Đọc truyện, sách, nhứt là cổ văn, ta thường gặp nhiều điển tích. Nếu ta không thuộc điển tích thì khó nhận xét câu văn, do đó không hiểu hết ý của tác giả.
Vậy điển tích là gì? Sao cổ nhân lại hay dùng điển tích?
Điển tích là những chuyện, những giai thoại trong kinh, sách, gói gắm trọn vẹn trong một bài học xử thế.
Dùng điển tích là mượn lời văn bóng bảy, đẹp đẽ, ám chỉ đến một việc xưa hay một tích cũ để khi đọc đến thì ta hiểu ngay câu chuyện một cách tường tận, khỏi cần giải rõ.
Phần nhiều các điển tích trong quyển sách nhỏ này cũng rút trong kho tàng ấy nên không xa lạ mấy với độc giả. Chúng tôi chỉ có công gom góp, gọt tỉa, sắp xếp lại thành bài. Có nhiều chuyện dài quá, chúng tôi phải lược bỏ những đoạn rườm rà, chỉ giữ cốt truyện ăn với điển tích mà thôi, xin độc giả hiểu cho.
Đọc những tích trong tập sách này, độc giả nhận thấy những gương sáng về tiết nghĩa (cây liền cành), thù nhà phải trả (Chuyện Ngũ Viên), nỗi căm thù (Dự Nhượng, Câu Tiễn), lòng khoan dung (Tuyệt anh hội, Bọn trộm có nghĩa), nhiều kế hay mưu tuyệt (Cam La, Điền Đan).
Có chuyện bao gồm nhiều điển tích như: Ba gương hy sinh, Mạnh thường quân, Nằm gai nếm mật...
Những điển tích trên đây không phải là những chuyện giải trí suông làm cho ta khoái trá nhứt thời mà là những sự kiện còn lưu diễn mãi trong lòng nhơn loại (mỹ nhơn kế, lòng căm thù, phục thù, sự biết ơn và trả ơn...) dưới hình thức này hay hình thức khác, trong một bối cảnh lịch sử khác nhau, nhưng chung quy vẫn là một.
Nếu lịch sử là một vòng lẩn quẩn mà lối thoát không phải trở lại gút đầu tối tăm, u ám của loài người mà phải vươn lên trong bầu không khí khoáng đạt, thênh thang hơn, thì sự kiện diễn ra chắc hẳn sẽ khoa học hơn hoặc ly kỳ hơn và chúng ta không đoán được dòng kết.
Trên đầu mỗi câu chuyện có nêu những câu văn ăn với điển tích trích trong các văn phẩm cổ điển Việt Nam.
Dưới mỗi câu chuyện, tác giả lại có vài ý kiến ngô nghê, vắn tắt còn phần bình luận sẽ dành cho độc giả thân yêu.
Có mấy chuyện không phải là điển tích thiệt thọ, từng lúc xen vào để giải trí độc giả.
(Trích dẫn trong bài TỰA của tác giả)