Trang chủ Ấn phẩm Văn Học 1945-1964 Việc từng ngày

Hai mươi năm qua - 1945-1964 Việc từng ngày

Tác giả Đoàn Thêm

Kích thước 15.5 x 21 cm

Số trang 428 trang

Năm xuất bản 1966

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Nam Chi Tùng Thư
Đơn giá

Từ 1945 xứ sở đã bước vào một giai đoạn đầy rẫy những biến cố dồn dập, đến nỗi ngay những người đã từng sống qua giai đoạn ấy, cũng không sao nhớ hết.
Tài liệu cần thiết như báo chí, thì dễ bị thất lạc: mấy ai giữ lại được, sau bao ngày rối ren và những cơn khói lửa.
Vả chăng nhiều bài và nhiều sách liên quan đến thời cuộc, thường thiếu tính cách chính xác vô tư, vì áp lực chánh trị, vì dụng ý tuyên truyền, hay vì thành kiến cá nhân.
Nhà viết sử sau này sẽ gặp nhiều khó khăn, ngay trong công việc sưu tầm. Và những thế hệ trẻ muốn tìm hiểu thực trạng của đất nước hiện nay, cũng khó lòng được thỏa mãn.
Nên cần có một thứ tài liệu đầy đủ nhưng vắn tắt dễ xem, soạn thảo kỹ lưỡng theo một đường lối khách quan, nhằm vào sự thật của lịch sử dân tộc, chớ không lệ thuộc những đòi hỏi nhất thời của chế độ này hay chánh quyền khác.
Người làm nổi việc này, không những phải có những dịp thuận tiện để chứng kiến mà ghi nhận mọi sự biến chuyển, nhưng còn phải có tinh thần học giả, bình tĩnh xét thực tế mà không bị tình cảm hoặc các trào lưu xô đẩy. Chúng tôi đã nghĩ đến Đoàn quân.
Trong 25 năm qua, ông đã thấy rộng biết nhiều trong chính giới, ở những chức vụ tập trung hoạt động của các chính quyền, lại ham thâu thập tài liệu vì nhu cầu nghiên cứu và trước tác của riêng ông. Hơn nữa, những tác phẩm mà ông từng phổ biến, những lập trường và quan điểm mà ông trình bày trên báo chí về những vấn đề thời sự hay văn hóa, đã đủ tỏ rõ một đường lối ngay thẳng đáng tin.
Thể lời yêu cầu của chúng tôi, Đoàn quân đã xếp đặt lại những điều ghi trong các cuốn sổ tay từ bao năm trước; hơn nữa, ông còn đem sánh rất kỹ với những tài liệu sẽ kể trong tập này, để kiểm điểm và bổ túc cho cụ thể hơn. Sau đó, ông mới chọn và giữ lại những gì đáng chú ý, ở mọi lãnh vực đời sống chung.
Ông không theo thường lệ của những tác giả loại sách biên niên, nghĩa là chỉ sao chép về chánh trị và quân sự mà thôi: ông còn muốn bao quát cả các địa hạt quốc tế, văn hóa, xã hội, kinh tế, tổ chức công quyền, để lưu ý và giúp đỡ những người sau này cần tra cứu. Và sau đây, là lời giải thích của ông về cách lựa chọn những sự kiện đã ghi:
Phần quốc tế - Sinh hoạt của một quốc gia hiện nay không thể tách rời khỏi sinh hoạt của cộng đồng quốc tế. Ý nghĩa một việc càng rạng tỏ khi nằm giữa hoàn cảnh rộng lớn của thế giới, nhất là khi việc nước nọ có thể gây hậu quả cho nước kia. Tuy nhiên, soạn giả chỉ ghi những sự có ảnh hưởng cho toàn cầu (như vụ Cuba 1961-62 có thể gây thế chiến) hoặc liên quan mật thiết đến cục diện Á đông và Việt Nam (như chiến sự ở Lào).
Phần nội chính gồm có: các cuộc tranh đấu giành độc lập; các vụ biến cố, xung đột, đảo chính; sự thu hồi chủ quyền và sự thành lập các chánh quyền kế tiếp; hoạt động của các đảng phái và yếu nhân; các vụ án chánh trị; các thỏa ước, hiệp định, luật lệ và thiết bị quan trọng...
Các văn kiện liên hệ, sau dăm bảy năm, đã rất khó tìm. Những tổ chức của mỗi chánh quyền, dù hay dở ra sao, đã ảnh hưởng tới cuộc sống chung, vẫn cần được các nhà chuyên môn xem xét để rút kinh nghiệm.
Ở đây, soạn giả hay phải nói đến các chính khách; và thường gọi mỗi người một cách chính thức, theo chức vụ đương giữ, vì chỉ nhằm vào đời công.
Phần dân sinh: Những tai họa như bão, lụt, cháy, dịch tễ; giá sinh hoạt; việc học và các hoạt động văn hóa; những cuộc tản cư, di cư và định cư; những sự thay đổi về tiền tệ; những biện pháp kinh tế, và xã hội có ảnh hưởng đến đa số...
Theo soạn giả, dân tình cũng cần được chú ý như hành vi của các giới hữu quyền, và nỗi thống khổ của các tầng lớp, cũng như các thắng lợi và tiến bộ, đều là những yếu tố chứng minh tính cách suy vi hay thịnh trị của mỗi thời.
Phần chiến sự: Các hoạt động kháng chiến; chiến tranh và các hậu quả; khủng bố, phục kích, phá hoại, oanh tạc; quân dịch và các nỗ lực quân sự; các trận giao tranh lớn, chiến dịch và các cuộc hành quân qui mô...
Ở đây, dĩ nhiên, soạn giả phải căn cứ vào tài liệu chính thức, như những bản phúc trình và thông cáo, với những kết quả do cơ quan hữu trách phổ biến. Duy đối với quân số bị tử thương, chỉ ghi số chết bỏ xác tại trận; và mỗi khi có thể, thì ghi rõ hẳn địa điểm và danh hiệu cuộc hành quân.
Soạn giả thừa biết rằng không thể nào kể hết các việc đáng chú trọng, và còn tự hạn chế vì phải thận trọng, nên chỉ ghi lại nếu thấy đủ những điều kiện sau:
- Khi việc có ngày tháng đích xác;
- Khi việc đã được nhiều người khác biết, đã xảy ra thật, hoặc ít nhất là được các cơ quan ngôn luận loan truyền: nếu chỉ là tin đồn, soạn giả cũng ghi rõ.
Chỉ quan tâm đến sự thật, Đoàn quân không hề phê bình khi nhắn lại người với việc, vì theo ông, sự khen chê và yêu ghét hoàn toàn dành cho lịch sử cùng quốc dân.
Song những lời vắn tắt, do cách trình bày, đôi khi vẫn gợi cho những ai đã "trải qua một cuộc bể dâu" bao nhiêu buồn vui của một cuộc sống bi đát và hào hùng.
 

Trích Tựa
Saigon, ngày 25 tháng 12 năm Ất Tỵ.
Lãng Nhân