Đại Nam quấc âm tự vị do Huỳnh Tịnh Của (1830 - 1908) và một số cộng sự viên [1] biên soạn là quyển từ điển đơn ngữ tiếng Việt đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam, ghi mục từ tiếng Việt có kèm chữ Nôm, chữ Hán và dùng tiếng Việt để giải nghĩa các từ đơn, từ ghép, quán ngữ, thành ngữ, tục ngữ… mà tác giả đã dày công sưu tập được từ trong dân gian cũng như trong sách vở cũ hoặc đương thời, trong điều kiện câu văn quốc ngữ còn đang tập tễnh đi vào sinh hoạt văn hóa một cách chưa hoàn toàn ổn định. Đây cũng có thể được coi là công trình quan trọng quy mô lớn, có tính tiên phong khai sáng và tập đại thành đầu tiên về tiếng Việt [2], do Imprimerie REY, CURIOL & Cie xuất bản tại Sài Gòn, chia thành 2 tập, khổ 24cm x 31cm: Tập I năm 1895 (vần A-L, 608 trang) và Tập II năm 1896 (vần M-X, 596 trang). Trong lời “Tiểu tự” ở đầu tập I, tác giả cho biết đã mất hơn bốn năm để hoàn thành bộ tự vị này và đã nhờ quan Thống đốc Nam Kỳ chuẩn tiền cho in [3].
Bộ tự vị ra đời đã khiến những người quan tâm học tập/ nghiên cứu tiếng Việt chú ý ngay đến giá trị đặc biệt của nó qua sự thu thập từ ngữ rất công phu cũng như cách lựa chọn và giảng giải các mục từ của soạn giả… Mặc dù vậy, trong văn học sử, tên Huỳnh Tịnh Của cũng như công trình tiên phong đồ sộ này của ông có thời gian khá dài dường như ít được nhắc tới. Ngay trong Việt Nam văn học sử yếu (Bộ Giáo dục - Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1968, tr. 412), GS. Dương Quảng Hàm cũng chỉ nhắc lướt qua tên ông với bộ Đại Nam quấc âm tự vị, chỉ trong hơn 4 dòng cước chú cho chương “Sự thành lập một nền quốc văn mới”. Đến Nhà văn hiện đại (Thăng Long tái bản lần thứ 3, Sài Gòn, 1960), quyển nhất dành cho “Các nhà văn đi tiên phong” (phần I “Những nhà văn hồi mới có chữ Quốc ngữ”), Vũ Ngọc Phan chỉ viết về Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) mà bỏ qua hẳn Huỳnh Tịnh Của, trong khi cả hai ông đều là nhà văn - nhà báo, nhà biên khảo - dịch thuật hoạt động đồng thời và đều có những thành tích xuất sắc.
Phải đợi đến Biểu nhất lãm văn học cận đại 1862 - 1945 (Tập I, Cơ sở xuất bản và báo chí Tự Do, Sài Gòn 1958), GS. Thanh Lãng lần đầu tiên mới đưa ra một ý kiến đánh giá tổng quát và khách quan về bộ Đại Nam quấc âm tự vị: “Huỳnh Tịnh Của là người đầu tiên soạn thảo một cuốn tự vị gồm hầu hết những tiếng và những thành ngữ đương thời có chua cả chữ Nho và chữ Nôm, cái công phu của nó là soạn giả có công phu giải nghĩa bằng tiếng Việt... Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của là cơ sở vững chãi cho sự nghiệp xây đắp về sau này của các soạn giả khác. Nhờ có cuốn đó, mà tiếng nói Việt Nam được thống nhất phần nào. Nó đã là một tài liệu quý giá hướng dẫn các văn gia trong gần nửa thế kỷ”.
Sang đến Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (Tập III, Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn, 1965, tr. 80-84), Phạm Thế Ngũ đã trang trọng dành một chỗ rộng rãi hơn cho Huỳnh Tịnh Của, với sự trình bày và phân tích tuy sơ lược nhưng tương đối đầy đủ trong Chương III, Mục V, “Huỳnh Tịnh Của và pho Quốc âm tự vị của ông”, với mấy đoạn đánh giá rất cao: “Ngày nay mở pho tự vị đồ sộ ấy của H.T. Của, ai cũng phải nhận ông đã đóng góp nhiều – có thể nói quá nhiều nữa – cho việc xây dựng quốc văn mới” (tr. 82), “Tóm lại cuốn tự vị của H.T. Của là một tài liệu quý giá cho chúng ta ngày nay khảo về tiếng Việt, tra cứu những tiếng nôm xưa, nhất là những tiếng nôm địa phương ở miền Nam. Ngay đối với những tiếng nay còn thông dụng, cách tác giả viết và giải thích nhiều chữ không phải không đem lại cho chúng ta bây giờ một ít ánh sáng về từ ngữ học… Người chủ trương làm một pho tự điển Việt Nam xứng đáng ngày mai, tất nhiên có thể rút ích ở những kiến giải ấy cũng như ở đường lối, phương pháp, tài liệu của một người đi trước. Công việc đi trước ấy của H.T. Của quả là một công việc phi thường” (tr. 83).
Sự đóng góp đáng kể như trên có thể được tóm tắt thành 3 phương diện quan trọng, theo ý kiến của Nguyễn Văn Y (trong Huỳnh Tịnh Của và công trình Đại Nam quấc âm tự vị, tlđd.), đó là:
(1) Giữ gìn gia tài văn hóa cổ truyền về từ ngữ, vì nếu không có Đại Nam quấc âm tự vị ghi chép, giải thích các từ ngữ xưa của người Việt dùng ở thế kỷ XIX, thì ngày nay chúng ta sẽ khó khăn biết bao khi muốn hiểu tận tường ý nghĩa của các từ ngữ cổ nằm trong các áng văn của tiền nhân mà hiện nay không còn thông dụng nữa, như: Chạn: vóc giạc; Chồ: hè chái (tranh lá); Luỗi: mệt mỏi, mất sức; Min: tao, ta, (kẻ lớn xưng mình); Nguôi hoai: phai đi, nguôi đi; Vuối: cùng, cũng; Ne: nghiêng về một bên… Đúng như Maurice Durand và Nguyễn Trần Huân đã nhận định: “Cho đến ngày nay, bộ tự điển nầy vẫn còn lập thành một tài liệu đầu tay cho những ai nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam ở cuối thế kỷ XIX” (Ce dictionnaire constitue, encore de nos jours, un document de première main pour ceux qui étudient la langue vietnamienne de la fin du XIX siècle) (Introduction à la littérature vietnamienne, G.P. Maisonneuve et Larose, Paris, 1969, tr. 190. Dẫn theo Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 140).
(2) Cung cấp tài liệu cho sự nghiên cứu xã hội Việt Nam hồi cuối thế kỷ XIX. Về điểm này, Huỳnh Tịnh Của đã đem vào tự vị của ông đủ các loại từ ngữ thuộc mọi lãnh vực tri thức của con người, cho ta biết qua từ lịch sử, phong tục, tập quán, tôn giáo cho đến các thú tiêu khiển, các trò chơi của người Việt thời xưa hoặc ở thời ông sống.
Có thể dẫn một số mục từ ngữ liên quan phong tục tập quán, đều đã được giải thích khá kỹ, như [4]: Cheo (q. I, tr. 131, c. 2, h. 19 - 26); Đắp mặt (q. I, tr. 277, c. 2, h. 39 - 44); Đâm lẻ (q. I, tr. 263, c. 2, h. 20 - 28); Đội mấn (q. I, tr. 314, c. 1, h. 1 - 4); Động thổ (q. I, tr. 322, c. 1, h. 42 - 46); Đứng kén (q. I, tr. 333, c. 1, h. 1 - 6); Giá tréo (q. I, tr. 357, c. 2, h. 7 - 11); Khem (q. I, tr. 484, c. 2, h. 7 - 12); Móc miếng (q. II, tr. 35, c. 1, h. 14 - 29); Mồng ba mở hàng họ (q. II, tr. 41, c. 2, h. 35 - 37); Mở cữa (sic) mã (q. II, tr. 3, c. 1, h. 10 - 15); Nằm đàng (q. I, tr. 267, c. 1, h. 18 - 22); Phạm hàm (q. I, tr. 401, c. 1, h. 7 - 8); Tiền câu tra (q. I, tr. 109, c. 2, h. 10 - 15); Tiền thế giẻ (q. I, tr. 375, c. 2, h. 7 - 9); Thí châu (q. I, tr. 18, c. 2, h. 17 - 22); Thướng cỗ (q. I, tr. 170, c. 2, h. 14 - 18); Vô khem (q. I, tr. 484, c. 2, h. 16 - 24).
Từ ngữ liên quan các trò chơi: Bài chấm (q. I, tr. 119, c. 2, h. 3 - 7); Bông chẹo (q. I, tr. 132, c. 2, h. 32 - 36); Chụp chộ (q. I, tr. 148, c. 1, h. 5 - 6); Đánh hồ (q. I, tr. 271, c. 2, h. 33 - 35); Đánh lăn (q. I, tr. 272, c. 1, h. 18 - 22); Đánh lú (q. I, tr. 272, c. 1, h. 7 - 12); Đánh quần, đánh đáo quần (q. II, tr. 24, c. 1, h. 13 - 17); Đánh trống u (q. II, tr. 524, c. 2, h. 13 - 38); Đầu hồ (q. I, tr. 426, c. 2, h. 20 - 24); Giũa Phật (q. II, tr. 195, c. 1, h. 6 - 11); Kéo chèo bẻo (q. I, tr. 49, c. 1, h. 5 -10); Khòn mía (q. I, tr. 499, c. 2, h. 15 - 21); Xỏ lá (q. I, tr. 524, c. 2, h. 28 - 32)…
(3) Thống nhất văn tự, ngôn ngữ, làm nền tảng cho mọi công trình văn học. Vào thời Huỳnh Tịnh Của, báo chí quốc ngữ bắt đầu xuất hiện, nhưng không có một quyển tự điển đơn ngữ giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt làm tiêu chuẩn về cách viết, cách hiểu đúng ý nghĩa của mỗi từ ngữ, nên sự xuất hiện của Đại Nam quấc âm tự vị là tối cần thiết, giúp ích rất nhiều cho công cuộc phát triển nền văn chương học thuật nước nhà hồi cuối thế kỷ XIX. “Có thể nói Huỳnh Tịnh Của là một trong những người đầu tiên đặt nền tảng cho nền văn học chữ Quốc ngữ thời cận đại…; làm cho người Việt ở ba miền, qua trung gian của bộ tự điển được giải nghĩa rõ ràng ấy, có thể hiểu được lời nói cũng như câu văn của nhau… Chỉ với bộ sách duy nhất đó thôi, cái tên Huỳnh Tịnh Của đã đủ sáng chói trên nền văn học Việt Nam cận đại và Đại Nam quấc âm tự vị trải qua gần một thế kỷ vẫn còn xứng đáng là bộ tự điển gối đầu giường của giới trí thức nước ta” (Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 149-150).
Về các mặt ưu điểm của Đại Nam quấc âm tự vị, các nhà nghiên cứu tiếng Việt trước nay đều thừa nhận: (1) Định nghĩa ngắn gọn, rõ ràng, chính xác; (2) Là một bộ tự điển phổ thông, đại chúng; (3) Ngữ vựng phong phú, chứa đựng dồi dào tiếng Nôm và nhiều tiếng địa phương miền Nam; (4) Có ghi đủ cả ba thứ chữ Quốc ngữ, Hán, Nôm và nêu phân biệt tiếng nào là tiếng Hán Việt, tiếng nào là tiếng Nôm, hoặc vừa Hán vừa Nôm; (5) Phương pháp biên soạn vừa khoa học (tuân thủ nguyên tắc ngôn ngữ thống nhất), vừa thực tế (biết thích nghi biến hóa theo thực tiễn của tiếng Việt).
Tuy nhiên, Đại Nam quấc âm tự vị không phải không có những mặt hạn chế nhất định, chủ yếu vì nguyên nhân khách quan, do soạn giả của nó sống trong thời kỳ chữ và câu văn quốc ngữ còn chưa phát triển ổn định, tài liệu tham khảo thiếu, lại phải mò mẫm phương pháp, tự bơi một mình làm việc.
Để hình dung cụ thể về cách giảng giải ngắn gọn, rõ ràng, chính xác nhưng còn giản đơn của Đại Nam quấc âm tự vị, đồng thời thấy được sự tiến hóa của các công trình từ điển học tại Việt Nam, dưới đây chúng ta thử nêu lên vài mục từ thông dụng có trong Đại Nam quấc âm tự vị và so sánh chúng với những bộ từ điển tiêu biểu khác đã ra đời sau nó [5] (lựa chọn mỗi chữ/ từ đơn thuộc về một từ loại khác nhau, gồm một danh từ, một động từ, một hình dung từ và một trợ từ):
CHA:
- HTC (Tập I, tr. 112): 吒 CHA. n. Kẻ sinh ra mình.
(Không nêu thí dụ, nhưng tiếp phía dưới liệt kê và giải thích hàng loạt từ ngữ đi với tiếng cha: Cha mẹ, Cha đẻ, Cha nhà, Cha sinh, Cha ruột, Cha ghẻ, Cha nuôi, Cha mày, Cha con, Cha mầy, Cha ôi!, Cha cầm đầu, Cha đỡ đầu, Cha bàu chủ, Cha cả, Cha phần hồn, Cha kia, Cha chả!, Cha ôi cha!.- Chết cha, Thằng cha, Thằng cha mầy, Mồ cha mầy, Đánh chết cha, Khóc cha khóc mẹ, La cha la ông, Đau thấy cha, Con chết cha, Con không cha nhè cột nhà mà đụng, Có cha có mẹ còn hơn/ không cha không mẹ như đờn đứt dây, Làm cha, Lạy ông lạy cha).
- KTTĐ (tr. 107): CHA. I. Cũng như “bố”, người đàn ông sinh ra mình: Con có cha như nhà có nóc.
(Dưới nêu và giải thích được 3 từ đi với chữ cha: Cha-chả, Cha ghẻ, Cha ôi!. Phần Văn liệu tiếp theo ghi 25 câu thành ngữ, tục ngữ và thơ trích trong Kiều, Nhị độ mai, Lục Vân Tiên… (như: Cha chung không ai khóc, Còn cha gót đỏ như son/ cha chết thì gót mẹ gót con thâm sì, Dạy rằng cha cả mẹ già những mong…).
II. Tiếng những người theo đạo Da-tô gọi các ông cố: Cha xứ Đoài, cha xứ Đông.
- LVĐ (Quyển thượng, tr. 254): CHA dt. Vai và tiếng gọi người đàn ông đã cùng người đàn-bà sinh mình ra: Có cha có mẹ còn hơn/ không cha không mẹ như đờn đứt dây; Công cha như núi thái sơn CD // Tiếng gọi không thân hoặc có ý khinh nhiều người đàn ông: Mấy cha ghiền rượu, thằng cha thọt, thôi đi cha! // Tiếng gọi tôn-kính các vị linh-mục đạo Da-tô: Cha Tòng, Cha sở // (tht) Tiếng la khống khi gặp việc bất- ngờ hay khi đau thể-xác: Cha! Ngộ quá! Cha! Nóng quá! Ui (ôi) cha! // Tiếng chưởi: Cha mầy! Đánh chết cha đa.
(Dưới mục từ đơn cha có một số từ ghép: cha con, cha chả, cha chồng, cha chú, cha đẻ, cha đời, cha ghẻ, cha già, cha hiền, cha mẹ, cha non, cha nội, cha nuôi, cha ôi, cha ruột, cha sở, cha vợ).
- HP (tr. 130): CHA d. 1 Người đàn ông có con, trong quan hệ với con (có thể dùng để xưng gọi). Cha nào con nấy. Con có cha như nhà có nóc (tng.). Cha bảo gì con ạ? 2 Từ dùng để gọi linh mục hoặc linh mục tự xưng khi nói với người theo Công giáo. 3 (thgt.) Từ dùng trong một số tiếng chửi rủa, chửi mắng. Mồ cha*. Cha đời*. Chém cha* [6].
(Dưới có một số từ ngữ, thành ngữ đi với chữ cha: cha anh, cha căng chú kiết, cha chả, cha chủ sự, cha chú, cha chung không ai khóc, cha cố, cha đỡ đầu, cha già con cọc, cha nội, cha ông, cha truyền con nối, cha xứ).
ĂN:
- HTC (Tập I, tr. 9): 咹 ĂN. n. Nhai nuốt, hưởng dùng.
(Không nêu thí dụ, nhưng tiếp dưới soạn giả ghi ra và giải thích đến 124 từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ đi với chữ ăn, như: Ăn mầng, Ăn lời [Cho vay ăn lời], Ăn lời [Nuốt lời nói, không giữ lời nói. Nói chữ là thực ngôn], Ăn tết, Ăn chay, Ăn cưới, Ăn giổ, Ăn kị, Ăn mặn, Ăn lộc…, Thợ may ăn rả,…, Khó ăn khó nói…, Ăn cây nào, rào cây nấy…, Ăn cần ở kiệm, Ăn nói, Ăn một đọi, nói một lời…, Ăn mặc).
- KTTĐ (tr. 8): Ăn. I. Cắn, gậm, bỏ vào miệng nhai rồi nuốt đi: Ăn cơm, ăn bánh, ăn quả đào.
Ăn. II. Nói chung về sự ăn uống, sự tiêu dùng: Độ rày mùa hè, không ăn được.- Nhà này có bát ăn, có miếng ăn.- Nhà nọ đủ ăn đủ tiêu.
Ăn. III. Nói chung cuộc ăn uống trong sự vui mừng hay ngày giỗ tết: Ăn cưới, ăn giỗ v.v.
Ăn. IV. Hưởng-thụ cái của lợi-lộc gì: Ăn lương, ăn bổng.
Ăn. V. Thu nhận một cách không chính-đáng: Ăn tiền, ăn đút v.v.
Ăn. VI. Lấy, tìm cách mà lấy làm của mình: Ăn cắp, ăn gian.
Ăn. VII. 1. Vừa vặn bằng nhau, đúng khớp, in nhịp: Mấy cái áo này đóng ăn nhau chằn chặn.- Hai cánh cửa này ăn nhau như in.- Đàn ăn nhịp.- Sắc này ăn với sắc kia.- 2. Xứng nhau mà làm cho tôn lên: Người này mặc đồ trắng ăn hơn đồ đen.- Nước da ăn phấn ăn đèn.
Ăn. VIII. Được hơn trong cuộc đố, trong đám cờ-bạc hoặc trong đám cạnh tranh: Ăn cuộc, ăn gà v.v.
Ăn. IX. Ưng thuận, nhận chịu: Đặt mười đồng có ăn không? Chỉ ăn sấp hai mà thôi (Tiếng cờ bạc).
Ăn. X. Đi kiếm ăn: Vạc đi ăn đêm.- Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt-hoa (K).
Ăn. XI. 1. Xâm vào, bén vào: Da ăn nắng ăn gió. Sơn ăn mặt.- 2. Lấn ra: Cỏ ăn lan ra, dầu ăn loang ra, rễ ăn sâu vào, mọt ăn rỗng ra.- 3. Thấm vào: Giấy ăn mực, cá ăn muối, phẩm ăn vải, nước ăn chân, thủy ngân ăn bạc.- 4. Dính vào: Hồ loãng dán không ăn.
Ăn. XII. Mua hàng, tiêu-thụ đồ hàng: Độ rày Tàu ăn gạo nhiều. Người Khách đương ăn tơ nhiều.
(Tự điển KTTĐ phân biệt nghĩa và tách riêng đến 12 chữ Ăn khác nhau. Dưới mỗi chữ Ăn khác nhau này, sau khi cho thí dụ ngắn gọn đều có liệt kê một loạt từ ngữ đi với chữ Ăn [như: Ăn đất, Ăn điểm tâm, Ăn ghém, Ăn gỏi, Ăn lót dạ, Ăn lót lòng, Ăn lời…]. Kế đến là phần Văn liệu, kê ra rất phong phú. Từ chữ Ăn I đến chữ Ăn XII kéo dài đến 4 trang giấy khổ 21 x 29 cm. Sau 12 chữ Ăn là một số mục từ phái sinh, in chữ đậm, có cả phần giải nghĩa và phần Văn liệu cho mỗi mục: Ăn chơi, Ăn làm, Ăn mày, Ăn mặc, Ăn nằm, Ăn năn, Ăn nói, Ăn ngồi, Ăn ở, Ăn tiêu, Ăn uống, Ăn xin).
- LVĐ (Quyển thượng, tr. 30): ĂN đt. Hành-động nuôi sống, thỏa-mãn sự đói dạ, gồm có đút đồ ăn vào miệng mà nhai rồi nuốt: Ăn cơm, ăn quà, ăn lót lòng… // Ăn trong các việc quan, hôn, tang, tế: Ăn giỗ, ăn tiệc… // Nhận hưởng, tìm hưởng lợi lộc, tiền bạc cách chánh đáng hay không: Ăn lương, ăn công, ăn lận, ăn trộm // Thích hợp, vừa vặn, rập khuôn nhau: Ăn răng, ăn rập, ăn nhịp // Xâm nhập, dẫn tới, thấm vào, chết, lan ra: Ăn lan, ăn luồn, ăn hiếp, ăn về… // Chia làm nhiều phần, chấp, trị giá: Ăn giấy, ăn năm, ăn sáu, 1 đồng ăn 8…
(Tiếp dưới chữ ĂN theo nghĩa đầu tiên, soạn giả ghi ra và giải thích 80 từ ngữ đi với chữ ĂN [như: ăn bốc, ăn cám sú, ăn cầm chừng, ăn cầm hơi, ăn cỗ…, ăn vạ, ăn vay, ăn vặt, ăn vụng, ăn xổi]. Từ nghĩa thứ hai đến nghĩa thứ sáu, ghi lại 5 chữ ĂN theo 5 nghĩa đã phân biệt như trên, rồi dưới mỗi chữ ĂN này đều có các mục từ ghép đi với nó [như: ăn cưới, ăn giỗ, ăn hỏi, ăn hương hỏa, ăn mừng…]. Tổng cộng có cả thảy 166 từ ngữ đi theo 6 nghĩa phân biệt của chữ ĂN).
