Giới thiệu sách "Chặng đường tham học"

Giới thiệu sách

Tác phẩm Chặng đường tham học này phần đầu là những bài làm thêm ở nhà của các tăng ni trong lớp Dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang. Loại bài tập này được gọi đùa là “món ăn thêm” của lớp.

Tác phẩm này được chuyển dịch từ nguyên tác Tham học tỏa đàm của đại sư Chân Hoa sống ở Trung Đạo Học Uyển, Đài Trung, Đài Loan. Tác phẩm được viết dưới dạng bút ký tự truyện, kể lại bước đường tham học của tác giả.

Đọc vào ta sẽ thấy hiện trạng sinh hoạt của Phật giáo Trung Quốc cận đại do chứng nhân là tác giả đã kinh qua. Đọc vào ta sẽ thấy những khó khăn, những nỗi bức bách mà những người du phương gánh chịu trên bước đường tìm học. Đọc vào ta sẽ thấy một số những tệ trạng Phật giáo đã ăn sâu thành tập tục bắt nguồn từ lòng tham và thiếu trí huệ của con người vương vãi trên các thánh địa Trung Quốc.

Dưới ngòi bút của tác giả, những cảnh sắc hiện lên khiến cho người đọc đôi lúc cảm thấy tâm hồn dàn trải mênh mông, thiết tha lo lắng hay mừng vui sảng khoái.
Tuy là truyện ở Trung Quốc, nhưng một số nét phần nào giông giống ở nước ta, nên sau khi dịch tiếp phần sau, chúng tôi gửi đến các bạn, nhất là các bạn trẻ, để cùng đọc biết. Đọc biết để so sánh hoàn cảnh khó khăn cũng như sức chịu đựng gian khổ của mình cùng tác giả hơn kém như thế nào, hầu rút tỉa kinh nghiệm mà tiến lên.

Năm 2010, được quyển Linh tích vô biên, trong đó có phần Hồi Ức Của Tôi do chính hòa thượng Chân Hoa viết tiếp sau, nói lên nỗi gian khổ thời thơ ấu của hòa thượng, chúng tôi đưa thêm vào phần cuối sách để quý độc giả cảm thông về nghị lực vươn lên vượt khó đáng trân trọng của một bậc tiền bối.

Vì là bài thực tập, nên tuy được sửa chữa, nhưng không tránh khỏi sai sót trong cách chuyển ngữ, nhất là những ngôn từ như ngài Thánh Nghiêm cho rằng: “Thú vị sống động, lời đẹp như châu”. Thật là khó diễn đạt hết!
Mong được sự chỉ giáo của chư vị thức giả.

Trân trọng

Tu viện Huệ Quang, trọng xuân,…

HT. Thích Minh Cảnh

LỜI TỰA 1

Một lần trong câu chuyện tình cờ, tôi hỏi xin pháp sư Chân Hoa bản thảo Chặng đường tham học để đăng cho tuần san Giác Thế, đồng thời trình bày muốn có nhiều bài đăng liên tục, không ngờ pháp sư đã đồng ý một cách rất hào phóng. Thế là không bao lâu, Chặng đường tham học đã tuần tự ra mắt độc giả trên tờ tuần san Giác Thế.

Từ khi Chặng đường tham học đăng hàng tuần trên báo, tôi là người có cơ hội làm độc giả đầu tiên đọc tác phẩm nổi tiếng này, cảm thấy văn chương của pháp sư như mây bay nước chảy, vô cùng hấp dẫn lôi cuốn. Không chỉ riêng tôi có cảm giác ấy, khi in tuần san Giác Thế, mà những công nhân của xưởng in đều rất thích đọc bài này. Nếu thỉnh thoảng bản thảo được gác lại, thì mọi người liền hỏi: “Tại sao không có Chặng đường tham học?”. Độc giả cũng rất thích Chặng đường tham học, họ thường đem nội dung của Chặng đường tham học làm đề tài bàn tán trong những cuộc trò chuyện và trên cả thông tin báo chí. Có thể nói, nhờ có Chặng đường tham học của pháp sư Chân Hoa đăng liên tục mà tuần báo Giác Thế nhận được sự hâm mộ của độc giả xa gần, đánh giá là áng văn rực rỡ, khiến tôi vui mừng và cảm kích vô cùng.

Vì phần lớn những nhân vật và địa danh kể trong Chặng đường tham học đều rất quen thuộc với tôi, cho nên mỗi kỳ đọc một đoạn đều cảm thấy rất gần gũi. Nói thật, đọc Chặng đường tham học, tôi từng để rơi những giọt nước mắt cảm động, và cũng từng bất giác bật cười khanh khách một mình.

Trong Chặng đường tham học, những chuyện kể về quá trình khuyên cha xuất gia, tình cảnh bị nghèo bệnh vây khốn, vở bi kịch bị gạt phải đi lính, tình thân và sự viên tịch của Tánh Ngộ, chuyện biết trước ngày giờ vĩnh biệt của Hồ Tùng Niên, đều làm người ta cảm động. Cho đến cá tính ngay thẳng của pháp sư Chân Hoa cũng bộc lộ rất nhiều trong lời văn, người đọc có thể nhận thấy rất rõ ràng, xin thứ lỗi không nói dài dòng.

Một tác phẩm có thể lấy được nước mắt của mọi người, có thể khiến người ta bật cười, là một việc vô cùng khó làm, vậy mà nội dung Chặng đường tham học đã được pháp sư Chân Hoa viết vô cùng cảm động như thế, văn phong lại thú vị dí dỏm. Ngày nay, những tác phẩm như thế này không chỉ hiếm thấy trong văn chương Phật giáo, mà ngay cả những tác giả nổi tiếng trên văn đàn cũng khó có tác phẩm như thế.

Trên đây là cảm tưởng của tôi khi đọc từng kỳ Chặng đường tham học lúc chủ trì tuần báo Giác Thế. Nhưng đến khi trung tâm phục vụ văn hóa Phật giáo in Chặng đường tham học thành một bản hoàn chỉnh và phát hành, tôi có cơ hội đọc lại một lần từ đầu đến cuối. Đọc lần này, tâm trạng không thoải mái như lần trước, đúng như tâm trạng pháp sư Thánh Nghiêm nói trong lời tựa: “Tâm tư trĩu nặng”.

Tại sao lại trĩu nặng? Thứ nhất, hoàn cảnh gia đình bất hạnh và cuộc đời lắm gian nan của pháp sư Chân Hoa khiến người đọc bùi ngùi xúc động. Thứ hai, thì ra, tăng sĩ trẻ trên bước đường tham học lại phải chịu đựng nhiều nghịch cảnh thử thách ngay chính trong ngôi nhà Phật giáo của mình như vậy, mà toàn là những thử thách quá vô lí. Điều này phản ánh, lòng từ bi chưa phổ cập đến mọi trường hợp trong Phật giáo. Đương nhiên, cảnh ngộ mà pháp sư Chân Hoa gặp hoàn toàn không tiêu biểu cho cảnh ngộ của mỗi vị tăng sĩ trẻ. Như bản thân tôi, mấy lần tham quan kỳ đại giới đàn ở núi Bảo Hoa, đã quải đơn tại chùa Tỳ Lô, dự đàn thủy lục ở chùa Cổ Lâm, làm hành đường ở chùa Thiên Ninh, làm kinh sư ở chùa Hoa Tạng Nam Kinh, nhưng tôi không biết trong những tòng lâm có quy mô ấy lại có thể hành hạ thử thách tăng trẻ, không ngờ làm kinh sư cũng lắm nhiêu khê như thế! Xuất thân từ viện Luật học Thê Hà, Phật học viện Tiêu Sơn, tôi luôn luôn cảm tạ thâm ân giáo dưỡng của những ngôi thường trụ đó, tuyệt đối không ngờ tới, ở một phương diện khác, một người như pháp sư Chân Hoa lại gặp quá nhiều đau khổ như thế. Những điều pháp sư Chân Hoa viết lại đều là sự thật, chúng ta đừng phủ nhận. Bởi vì, trong một đoàn thể nào cũng có mặt tốt và mặt xấu của nó, chỉ là đứng ở góc độ nào để nhìn mà thôi.

Pháp sư Thánh Nghiêm lo ngại, nếu để những người khác tôn giáo đọc được một số sự kiện trong Chặng đường tham học, nhất định họ sẽ dựa vào đây để công kích Phật giáo. Nhưng tôi thì không lo lắng như vậy, tôi cho rằng Chặng đường tham học có thể dùng làm tài liệu giáo dục tốt nhất cho tăng ni trẻ ngày nay.

