In lụa là kỹ thuật in có cách in đơn giản, màu sắc khi in phù hợp tạo ra những sản phẩm in có tính thẩm mỹ cao. In lụa là tên được đặt xuất phát từ lúc bản lưới của khuôn in làm bằng tơ lụa nhưng dần dần bản in này còn có thể được dùng đa dạng bởi các nguyên liệu khác như các loại vải và sợi hóa học, thậm chí còn được dùng bằng lưới kim loại nên cũng có tên là in lưới.
Nguyên lý hoạt động in lụa: Một phần mực in được thấm qua lưới in những chỗ cần in, còn những chỗ không cần in thì được bịt lại bằng hóa chất chuyên dùng.
Nguyên lý tuy đơn giản nhưng để có một ấn bản đẹp thì việc đầu tư chế bản phôi in và chế tác khung lụa phải thật tốt và tay nghề người thợ in cần phải thuần thục.
Trong thời gian qua, Thư viện vẫn sử dụng máy in laser với mực khô. Tuy mực in không đến mức bong tróc nhưng để tồn tại cùng với tuổi thọ vốn rất bền của giấy dó lên đến vài trăm năm thì không thể được. Đó cũng là điều mà thư viện luôn mong muốn thay đổi.
Thư viện đã thử nghiệm nhiều phương án, trong đó có đầu tư máy in màu, mực nước nhưng không thành công.
Khoảng 100 năm trước lùi xa về quá khứ, tiền nhân sử dụng mực nước lăn qua ván in (thường là mực tàu), rồi đặt tờ giấy dó lên, sau đó dùng xơ mướp (hoặc con lăn…) lăn qua để lấy chữ. Đây là loại dương bản, được chạm chữ nổi và ngược, văn bản thu được chữ đen nền trắng (mực màu nào chữ màu đó). Đối với văn bia, là loại âm bản, chữ được khắc chìm thì phải đặt tờ giấy lên trước rồi sau mới lăn mực, văn bản chữ trắng nền đen. Ngày nay đa phần mộc bản của các sách không còn, mà còn cũng không thể áp dụng được vì quá tốn công. Dĩ nhiên, những bộ sách quá quý, người ta vẫn có thể sẽ dập một vài bản để bảo tồn.
Công tác phục chế sách Hán Nôm trải gần 10 năm đã thực hiện được trên 100 tựa qua tùng thư Huệ Quang Phật Điển Tùng San. Trong những sách được phục chế, đa số mộc bản không còn; có những tựa rất khó để tìm đủ bộ như: Tạp tiếu chư khoa-7 quyển, Thủy lục chư khoa-6 quyển; có những bản cả nước chỉ còn 1-2 bản như: Thiền uyển tập anh thời Lê, Hương Hải thiền sư ngữ lục, Thiền môn tu trì kinh chú luật nghi…
Về chất liệu, bản phục chế cao cấp nhất được Thư viện sử dụng ruột giấy dó, bìa cậy/bìa giấy sắc, gáy quét cậy, bụng quét củ nâu, chỉ may sách được làm từ chính giấy dó. Tất cả đều là chất liệu tự nhiên và được chế tác thủ công.
Quy trình đóng sách thủ công với nhiều công đoạn được đội ngũ nhân viên thâm niên thực hiện thuần thục và nghiêm cẩn.
Công tác chế bản ngày càng được thực hiện chỉn chu, thận trọng hơn và tuân thủ những nguyên tắc mà Thư viện đã đề ra sao cho bản phục chế đảm bảo về mỹ thuật và hài hòa trong cấu trúc toàn thể của Tùng san Huệ Quang, chữ rõ và không bị biến dạng hình thể…mà vẫn giữ được tương đối tính nguyên bản (tuyệt đối thì đã có file số hóa).
Nhìn chung, bạn đọc rất hài lòng với ấn bản phục chế của Thư viện, trừ một điều, đó là MÁY IN VÀ MỰC IN.
Đầu năm 2020, Thư viện đã áp dụng thành công kỹ thuật in lụa với ấn bản đầu tiên: Thánh Đăng Lục. Kết quả hình ảnh và chữ đều sắc nét, kể cả những nét rất mảnh, mực in trở thành một với giấy. Với thành tựu nho nhỏ này, những trăn trở lâu nay đã được giải quyết.
Tuy vậy, việc in lụa chỉ có thể thực hiện được khi bản in phải lên đến vài trăm bản (ít nhất là 100) vì chi phí chế tác khung lụa tốn kém. Nó giống như việc chế bản kẽm trong in offset vậy, không thể in offset với vài mươi bản. Đây là một trở ngại khi áp dụng kỹ thuật in lụa vào việc phục chế sách Hán Nôm với quy mô in nhỏ.