- HP (tr. 12): ăn đg. 1 Tự cho vào cơ thể thức nuôi sống. Ăn cơm. Thức ăn. Ăn có nhai, nói có nghĩ (tng.). Làm đủ ăn. Cỏ ăn hết màu. 2 Ăn uống nhân dịp gì. Ăn cưới. Ăn liên hoan. Ăn Tết. 3 (Máy móc, phương tiện vận tải) tiếp nhận cái cần thiết cho sự hoạt động. Cho máy ăn dầu mỡ. Xe ăn tốn xăng. Tàu đang ăn hàng (nhận hàng để chuyên chở) ở cảng. 4 (kết hợp hạn chế). Nhận lấy để hưởng. Ăn hoa hồng. Ăn thừa tự. Ăn lương tháng. 5 (kng.). Phải nhận lấy, chịu lấy (cái không hay; hàm ý mỉa mai). Ăn đòn. Ăn đạn. 6 Giành về mình phần hơn, phần thắng (trong cuộc thi đấu). Ăn con xe. Ăn giải. Ăn cuộc. Ăn nhau ở tinh thần. 7 Hấp thu cho thấm vào, nhiễm vào trong bản thân. Vải ăn màu. Da ăn nắng. Cá không ăn muối, cá ươn (tng.). 8 Gắn, dính chặt vào nhau, khớp với nhau. Hồ dán không ăn. Gạch ăn vôi vữa. Phanh không ăn. 9 (kết hợp hạn chế). Hợp với nhau, tạo nên một cái gì hài hòa. Hai màu rất ăn với nhau. Người ăn ảnh (chụp ảnh dễ đẹp). 9 Làm tiêu hao, hủy hoại dần dần từng phần. Sương muối ăn bạc trắng cả lá. Sơn ăn mặt. 11 Lan ra hoặc hướng đến nơi nào đó (nói về khu vực hoặc phạm vi tác động của cái gì). Rễ tre ăn ra tới ruộng. Sông ăn ra biển. Phong trào ăn sâu, lan rộng. 12 (kng.) Là một phần ở ngoài phụ vào; thuộc về. Đám đất này ăn về xã bên. Khoản này ăn vào ngân sách của tỉnh. 13 (Đơn vị tiền tệ, đo lường) có thể đổi ngang giá. Một dollar ăn mấy đồng Việt Nam?
(Dưới ghi ra và giải thích tất cả 115 từ ghép và thành ngữ đi với chữ ăn, như: ăn bám, ăn bẩn, ăn bận, ăn bơ làm biếng…, ăn tươi nuốt sống, ăn uống, ăn vã, ăn vạ, ăn vận, ăn xài, ăn xin, ăn xổi ở thì, ăn ý).
ĐẸP:
- HTC (Tập I, tr. 290): 𢢲 ĐẸP. n. Xinh tốt, ngộ nghỉnh, ưng ý, xứng ý.
(Dưới nêu ra và giải thích một số từ ngữ: Đẹp đẽ, Đẹp ý, Đẹp lòng, Đẹp dạ, Đẹp bụng, Đẹp miệng, Đẹp mặt nở mày).
- KTTĐ (tr. 176): ĐẸP. Xinh, tốt. Trái với xấu: Người đàn-bà đẹp, quyển sách đẹp, cái nhà làm đẹp, nết đẹp. Nghĩa bóng: xứng ý, vui lòng: Đẹp lòng, đẹp ý, đẹp đôi.
(Dưới nêu ra và giải thích 3 từ ngữ: Đẹp duyên, Đẹp đẽ, Đẹp mặt. Phần Văn liệu dẫn: Muốn đẹp mặt phải nặng cổ.- Vợ đẹp con khôn (T-ng)).
- LVĐ (Quyển thượng, tr. 437): ĐẸP tt. Xinh, lịch sự, khoái mắt, sướng mắt: Gái đẹp, xinh đẹp; Cái nết đánh chết cái đẹp; Thấy anh đẹp nói đẹp cười, Đẹp người đẹp nết lại tươi răng vàng // Tốt, hiền-hậu: Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người CD // Xứng nhau, vừa ý: Đẹp đôi, đẹp ý.
- HP (tr. 306): ĐẸP t. 1 Có hình thức hoặc phẩm chất đem lại sự hứng thú đặc biệt, làm cho người ta thích nhìn ngắm hoặc kính phục: Cô gái đẹp. Cảnh đẹp. Múa rất đẹp mắt. Một ngày đẹp trời. Một cử chỉ đẹp. 2 (dùng phụ trước d., trong một số ít tổ hợp) Có sự hài hòa, tương xứng. Cặp vợ chồng đẹp đôi. Đẹp duyên. 3 (dùng phụ trước d., trong một số ít tổ hợp). Có cảm giác thích thú. Đẹp lòng. Đẹp ý. // Láy: đèm đẹp (kng.; ý mức độ ít).
(Dưới là những từ ghép đi với chữ đẹp: đẹp duyên, đẹp đẽ, đẹp đôi, đẹp giai, đẹp lão, đẹp lòng, đẹp mắt, đẹp mặt, đẹp trai).
CHĂNG:
- HTC (Tập I, tr. 122): 庄 CHĂNG. n. Tiếng hỏi có không.
(Dưới là những từ ngữ đi với chăng: Phải chăng, Nên chăng, Khá chăng?, Hay chăng?, Nghe chăng?, Vã chăng, Chăng văng).
- KTTĐ (tr. 113): CHĂNG. Cũng như tiếng chẳng mà có ý nghi ngờ: Hẳn rằng mai có như rày cho chăng (K).
(Dưới là phần Văn liệu dẫn nhiều câu trong các truyện thơ Nôm như Kiều, Cung oán ngâm, Chinh phụ ngâm, Nhị độ mai).
- LVĐ (Quyển thượng, tr. 267): CHĂNG trt. Chẳng, không, tiếng dùng sau câu hỏi hoặc giữa câu mà có ý nghi ngờ: Đêm khuya thiếp mới hỏi chàng, Cau tươi ăn với trầu vàng xứng chăng?; Phải chăng vườn mới thêm cây, Cảnh kia thêm nụ thì đây lui về CD.
- HP (tr. 138): CHĂNG I p. 1 (cũ; vch; dùng trong một vài tổ hợp) Từ biểu thị ý phủ định; như chẳng, không. Nghe lóm câu được câu chăng (có câu nghe được có câu không). Có chăng chỉ một mình anh ta biết. 2 (thường dùng ở cuối câu) Từ biểu thị ý muốn hỏi, tỏ ra còn nửa tin nửa ngờ. Chậm rồi chăng? Việc ấy nên chăng? Thuyền ơi có nhớ bến chăng?... (cd.).
II tr. Từ biểu thị ý nhấn mạnh về điều vừa giả định, nhằm làm nổi bật điều muốn khẳng định. Khó đến mấy chăng nữa cũng không ngại.
Qua một số mục từ đã trích dẫn trong 4 quyển tự/ từ điển như trên, nếu so sánh đối chiếu Đại Nam quấc âm tự vị với các tự/ từ điển ra đời sau nó, chúng ta thấy mục từ cơ bản ở đây là tiếng (tự) hoặc từ (đơn). Sau mỗi mục từ cơ bản là các kết hợp của tiếng đó với các tiếng khác, như sau tiếng cha thì có Cha mẹ, Cha đẻ,… Cha cầm đầu, Cha đỡ đầu, Cha bàu chủ, Cha cả, Cha phần hồn,… Các tổ hợp sau mỗi tự/ từ đơn trong Đại Nam quấc âm tự vị lại được thu thập/ nêu ra một cách khá tùy tiện, với một số tổ hợp hầu như “vô loại”, vì không thể xếp chúng thuộc vào loại đơn vị nào (là từ, cụm từ quen dùng, hay thành ngữ?), như đưa cả vả rớt răng, xỉa răng vào mục từ răng; đưa ớ ai, chớ ai vào mục từ ai...
Các thông tin thuộc về cấu trúc vi mô [7] của một quyển tự/ từ điển tiếng Việt cũng không được soạn giả chú ý đầy đủ, ngoài việc ghi chữ n sau mục từ để biểu thị “nôm”, chữ c để biểu thị “chữ nho”, và c, n biểu thị “chữ nho mà có dùng nôm”.
Về cách định nghĩa/ giải thích ở mục từ cơ bản, tuy có ngắn gọn rõ ràng và khá chính xác nhưng lại quá giản đơn, vì thế đôi khi không đủ đáp ứng giúp người đọc hiểu được các nghĩa khác nhau của một từ đa nghĩa. Soạn giả thường chỉ nêu được một, hai nghĩa chính yếu nhất, như ở từ cha chỉ nêu được duy nhất một nghĩa “Kẻ sinh ra mình”, không nêu được nghĩa “linh mục” và những nghĩa khác, nhưng trong các kết hợp phía dưới thì lại có Cha cầm đầu, Cha đỡ đầu, Cha bàu chủ (dùng theo nghĩa “linh mục”): Người đỡ đầu trong lúc rửa tội, chịu che chở cho mình cũng như cha đẻ. Ở mục từ ăn chỉ nêu được hai nghĩa “nhai nuốt” và “hưởng dùng” (trong khi so với tự điển KTTĐ nêu phân biệt được đến 12 nghĩa; LVĐ 6 nghĩa; HP 13 nghĩa), dưới nêu ra và giải thích đến 124 từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ, cụm từ quen dùng (quán dụng ngữ) đi với chữ ăn, nhưng xếp một cách hầu như lộn xộn, không phân biệt giữa nghĩa “nhai nuốt” và “hưởng dùng”.
Về từ ngữ, thành ngữ, câu dùng làm thí dụ, soạn giả không nêu thí dụ ngay sau một hoặc hai nghĩa chính nào đó, mà dường như muốn dùng các kết hợp phía dưới được xếp đặt một cách khá lộn xộn, không phân biệt nghĩa, để vừa giải thích, vừa thay luôn cho các thí dụ cho từ đầu mục.
Mấy điều vừa nói trên đây là một số điểm vô lý, thiếu logic khá quan trọng trong việc biên soạn tự/ từ điển. Điều hạn chế này có thể hiểu được, vì trong điều kiện giữa thế kỷ XIX, Huỳnh Tịnh Của và các đồng sự của ông chưa thể có đủ sách vở/ tài liệu tham khảo để tiếp cận được với khoa từ điển học hiện đại.
