Trang chủ Ấn phẩm Phật Học Sử Cương Triết Học Ấn Độ

Sử Cương Triết Học Ấn Độ

Tác giả Thích Quảng Liên

Kích thước 13.4 x 18.8 cm

Số trang 222 trang

Năm xuất bản 1965

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Bồ Đề
Đơn giá

Triết học là một nguồn sống tư tưởng, một môn học suy nghiệm tìm hiểu vấn đề nhân sinh vũ trụ qua những kinh nghiệm khách quan hay chủ quan.

Triết học là một thuyết lý phác họa một cuộc sống linh động, lý tưởng, đặt vấn đề nhân bản trước chân lý.

Triết học phải dựa vào những yếu tố thiết thực để mưu cầu một sinh hoạt thanh thoát cho xã hội loài người.

Triết học đi ngoài nhân bản, trừu tượng hóa lý tưởng, thiếu mục tiêu làn mạnh hướng dẫn đến Chơn Thiện Mỹ. Nó không những không đem lại kết quả tốt đẹp mà sẽ trở thành đầu độc di hại tư tưởng quần chúng.

Đứng trước hai trào lưu tư tưởng Triết học Đông và Tây, hai nền văn hóa tổng hợp và phân tích, hai khuynh hướng duy vật và duy linh, hai chủ nghĩa Tư bản và Vô sản, con người hiện đại đâm ra hoang mang, không biết phải nương tựa vào đâu để làm tiêu chuẩn. Vì chủ trương, lý tưởng nào hô hào cũng hay cũng đẹp cả. Không một khuynh hướng nào chịu phục hay nhượng bộ khuynh hướng nào. Do đó, cuộc tranh chấp chủ nghĩa lý tưởng, học thuyết bộc phát.

Muốn dung hòa hai quan điểm dị biệt ta phải gạt bỏ ấn tượng tranh chấp cực đoan. Ta không quan niệm sai lầm như Kipling bảo "Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp nhau"

Triết học Tây phương là loại văn hóa phân tích. Người Tây phương biết sử dụng môn Triết học sớm trong các Học đường. Tư tưởng Triết học Tây phương do đó được hấp thụ trong giới sinh viên và giúp nhiều kiến thức rộng.

Triết học Đông phương là loại văn hóa tổng hợp. Một loại triết lý nhuộm màu sắc tín ngưỡng nhiều tình cảm. Không trọng nhiều về lý thuyết mà đặt nặng ở thực thi. Lý thuyết chỉ là phương tiện. Thực hành là mục đích chính.

Trong kinh Chuyển Pháp Luân ta thấy Đức Phật có một tầm nhận thức xa rộng. Đức Phật vạch rõ hai quan niệm cực đoan sai lầm là tư tưởng lạc quan và bi quan. Đức Phật không quan niệm có sự cách biệt giữa Đông và Tây. Ngài bảo: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Những nhận thức sai biệt giữa Đông và Tây, duy vật và duy linh... theo kinh Phật nói không khác nào như người mù rờ voi, hay người trông thấy lồng đèn qua những tấm kiếng màu xanh, đỏ, vàng, tím...

Qua 3 năm dạy tại Văn Khoa Đại học Saigon, tôi nhận thấy sinh viên nam, nữ có kiến thức rộng về Triết học Tây phương hơn là Đông phương. Điều cũng dễ hiểu vì Triết học Tây phương đã được giảng dạy tại Đại học sớm trong nhiều năm qua. Giới sinh viên hấp thụ nhiều kiến thức Tây phương, còn kiến thức Đông phương đối với họ có phần lệch lạc. Để quân bình hai kiến thức Đông Tây, gần đây các học giả Đông phương đượm màu sắc Tây học, tìm phương tiện phát huy Văn hóa Triết học Đông phương nhằm mục đích đóng góp tư tưởng Đại đồng thế giới.

Tôi không dám tự nhận là một học giả Đông phương, cũng không phải là một nhà Tây học kinh nghiệm. Nhưng một người muốn nối gót các vị đi trước, góp phần hòa đồng tư tưởng siết chặt liên lạc hai nguồn tư tưởng Đông Tây.

Vì lý do trên, tôi để một ít thời giờ soạn cuốn "Đại cương Triết học Ấn Độ" này để giới thiệu một vài nét Triết học Ấn Độ, một trong hệ thống Triết học Đông phương, để giúp tài liệu cho sinh viên và những độc giả có phương tiện nghiên cứu Triết học Đông phương. Một nền văn hóa Triết học rất phong phú, trải 3000 năm lịch sử.

2509, Mùa Xuân Ất Tỵ, 1965

TT. QUẢNG LIÊN

 (Trích dẫn trong LỜI NÓI ĐẦU của tác giả)