Trong Phật giáo có điển tích “chặt tay cầu pháp”, vì cầu mấy câu chỉ dạy của tổ Đạt Ma mà đại sư Huệ Khả bằng lòng chặt đứt cánh tay. Việc này không ai trách tổ Đạt Ma tàn nhẫn, nhưng trong thiền môn lại khen ngợi tinh thần cầu pháp của đại sư Huệ Khả. Nhà Nho cũng có câu chuyện “đứng trong tuyết cầu thầy”, hai học trò Du và Dương đứng trước cửa nhà thầy Y Xuyên, tuyết rơi dày nửa thước mà thầy Y Xuyên vẫn ngồi nhắm mắt. Người học hoàn toàn không chê thầy Y Xuyên tàn nhẫn, mà lại khen tinh thần tôn sư trọng đạo của Du và Dương. Vì thế, tôi cho rằng tác phẩm Chặng đường tham học gần ba trăm nghìn chữ này có thể cho tăng ni trẻ Đài Loan ngày nay đọc, để họ biết làm một người xuất gia đi du phương cầu học khổ cực biết dường nào! Đó gọi là có thể làm những việc khó làm, có thể chịu đựng những điều khó chịu đựng, đúng như nhà Nho có nói: “Trời muốn đem việc lớn giao phó cho người nào, ắt trước hết phải rèn luyện ý chí của họ, trau dồi xương cốt và thử thách sức chịu đựng của cơ thể họ”. Ngày nay, pháp sư Chân Hoa là một vị cao tăng đầy đủ trí đức trong Phật giáo, chính nhờ trên con đường tham học, pháp sư gặp nhiều gian khổ và thử thách như thế, cho nên mới có được thành tựu như ngày nay. Ngay trong Thiền lâm bảo huấn, thiền sư Hoàng Long nói: “Có ấm áp vỗ về, vạn vật mới sinh trưởng trong mùa xuân, mùa hạ. Có sương tuyết giá buốt mới có những thành tựu trong mùa thu, mùa đông”. Chặng đường tham học đã dạy cho chúng ta một điều rất lớn là phải có lòng tin và nghị lực. Không luận ở trong hoàn cảnh gian khổ khó khăn như thế nào, pháp sư Chân Hoa cũng đầy đủ niềm tin chí thành, ngay khi bị bắt đi lính vẫn kiên trì ăn chay, gặp được cơ duyên liền khoác lại áo cà sa. Đói khát trên con đường hành cước, kì thị của giáo thọ ở Thiên Ninh… mỗi việc đều khảo nghiệm niềm tin và nghị lực của pháp sư. Pháp sư Chân Hoa của chúng ta là người đã vượt qua cuộc khảo nghiệm thành công. Có thể nói: “Nếu chẳng một phen lạnh buốt xương, hoa mai đâu thể ngát mùi hương”. Pháp sư Chân Hoa nhờ vượt qua được con đường gập ghềnh gian khổ, mới đặt chân lên con đường rực rỡ huy hoàng của mình. Cầu mong các tăng sĩ trẻ của Phật giáo đang bước trên con đường tham học, hãy lấy niềm tin và nghị lực của pháp sư Chân Hoa làm mô phạm cho mình, càng mong hơn, các đại đức trưởng lão lấy Chặng đường tham học làm văn kiện tham khảo để cải tổ nhân sự và giáo chế Phật giáo. Tôi nghĩ đây là chủ ý sáng tác của pháp sư Chân Hoa, mà cũng là dụng tâm ấn hành quyển Chặng đường tham học của Trung tâm Phục vụ văn hóa Phật giáo.

Phật học viện Thọ Sơn ở Cao Hùng
Tháng 9 năm 1965
HT.Tinh Vân

LỜI TỰA 2

Tôi rất vinh hạnh được đọc tác phẩm này trước khi nó được xuất bản toàn tập. Tuy tôi đã được đọc qua từng đoạn một lần lúc tác phẩm này đăng tải liên tiếp nhiều kì trên tuần san Giác Thế, nhưng hình như lần đó đọc nhẹ nhàng thoải mái, còn lần này đọc lại nghe lòng nặng trĩu.
Sự thật, trong tác phẩm của mình, pháp sư Chân Hoa đã trình bày tất cả rồi, mời tôi viết lời tựa thật sự là quá thừa. Có điều, khi xem xong tác phẩm này, chắc chắn người đọc sẽ có cảm nhận: Phật giáo Trung Quốc Đại Lục thời cận đại đã ít nhiều biến chất, không còn như bản thân thật của Phật giáo nữa. Cuộc đời của pháp sư Chân Hoa sao lại gian nan lận đận như thế!