“Nói tóm lại, mặc dù có một số khuyết điểm…[8], Huỳnh Tịnh Của thật sự đã tiến một bước rất xa trong việc làm tự điển ở thời đại ông…
Lần đầu tiên Huỳnh Tịnh Của làm công việc định nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt, một việc làm tiên phong như vậy không thể coi là dễ dàng được. Phải có một sở học thật vững chắc, một khả năng ngôn ngữ, cộng với một tấm lòng tận tụy say mê, người ta mới có thể hoàn thành một bộ tự điển vừa phong phú về nội dung, vừa đặc sắc về cách định nghĩa.
Cho đến ngày nay, thiết tưởng Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn là một bộ tự điển giá trị, giúp ích rất nhiều cho những ai muốn học hỏi tiếng Việt, chúng ta thật khó có thể tìm một bộ tự điển Việt Nam nào khả dĩ thay thế nó hoàn toàn được. Kể về nội dung cũng như hình thức, bộ Đại Nam quấc âm tự vị vẫn còn ăn đứt nhiều bộ tự điển Việt Nam hiện đang có mặt ở thị trường sách” [9] (Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 128-129).
Nhà văn Sơn Nam cũng không ngại lời ca tụng: “Một công trình đáng kể về khối lượng và chất lượng, ghi lại lời ăn tiếng nói của mọi giới ở vùng đất Đồng Nai. Những tiếng lóng, tiếng thông dụng mà các nhà bác học mãi đến nay còn do dự, chưa ghi vào tự điển vẫn có mặt trong quyển tự vị này: bánh hỏi, mười hai mụ bà, mười ba đức thầy...” (Người Sài Gòn, NXB. Trẻ, 2004).
Tiếp sau, chúng ta sẽ lần lượt khảo sát từ thể thức trình bày đến các mặt nội dung cụ thể của Đại Nam quấc âm tự vị. [10]
THỂ THỨC TRÌNH BÀY CỦA ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ
Ngoài bìa sách, từ trên xuống dưới ghi rõ tên sách bằng chữ Pháp (Dictionnaire Annamite), chữ Hán (大南國音字彙) và chữ Việt (Đại Nam quấc âm tự vị), dưới có dòng chữ nhỏ in nghiêng: “Tham dụng chữ nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ”. Dòng tên tác giả ghi: Huình-Tịnh Paulus Của.
Phần đầu sách có 6 trang “Tiểu tự” gồm hai thứ chữ Việt và Pháp; 6 trang ghi “Kể các dòng vua Trung Quốc từ Phục Hi sấp về sau” và “Kể các dòng vua nước Nam lấy trong sách ngoại kỉ”. Riêng Tập II, ngay ở phần đầu sách còn có 3 trang “Đính ngoa” và “Bổ di” áp dụng chung cho cả hai tập. Phần chính văn, với tổng cộng 1.204 trang khổ 24 x 31 cm, bộ tự vị được chia làm 2 tập: Tập I (từ A đến L, 608 trang) và Tập II (từ M đến chữ X, 596 trang), mỗi trang đều chia làm hai cột.
Cả pho từ vị chứa đựng 7.537 chữ/ từ đơn đầu mục (với Tập I: 3.401 chữ, Tập II: 4.136 chữ), với khoảng gần 30.000 từ ngữ, thành ngữ được giải nghĩa kèm sau mỗi chữ/ từ đơn này [11]. Trước mỗi chữ đầu mục đều có in kèm chữ Nôm hoặc chữ Hán. Một số thành ngữ gốc Hán nêu làm thí dụ phía dưới các chữ/ từ đơn đầu mục cũng được ghi kèm chữ Hán. Điều đáng chú ý là Đại Nam quấc âm tự vị đã làm được việc mà nhiều từ điển tiếng Việt hiện tại chưa làm được: phân biệt các từ Nôm và từ Hán Việt, bằng cách ghi tắt chữ n (“nôm”) cho từ Nôm, ghi c (“chữ”) cho từ gốc Hán, và ghi c, n (“chữ” và “nôm”) cho một từ vừa dùng trong chữ Hán, vừa dùng trong chữ Nôm.
Về hình thức chữ viết Hán, Nôm, theo lời “Tiểu tự” ở đầu sách, “Chữ nho thì cứ tự điển Khương hi, chữ nôm chọn trong các các ca vãn hay đã nói trước [như là ca trù, Chinh phụ ngâm, Kim Vân Kiều…], cả thảy đều dùng chính nôm chính chữ; quốc ngữ Latin thì tùy theo thói quen, giữ cho thiệt tiếng thiệt vần”.
Đại Nam quấc âm tự vị xếp các chữ/ từ đơn đầu mục theo thứ tự a,b,c…, cơ bản như các loại tự/ từ điển khác, nhưng vẫn có nhiều điểm khác biệt so với nhiều bộ tự/ từ điển Việt Nam về sau, như các chữ A, Ă, Â hoặc O, Ô, Ơ hoặc E, Ê nằm trong mỗi từ đơn được sắp kế nhau, thay vì hết chữ A mới sang Ă, Â hoặc hết O, mới sang Ô, Ơ. . . Thí dụ: Sau chữ Am (A khởi đầu), đến chữ Ẵm (Ă khởi đầu), Âm (Â khởi đầu), Ấm, Ầm, Ẩm, rồi trở lại An, Án (A khởi đầu). Sau chữ Án đến chữ Ăn, Ân, Ấn, Ẩn, rồi trở lại Ang.
Đặc biệt, sau chữ H, tác giả xếp chữ Y dài rồi đến I ngắn, thay vì Y dài thường đặt sau chữ X như các tự/ từ điển thông thường hiện nay.
Các chữ có đánh dấu giọng cũng không theo thứ tự thống nhất, khi thì không dấu, sắc, huyền hỏi; khi thì không dấu, nặng, huyền, ngã, sắc.
- Sau mỗi chữ/ từ đơn, tác giả giải nghĩa thêm một số từ ngữ/ thành ngữ có liên quan đến chữ/ từ đơn ấy, như sau chữ Ba (q. I, tr. 17, c.1 và 2), ghi và giải nghĩa các từ ngữ/ thành ngữ như: Ba ba, Ba sanh, Ba hồn bảy vía, Ba bảy hai mươi mốt, Ba lo, Ba dãy bảy ngang, Ba vuông bảy tròn, Ba chớp ba sáng, Ba chìm ba nổi, Ba bó một vạ, Ba rọi, Cháng ba, Cái đinh ba, Ngã ba, Bô lô ba la, Con ba ba, Bánh ba ba.
- Sau tiếng chuối (q.1, tr. 169, c.1), có ghi và giải nghĩa các từ ngữ như: Cây chuối, Chuối cây, Lá chuối, Bẹ chuối, Tàu chuối, Buồng chuối, Quày chuối, Nải chuối, Đọt chuối, Bắp chuối, Dây chuối, Chỉ chuối, Mềm như chuối, Chuối cau, Chuối cơm, Chuối lá trắng, Chuối lá đen, Chuối vông, Chuối hột, huối chát, Chuối và hương, Chuối ngà, Chuối tiêu…, Ăn không biết lột vỏ chuối, Chuối đút miệng voi, Chuối non, Chuối đóng vóc.
TỪ NGỮ VIỆT CỔ
Phàm ai muốn có một bộ Đại Nam quấc âm tự vị trong tay thì điều người ta nghĩ tới trước tiên mà cũng là đặc điểm nổi bật nhất của nó đối với người có nhu cầu học hỏi, tra cứu, nghiên cứu tiếng Việt ngày nay là bộ tự điển này chứa đựng khoảng gần 2.000 từ ngữ cổ [12], có lẽ rất thông dụng ở thế kỷ XIX hoặc thời gian trước đó khá lâu, nhưng hiện nay người Việt không còn nói, không còn viết nữa. Để tra cứu những từ ngữ thông thường, có lẽ không ai mất công phải tìm đến Đại Nam quấc âm tự vị, vì trong trường hợp này, chỉ cần dùng các loại từ điển tiếng Việt thông dụng hiện đại sẽ được tiện lợi hơn nhiều.
Dưới đây là một ít từ ngữ được chọn trong những tiếng khởi đầu bằng chữ A, Ă, mà chúng ta không thấy có trong bộ Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, cũng như trong bộ Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức [13]: Áng ná: cha mẹ (q. I, tr. 13, c. 1, h. 15); Áp lẫm: ghẽ (sic) ống chơn lở lói, khó cho thuốc (q. I, tr. 15, c. 2, h. 22); Ăn cẫm (sic) địa: ăn phần kiến (sic) biếu, vì mình đã có dâng cúng đất đai mà làm đình miễu, ở kế tiên hiền (q. I, tr. 10, c. 2, h. 36 - 38); Ăn chưa thíp: ăn chưa no đủ, chưa vừa sức, ăn chưa hết bao nhiêu (q.II, tr. 399, c. 2, h. 19 - 20); Ăn gạo: mua gạo. Thường nói: ghe đi ăn gạo; tàu ăn gạo thì là mua, chở gạo (q. I, tr. 11 c. 2, h. 45 - 46); Ăn sinh cầm: ăn gỏi cá sống. (q. I, tr. 95, c. 1, h. 41)…
Đặc biệt có những tiếng nói chơi, tiếng lóng thường dùng ở thời Huỳnh Tịnh Của mà hiện nay không mấy người Việt biết đến được ông ghi chép, giải thích: Bình phu: vừa bằng. Tiếng riêng người cờ bạc; không ăn không thua, đủ vốn gọi là bình phu (q. I, tr. 59, c. 1, h. 3 - 5); Cao thành lớn bánh: tiếng nói chơi người cao lớn mà thô tục (thường hiểu về đờn bà) (q. II, tr. 373, c. 1, h. 42 - 44); Chộ cằn: tiếng riêng trong sự đánh bài, chỉ nghĩa là đánh rán cho hết bài (q. I, tr. 148, c. 1, h. 11 - 12); Đời la đa lép đép: đời lâu xa chẳng biết đâu mà tính, (tiếng nói chơi) (q. I, tr. 560, c. 1, h. 43 - 44); Ông dài: sấu lớn. Ngu tục sợ sấu kêu nó bằng ông, mà lại không dám kêu tên (q. I, tr. 216, c. 1, h. 11 - 12); Ông trắm Khổng-lò: hiểu là hai lỗ mũi, (tiếng nói chơi) (q. II, tr. 466, c. 1, h. 41 - 42); Tiền phú hậu bần. Trước giàu sau nghèo: dụng như tiếng nói chơi thì hiểu là đầu lớn đít nhỏ (q. II, tr. 207, c. 1, h. 6 - 8).
Chỉ riêng từ “nói”, Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức có ghi đến mấy trăm “lối nói”, nhưng lại thiếu gần cả trăm lối nói mà Đại Nam quấc âm tự vị đã ghi nhận và giải nghĩa (liệt kê theo thứ tự a, b, c), như: Nói bá quàn, Nói bào chuốt, Nói bắc cầu, Nói bát cạy, Nói bỏ xó, Nói bổng chảng, Nói cay ngạc, Nói có sách ước, Nói chạ, Nói chả chớt, Nói chèo đai, Nói chi ngô, Nói chiệng ảnh, Nói chiếu, Nói choãnh…, Nói xóc đế… [14]
THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ
Theo thống kê của Nguyễn Văn Y, “Trong bộ Đại Nam quấc âm tự vị có tất cả trên năm trăm câu thành ngữ và tục ngữ Việt Nam. Trong số đó, có gần 300 câu mà chúng ta không tìm thấy trong quyển Tục ngữ phong dao của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và cả trong bộ Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức, và có hơn 60 câu khác với hai bộ ấy ở một vài chữ” (tlđd., tr. 44). Có thể kể: Ăn thì dùa, thua thì chịu (q. I, tr. 246, c. 2, h. 37 - 38); Cao lễ dễ thưa (q. I, tr. 104, c. 1, h. 47 - 48); Con có cha nhà có chủ (q. I, tr. 158, c. 2, h. 47 - 48); Cục đất nắn ra ông táo (q. II, tr. 200, c. 2, h. 13 - 15); Ăn tấm trả giặt (q. II, tr. 336, c. 1, h. 11); Chạy ô rô, mắc ô mã (q. II, tr. 169, c. 1, h. 29 - 30); Chết ngẳng củ từ (q. II, tr. 510, c. 1, h. 7); Đắng như khổ qua quẹo (q. II, tr. 230, c. 2, h.23); Đặng kiện như sọ trâu khô, mất kiện như mồ ma chết (q. I, tr. 513, c. 2, h. 31 - 34).
Có khá nhiều câu nếu không được Huỳnh Tịnh Của giải thích thì người bây giờ thật khó suy đoán ý nghĩa. Như: Ăn cơm bảy phủ (q. II, tr. 208, c. 1, h. 26 - 28); Ăn như xa cán cùn (q. I, tr. 96, c. 2, h. 39); Ăn trầu cách mắt (q. I, tr. 11, c. 1, h. 41 - 44); Bẻ cò bỏ nóp (q. I, tr. 175, c. 1, h. 20 - 21).
Một số câu mở đầu bằng chữ “Làm”, chỉ có trong Đại Nam quấc âm tự vị, mà không thấy có trong hai bộ sách nói ở trên: Làm ăn như chết đuối vịn bờ (q. I, tr. 133, c. 2, h. 27 - 28); Làm chuyện trảy mày (q. II, tr. 465, c. 1, h. 8); Làm gái làm mụ (q. II, tr. 342, c. 2, h. 18 - 19); Làm như chỉ lộn cuồng (q. I, tr. 137, c. 2, h. 45); Làm như con mẹ nhạy (q. II, tr. 118, c. 1, h. 27 - 28); Làm như đi thỉnh kinh (q. II, tr. 398, c. 1, h. 35 - 36); Làm như hùm mất thịt (q. II, tr. 400, c. 1, h. 24 - 25).
TỪ NGỮ VỀ CỎ CÂY VÀ CHIM THÚ
Đại Nam quấc âm từ vị sưu tập khá nhiều từ ngữ liên quan tên gọi cỏ cây và chim thú, kèm theo những định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu, sát với thực tế đời sống. Tuy nhiên, vẫn còn mặt hạn chế chủ yếu ở chỗ phần nhiều cách mô tả cỏ cây, chim thú chưa đạt chuẩn khoa học, cũng không có tên khoa học bằng tiếng Latinh đi kèm như trong từ điển của Taberd. Như ở chữ CẦN với nghĩa rau cần, soạn giả giải thích: Loại rau thơm ưa đất thấp, một thứ nhỏ lá thơm nhiều, gọi là cần Tàu một thứ lớn lá ít thơm, gọi là cần ta còn một thứ lớn cây lớn lá không thơm gọi là cần trâu (q.I, tr. 99, c. 2, h. 41 - 44).
Tuy nhiên, nhờ lối định nghĩa ngắn gọn và thực tế đặc biệt của tác giả, chúng ta ngày nay nhận thấy các giống loài cỏ cây và chim thú phần lớn đã được người Việt đặt tên gọi bằng cách dựa trên hình dáng, màu sắc (Cỏ chỉ, Chuối hột, Chuối lá trắng, Chuối lá đen, Chuối lửa, Cây vòi voi, Cây vú sữa…); hoặc vào tính chất, công dụng (Hoa mắc cỡ, Hoa nguyệt quí, Hoa tí ngọ, Bông tứ quí, Cây thuốc nọc, Cỏ xước…); hoặc vào âm thanh, theo tiếng kêu (Ảnh òn, Ảnh ương, Cà khu, Chó chóc, Cú, Cu gầm ghì, Chim hít cô, Chim trã trẹt, Ve…).
Về tên gọi cỏ cây và chim thú, Huỳnh Tịnh Của tỏ ra rất uyên bác, biết rõ nhiều loài khác nhau trong một giống sinh vật. Như về các loài chuối: Chuối cau, chuối cơm, chuối hột, chuối lá đen, chuối lá trắng, chuối lửa, chuối nanh heo, chuối non nước, chuối nước, chuối và hương, chuối và lùn, chuối vông (q. I, tr. 169, c. 1 và 2). Các loài tre: Tre bạc mày, tre bông, tre bộp, tre dây, tre đài, tre đỏ, tre gai, tre giang, tre la ngà, tre lồ ô, tre lông, tre mò o, tre nứa, tre tàu, tre tầm vông. (q. II, tr. 476, c. 1 và 2). Các loài kiến: Kiến lửa, kiến đất, kiến cỏ, kiến vàng, kiến hôi, kiến riện, bò nhọt, kiến mọi, kiến mốc, kiến kim, kiến vương, kiến cành, kiến cánh (q. I, tr. 514, c. 1 và c.2). Các loài ngựa: Ngựa bạch, ngựa kim, ngựa kim than, ngựa kim lem, ngựa kim lân, ngựa bích, ngựa hội, ngựa hạc, ngựa séo, ngựa khứu, ngựa ô, ngựa tía, ngựa tía vang, ngựa tía cháy, ngựa hồng, ngựa đạm, ngựa đạm chỉ, ngựa đạm lợt (q. II, tr. 108, c. 1 và c. 2). Các loại rắn: Rắn rồng, rắn rồng ri, rắn rồng ri cá, rắn rồng ri cóc, rắn liu điu, rắn lãi, rắn ráo, rắn nước, rắn bông súng, rắn roi, rắn hổ, rắn hổ đất, rắn hổ ba khoang, rắn hổ ngựa, rắn hổ mây, rắn hổ chuối, rắn hổ mang, rắn hổ hành, rắn mái gầm, rắn nẹp nia, rắn vày tên, rắn râu, rắn trun, rắn trun đỉa, rắn trun đẻn, rắn trun cườm, rắn lục, rắn lục lửa, rắn mặt cân, rắn đòn cân, rắn mỏ vọ (q. II, tr. 245, c. 2, h. 18 - 49).
TÊN NGƯỜI VÀ TÊN ĐẤT [15]
“Cả bộ Đại Nam quấc âm tự vị chỉ chiếm vào khoảng 70 mục từ về tên người và 360 mục từ về tên đất. Hai loại này thật quá ít, dường như soạn giả chỉ ghi những tên người, tên đất nào thường được nói đến, nghe đến, hay đọc thấy trong các sách rất phổ thông ở thời đại ông, chứ chưa chịu khó tra tìm thêm ở các sách sử, địa, các loại địa phương chí để thu thập, ghi chép.
Riêng về phần nhơn danh, tên các nhơn vật trong lịch sử Trung Hoa chiếm hết hai phần ba, nhơn danh Việt Nam chỉ gồm có mười mấy tiếng. Sở dĩ có hiện tượng nầy, biết đâu là do hồi thời đó văn chương của các nhà Nho, của hàng trí thức, thường chứa các danh từ về nhơn danh Trung Quốc nhiều hơn, mà Huỳnh Tịnh Của chỉ là người lượm lặt những từ ngữ thường được viết trong các áng văn thời ấy ra để đem vào tự điển. Dù sao, đó vẫn là một khuyết điểm của một bộ Tự điển Việt Nam” (Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 59).
Cách giải thích tên người tên đất phần nhiều cũng giản đơn không đủ rõ, hoặc thậm chí sai sót, do chỉ ghi theo trí nhớ, mà không tra cứu. Như: Càn-long. Hiệu vua thứ hai, đời nhà Thanh (Trung-quốc); cũng là tên chỗ (q. 1, tr. 97, c. 1, h. 19-20). Trong thí dụ này có 2 điểm không ổn: (1) Ở nghĩa thứ nhất, Càn Long thật ra không phải là “Hiệu vua thứ hai, đời nhà Thanh” (mà phải là vua thứ 5 Thanh Cao Tông [1736 - 1795] mới đúng); (2) Ở nghĩa thứ hai, tên đất, chỉ giải thích “cũng là tên chỗ” thì không ai biết chỗ là chỗ nào (có lẽ soạn giả muốn nói tới quận Càn Long, thuộc thành phố Trà Vinh ngày nay).
Về địa danh Trung Quốc, trái lại, Huỳnh Tịnh Của ghi rất ít, chỉ có hơn 20 danh từ trong tổng số trên 350 danh từ địa danh.
Riêng về các địa danh ở Việt Nam, toàn bộ tự điển có trên 300 danh từ, mà hai phần ba là các địa danh ở miền Nam; miền Trung và miền Bắc ít hơn. Ta nhận thấy những địa danh nằm trong vùng Phước Tuy (thuộc tỉnh Bà Rịa), nơi chôn nhau cắt rún của Huỳnh Tịnh Của, được ông ghi vào tự điển nhiều nhất trong số các địa danh ở mỗi tỉnh. Đại khái có thể kể: Cữa tắc khái, Đá bàn, Đất đỏ, Gò sằm, Khê gà, Hóc kè, Lưới rê, Phước hải, Thao lao, Vũng giằng (tất cả đều thuộc địa phận Phước Tuy/ Bà Rịa, nơi quê hương tác giả).
Đại Nam quấc âm tự vị không ghi đủ tên các tỉnh ở Việt Nam, toàn quốc chỉ có vài mươi tỉnh được nhắc đến. Ngay đối với các tỉnh miền Nam cũng thiếu sót.
Trong các địa danh miền Nam, nhiều nhất là tên sông rạch, núi non; rất ít các địa danh về phủ, huyện, làng. Ít hơn nữa là một số địa danh về cù lao, cửa biển, bãi, gành, giồng, truông; có tên vài ngôi chợ, chùa, miếu, nhưng càng quá ít.
Ngoài ra, trong Đại Nam quấc âm tự vị còn có vài chục địa danh thuộc các nước khác trên thế giới, hầu hết là các láng giềng của ta ngày ấy, như Cao Miên, Lào, Chiêm Thành, Xiêm, Miến Điện, Nhật Bổn; một ít xứ xa hơn được kể tên là Ma Ní, Malacca, Rô-Ma, Thổ-nhỉ-kỳ [soạn giả viết nhỉ dấu hỏi], và các biển lớn trên thế giới như Địa-trung-hải, Hắc-hải, Hồng-hải.
Hầu hết các địa danh đều được giải nghĩa rất ngắn gọn, thường chỉ cho biết chúng nằm ở đâu vậy thôi, chứ không mô tả chi tiết. Thậm chí, vài địa danh còn không được cho biết nằm ở đâu, như: Cái-nhum, Đông-sơn, Eo-vượt, Hàn-giang, Thù-lù.
Nhưng có lẽ điểm đặc sắc đáng kể và lý thú nhất là soạn giả đã cho biết rõ lý do tại sao một số địa danh lại có tên gọi như thế. Vài thí dụ:
Ba-động: tên cửa biển ở về tỉnh Vĩnh-long. Tên chỗ có ba hòn động ở tại tỉnh Bình-thuận, trên có miễu bà chúa Ngọc (q. I, tr. 322, c. 2, h. 21 - 23).
Bến-nghé: bến ở tại vàm sông kinh vào Chợ-lớn, cũng hiểu chung là đất Bến-thành; có kẻ nói là bến tắm trâu, có kẻ nói là vùng sấu ở, không lấy đâu làm chắc (q. I, tr. 47, c. 1, h. 16 - 17).
Bình-di: tên đồn ở về tỉnh An-giang, cũng có nghĩa là làm cho mọi yên (q. I, tr. 231, c. 1, h. 18 - 19).
Cầu Thị-nghè: tên cầu qua làng Phú-mĩ, ở gần thành cũ Gia-định, lấy tước một bà làm nên cầu ấy mà đặt (q. II, tr. 389, c. 1, h. 36 - 38).
Cù lao-phố: cù lao lớn ở tại tỉnh Biên-hòa, nguyên là chỗ có nhiều phố xá, cũng gọi là Đông-phố, chỉ nghĩa là phố bên đông (q. II, tr. 200, c. 2, h. 3 - 6).
Cữa-thuận: xưa là cữa eo, người ta không muốn cho nó eo, thì cải là cữa thuận, chính là cữa kinh đô nước Đại-nam (q. II, tr. 420, c. 1, h. 17 - 19).
Chợ-đũi: tên chợ, nguyên là chỗ hay bán đũi, dệt đũi (q. I, tr. 331, c. 1, h. 36 - 37).
Giếng-bộng: tên xứ về hạt Phước-tuy, thuở xưa ở đó có cái giếng bằng bộng cây (q. I, tr. 73, c. 1, h. 36 - 37).
Núi Chiêng Bà-đen: tên núi ở phủ Tây-ninh, tỉnh Gia-định, trên có chùa thờ bà thần tên là Đen (q. I, tr. 19, c. 1, h. 36 - 37).
Ngự-bình: hòn núi ở tại thành đô Annam, giống cái bình phong (q. I, tr. 59, c. 2, h. 15 - 16).
Trảng-bàng: tên trảng có nhiều cỏ bàng, về hạt Tây-ninh (q. I, tr. 33, c. 1, h. 17 - 18).
NHỮNG CHỮ CÓ NGUỒN GỐC NGOẠI LAI
Từ có gốc phương Tây rất ít, vì đến thế kỷ XIX, ảnh hưởng của ngôn ngữ phương Tây đối với tiếng Việt vẫn còn chưa đáng kể. Suốt bộ tự điển chỉ tìm thấy một vài chữ như: Kim kê na: thuốc rét rất đắng chế ra như bột. (Quinquina) (q. I, tr. 469, c. 2, h. 7 – 8). (36); Ma tà: lính canh tuần. (Tiếng Malais, kêu theo đã quen) (q. II, tr. 1, h. 14 - 15). (37).
Trái lại, có nhiều tiếng do ảnh hưởng của tiếng Hoa (với phương ngữ Triều Châu, tức quen gọi tiếng Tiều) và tiếng Campuchia. Có thể kể một số tiếng mà tác giả Đại Nam quấc âm tự vị cho là có gốc Triều Châu: Kía 子: con (q. I, tr. 512, c. 1, h. 35); Tần nằng kía 唐人子: con khách (q. I, tr. 512, c. 1, h. 36); Khậu 褲: cái quần: Y khậu: áo quần (q. I, tr. 483, c. 1, h. 1 - 4); Khậu 庫: kho, nhà lớn trữ hàng hóa: Tổng khậu: đầu bếp, kẻ nấu ăn (q. I, tr. 483, c. 1, h. 5 - 6); Khự 去: đi (q. I, tr. 503, c. 1, h. 18): Cháo khự: trốn đi, chạy đi (q. I, tr. 503, c. 1, h. 19); Mửng (Mãng) 門: chỉ nghĩa là cửa, thường hiểu là phía, bề, cách thế (tiếng điếm đàng) (q. II, tr. 57, c. 2, h. 34 - 36); Tần khạo: các lái ghe giàn, các lái ghe Nam-vang (q. I, tr. 481, c. 2, h. 38 - 39); Tía 爺: cha (q. II, tr. 433, c. 2, h. 9); Lù tía 老爺: người lãnh hoa chi (tiếng xưng hô) (q. II, tr. 433, c. 2, h. 11 - 12); Tía má: cha mẹ (q. II, tr. 2, c. 2, h. 7); Toa 單: (Đơn). Giấy biên kí hàng hóa hoặc biên vị thuốc (q. II, tr. 450, c. 1, h. 38 - 30); Tòa 大 (Đại): lớn (q. II, tr. 451, c. 1, h. 1 - 2): Tòa hia: anh cả (Thiên địa hội) (q. II, tr. 451, c. 1, h. 3); Tửng: tên riêng (q. II, tr. 519, c. 1, h. 35); Thầu: ăn nuốt (q. II, tr. 380, c. 1, h. 13); Thẩu: nhựa nha phiến, nhựa phù dung (q. II, tr. 380, c. 1, h. 18 - 19); Thộ: thùng, giỏ (q. II, tr. 402, c. 1, h. 24); Chè thộ: chè nguyên bao, nguyên thùng (q. II, tr. 402, c. 1, h. 25); Thèo lèo: bánh trái, đồ ăn nước uống, chính chữ là 茶料 trà liệu (q. II, tr. 386, c. 1, h. 11 -13); Vẹ 位 (tiếng khách) (q. II, tr. 546, c. 2, h. 8): Lão vẹ: tiếng gọi khách gia (q. II, tr. 546, c. 2, h. 9); Xáo: Giọng. Xiên xáo: 仙草 thứ cỏ có nhiều nhựa ăn mát, giọng ta đọc là tiên thảo, nghĩa là cỏ tiên (q. II, tr. 575, c. 1, h. 8 - 402); Xẳng xái: mặc ý (q. II, tr. 574, c. 1, h. 33); Xỉnh xái: mặc ý (q. II, tr. 571, c. 1, h. 27).
Những tiếng mà soạn giả cho là gốc ở tiếng Campuchia: Cà ròn: bao dài đương bằng lá cây, cộng cỏ (q. II, tr. 263, c. 2, h. 15 - 16); Chà gạc: cái mác Cao-miên, đồ binh khí của Miên (q. II, tr. 341, c. 2, h. 1 - 2); Chùm nhum: chỉ nghĩa là xúm xít (q. I, tr. 165, c. 1, h. 24); Chùm nhum, chòm nhum: vầy đoàn, tụ hội, nhóm nhau một chỗ. Ngồi chùm nhum (q. II, tr. 142, c. 2, h. 1 - 3); Gòi: phần thủ, phần hờ (q. I, tr. 38, c. 2, h. 22 - 28); Trình gòi: đi thưa cho người coi gòi, hay đem giấy thông hành cho người coi gòi xem (q. I, tr. 388, c. 2, h. 30 - 32); Mẹ nàng: đờn bà lớn tuổi (q. II, tr. 69, c. 2 h. 7); Mọp: quì gối, sấp mình, cúi xuống, (thói Mên) (q. II, tr. 50, c. 2, h. 17 - 18); Nàng: nương (Tiếng xưng hô cho các đờn bà). Tiếng Mên gọi là nen (q. II, tr. 69, c. 2, h. 4 - 5); Ót chỉ: hết tiền, nghèo quá (q. II, tr. 179, c. 2, h. 28); Ràm: (tưởng là tiếng Mên) (q. II, tr. 243, c. 2, h. 4); Nha ràm: tên chỗ thuộc huyện Phước lộc (Cần giuộc) (q. II, tr. 243, c. 2, h. 5 - 6); Tầm lon: chỉ nghĩa là đem lần lần: chỡ tầm lon (q. II, tr. 336, c. 1, h. 32 - 33).
Ngoài ra, còn có những tiếng có lẽ cũng gốc Campuchia, mặc dù tác giả không ghi rõ là “tiếng Cao Mên” như ở những chỗ khác: Cà uôm: tiếng cọp kêu rên (q. I, tr. 78, c. 2, h. 11); Ghe cà vom: ghe Cao Mên hay làm mui dài lắm (q. II, tr. 559, c. 1, h. 13); Rân cà tum: tiếng om sòm (q. I, tr. 87, c. 1, h. 33); Xăng cà đung: rộn ràng quá (q. II, tr. 574, c. 1, h. 14); Xăng bông: id. (q. II, tr. 574, c. 1, h. 15).
CÁCH VIẾT CHỮ NÔM TRONG ĐẠI NAM QUẤC ÂM TỰ VỊ
Trong Đại Nam quấc âm tự vị, có khá nhiều chữ Nôm thuộc loại giả tá, nhưng Huỳnh Tịnh Của dùng chữ 口 để ghi âm (không dùng cái “nháy nháy” đặt ở góc trên bên mặt chữ Nôm). Chữ khẩu nhỏ đặt ở góc trên bên trái chữ Hán dùng để chỉ tỏ âm chữ Nôm đó hơi khác với âm Hán Việt. Thí dụ:
*** Bọn: đoàn, lũ. (q. I, tr. 69, c. 1, h. 32) (Chữ khẩu 口 ở góc trên bên trái chữ bổn 本).
*** Cằn: mót máy. Tiếng trợ từ. (q. I, tr. 98, c. 1, h. 31) (Chữ khẩu 口 ở góc trên bên trái chữ cần 勤).
*** Mé: dựa bìa, ngoài nép (q. II, tr. 27, c. 1, h. 38) (Chữ khẩu口 ở góc trên bên trái chữ mỹ 美).
Vì không theo một nguyên tắc nào nhất định, nên nhiều chữ Nôm trong Đại Nam quấc âm tự vị viết không giống với chữ Nôm ở trong các bộ tự điển tiêu biểu khác như Dictionarium Annamitico Latium của Taberd, Dictionnaire Annamite Francais của J. F. M. Génibrel, và Dictionnaire Annamite- Francais của Jean Bonet. Như ở các chữ: Ao (q. I, tr. 14, c. 1, h. 31); Áo (q. I, tr. 14, c. 2, h. 1); Bấm (q. I, tr. 27, c. 2, h. 17); Bấng (q. I, tr. 35, c. 1, h. 14); Bấu (q. I, tr. 43, c. 1, h. 25); Bậy (q. I, tr. 26, c. 1, h. 14); Be (q. I, tr. 43, c. 2, h. 39); Bể (q. I, tr. 45, c. 2, h. 34); Bến (q. I, tr. 46, c. 2, h. 38); Bòng (q. I, tr. 72, c. 2, h. 1); Bưng (q. I, tr. 83, c. 2, h. 6); Bướm (q. I, tr. 84, c. 1, h. 22); Bướu (q. I, tr. 84, c. 2, h. 2).
