Có nhiều người làm được việc lớn lao cho đời ai cũng biết đến; nhưng cũng có những người thầm lặng đóng góp cho quê hương đạo pháp mà không mấy ai hay. Hòa thượng Thích Minh Thanh là một trong những người thầm lặng đó.
Tôi được diện kiến Hòa thượng khoảng 10 năm trước, khi Thầy tôi là cố Hòa thượng Thích Minh Cảnh đưa tôi đến chùa Bửu Sơn để chụp tư liệu do Ngài sưu tầm được. Từ đó, duyên hội ngộ ngày thêm dày. Mỗi lần lui tới Ngài đều kể cho tôi nghe nhiều sử liệu Phật giáo xa xưa. Ngài có một trí nhớ phi thường, kể chuyện mấy mươi năm trước mà cứ như kể chuyện ngày hôm qua.
Khoảng năm năm trước, 2017, Ngài đã hiến tặng toàn bộ kho sách báo mấy mươi năm sưu tầm và gìn giữ của Ngài cho Thư viện Huệ Quang. Ngài bảo quản sách báo ngăn nắp thận trọng nên đều còn tốt. Ai mượn của Ngài một cuốn sách, một tờ báo Ngài đều nhớ rõ. Khi chuyển tư liệu về Huệ Quang, Ngài nói: “Tui giao lại cho huynh, giao lại cho Huệ Quang”. Ngài dùng từ “giao lại” và lúc nào cũng vậy, tôi chưa thấy Ngài nói “cho” hay “tặng” bao giờ. Ngài không cho mình là chủ nhân của gia tài tinh thần ấy.
Khi Thầy tôi viên tịch vào cuối năm 2018, Ngài càng quan tâm tới công tác của Thư viện nhiều hơn, có lẽ Ngài thương xót huynh đệ tôi Thầy mất sớm nên thường xuyên lui tới hỗ trợ và động viên tinh thần.
Đầu hạ 2021, Ngài dẫn tôi đến chùa Từ Vân (chùa Bà Đầm)-Phú Nhuận thỉnh tủ sách Hán Nôm cổ. Đến đó, tôi chứng kiến Ni sư trụ trì trao đổi với Hòa thượng: “Lúc Thầy con còn sống, Hòa thượng chịu nhận tủ kinh thì Thầy con chắc vui lắm”. Hòa thượng trả lời: “Tui lấy về chỉ sử dụng cá nhân, lại không có chỗ để. Nay gởi vào Huệ Quang mới là đúng chỗ”. Tôi xúc động mà không nói nên lời. Cái tinh thần phụng sự bất vụ lợi của Hòa thượng với Thầy tôi sao mà giống thế. Tôi nhận một tủ kinh cũng là nhận cả một tủ trách nhiệm và ân tình của tiền nhân.
Từ đó, đi tới đâu, nhớ những nơi đâu còn tư liệu, Ngài đều quan tâm giúp tôi sưu tầm. Ngài còn hứa sẽ tặng cho Thư viện hai tác phẩm. Một bản thảo chép tay dày mấy trăm trang của ngài Thái Không về Hòa thượng Khánh Hòa- một tác phẩm quý báu của người cùng thời viết về người được xem là tiên phong của phong trào chấn hưng Phật giáo chưa từng được công bố. Một bộ tạp chí Tiến Hóa. Bộ báo này rất quý hiếm. Hiện tại Thư viện chỉ có vài số, các thư viện lớn của Phật giáo đều không thấy. Thư viện quốc gia Việt Nam và Pháp đều không lưu trữ, và tôi cũng chưa thấy nó ở đâu khác. Cả hai bộ sách báo này đang được cho một người thân của Hòa thượng mượn. Tôi luôn chờ đợi nhưng không dám hối thúc Ngài.
Ngài cũng đích thân kêu gọi người huynh đệ ở Canada là Hòa thượng Thích Thiện Tâm ủng hộ tài chánh cho hoạt động của Thư viện. Ngài có phước phú quý của một gia tộc trưởng giả nhưng ứng xử tình cảm như một người nhà quê. Lần nào qua chùa, Ngài cũng gửi nước tương, nước mắm hoặc bất cứ thứ gì ngài có dư để tôi mang về Huệ Quang.
Trước đó vài năm, Ngài là người nhiệt tình cổ súy nhất cho việc trùng kiến Tổ đình Phi Lai. Trong ý nghĩ của tôi, Ngài dường như đã “hy sinh” Bửu Sơn, để cả Phi Lai và Bửu Sơn đều được trùng kiến khang trang mà không phải vận động quần chúng Phật tử.
Phi Lai hoàn thành có lẽ là một niềm an ủi lớn của Ngài. Nhưng Ngài cũng còn nhiều tâm nguyện chưa hoàn thành. Bửu Sơn chưa khởi công. Nhà từ đường Ngài xây cất ở Củ Chi đang vào những công đoạn cuối, nơi Ngài dự định rước tông tộc về tôn thờ, và là nơi phụng dưỡng thân mẫu trăm tuổi của Ngài.
Giữa hạ, trong tâm dịch của Sài Gòn, tôi điện thoại thăm Hòa thượng, hỏi Ngài có cần rau củ gì con mang qua. Ngài nói: “Tui cẩn thận lắm, chỉ ăn rau mọc trong nền chùa, Phật tử quen có mang đến cũng để ở dưới cửa mấy tiếng sau tui mới xuống (lầu) lấy, huynh đừng mang qua”.
Khoảng một tháng sau, tôi được tin từ Ni trưởng Như Phương, ngài nhập viện Vinmec và đang trong tình trạng nguy kịch vì mắc covid.
Một tháng sau, Sài Gòn bớt dịch, mở cửa trở lại, nhưng cánh cửa đời này của Ngài ở nhân gian vĩnh viễn không còn cơ hội để mở ra.
Những công lao to lớn Ngài đã thầm lặng đóng góp cho quê hương và Giáo hội, chắc một ngày nào đó cũng có người nêu cao. Riêng tôi, là kẻ hậu sinh, được gặp Ngài chỉ 10 năm cuối đời, nhưng ân tình của Ngài đối với tôi, với công tác của Thư viện Huệ Quang thật quá lớn lao, không thể nào quên được.
Ba năm trước, người dẫn dắt tinh thần của chúng tôi là Thầy tôi ra đi. Đến bây giờ, người quan tâm giúp đỡ nhất đến công tác của Thư viện Huệ Quang sau khi Thầy tôi ra đi cũng nối bước. Phước mình sao mà bạc thế! Mình không có quyền năng mang thọ mệnh của mình để đáp đền những bậc ân sư khả kính; thôi thì đành cố gắng lầm lì làm cái việc mà quý Ngài đã tin tưởng giao phó cho mình.
Ngưỡng mong anh linh của Ngài tùy nguyện tiêu diêu và công hạnh vị tha của Ngài tiếp tục soi sáng cho chặng đường của chúng tôi đang đi.
(Đôi dòng tưởng nhớ đến Hòa thượng Thích Minh Thanh, nhân tuần lễ chung thất của Ngài)
Huệ Quang, Tết Trùng Thập năm Tân Sửu, Không Hạnh kính ghi
Hòa thượng Thích Minh Thanh
Gặp nhau bên lề lớp học Hán Nôm Huệ Quang
- Hòa thượng Thích Trí Minh - cầm sách
- Hòa thượng Thích Thiện Tâm - mặc hậu vàng
- Hòa thượng Thích Minh Thanh
- Ni trưởng Thích nữ Như Phương