Trong văn-chương Việt-Nam chưa có từng thấy một tác-phẩm nào ăn sâu vào tâm-hồn các lớp nam nữ nhân-dân như truyện “Đoạn Trường Tân Thanh”, ngày trước chỉ đọc để giải-trí trong buổi nhàn rỗi, hiện giờ thành một sách giáo-khoa dùng luyện-tập mà thi cử.
Từ Bắc chí Nam ai ai cũng biết cuộc đời phiêu-lưu thê thảm của nàng Thúy-Kiều mà không có một lòng dạ nào chẳng thương xót kiếp hồng-nhan vô cùng bạc-phận. Xưa nay độc-giả đều say mê điệu văn thâm trầm và than thở về tình-tự não nùng ai oán.
Truyện hấp-dẫn và cảm-động, nhưng lời văn rất cao thâm. Từ đầu tới cuối không một câu nào là non, không một chữ nào là gượng, lời lẽ đều điêu luyện. Muốn hiểu ý tứ cho tận gốc, cần phải mổ xẻ từng chữ từng câu, giải-thích minh bạch những lối văn bóng bẩy, nhưng nghĩa lý sâu xa, những thắc-mắc phức tạp.
Mục-đích chung của quyển “Đoạn Trường Tân Thanh tân khảo” nầy là giải-thích mỗi chữ cần biết, mỗi câu cần hiểu dầu nôm hay Hán, đúng nghĩa đen sát nghĩa bóng với viện-ngữ lấy phần đông trong truyện “Hoa Tiên” của Nguyễn Huy-Tự là người trong thân của cụ Tiên-Điền, vì sách nầy ra đời trước và có tánh-cách dẫn đường cho truyện của Tố-Như tiên-sinh.
Hơn nữa chữ và câu nào mà các nhà văn trước hiểu lầm hay dịch sai, thì được định nghĩa lại rõ rệt hay dịch lại cho sát tinh-thần câu văn.
Nhưng lối khảo-cứu trên sẽ không được nguyên vẹn, nên cuộc bình-phẩm không nhắm ngay chẳng những vào nghệ-thuật của tác-giả mà vào lời phê không sát thật của chú-giả xưa nay. Vậy miễn là thâm nghĩa được vạch ra rành rẽ và đứng-đắn, chứ không thiên-vị cá nhân cũng như không hướng về lý-thuyết riêng nào. Hễ lời lẽ của ai vấp ý lầm nghĩa, thì được phân-trần đầy đủ đúng lẽ phải, qui-tắc hay đại-ý câu văn, cho nên ở đây luôn luôn căn-cứ theo lịch- sử, tâm-lý, tư-tưởng, phong-tục, giáo-dục, địa-dư, trạng-thái đặc-biệt mà tìm hiểu tiền-nhân, chớ không có thể dẫn nghĩa truyện xưa với quan-niệm đời nay được.
Tóm lại cuộc tân khảo nói trên theo tám mục-tiêu sau đây:
- Định nghĩa những chữ và câu cần thiết.
- Giải-thích những điển-tích có liên hệ với nghĩa câu thơ.
- Dùng viện-ngữ hợp thức.
- Phê-bình nhân-vật trong truyện.
- Phê-bình nghệ-thuật của tác-giả.
- Đính-chánh dư-luận của chú-giả xưa nay.
- Dịch lại câu thơ hiểu sai.
- Trình-bày ý tứ từng câu hay từng đoạn nào khó hiểu.
Quyển “Đoạn Trường Tân Thanh tân khảo”lấy bản của Bùi-Kỷ và Trần Trọng-Kim in năm 1927 làm căn-cứ đáng tin cậy, vì bản nầy đối với các bản khác có trổi phần giá-trị về cách trình-bày minh bạch, mặc dầu phần chính-tả còn lộn xộn và chú-thích rất thưa kém.
Để củng cố và tô điểm văn-chương đất nước, mỗi nhà văn tùy tài cao học rộng cần đóng góp một phần lớn nhỏ hầu xây dựng một đài văn-hiến nguy nga muôn năm trường cửu.
Trích Lời tựa
Saigon năm Giáp-Thìn (1964).
Trần Cửu-Chấn