Phục chế Hứa Sử truyện vãn

Phục chế Hứa Sử truyện vãn

Hứa Sử truyện vãn có 3 truyền bản:

A. Mộc bản Viên Quang (Phú Yên)

Hứa Sử truyện vãn lần đầu được sơn môn tổ đình Viên Quang khắc bản năm 1828 (Mậu Tý-Minh Mệnh cửu niên). Hiện còn hai bộ sách được tìm thấy rập bản từ bộ mộc bản này:

1. Bản Viên Quang – do thầy Lê Mạnh Thát phát hiện ở Vạn Giã (nên gọi là bản Vạn Giã). Bản này một số trang bị khuyết chữ. Đặc biệt mất bốn mặt cuối, là nơi ghi các thông tin quan trọng về người cúng khắc, nơi khắc bản, năm khắc bản.

2. Bản Viên Quang – lưu trữ tại Thư viện Huệ Quang, được hiến tặng vào TVHQ năm 2014. Bản này còn đủ các trang, giấy mỏng dính và úa màu thời gian nhưng vẫn có thể đọc rất tốt.

B. Mộc bản Giác Viên (Gia Định)

Được trùng khắc (trùng tử) năm Canh Thìn 1880 do ngài Minh Khiêm-Hoằng Ân-Diệu Nghĩa thực hiện, không cho biết dựa vào bản nào. Bộ mộc bản này hiện còn một số ván khắc lưu trữ tại chùa Giác Viên-Sài Gòn. Có ba bản giấy đã được tìm thấy từ bộ mộc bản này:

1. Bản thầy Lê Mạnh Thát nhắc đến trong Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài.

2. ABKHAC-0004, hiện lưu trữ tại TVHQ. Văn bản hầu như còn nguyên vẹn. Bản này được thầy Nguyễn Văn Sâm dùng làm bản đáy để phiên âm Tỉnh mê một cõi-tức Hứa Sử truyện, do Viện Việt học in năm 2015 ở hải ngoại. Sau sách có in lại nguyên bản.

3. ABKHAC-0007, hiện lưu trữ tại TVHQ. Văn bản tương đối tốt, mất một vài chữ ở các trang đầu. Bản này do hòa thượng trụ trì chùa Giồng Thành hiến tặng TVHQ cách đây gần 10 năm.

C. Mộc bản Tân Long (Sa Đéc)

TVHQ sưu tầm được một bản giấy và một bản chụp. Cả hai bản đều mất ngay vị trí thường để năm khắc bản, người khắc bản nên mất thông tin. Tuy vậy, nhiều khả năng mộc bản đã được ngài Từ Vân (1866-1934) tổ chức khắc ván trong những năm 1915-1930 cùng với hàng chục bộ mộc bản khác. Mộc bản hiện lưu trữ tại TVHQ còn được một số trang: quyển thượng: 7, 8, 9, 17, 18, 21, 27, 28, 34, 37, 43, 56, 57 (57-57 có 2 ván); quyển hạ: 12, 14, 22.

1. Bản chùa Phong Hòa-Cao Lãnh, bản này còn tương đối tốt, rất tiếc khuyết hai trang cuối quyển hạ: 23-24, thường là những trang mang thông tin văn bản.

2. Bản ABKHAC-0006, là bản đã được TVHQ phục chế. Bản này quyển thượng mất 5 trang đầu, 6 trang tiếp theo khuyết nhiều chữ. Các trang cuối quyển hạ bị khuyết một số chữ. Rất may mặt cuối cùng còn được thông tin cho biết mộc bản được khắc ở chùa Tân Long, Tân Thuận, Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc.

Trong bộ Toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, tác giả Lê Mạnh Thát chưa biết đến truyền bản Tân Long này, cũng như chưa biết được một số thông tin quan trọng của bản Viên Quang.

Qua đối chiếu bước đầu, nhận thấy giữa 3 truyền bản dù có thể được in bằng cảnh phủ bản (trùng tử-dùng bản cũ dán lên ván rồi khắc) nhưng đều có sự chỉnh cú. Không bản nào giống hoàn toàn với bản nào. Việc này cần được khảo dị một cách kỹ lưỡng như học giới đã thực hiện đối với các truyền bản Truyện Kiều, mới có thể đi đến những kết luận chính xác về văn bản học.

Ngoài các truyền bản chữ Nôm trên, Hứa Sử cũng đã được phiên âm từ năm 1930 bởi Tịnh Quan (Quang?) cư sỹ-Võ Văn Liễng với truyền bản Giác Viên làm bản đáy.

Hứa Sử truyện vãn là một tác phẩm văn học Nôm Phật giáo tương đối lớn với 4486 câu (Truyện Kiều 3254 câu) có thể được (Toàn Nhật?) san định vào đầu thế kỷ 19 và khắc in tại Tổ đình Viên Quang lần đầu 1828. Hứa Sử được ca tụng là làm tốt việc xiển dương chánh pháp và tài bồi thuần phong mỹ tục, tức chân đế-tục đế vẹn toàn.

Hứa Sử có một tầm ảnh hưởng đặc biệt nên đã được khắc bản nhiều lần và có nhiều bản phiên âm Quốc ngữ từ xưa. Từ Phú Yên, đến Gia Định, xuống Đồng Tháp, tức phổ biến rộng ở Đàng Trong.

Kể từ lần san định được xem như cuối cùng, các truyền bản của Hứa Sử tương đối còn đầy đủ. Bản chùa Viên Quang khắc lần đầu đến nay đã gần 200 năm mà vẫn còn nguyên vẹn. Trong khi, Truyện Kiều, được xem là kiệt tác bất hủ của văn học dân tộc, ra đời cùng thời, nhưng mộc bản khắc Kiều xưa nhất là bản Liễu Văn Đường 1866 (sau Hứa Sử 38 năm) hiện lưu trữ ở Bảo tàng Nguyễn Du bị hư khuyết hết một phần ba. Các bản Kiều thuộc loại xưa và quý nhất in sau đó 10 năm đều lưu lạc ở hải ngoại. Xem ra Hứa Sử may mắn hơn Kiều nhiều.

Với sự ảnh hưởng và lịch sử lâu đời, Hứa Sử truyện vãn cần được chú trọng nhân bản bảo tồn, phục chế lưu trữ và nghiên cứu một cách tử tế để giữ gìn cho hôm nay và mai sau, đối với Phật giáo, cũng như đối với văn học nước ta.

Sài Gòn, Trọng Xuân, Giáp Thìn

Thích Không Hạnh

..........................

Hình ảnh: Các hình dưới là quá trình phục chế bộ Hứa Sử truyện vãn-truyền bản Tân Long (ABKHAC-0006) do Thư viện Huệ Quang thực hiện đầu năm 2024.

 

 

CHIA SẺ

Tưởng niệm Ân Sư

Tưởng niệm Ân Sư

Tra cứu thư mục

Chọn thể loại:

Tặng sách - sách tặng

Tặng sách - sách tặng

Liên kết ngoài

Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài
Liên kết ngoài