Khuyết

Khuyết

Vọng - thơ Nguyễn Đức Sơn - Thư viện Huệ Quang ảnh ấn năm 2017 theo nguyên bản của An Tiêm, với sự chấp thuận của tác giả. Ảnh: Min

Thi ca là sự khúc xạ của thể tính tồn tại qua tâm hồn thi sỹ, ngôn ngữ trong thi ca là âm thanh phát ra từ cuộc giáp mặt của thi sỹ với thể tính tồn tại bởi trực cảm thăm thẳm của thi sỹ. Trên bước phiêu du hằng hữu của nó, thể tính tồn tại đã chọn những tâm hồn lớn của người nghệ sỹ chân chính làm đối tượng diện kiến, hay nói cách khác chỉ có những tâm hồn lớn của người nghệ sỹ chân chính mới có thể vươn tới vùng không gian phi vật lý nơi đó thể tính tồn tại thực hiện cuộc viễn du vô thủy vô chung của nó.

Ở Phạm Công Thiện, ngôn ngữ bộc phát ra ngay lập tức trong cuộc chạm mặt đó, ngôn ngữ không hề do dự, ngây thơ và bộc trực, không có dấu vết xử lý, không qua lựa chọn, sàng lọc, không đắn đo.... như tiếng nói thơ dại của trẻ nhỏ, như phản xạ của ánh sáng khi chạm mặt tiếp xúc, mộc và giản như tiếng gà cục tác, như mùi rơm rạ sau chái bếp; đôi khi khinh bỉ vần điệu.

Vọng - bản gốc của An Tiêm in năm 1972. Ảnh: Min

Còn trong thơ của Thầy Tuệ Sỹ, ta lại được chiêm ngưỡng thứ ngôn ngữ sang cả, uyên áo như bước ra từ một tòa lâu đài lộng lẫy nguy nga nào đó mà để xây nên nó người ta đã phải chịu nhiều hy sinh, tự mình trải qua biết bao thăng trầm thống khổ, chứng kiến bao nỗi chia ly thấm đẫm nước mắt của con người; đã có một sự thai nghén, ấp ủ, trăn trở, ưu tư qua những đêm đen dài như vô tận một mình đối diện với bóng tối, với hư vô. Như một loại cây gỗ quý nhiệt đới mọc lên từ vùng sỏi đá khô cằn và khí hậu khắc nghiệt, qua năm rộng tháng dài chịu đựng đắng cay trong dai dẳng, bền bỉ cuối cùng đã in hằn lên trên thân cây những vân gỗ vằn vện, ngoằn ngoèo có một không hai như muốn kể lại những biến cố đã xảy ra trên dòng biến dịch, như ngầm đánh dấu một trong những giai đoạn khó quên của lịch sử.

Trong tập thơ “Vọng” của Nguyễn Đức Sơn, ngôn ngữ thi ca hiện ra như là một chuỗi kết cấu của những mảnh vỡ từ một cuộc đổ vỡ lớn được ghép lại một cách ngẫu nhiên, vô định. Những gì đứng cạnh nhau khai báo rằng chúng vốn không thuộc về nhau. Cảm xúc chủ đạo khi đọc “vọng” là một sự đứt rời, sự bước hụt của những bàn chân liên tục dẫm vào chỗ trống rỗng, không nơi bám víu. Do tính cách dữ dằn, dứt khoát, và mãnh liệt khởi đi từ nguồn sống phun trào của nội tại, anh phải chứng kiến một cuộc đổ nát tan hoang và thê thảm khi chạm mặt thể tính tồn tại ở chiều bóng tối. Nhưng anh chấp nhận tất cả và gom góp những gì còn lại từ cuộc đổ vỡ, anh làm thành một tiếng “vọng”, hai tay nâng đỡ tiếng “vọng” đó như nâng đỡ một nỗi vạn thế sầu từ tiền kiếp thổi tới; anh dũng lầm lì bước tới, bước tới dù biết rằng cũng chẳng đi đến đâu, rằng “chuyện gì rồi cũng buồn thôi”. Đã có một cái gì trôi tuột đi mất như sông trong “vọng”, như một người vừa nắm trong tay mình một nhúm cát mịn, ý thức mình đã nắm thứ gì đó trong tay, giờ muốn giở ra xem thử mặt mũi nó như thế nào thì nó trôi tuột đi gần hết, những gì còn lại trong tay là không đủ, là chẳng còn gì, cảm giác đã đánh mất hoàn toàn cái đã vừa nắm vào trong lòng tay khoảnh khắc trước đó. Những thi sỹ như anh là đã được chọn bởi thể tính tồn tại để vẽ nên chân dung siêu thực về cuộc hiện diện đau khổ của chúng ta trên mặt đất bằng ngôn ngữ. Sau này, có lẽ chúng ta không bao giờ còn thấy có ai được chọn nữa trong cái thế giới mà tâm hồn con người đang ngày càng suy tàn này.

- Uyển Lan -

CHIA SẺ

Bài viết khác

Bài viết tiếp theoVề một kiệt tác của Hồ Hữu Tường

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài