương, tôi diễn giảng đoạn văn trên đây một cách sâu thẳm hơn nữa.

(29) Hồ Hữu Tường nói về chính ông như sau: “Nào là nhà cách mạng, nào là nhà nghệ sĩ, nào là nhà khoa học, nào là nhà văn, nào là kẻ đam mê tình ái, nào là tâm hồn tu sĩ, và nào là nhà báo” (41 Năm Làm Báo, trang 46).

(30) 41 Năm Làm Báo, trang 164. Nhưng ông thú thực ông không thành công trong lãnh vực chính trị: “… mà có thể ‘thân bại danh liệt’ trong địa hạt chính trị.” “Hơn ai hết, tôi muốn làm văn hóa hơn là muốn làm chính trị” (sđđ, trang 164).

(31) (32) (33) 41 Năm Làm Báo, trang 145.

THIỆN HỶ

Theo: https://minhtrietviet.net/ve-mot-kiet-tac-cua-ho-huu-tuong/

Một số tác phẩm khác của Hồ Hữu tường do Thư viện Huệ Quang ấn hành

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoHải Thượng Lãn Ông và Y tôn tâm lĩnh

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài