Trang chủ Ấn phẩm Tủ Sách Cổ Văn Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Bộ 3 tập)

Ngự chế Việt sử tổng vịnh (Bộ 3 tập)

Tác giả Dực Tông Anh hoàng đế

Dịch giả Lê Xuân Giáo, Nguyễn Quang Tô, Hoàng Khôi, Hồ Tánh, Nguyễn Duy Tiếu và Ban cổ văn

Kích thước 16 x 24 cm

Số trang Tập 1: 634 trang; Tập 2: 468 trang; Tập 3: 380 trang.

Năm xuất bản 1970

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa
Đơn giá

LỜI GIỚI THIỆU

Ủy ban Dịch thuật hân hạnh giới thiệu cùng độc giả thân mến bản dịch bộ NGỰ CHẾ VIỆT SỬ TỔNG VỊNH của vua Tự Đức. Nguyên tác Hán văn gồm 11 quyển, nay chúng tôi dùng lối offset in lại và kèm theo bản dịch để tiện tra cứu, chia làm 3 tập như sau:
- Tập Thượng gồm quyển thủ, quyển 1, 2, 3, 4;
-Tập Trung gồm quyển 5, 6, 7;
-Tập Hạ gồm quyển 8, 9, 10.
Dịch giả là những học giả thông thạo Hán văn thuộc hai thế hệ cựu học và tân học, hiện đang cộng tác với Ủy Ban Dịch Thuật trong Ban Cổ Văn.
Theo Nghị định số 219-QVK/VH/NĐ ngày 23-7-1969, Ủy ban Dịch thuật gồm hai ban: Cổ văn và Kim văn. Ban Kim văn phụ trách dịch thuật những danh phẩm ngoại ngữ Đông, Tây, kim cổ xét cần thiết cho sự mở rộng kiến thức của Quảng đại quần chúng và sự tài bồi cho nền văn hóa nước nhà, còn Ban Cổ văn thì có nhiệm vụ phiên dịch những tác phẩm chữ Hán và chữ Nôm để bảo tồn và phổ biến di sản tinh thần của tiền nhân.
Từ ngày hoạt động đến nay. Ban Cổ văn đã dịch xong 50 bộ sách, công việc đang tuần tự xúc tiến, theo khả năng ngân sách.
Trong bài tựa, vua Tự Đức đã tỏ ra hết sức chú trọng đến Việt sử. Một mặt, vua đã giao cho các sử thần hoàn thành bộ "KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC", mặt khác, chính vua đã soạn bộ "NGỰ CHẾ VIỆT SỬ TỔNG VỊNH" với mục đích giúp quảng đại quần chúng suy nghiệm về những nhân vật và giai thoại Việt sử để rút tỉa những bài học đạo đức. Mỗi đề tài ngâm vịnh đều có sử liệu, giải thích, chia làm mười một mục (Đế vương các triều đại, Hoàng hậu và phi tần, tôn thần, hiền thần, trung nghĩa, văn thần, võ tướng, liệt nữ, tiếm ngụy, gian thần, bổ vịnh) gồm 212 bài thơ thất tuyệt, bao trùm lịch sử từ đời Lạc Long Quân đến nhà Hậu Lê.
Trong một bài biểu, các quan Nội các đã tâu xin vua cho ấn hành bộ sách và ca tụng vua đã "lựa chọn sử liệu, nắn đúc thi tài, chia môn định loại, tất cả thể hiện tinh thần hội thông nghĩa lễ, dưới ngọn thần bút".
Độc giả sẽ có dịp tìm hiểu chủ đích của tác giả và đối chiếu lời xưng tụng của các triều thần với chính văn. Trong khuôn khổ một bài giới thiệu, chúng ta không đưa ý kiến khen chê, mà chỉ xin nhấn mạnh một điểm là đem quan niệm sử học đời nay để bình luận sử phẩm đời trước chắc sẽ không thể hoàn toàn khách quan và vô tư được. Gần đây, học giới đã bình luận rất nhiều về những chỗ đắc thất của quan niệm sử học thời trước hoặc định công luận tội những nhân vật lịch sử nước nhà. Dư luận lại đặc biệt hướng về triều Nguyễn nói chung và vua Tự Đức nói riêng vì đã liên can đến lịch sử vong quốc. Ai phải ai quấy, thật không dám bàn, có điều hiển nhiên là chúng ta chưa nắm đủ yếu tố để phê phán, nếu chưa đào sâu tư tưởng chủ đạo được thể hiện phần nào trong các tác phẩm căn bản của triều Nguyễn.
Cùng với bộ "ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ" và bộ "KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC" hiện đang do các Nha, Viện thuộc Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa tiếp tục phiên dịch và ấn hành, bộ "NGỰ CHẾ VIỆT SỬ TỔNG VỊNH" không những chứng tỏ sự thịnh đạt của sử học dưới triều Nguyễn mà còn biểu dương một ý thức về sử mệnh của quốc gia dân tộc và một sử quan đã từng chi phối quan niệm chính trị và trước thuật suốt mấy ngàn năm.
Trong ý hướng cung cấp một ít tài liệu tham cứu căn bản, chúng tôi cho ấn hành bộ sách này và xin đa tạ trước những bậc cao minh sẵn lòng chỉ dạy cho những khuyết điểm khó tránh, để kỳ tái bản được mười phần hoàn hảo.

Saigon, ngày 20-71970
Chánh Trí Mai Thọ Truyền