Trang chủ Ấn phẩm Sử Học Tôn Ngô binh pháp

Tôn Ngô binh pháp

Dịch giả Nguyễn Phước Hải - Mã Quân Hoa - Lê Xuân Mai

Kích thước 14 x 20 cm

Số trang 214 trang

Năm xuất bản 1968

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Khai Trí
Đơn giá

Trong các binh thư xưa của Trung Quốc, các cuốn nổi tiếng nhất đều thuộc về đời Chu:

  1. Thái Công Binh Pháp: Binh Pháp do Khương Tử Nha soạn ra cho đời sau, được Hoàng Thạch Công trao lại cho Trương Tử Phòng và được Lưu Bá Ôn chú thích (xin đọc lời nói đầu trong cuốn Thái Công Binh Pháp do Khai Trí xuất bản).
  2. Lục Thao: Binh Pháp của Khương Thái Công, đã được áp dụng để diệt Ân phò Chu, do các Vua quan triều Chu soạn ra dựa theo lời giảng của Khương Thái Công, nhưng không biết đích xác do ai soạn.
  3. Tư Mã Binh Pháp: lúc đầu do Tư Mã Điền Nhương Tư soạn ra, sau được các Vua quan nước Tề (triều Tề Uy Vương) sửa đổi thêm bớt.
  4. Tôn Tử Binh Pháp: Binh Pháp của Tôn Võ, lúc đầu do chính tay Tôn Võ soạn ra để dâng lên Ngô Vương là Hạp Lư, nhưng cũng bị các Vua quan đời sau sửa chữa thêm bớt.
  5. Ngô Tử Binh Pháp: Binh Pháp của Ngô Khởi, có lẽ do các Vua quan nước Ngụy đời Chiến Quốc soạn ra dựa theo lời giảng của họ Ngô, rồi được các Vua quan đời sau nhuận đính lại.

Nhưng khi xét các binh thư xưa của Trung Quốc vẫn còn được hâm mộ ngày nay, ta thấy chỉ có Tôn Tử và Ngô Tử. Vì thế, khi nói đến binh pháp xưa của Trung Quốc, người ta nghĩ ngay đến Tôn, Ngô. Tôn đi liền với Ngô, Ngô đi liền sau Tôn không thể xa lìa, hai tiếng ấy gần như đã tạo ra một thành ngữ: binh pháp Tôn Ngô, mưu lược Tôn Ngô… Bởi lẽ ấy, tên của hai nhà đi liền nhau, thường được nhắc nhở trong các binh thư đời sau, chẳng hạn như trong các binh thư của Võ Hầu Khổng Minh và của Vương Hưng Đạo.

Xét về nội dung, binh pháp của mỗi nhà đều có một sắc thái riêng biệt.

Riêng Tôn Tử đã xem vấn đề binh bị như là một vấn đề quân sự thuần túy, nên trong suốt 13 thiên, không lần nào người đả động đến vấn đề chính trị. Đọc các sử truyện, ta cũng thấy rằng trong suốt đời mình, Tôn Tử không hề xen vào nội chính của nước Ngô và hạn chế trách nhiệm của mình trong một vai trò thượng tướng. Khi đánh Sở trở về, người lại trả ấn từ quan, bỏ đi mất biệt, xem võ công hiển hách của mình giống như một ván cờ tiêu khiển trong khi quá chén say sưa, mà người đã lãng quên sau khi tỉnh rượu, đó quả thực là phong thái của một chân nhân đạo sĩ!

Trái hẳn họ Tôn, Ngô Tử ghép chặt vấn đề binh bị vào vấn đề chính trị, điều ấy có thể thấy rõ trong các chương Đồ Quốc, Trị Binh, Luận Tướng, Lệ Sĩ, nhất là trong hai chương Đồ Quốc và Lệ Sĩ. Ta có thể giải thích rằng Nho học đã có ảnh hưởng nhiều tới sự nghiệp của họ Ngô, bởi lẽ rằng Nho học luôn luôn xem chính trị là vấn đề trọng yếu, còn quân sự chỉ là vấn đề phụ thuộc. Ngô Tử há chẳng đã xuất thân từ cửa Khổng mà người đã theo học với Thầy Tăng Sâm và chẳng đã phục sức theo lối Nho gia khi đến yết kiến Ngụy Văn Hầu hay sao?

Quan niệm xem binh cơ như là sự nối tiếp của chánh trị, chính là một ưu điểm của họ Ngô. Nhờ đó mà Ngô Tử giúp Lỗ thì Lỗ mạnh, giúp Ngụy thì Ngụy thắng, giúp Sở thì Sở giàu. Nhưng đó cũng là nguyên nhân thất bại của họ Ngô. Thực vậy, tham vọng chánh trị của Ngô Tử khiến người va chạm với tướng quốc Điền Văn nên người phải lánh xa nước Ngụy, va chạm với triều thần nước Sở nên người chẳng được chết lành sau khi Diệu Vương băng hà!

Binh Pháp của hai nhà ghép lại để bổ túc cho nhau mang danh từ chung là “Binh Pháp Tôn Ngô”, có thể xem là Tinh Hoa của binh pháp Trung Quốc. Vậy ta nên coi đó là một tài liệu cần thiết cho nền binh học nước nhà.

Ngày nay, trên thị trường xuất bản Việt Nam, ta thấy khá nhiều sách khảo luận về binh pháp, đó là một việc đáng mừng cho kẻ hậu học. Tuy nhiên, các bản cổ văn, phiên âm và chú thích lại rất khó kiếm thành thử độc giả không thể khảo cứu văn tự được.

Tôi là một kẻ chơi sách hạng xoàng giữa đời mạt thế, nhặt được sách xưa, chẳng dám giữ làm của riêng nên cho in ra, kèm thêm bản dịch, để góp thêm tài liệu vào tủ sách binh học nước nhà.

Dịch giả còn là một tài tử non nớt trên đường học hỏi, việc phiên dịch ắt sẽ không tránh khỏi có nhiều lỗi lầm, nên trong lòng áy náy mãi không nguôi. Xin quý vị độc giả cứ đối chiếu với bản hoa văn để tìm hiểu, và rộng lượng bố thí cho tôi lời chỉ giáo.

Khi soạn thảo sách này, tôi được bạn Mã Quân Hoa sốt sắng giúp tôi trong việc sưu tầm tài liệu và nhuận đính bản dịch.

Là một thanh niên tân học, mến yêu tiếng Việt, thuộc vào hạng bác lãm quần thư, quán thông kim cổ, Mã tiên sinh đã giúp tôi vượt bao nhiêu chướng ngại trong khi phiên dịch sách này. Vậy tôi xin ghi ở đây lời cảm tạ đối với một người cộng tác lý tưởng, vừa là thầy hay vừa là bạn quý.

Lê Xuân Mai

Trích Lời nói đầu

 

CHIA SẺ

Ấn phẩm khác