Do đó, từ bút pháp chân thật của pháp sư, chúng ta có thể thấy rõ vận mạng Phật giáo Trung Quốc thời cận đại, cũng như từ những lời tự thuật đầy máu và nước mắt của pháp sư, chúng ta cảm nhận được nỗi buồn, niềm đau của vị tăng sĩ trẻ trong cuộc đời! Đây là căn bệnh của thời đại, chẳng phải riêng gì ở Phật giáo. Căn bệnh này có sức tác hại rất lớn. Hiện tại chúng ta cần nhanh chóng chữa trị, không nên hỏi “tại sao chúng ta phải thừa nhận bệnh đã làm hại chính mình!”.

Chắc hẳn sẽ có một số người theo tôn giáo khác dùng tư liệu của tác phẩm này làm vũ khí để phá hoại Phật giáo. Nhưng đối với một người muốn phá hoại Phật giáo, thì chỉ cần một câu cách ngôn đúng đắn của Phật giáo thôi, họ cũng có thể thêm thắt sửa đổi thành một câu độc hại.

Pháp sư Chân Hoa là một vị ngay thẳng trong ý nghĩ cũng như lời nói, vì thế văn chương của ngài đâu đâu cũng thể hiện điều chân thật. “Trực tâm là đạo tràng” chính là bản sắc của tín đồ Phật giáo. Cho nên, giá trị thật sự của tác phẩm này ở hai chữ “chân thật”. Nó là nét phác họa làm mẫu mực cho Phật giáo chúng ta, cũng có thể làm gương để chúng ta soi rọi lại chính mình.

Không thể đánh giá Phật giáo Trung Quốc là hoàn toàn hủ bại. Thế nên, những biểu đạt về mặt trang nghiêm, trong sáng, cũng như sự phát huy về mặt tín tâm, kính ngưỡng của tác phẩm này vẫn có tác dụng tốt nhiều hơn sự bộc lộ về mặt xấu. Là một người xuất gia ở Đại Lục, tôi biết rõ, bất luận là mặt trong sáng hay tối tăm, thì Phật giáo Trung Quốc đều hơn hẳn Phật giáo Đài Loan. Vì ở Đài Loan rồng rắn lẫn lộn, rồng nhiều mà rắn cũng không ít.

Vì vậy, nếu có người chưa đến Trung Quốc, hoặc sinh ở Trung Quốc nhưng chưa trải qua chặng đường xuất gia tham học, thì tác phẩm này sẽ giới thiệu cho họ biết cuộc sống của một tăng sĩ trẻ đi tham học gian nan vất vả ra sao!

Tuy nhiên, tác phẩm này được viết theo thể tự truyện, cho nên, giá trị tư liệu chỉ giới hạn trong phạm vi những gì tác giả đã trải qua. Vì vậy, tuy tác phẩm này giới thiệu về Phật giáo Trung Quốc, nhưng không phải là toàn bộ nội dung của Phật giáo Trung Quốc. Đó là điều người đọc cần hiểu cho.

Chính vì tính chất tự truyện của tác phẩm, nên đã khiến cho độc giả xem qua đều cảm thấy rất gần gũi và xúc động! Tuy đến mười lăm tuổi pháp sư Chân Hoa mới đến trường, nhưng qua sự trau dồi rèn luyện, ngày nay pháp sư đã viết được một tác phẩm thật vô cùng thú vị, từ ngữ như phun châu nhả ngọc.

Người phi thường có việc làm phi thường, bất cứ ai chịu đựng được gian khổ trong gian khổ mới có thể trở thành người tôn quý trong loài người. Tác phẩm này của pháp sư Chân Hoa, ít nhất cũng nói với chúng ta điều cốt yếu rằng: Một tín đồ Phật giáo, một tu sĩ trẻ đều phải luôn luôn tinh tấn tiến lên, đặc biệt là thực hiện đúng với tinh thần hai chữ “kính” và “thành” mà pháp sư Ấn Quang từng chỉ dạy.

Tịnh thất Anh Lạc
Ngày 05 tháng 09 Phật lịch 2509
HT.Thánh Nghiêm



CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài