Trang chủ Ấn phẩm Thư Viện Ảnh Ấn Khảo cứu về tiếng Việt Nam

Khảo cứu về tiếng Việt Nam

Tác giả Trà Ngân

Kích thước 12x18 cm

Số trang 244 trang

Năm xuất bản 1943

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Cộng Lực
Đơn giá

Khi viết xong hàng cuối cùng của cuốn sách thứ nhất trong đời mình, tôi nặng-nề bỏ bút như lão tiều-phu kia uể oải hất gánh củi đã làm còng lưng lão xuống bên một túp lều tranh vắng.

Tôi lẳng lặng giở từng trang giấy, âm thầm sung sướng thấy sự cố gắng của mình rõ rệt và hầu quên hết những điều lao khổ gần hai năm trời, đã làm cho tôi bối-rối cả tinh-thần, tiều-tụy cả thể xác.

Công cuộc hy-sinh như thế cũng hài lòng.

Trong lúc đó cuốn “Việt Nam Văn Phạm” của hai nhà học giả ra đời: một tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm nước Pháp, một là vị Phó bảng thời Hán học, chắc không ai lạ gì. Sự tình cờ đã đưa tôi đau chung một đoạn trường với hai người ấy.

Tôi nửa mừng, nửa sợ. Mừng, vì thấy các bậc thức-giả càng ngày càng để tâm tới văn học nước Tổ, không còn bỉu môi chê bai như nhiều gã vô hạnh khác. Như vậy, việc bồi đắp quốc-văn cũng chẳng cần phải nói, chắc sẽ có một kết quả hoàn-toàn. Sợ, vì tôi đã dám một mình gánh lấy cái việc mà hai nhà bác học đồng tâm hợp lực với nhau mới làm nổi.

Rộng-rãi về kiến văn, dồi dào về tài-liệu, cố nhiên tác-giả cuốn V.N.V.P. ít gặp trở-lực trong khi viết. Vậy mà tác phẩm đó cũng còn có thể không thoát khỏi sự sai lầm.

Những sách để kê-cứu của họ, thiết tưởng đầy đủ lắm.

Còn tôi, khi viết cuốn “Tiếng Việt-Nam” bé nhỏ này, tôi đã có gì? Không có gì cả, ngoài cuốn “ Sách mẹo tiếng Nam” mà tôi đã học ở lớp tư, vài ba tờ báo văn- học cũ mèm và một, hai cuốn mẹo ngoại-quốc.

Cuốn sách thứ nhất không cho tôi được một ích lợi nào. Với tất cả những trang ấy, tôi không đồng ý. Chỉ có mấy tờ báo đem đến thêm cho tôi ít nhiều ý kiến do các bài tranh biện của bạn đọc và cuốn mẹo ngoại-quốc cho tôi cách xếp đặt trong sách.

Ở đây, tôi phải nói thêm rằng văn-pháp ngoại quốc vẫn có sự gặp gỡ với văn pháp nước nhà. Nếu ta gặp chỗ đó, ta nên mượn cách dẫn-giải của người mà diễn tả ra, chỉ có cách ấy mới giản-dị và rõ-ràng.

Thế thì tôi đã phải dùng rất nhiều trí não để tìm-tòi những điều đã viết ra được.

Trong lúc ấy, tưởng không có chữ gì để tả rõ nỗi lao-tâm khổ-tứ của tôi vậy.

Cuối cùng mong rằng ai ai cũng vui lòng lượng xét những sự sai lầm của cuốn sách này và tôi còn chờ đợi những điều chỉ-giáo quí hóa của các vị thức giả có nhiệt tâm với quốc văn Việt-Nam, để bổ-khuyết sau.

Được thế, tôi mới không nản lòng để bước thêm tới mục đích: “Phụng sự văn-học Việt-Nam”.

Trích "Mấy lời nói thêm"
Mùa đông, năm 1942
Lê Ngọc Vượng