Đường thi

Tác giả Ngô Tất Tố

Kích thước 13.5 x 19 cm

Số trang 192 trang

Năm xuất bản 1961

Hình thức Bìa mềm, có tay gấp.

Nhà xuất bản Khai Trí
Đơn giá

Cũng như thơ của các đời khác, thơ Đường đại-khái chia ra hai loại: một loại mỗi câu năm chữ gọi là ngũ-ngôn, một loại nữa gọi là thất ngôn, mỗi câu thường có bảy chữ.
Trong hai loại đó, mỗi loại lại có ba thể: Cổ-phong, Tuyệt-cú và Luật-thi.
Nói về hình-thức, ba thể ấy khác nhau rất xa.
Cổ-phong là lối tự-do hơn hết. Miễn là có vần, không cần niêm-luật. Số câu cũng không nhất-định. Nhiều ra, có khi đến ngoài một trăm, ít nhất cũng sáu, bảy câu.
Bó-buộc một cách chặt-chẽ thì là luật-thi. Một bài, nhất định phải đủ tám câu, năm vần. Tiếng bằng, tiếng trắc của mỗi câu, nhất-định phải theo đúng luật, và những chữ ở bốn câu giữa của mỗi bài, nhất định phải đối nhau chằm-chặp.
Tứ-tuyệt là thể đứng ở khoảng giữa. Tuy mỗi bài cũng hạn bốn câu và mỗi câu cũng phải theo luật bằng-trắc, nhưng mà các câu không cần đăng-đối. Tuy được tự-do phóng túng, nhưng cũng phải chú-trọng về phần âm-hưởng.
Ngoài ba thể đó lại còn một thể ngũ-ngôn-bài-luật, đứng ở cuối cùng. Nó là hai luật ngũ-ngôn ghép lại làm một. Mỗi bài tám vần, mười sáu câu. Chẳng những các câu đều phải theo đúng niêm-luật, mà trừ hai câu cuối cùng, mười bốn câu trên tất-nhiên phải đối với nhau. Thể thơ này, chỉ để các ông "thợ thơ" dùng vào trong việc khoa-cử. Những khi cao-hứng mà làm thơ chơi, ít ai dám động đến nó. Vì nó làm cho người ta mất hết tinh-thần tự-do trong nghề thơ.

Trích Lời nói đầu - Ngô Tất Tố