Tạng tạng có nhiều bản gốc. Trong khoảng 14 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật giáo Tây Tạng, đã có hơn 350 đại sư dịch kinh Phật từ Phạn văn và Hán văn ra Tạng văn. Công trình của các đại sư này tính ra được khoảng hơn 5000 bộ kinh, ấy là chưa kể nội dung các khắc bản giữa các thời cũng có khác nhau. Sau đây là một số khắc bản của Tạng tạng:
1. Cựu Nại-đường tạng: Được khắc vào đầu thế kỷ XIII. Bản nầy do Lama Thế-tôn-kiếm và đệ tử là Nhuyến-ngữ-ẩn-phúc tổ chức làm. Hai vị cùng với các Lama khác đã sưu tầm tất cả những kinh, luật, luận của Hiển và Mật giáo.Họ dịch và khảo chính, rồi cho khắc bản lấy tên là Nại-đường cổ bản. Hiện nay cả khắc bản và ấn bản của Đại tạng kinh nầy đều không còn.
2. Lý - Đường tạng: Khắc bản này do Thích-ca-dã-tán (Sà-Kya rgyal-mtsyul) và các vị khác làm. Lúc đầu có tên là Lý Đường Bản (Li-Thari) và được khởi công khắc bản tại địa xứ Cần Ưu (Hjan-Yul). Đến năm 1908, quân Thanh sau khi vào Tây Tạng đã thiêu huỷ toàn bộ tạng bản này.
3. Đức-cách tạng: Tên ban đầu là Đức-cách (Sác-dge) bản. Khởi sự khắc bản vào năm 1730, đến năm 1744 thì hoàn thành. Công cuộc khắc bản và in ấn Đại tạng kinh này đã sử dụng đến 320 vạn người, chiếm một nửa dân số của Tây Tạng lúc bấy giờ!
Đức-cách tạng có sự tham cứu và sử dụng cả bộ phận Cam-châu-nhĩ của Lý-đường tạng, thêm vào còn có Sắc-la-xá-nhĩ-cang (Sha-lugser-Khan) đưa cả bản gốc của toàn bộ Đan-châu-nhĩ vào. Ngoài ra còn y chiếu bộ kinh lục của đại sư Bố-đốn, coi như tất cả đều được tăng bổ vào mà thành. Hiện tại chùa Đức-cách còn lưu giữ đầy đủ toàn bộ khắc bản của tạng kinh nầy. Đông Dương văn khố của Nhật Bản,Huệ Hải Thị văn khố của Hà Khẩu và Đại học Cao-Dã Sơn là những nơi mà hiện nay còn lưu giữ được năm bộ ấn bản của Tạng kinh nầy.
4. Tân Nại-đường tạng: Ban đầu có tên là Nại-đường tân bản. Khắc bản này được khởi công làm vào năm 1730, theo giáo sắc của đức Dalai Lama thứ VII. Tạng bản nầy lấy Nại-đường cổ bản làm bản gốc,đồng thời có tham khảo Sách-ba mục lục và mục lục của đại sư Bố-đốn cũng được tăng bổ vào. Khắc bản Tân Nại-đường hiện được lưu giữ tại Nhật-khách-tắc, cách chùa Nại-đường 50 dặm về hướng Tây Nam. Đại học Đại Chính của Nhật Bản, Hà Khẩu Huệ Hải Thị văn khố, Đại học Kinh Đô Đế Quốc và đại học Đại-cốc là những nơi còn lưu giữ được năm bộ ấn bản của tạng kinh nầy.
5. Trác-ni tạng: Tên ban đầu là Trác-ni bản, gọi theo tên địa phương. Có thuyết nói tạng bản này hiệnvẫn còn nhưng không rõ là được khởi công khắc bản vào năm nào.
6. Bố-na-khắc tạng: Ban đầu có tên là Bố-nã-khắc bản. Tạng bản này hiện còn tại Bố-na-khắc (Punakha) thủ phủ của Bất-đan. Đây là Tạng văn Đại tạng kinh nằm bên ngoài Tây Tạng và chỉ có bộ phận Cam-châu-nhĩ.
7. Kiệt-côn-bành tạng: Tên ban đầu là Kiện-côn-bành (Rjes rku-hbum) bản. Được khắc bản tại chùa Côn-bành (Rku-hbum) thuộc tỉnh Cam Túc. Kinh bản nầy nay đã bị thất lạc và cũng chỉ có bộ phận Cam-châu-nhĩ.
8. Khước-mổ-đà tạng: Tên gốc là Khước-mổ-đà (Cha-mdo) bản. Trước còn lưu tại chùa Khước-mổ-đà. Nhưng nay thì kinh bản nầy đã bị mất và cũng chỉ có bộ phận Cam-châu-nhĩ.
9. Vĩnh Lạc tạng: Tên gốc là Vĩnh Lạc bản. Đây là khắc bản Tạng văn Đại tạng kinh tại Trung Quốc, vào năm Vĩnh Lạc thứ tám (1410) đời nhà Minh. Khắc bản nầy dựa theo Nại-đường cổ bản để khắc và chỉ khắc được bộ phận Cam-châu-nhĩ. Kinh bản hiện nay không còn.
10. Vạn Lịch tạng: Tên gốc là Vạn Lịch bản. Tạng bản này lấy bản Vĩnh Lạc làm gốc để khắc bản thêm lần nữa vào năm Vạn Lịch thứ ba mươi (1602), đời vua Minh Thần Tông. Khắc bản hiện đã bị mất, ấn bản thì còn nhưng rất ít.
11. Bắc Kinh tạng: Tên ban đầu là Bắc Kinh bản. Khắc bản được khởi công tại Bắc Kinh vào năm 1602. Tạng bản này y cứ theo khắc bản gốc của bộ Cam-châu-nhĩ và được lưu giữ tại chùa Sắc-lạp. Năm 1724 có khắc bản thêm bộ Đan-châu-nhĩ. Tiếc là vào năm 1900 toàn bộ khắc bản này đã bị binh hoả thiêu cháy tất cả. Hiện ấn bản của tạng kinh này còn lưu giữ tại đại học Đại-cốc ởTokyo. Gần đây Nhật Bản cho in lại ấn bản của tạng Bắc Kinh và cho lưu thông. Ở Đài Loan hiện có được ba bộ của tạng kinh nầy, hai bộ dành cho Viện nghiên cứu Trung ương, bộ còn lại sung vào Trung ương đồ thư quán.
12. Lạp-tát tạng: Tên ban đầu là Lạp Tát (Lhasa) bản. Đây là khắc bản do đức Dalai Lama thứ XIII cho khởi công khắc, nhưng cũng chỉ hoàn thành bộ phận Cam-châu-nhĩ. Kinh bản hiện vẫn còn.
Ngoài những khắc bản vừa nêu, tại địa phương Sài–hoắc (Sa-hor) thuộc vùng Hạ-bố-tạp-nhĩ (Bshah-pa-rtsal), vào thời đức Dalai Lama thứ V cũng có khắc bản tạng kinh Cam-châu-nhĩ. Trong số mười hai khắc bản trên, sáu khắc bản Bố-na-khắc, Kiệt-côn-bành, Khước-mổ-đà, Vĩnh Lạc, Vạn Lịch và Lạp-tát chỉ có bộ phận Cam-châu-nhĩ. Số còn lại đều đủ cả hai bộ phận Cam-châu-nhĩ và Đan-châu-nhĩ.
Nguồn: Trích từ bài nghiên cứu của KS.Minh Bình (Thư viện xin tri ân tác giả)