Trang chủ Ấn phẩm Nghê Văn Lương Cà Mau xưa và An Xuyên nay

Cà Mau xưa và An Xuyên nay

Tác giả Nghê Văn Lương

Kích thước 15x21 cm

Số trang 218 trang

Năm xuất bản 1972

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Trung tâm Học liệu
Đơn giá

Quyển sách này gồm cả thảy 5 chương và mỗi chương gồm 2 phần:

1. Phần thứ nhất trình bày những khái niệm cơ bản thông thường về địa lý, để giúp đồng bào địa phương tìm sự ích lợi thực dụng, biết rành rẽ xứ sở của mình, về các phương diện; người khác tỉnh thì có cơ hội hiểu chút ít lịch sử tỉnh An Xuyên (Cà Mau cũ). Tuy là tỉnh cuối cùng của miền Nam nước Việt, nhưng rẫy đầy rừng cấm, lâm sản, thổ sản và hải sản quý báu. Lại còn nhiều phong tục tập quán, tục lệ cổ truyền, thổ ngữ, ca dao, từ tỉnh lỵ đến đồng quê hẻo lánh, từ mũi Cà Mau đến Hòn Khoai và Hòn Đá Bạc...

2. Trong phần nhì, chúng tôi thêm "bài bổ túc" để ghi lại vài gốc tích các sông rạch, chùa miễu, phong cảnh đẹp cùng nhiều mẫu chuyện vui và lạ như: cách hầm than, đặt ống trúm bắt lươn, chụp ba khía, muối cua gạch son, ăn ong mật, đốn đuôn chà là, săn khỉ và lọ nồi, trục sấu mắc câu, săn kỳ đà, đốt đồng bắt rùa, cọp Cà Mau, đỉa, vắt, muỗi và bù mắt v.v...
- Chúng tôi rất tiếc là nhiều hình ảnh sưu tập từ nhiều năm để viết quyển sách này lại bị thất lạc trong lúc tản cư năm 1946 và không thể tìm lại được, để làm "sống" thêm những mẫu chuyện vừa kể trên. Đó là lý do chánh khiến quyển sách này xuất bản rất trễ. Còn những tài liệu thâu thập tại chỗ do mấy bực lão thành mộc mạc kể lại có thể sai lạc chút ít, nhưng chúng tôi cũng ghi ra đây, mong quý bạn đọc vui lòng cải chánh và bổ túc, chúng tôi rất tri ân và vui lòng lãnh hội.
Nếu quyển sách nhỏ này giúp ích phần nào cho học sinh trong tỉnh An xuyên và người đồng hương cũng như đồng bào ở mấy tỉnh khác ít có dịp lặn lội đến vùng quê xa xôi Cà Mau, đặng biết một cách tận tường:

Cà Mau là xứ quê mùa,
Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu.


Cà Mau khỉ khọt trên bưng,
Dưới sông sấu lội, trong rừng cọp um.

thì đó là phần tưởng lệ lớn lao cho tác giả.

Trích Lời nói đầu của tác giả