“Số chữ viết khác nầy rất nhiều, có đến ngót mấy ngàn chữ, ở đây chúng tôi chỉ ghi lại một số ít chữ tiêu biểu để làm thí dụ mà thôi. Chính sự viết chữ Nôm khác biệt của Huỳnh Tịnh Của, hay nói đúng ra là của các áng văn chữ Nôm thời mà ông đã theo đó ghi vào tự điển của ông, sẽ giúp cho các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu chữ Nôm đưa ra được nhiều nhận xét đặc biệt về cách cấu tạo của thứ văn tự nầy” (Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 89-90).
--------------
Hoạt động cùng thời với Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898), Trương Minh Ký (1855 - 1900), Huỳnh Tịnh Của là một trong những nhà văn - nhà báo quốc ngữ tiền phong của nước ta vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ - văn chương - văn hóa Việt, mà công lao đáng kể, mang lại giá trị lâu bền nhất, có lẽ chính là bộ Đại Nam quấc âm tự vị như trên chúng ta đã khảo sát, đánh giá tương đối đầy đủ. Ông hiệu Tịnh Trai, nên còn quen gọi Huỳnh Tịnh Trai, cũng thường ký bút danh Paulus Của khi viết báo (Paulus là tên Thánh). Sinh năm Canh Dần 1830 tại làng Phước Tụy, tổng Phước Hưng Hạ, tỉnh Bà Rịa (nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) [16], mất ngày 26.1.1908.
Nhờ học trường đạo nên ông rất giỏi Pháp văn và chữ Latinh, còn về chữ Hán thì phải nhờ Tôn Thọ Tường chỉ vẽ thêm [17]. Theo đạo Kitô, năm 12 tuổi được đưa sang học một trường đạo ở Pulo Pinang, phía tây bắc Malaysia.
Khi học đạo lên đến chức “Thầy tư” thì hoàn tục, trở về quê cưới vợ.
Năm 1862, sau khi Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, ông bắt đầu giúp việc cho nhà nước thuộc địa, làm Thông ngôn, rồi lãnh việc phiên dịch văn án trong cơ quan Bureau des traductions à la Direction de l’Intérieur de Saigon (sau đổi tên là Direction du Service local, “Phòng phiên dịch Dinh Thượng thơ Saigon”). Năm 1865, Huỳnh Tịnh Của được biệt phái về làm việc ở Bộ Tổng Tham mưu (Etat Major général).
Ngày 1.1.1873, ông được thăng chức Huyện đệ nhất hạng (Huyện de Première classe), đến làm việc tại “Phòng phiên dịch Dinh Thượng thơ” (Direction de l’Intérieur, sau đổi tên là Bureaux du Gouvernement de la Cochinchine). Ngày 1.1.1881, thăng chức Phủ đệ nhị hạng (Phủ de deuxième classe). Ngày 1.8.1884, lại thăng Phủ đệ nhất hạng (Phủ de première classe) và được bổ làm Đốc phủ sứ ngoại ngạch (hors cadre).
Năm 1892, Huỳnh Tịnh Của được chọn làm hội viên của Ủy ban Cải tổ trường Thông ngôn (member de la Commission de réorganisation du collège des Interprètes). Ông còn có chân trong ban biên tập (comité de rédaction) bán nguyệt san Revue Indochinoise (1893 - 1925), một tạp chí rất có giá trị chuyên nghiên cứu về Đông Dương.
Nhiều lần ông được mời làm giám khảo trong các cuộc thi do Pháp tổ chức để chấm môn Việt văn và Hán văn.
Huỳnh Tịnh Của là một trong những người Việt Nam đầu tiên khởi xướng phong trào báo chí quốc ngữ ở nước ta [18]. Ông cùng với Trương Vĩnh Ký tham gia sáng lập tờ Gia Định báo, có nhiều bài viết từ những số đầu tiên năm 1865, giữ việc biên tập liên tiếp nhiều năm cho tờ báo quốc ngữ đầu tiên này, và đã tỏ ra xuất sắc trong những bài khảo cứu về các cổ tích, khoa học phổ thông, sưu tập thi ca cũ, cũng như phiên dịch các bài diễn văn, nghị định, công văn bằng tiếng Pháp ra tiếng Việt.
Huỳnh Tịnh Của cũng là người đầu tiên biên soạn bộ tự điển đơn ngữ giải thích tiếng Việt, đã “vượt xa hơn cái việc trực tiếp phục vụ chính quyền pháp mà biểu lộ cái ý thức của tác giả muốn ‘chuẩn thằng hóa tiếng Việt’” (Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, Tập II, NXB. Thành phố Hồ Chí Minh, 1988).
Ông là người chịu ảnh hưởng Tây phương, đã tích cực viết sách viết báo, biên soạn tự điển, đã cùng với Trương Vĩnh Ký cổ động việc dùng chữ Quốc ngữ viết theo mẫu tự Latinh, tỏ rõ là một người yêu chuộng văn hóa dân tộc, biết giữ gìn/ khai thác những di sản văn hóa - tinh thần của cổ nhân để lại bằng cách nỗ lực phiên âm, phổ biến những áng văn xưa của người Việt.
Trong cuộc đời công chức, ông được ban thưởng các huy chương: Đại Nam hàn lâm viện trực học sĩ (Médaille d’officier de Dragon d’Annam), Đại Pháp hàn lâm kim diệp (Médaille d’officier d’Académie), Ngũ đẳng Bắc đẩu bội tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur), và Kim khánh Cao Miên (Officier de l’ordre royal du Cambodge).
Mặc dầu được nhà nước Pháp trọng đãi, ông vẫn luôn tỏ ra là một người khiêm tốn, giản dị, có cuộc sống thanh bần. Theo Nguyễn Liên Phong trong Điếu cổ hạ kim thi tập, ông là người “hình dung nho nhã, tánh nết cẩn thận hiền lành (...), đã quá tuổi hưu trí mà Nhà nước đoái tưởng ngài tuổi lớn nhà nghèo, cho làm luôn” (dẫn lại theo Nguyễn Văn Y, tlđd., 14).
Ngoài Đại Nam quấc âm tự vị được coi là công trình lớn đáng kể nhất, Huỳnh Tịnh Của còn là tác giả, dịch giả của nhiều tác phẩm khác, chia làm hai loại chính: sưu tập - biên khảo, phiên âm - chú thích. Có thể liệt kê theo thứ tự thời gian như sau:
1. Maximes et Proverbes, Imprimerie du Gouvernement, Saigon, 1882, 35 tr. [19]
2. Chuyện giải buồn rút trong các sách hay, để giúp trong các trường học cùng những người học tiếng Annam. In lần thứ 2, Bản in Quản hạt, Saigon, 1886, 100 + 3 tr.
3. Chuyện giải buồn cuốn sau dịch rút trong các sách hay, lại phụ các án tấu, án đoán quan Annam làm, lập lời nói trang nhã, lịch sự, để giúp trong các trường học cùng giúp cho các người học tiếng Annam. Cuốn sau, Bản in Nhà hàng Rey et Curiol, Saigon, 1886, 96 tr.
4. Sách bác học sơ giai (Simples lectures sur diverses sciences), Nhà in Rey et Curiol, Saigon, 1887, 248 tr. [20]
5. Sách quan chế, Bản in nhà nước, Saigon, 1888, 94 tr.
6. Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, Saigon, 1896, 94 tr. [21]
7. Quan âm diễn ca. In lần 3, Nhà in Xưa Nay, Saigon, 1898, 32 tr.
8. Gia lễ. In lần thứ 2, Imprimerie Commerciale Ménard & Rey, Saigon, 1904, 52 tr.
9. Phép đo (Arpentage), Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude et Cie, Saigon, 1905, 78 tr.
10. Thơ mẹ dạy con, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1905, 61 tr. [22]
11. Trần sanh diễn ca, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1905, 61 tr. [23]
12. Lang Châu toàn truyện. Bổn cũ sửa lại, Imprimerie Commerciale Ménard et Rey, Saigon, 1905, 38 tr.
13. Văn Doan diễn ca, Coudurier & Montégout, Imprimeurs-Editeurs, Saigon, 1906, 100 tr.
14. Bạch Viên Tôn Các truyện. Phụ Chinh phụ ngâm. Bổn cũ dọn lại, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1906, 36 tr.
15. Chiêu Quân cống hồ. Bổn cũ dọn lại. In lần 2, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1906, 40 tr.
16. Ca trù thể cách, Imprimerie Commerciale Mercellin Rey, Saigon, 1907, 40 tr.
17. Tống Tử Vưu truyện. Bổn cũ dọn lại, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1904, 32 tr. In lần thứ 4, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1907, 30 tr.18. Thoại Khanh Châu Tuấn. Bổn cũ dọn lại, Imprimerie Commerciale, Saigon, 1908, 28 tr. In lần thứ 6, Nhà in Xưa Nay, Saigon, 1929, 22 tr.
19. Câu hát góp (Recueil de Chansons Populaires), Impr. Commerciale Ménard Legros, Saigon, 1901, 32tr. In lần thứ 4, Phát Toán, Saigon, 1910, 32 tr.
Ngoài ra, Huỳnh Tịnh Của còn một số tác phẩm khác nữa, thấy giới thiệu trên các bìa sách đã xuất bản của ông [24]: Phép toán (Arithmétique), Tam soạn tư hạt nhựt xấp (Recueil des formules annamites). Thanh Lãng, trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (NXB. Trình Bày, Saigon, 1967, quyển hạ, tr. 21), có ghi Huỳnh Tịnh Của là tác giả của Vãn Cha Minh và Lái Gẫm. André Baudrit, trong Guide historique des rues de Saigon, ghi ông còn soạn quyển Catéchismes (Saigon, 1885), và dịch nhiều truyện Tàu ra Quốc ngữ.
-----------------------------------
[1]. Huỳnh Tịnh Của không độc lực làm việc mà còn có vài người nữa đã âm thầm giúp sức cho ông trong quá trình biên soạn Đại Nam quấc âm tự vị, nhưng những người này không được ghi tên chung trên bìa sách, cũng không thấy ông nhắc tới trong bài “Tiểu tự”. Điều này đã được tác giả Nguyễn Văn Y chứng minh một cách khá thuyết phục căn cứ vào tính thiếu nhất trí của toàn bộ công trình. Tác giả Nguyễn Văn Y còn sưu tầm và dẫn ra được bài báo “Chữ quấc ngữ” do Nguyễn Kỳ Sắt viết trên tuần báo Nam nữ giới chung (số 1, 28 Mars 1930, xuất bản tại Cholon, tr. 5), nguyên văn (chép y theo từng chữ) như sau: “Các ông còn Hậu sanh nghe tiếng ông Paulus Huỳnh-Tịnh-Trai (ông Đốc Phủ Của) chớ chưa biết tài ngài năm 1889 thượng thơ đỗi lại là Direction du Service Local, tôi vào làm việc tại phòng Thông ngôn, tùng quyền ngài phụ dịch tờ gia định Báo với ngài, ngài đây là hửu danh vô thiệt, một tay tôi với thầy Huỳnh Mai Liễu cháu ruột ngài làm Thông Phán (Sau thầy đỗi lên Thủdầumột) làm gần hết cuốn tự-vị quấc-ngữ đó. mạnh tôi tôi viết, mạnh Liễu, M.Liễu viết, chữ c. cũng được, chữ t. cũng hay có g. hay là không g tự do, ngài trông về tới nhà thì ngài lập vỏ. gọn bân như triệu tử long cằm kích. còn việc học chử An-nam của ngài, thì nói cho chí lý, ngài hơn tôi chừng vài chục chữ” (theo Huỳnh Tịnh Của và công trình Đại Nam quấc âm tự vị, Tiểu luận Cao học Ngữ học của Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn, chương XII, tr. 131-135).
[2]. Trước khi quyển tự vị của Huỳnh Tịnh Của ra đời, nước ta chưa có quyển tự điển nào giải nghĩa tiếng Việt bằng tiếng Việt. Mãi đến năm 1931 mới có một quyển tự điển tiếng Việt thứ hai, đó là Việt Nam tự điển do Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo (Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội). Hầu hết các bộ tự điển từ thời Alexandre de Rhodes với bộ Dictionarium Annamiticum, Lusitanum et Latinum (Tự điển Việt-Bồ-La, 1651) cho đến hậu bán thế kỷ XIX chỉ là những tự vị song ngữ (hoặc Việt Latinh, hoặc Việt Pháp), tiêu biểu có thể kể những cuốn đã xuất hiện trước hoặc gần như đồng thời với Đại Nam quấc âm tự vị: Dictionarium Annamiticum Latium của Pigneau de Béhaine (1772); Dictionarium Annamiticum Latium của Pigneau de Béhaine (1772); Dictionarium Annamitico Latium của Taberd (1838); Dictionarium Annamiticum Latium của Theurel (1877); Dictionnaire Annamite Francais của J. F. M. Génibrel (1898); Dictionnaire Annamite- Francais của Jean Bonet (1899).
[3]. Việc in ấn cũng gặp nhiều khó khăn trở ngại. Theo Phạm Long Điền (Tạp chí Bách Khoa, số 417/1974): “Trong phiên họp ngày 11.1.1897 (?), Hội đồng Quản hạt nhóm bàn nên hay không nên chi tiền tài trợ cho bộ Đại Nam quấc âm tự vị. Cuộc tranh luận thật sôi nổi. Một hội viên người Pháp hống hách lớn tiếng nói: Nhà nước không có mướn ông Phủ Của làm tự điển loại ấy, nếu Ông có làm thì đó là ý kiến cá nhân thôi...”. Theo Ông Nguyễn Văn Quan (Tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 634/2008): “Bộ tự vị này đã được một ủy ban đặc biệt khảo sát với thành phần gồm các ông Narville, Rossigneux, Thirode và Pétrus Ký. Mọi người đồng ý nhìn nhận: đây là một tác phẩm có giá trị lớn lao, thật hữu dụng, và việc phổ biến nó không những mang lại danh dự cho nhà nước mà còn cho cả tác giả nữa. Nhưng số tiền chi quá lớn nên đề nghị Hội đồng Quản hạt quyết định... Và Hội đồng Quản hạt chấp nhận chi 6.400 đồng để in 1.000 quyển Đại Nam quốc âm tự vị của Paulus Của và tặng tác giả 1.000 đồng. Nhưng mãi đến tháng 10.1895 mới in xong” (dẫn lại theo bài “Từ điển Việt Nam xưa và nay”, sachxua.net/forum/ban-tron-van-hoc-lich-su-van.../tu-dien-viet-nam-xua-va-nay/).
[4]. Khi trích dẫn từ ngữ trong Đại Nam quấc âm tự vị, chúng tôi luôn giữ nguyên cách viết theo chính tả của Huỳnh Tịnh Của, dù có khác với chính tả tiếng Việt hiện đại. Xem thêm Phụ lục II ở cuối sách.
[5]. Chúng tôi xin nêu ra và so sánh Đại Nam quấc âm tự vị (viết tắt: HTC) với 3 bộ tự/ từ điển sau đây: Việt Nam tự điển 1931 của Hội Khai Trí Tiến Đức (viết tắt: KTTĐ), Tự điển Việt Nam 1970 của Lê Văn Đức (viết tắt: LVĐ), Từ điển tiếng Việt 2006 của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, Hoàng Phê chủ biên (viết tắt: HP). Chúng tôi cho sao y các mục từ trong các tự điển này, tôn trọng cả quy cách chữ viết và chính tả.
[6]. Về các dấu hoa thị (*), theo thể lệ của từ điển HP, “Khi thí dụ là một ngữ cố định hoặc một thành ngữ có được thu thập và đã được định nghĩa ở một mục từ riêng trong quyển từ điển, thì dùng dấu hoa thị đặt trên góc phải để lưu ý người đọc” (Trích “Nội dung và cấu tạo của quyển từ điển” trong Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên).
[7]. Cấu trúc vi mô là cấu trúc của các mục từ. “Mục từ cung cấp tri thức về từng đơn vị của bảng từ (cấu trúc vĩ mô), qua giải thích nghĩa và những chú thích về chính tả, ngữ âm, ngữ pháp, từ nguyên, phạm vi sử dụng, khả năng tổ hợp, v.v. của từ ngữ, những chú thích về quan hệ của từ ngữ trong hệ thống từ vựng-ngữ nghĩa (quan hệ đồng âm, đồng nghĩa, trái nghĩa…), và qua những thí dụ minh họa” (xem Hoàng Phê - Nguyễn Ngọc Trâm, “Một số vấn đề từ điển học”, trong Một số vấn đề từ điển học, NXB. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977, 11-16).
[8]. Về các mặt sai sót khuyết điểm, xin xem Phụ lục I ở cuối sách, bài “Những khuyết điểm của bộ Đại Nam quấc âm tự vị” của Nguyễn Văn Y.
[9]. Xin lưu ý, tác giả Nguyễn Văn Y viết những lời đánh giá này vào khoảng những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước.
[10]. Khi khảo sát một số mặt nội dung của Đại Nam quấc âm tự vị, chúng tôi đã tham khảo chủ yếu theo tập luận văn cao học của Nguyễn Văn Y, tlđd.
[11]. Theo Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 28-29.
[12]. Theo Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 33.
[13]. Hội Khai Trí Tiến Đức khởi thảo, Việt Nam tự điển, Imprimerie Trung Bắc Tân Văn, Hà Nội, 1931.- Lê Văn Đức (Cùng một nhóm văn hữu soạn), Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Việt Nam tự điển (Quyển Thượng A-L, Quyển Hạ M-X), Nhà sách Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
[14]. Trong tập tiểu luận của Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 36-42, tác giả đã liệt kê thí dụ có đến 103 cụm từ đi với chữ “nói”, đây xin lược bớt.
[15]. Phần tên đất và tên người này, chúng tôi chỉ tóm tắt/ rút gọn lại từ nội dung Chương VII, “Nhơn danh và địa danh” trong tập tiểu luận cao học Ngữ học của Nguyễn Văn Y, tlđd., tr. 59-64.
[16]. Làng Phước Tụy là nơi Huỳnh Tịnh Của được sinh ra. Còn quê gốc ông lại là làng Phước Thọ, tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, tỉnh Biên Hòa, tức xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay. Làng Phước Tụy cũng thuộc tổng Phước Hưng Hạ, nằm cạnh làng Phước Thọ (xem Đoàn Lê Giang, “Những vấn đề về tiểu sử Huỳnh Tịnh Của”, Tạp chí Xưa & Nay, số 472, tháng 6-2016, tr. 25).
[17]. “Chính ông Paulus Huỳnh Tịnh Của đã nhờ Tôn [Thọ Tường] giúp sức trong việc tập rèn khoa chữ Hán” (Khuông Việt, Tôn Thọ Tường một danh sĩ đất Đồng Nai, Ngày Nay, Hà Nội, 1941, tr. 65. Dẫn lại theo Trần Nhật Vy, “Nhà báo Huỳnh Tịnh Của”, sách chuyên đề Suối Nguồn, Tập 18, tháng 8.2015, tr. 169).
[18]. Để hiểu thêm Huỳnh Tịnh Của với tư cách nhà báo, có thể xem Trần Nhật Vy, tlđd., tr. 168-177.
[19]. Về sách này, đây dẫn theo Nguyễn Văn Y (tlđd., tr. 16). Nhưng theo Đoàn Lê Giang thì có sự nhầm lẫn: Huỳnh Tịnh Của không có riêng quyển Maximes et Proverbes, mà sách này chính cũng là quyển Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn. Sở dĩ có sự lầm lẫn ấy là vì trang bìa sách in cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX thường ghi 2-3 thứ chữ Việt –Pháp - Hán. Nguyên văn trang bìa sách này ghi: “俗語古語嘉言– Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn - Maximes et Proverbes – par Paulus Của Huỳnh-Tịnh Đốc phủ sứ - Sài Gòn, Imprimerie & Librairie Nouvelles Claude & Cie, 1896” (“Những vấn đề về tiểu sử Huỳnh Tịnh Của” (tiếp theo bài trước), Tạp chí Xưa & Nay, số 473, tháng 7-2016, tr. 42). Tuy thuyết của tác giả Đoàn Lê Giang nói thế, và có in cả hình bìa cuốn sách để chứng minh, nhưng chúng tôi vẫn còn nghi hoặc, vì không có sẵn đủ tài liệu trong tay để dẫn chứng (biết đâu vẫn có riêng sách Maximes et Proverbes in năm 1882, như vài nhà nghiên cứu về Huỳnh Tịnh Của đã ghi?).
[20]. Theo Đoàn Lê Giang (Xưa & Nay, tlđd., tr. 43), sách này có tài liệu ghi là Bác học sơ giải, nhưng phải là Bác học sơ giai mới đúng. “Sơ giai” là bậc thềm đầu, giai đoạn đầu, bước đầu. “Sơ giải” là giải thích đơn giản.
[21]. Xem chú thích số 15 trong bài này.
[22]. Đoàn Lê Giang (Xưa & Nay, số 473, tlđd.) ghi Thơ mẹ dạy con, 1907; Saigon, Imp. Moderne, 1913, 12 trang.
[23]. Đoàn Lê Giang (Xưa & Nay, số 473, tlđd.) còn ghi thêm: Bản in của Nhà in Thạch Thị Mau 1928 đổi tên là: Trần sanh Ngọc Anh, 30 trang.
[24]. Theo Nguyễn Văn Y (tldd., tr. 17-18).