Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị - Dẫn nhập (trích)

Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị - Dẫn nhập (trích)

Huỳnh Tịnh Của và công trình biên soạn bộ Đại Nam quấc âm tự vị - Tiểu luận Cao học Ngữ học của Nguyễn Văn Y.
Thư viện Huệ Quang ảnh ấn từ bản ronéo tác giả đệ trình lên Đại học Văn khoa trước 1975.
Sách tặng kèm bộ Đại Nam quấc âm tự vị tái bản 2018.

Sở dĩ chúng tôi quyết định viết về Huỳnh Tịnh Của là vì hiện nay hầu hết các sách biên khảo về ông quá thiếu sót, nếu không muốn nói là sai lầm ở nhiều chi tiết.

Trong buổi bình minh của nền văn học chữ Quốc ngữ, ông cùng với Trương Vĩnh Ký là hai nhà văn tiên phong đóng góp rất nhiều công lao trong việc phổ biến chữ Quốc ngữ vào quảng đại quần chúng. Vậy mà trong khi Trương Vĩnh Ký được nhiều nhà biên khảo nhận định khá đầy đủ, số lượng sách báo nói về nhà văn Ki tô giáo này cũng nhiều, thì Huỳnh Tịnh Của được nhắc đến ít hơn, sơ sài hơn, và cho đến nay vẫn chưa có một quyển sách nào nghiên cứu tường tận về cuộc đời và sự nghiệp biên khảo của ông cả(1). Do đó công lao của ông đóng góp cho văn hóa dân tộc thật sự chưa được đánh giá đúng mức, thậm chí có vài bộ văn học sử bỏ sót tên ông(2), mặc nhiên xem như ông không có công trình gì đáng kể, hay nếu không bỏ sót, thì chỉ nhắc đến một cách qua loa, không dành cho ông một địa vị xứng đáng trong nền văn học Việt Nam ở hậu bán thế kỷ 19.

Trong số vài mươi tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi nhận thấy bộ Đại Nam quấc âm tự vị là một tác phẩm quan trọng đáng kể nhứt đã làm cho tên tuổi ông trở thành bất tử. Bộ sách đồ sộ công phu ấy đã từng được nhiều nhà biên khảo văn học đề cập, phê phán khi có dịp nói đến Huỳnh Tịnh Của. Nhưng hầu hết chỉ nhận xét một cách đại cương, nêu ra một số đặc điểm của bộ sách ấy mà thôi. Ngoại trừ một vài nhà làm tự điển, có lẽ các nhà nghiên cứu văn học chưa ai thật sự đọc từ đầu tới cuối bộ sách ấy để có thể nêu lên một cách tỉ mỉ, chính xác mọi ưu khuyết điểm của nó.

Vì lẽ đó, trong toàn thể tác phẩm của Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi quyết định thử nghiên cứu bộ Đại Nam quấc âm tự vị, một bộ sách mà chúng tôi nghĩ là tiêu biểu nhứt cho sự nghiệp văn chương của ông, một bộ sách mà nếu không có nó thì sẽ thiệt thòi cho học giới và tên tuổi của tác giả chắc sẽ kém phần vẻ vang.

Kể từ ngày Đại Nam quấc âm tự vị chào đời cho đến nay, có nhiều bộ Tự điển Việt Nam được lần lượt xuất hiện. Trong số đó, có vài bộ tương đối cũng có giá trị, được soạn thảo khoa học hơn, nhưng vẫn chưa thỏa mãn đầy đủ nhu cầu tra cứu của giới cầm bút, giới học hỏi. Có thể nói là cho tới bây giờ chúng ta vẫn chưa có một bộ tự điển phổ thông nào giúp ích thiết thực cho những người muốn học tiếng Việt thật chu đáo như người Trung Hoa có bộ Từ Hải, người Pháp có bộ Larousse, người Mỹ có bộ Webster's. Cho nên khi nghiên cứu bộ tự vị của Huỳnh Tịnh Của, chúng tôi còn muốn nhân đó vạch ra những cái hay, cái dở của một nhà làm tự điển, và hy vọng mấy nhận xét khách quan khiêm tốn của chúng tôi sẽ phần nào giúp thêm kinh nghiệm cho những ai thích làm công việc biên soạn tự điển.

Chúng tôi còn tin rằng khi nghiên cứu kỹ lưỡng bộ Đại Nam quấc âm tự vị chúng ta sẽ đưa ra được một số từ ngữ thông dụng gần ngót một thế kỷ trước mà nay chúng ta có thể hiểu lầm, hay không hiểu chi cả, khi có dịp đọc các áng văn xưa của tiền nhơn để lại, đồng thời còn có thể nhờ đó mà hiểu rõ phần nào quá trình tiến hóa của ngôn ngữ văn tự Việt Nam kể từ hậu bán thế kỷ 19 cho tới nay.

Vì những lẽ nêu trên, dù tự biết khả năng hiểu biết của mình có giới hạn, quá hẹp hòi, trong khi vấn đề tìm hiểu một bộ tự điển dày trên một ngàn trang, khổ lớn thật quá bao la và cần phải mất nhiều thời giờ tham khảo, chúng tôi nguyện cố gắng làm việc với tất cả lòng thận trọng, say mê học hỏi, dưới sự hướng dẫn tận tâm của Giáo sư Lê Ngọc Trụ, một nhà ngữ học lão thành đã từng mấy mươi năm miệt mài tìm hiểu ngôn ngữ dân tộc, một địa hạt chuyên môn mà ít người bước chơn vào.

---------

(1) Ở trang cuối quyển tiểu thuyết Sống (Saigon, nhà in Đông Dương, 1948) nhà văn Hải Đường có quảng cáo sẽ in cuốn sách khảo cứu về Huỳnh Tịnh Của, nhưng tác phẩm ấy chưa được ra đời mà tác giả đã hóa ra người thiên cổ.

(2) Chẳng hạn như bộ Lịch sử văn học Việt Nam của Văn Tân và Nguyễn Hồng Phong. Hà Nội: Nhà xuất bản Sử học, 1961.

NGUYỄN VĂN Y


CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài