(Thư viện Huệ Quang ảnh ấn lần đầu tiên năm 2020)
Nguồn gốc
Viện Khảo cổ, còn gọi là Viện Khảo cổ Sài Gòn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục, là một cơ quan nghiên cứu điều hành việc bảo tồn di tích, khai quật, sưu tầm cũng như điều hành các viện bảo tàng như Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam ở Sài Gòn (nay toạ lạc tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM), Viện bảo tàng Huế (nằm trong Thành Nội Huế) và Bảo tàng Chàm ở Đà Nẵng. Viện được thành lập ngày 18 tháng 01 năm 1956, với nhiệm vụ được đề rõ là nghiên cứu văn hoá cổ kim của Việt Nam, khảo cứu các nền văn minh, lịch sử các chủng tộc trong nước và các nước lân cận, phổ biến những kiến thức đã thâu thái được về những phương diện sử học, cổ vật học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, đảm bảo thực hiện công việc bảo tồn và bảo vệ những cổ tích đã liệt hạng, đào luyện chuyên viên cổ vật học, ngôn ngữ học và văn minh sử học.
Sau mấy năm tìm tòi, khảo sát, sưu tầm, phiên dịch, Viện Khảo cổ đã có sáng kiến biên soạn bộ Việt Nam khảo cổ tập san (Bulletin de L’institut de recherches historiques) để “cung cấp những bài khảo cứu và những tài liệu liên quan đến sử học, cổ vật học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, v.v.”. Số đầu tiên của bộ tập san này ra mắt vào năm 1960.
Thông tin văn bản học
Đây không phải là nguyệt san hay tam cá nguyệt san, cũng không có một kỳ hạn cố định nào cả như trong lời giới thiệu của ông Trương Bửu Lâm, giám đốc Viện Khảo cổ lúc bấy giờ. Số tiếp theo ra vào năm 1961 (số kiểm duyệt tháng 8/1961 nhưng trang bìa phụ để năm 1960). Số 3 ra vào năm 1962, số 4 năm 1966, số 5 năm 1968, số 6 năm 1970, số 7 năm 1971, số 8 năm 1974. Tổng cộng tập san ra được 8 số, khổ 16x24 cm, số trang không cố định, tầm 200-300 trang, dày nhất là số 3 (326 trang).
Ngoài ra, năm 1965, Viện Khảo cổ còn cho ấn hành tờ Khảo cổ nội san theo kiểu ronéo, xuất bản mỗi năm nhiều kỳ, là nơi quy tụ những bài viết mang tính cập nhật, thời sự hơn. Những bài viết có giá trị trong Nội san sẽ được tuyển in vào bộ Tập san. Bộ Nội san này ra được 8 số. Năm 1967, Viện lại chọn lọc ra những bài từ trong 8 số ấy ra, phân thành 3 mục: Khảo cổ, sử học và nhân chủng học, in trên loại giấy trắng tốt, với tên gọi là Tạp chí Khảo cổ, xuất bản 2 tháng 1 kỳ. Bộ mới này lẫn bộ quay ronéo chúng tôi đều chưa sưu tầm được đầy đủ nên trước mắt sẽ cho ảnh ấn lại 8 số của bộ Việt Nam khảo cổ tập san. Khi có cơ duyên sưu tầm đủ, chúng tôi sẽ ảnh ấn nốt những số ấy để bộ tập san này được hoàn chỉnh.
Thể lệ
Việt Nam khảo cổ tập san đã được định hình rõ ràng từ khi mới ra đời, các bài viết đều được phân loại tương đối thống nhất từ đầu đến cuối, chủ yếu là các mục Khảo luận, Tài liệu, Điểm sách, Ký sự. Riêng số 5 chỉ thuần những bài khảo luận.
Nội dung
Ngoài các nội dung của các mục đã nêu, riêng số 2 là số chuyên đề kỷ niệm 300 năm ngày mất Alexande de Rhodes gồm một số bài viết về nhân vật có công lớn đối với chữ Quốc ngữ này và những vấn đề về văn học, lịch sử và tư tưởng Ki-tô giáo tại Việt Nam.
Số 8 còn có thêm phần mục lục của toàn bộ 8 quyển, được chia theo tác giả, số tập san và thể loại, rất tiện cho việc tra cứu của độc giả sau này.
Một điều đặc biệt là nhiều bài viết được trình bài theo lối song ngữ Việt-Pháp như Mấy điều nhận xét về Minh hương xã và các cổ tích tại Hội An, Ưu và khuyết điểm của chữ Nôm, Giáo sĩ A-lịch-sơn Đắc-lộ với chữ quốc ngữ, Nền văn chương công giáo về Phanxicô Xaviê tại Việt Nam, Quốc huý triều Nguyễn,...
Cuối mỗi số thường có mục điểm sách chủ yếu do Trương Bửu Lâm và một số nhân sĩ trí thức như Tạ Quang Phát, Nghiêm Thẩm, Bửu Cầm,... giới thiệu và nhận định nhiều tựa sách Việt ngữ, cổ ngữ lẫn ngoại văn. Nhiều bài có giá trị tư liệu và đối chiếu như bài nhận định về quyển Việt ngữ chính tả tự vị - Lê Ngọc Trụ dài 18 trang của Tạ Quang Phát, so sánh và nhận định về bộ 3 Việt Nam giáo sử (Phạm Phát Huồn), Nguồn gốc của hàng giáo chức Việt Nam (Nguyễn Hữu Trọng) và Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam (Nguyễn Hồng) của Trương Bửu Lâm,...
Tuy tồn tại trong khoảng thời gian không dài, kỳ hạn cũng không lấy gì làm cố định, nhưng Việt Nam khảo cổ tập san cũng đã là nơi quy tụ được nhiều tác giả uy tín, tiêu biểu như Bửu Cầm (giáo sư Đại học Văn khoa), Lê Ngọc Trụ (giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn), Nghiêm Thẩm (Giám đốc Viện Khảo cổ, giáo sư nhiều trường đại học như Đại học Văn khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh, Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định,...), kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng (tòng sự chuyên môn kiến trúc), Nguyễn Đăng Thục (giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn), Nguyễn Khắc Kham (Chánh sự vụ xử lý Giám đốc Viện Khảo cổ), Trương Bửu Lâm (Giám đốc Viện Khảo cổ 1958), Tạ Quang Phát,... tổng cộng hơn 40 tác giả. Đồng thời cũng cống hiến cho độc giả những bài viết, công trình nghiên cứu đáng lưu ý với 116 bài, không kể những mục thông thường như lời giới thiệu, phi lộ, tiểu sử,...
Trong lần in năm 2020 này, Thư viện Huệ Quang sẽ thiết kế mẫu bìa mới và đóng gộp 8 số thành 3 quyển lớn:
- Quyển 1: Số 1-3
- Quyển 2: Số 4, 5, 6
- Quyển 3: Số 7, 8.
Đây cũng là tựa báo chí đầu tiên ngoài mảng báo chí Phật giáo mà Thư viện Huệ Quang thực hiện, mở đầu công tác số hoá-ấn hành các tạp chí, tập san có giá trị, không chỉ riêng về Phật giáo, nhằm mở rộng nguồn tư liệu đến cho đa dạng quý độc giả.
Công tác sao chụp, xử lý và thiết kế do tập thể Thư viện Huệ Quang thực hiện. Mong rằng công tác của chúng tôi sẽ góp chút công sức vào việc bảo tồn và lan toả tư liệu đến những độc giả cần thiết.
Mạnh thu năm Canh Tý
Thư viện Huệ Quang