Ngày rằm mùa thu Canh-tý (1840), nhân nghỉ việc, mới đi vãn-cảnh chùa Đại-Giác ở núi Bò (Bồ-Sơn) thuộc huyện Tiên-du, tỉnh Bắc-ninh để xem lễ các nhà sư hội-họp cầu ích Bồ-tát. Bấy giờ sư cụ Thanh-Hương ở chùa Do-Nha, huyện Võ-giàng có đem một tập Khóa-Hư-Lục gồm ba quyển để xin tôi bài tựa. Tôi từ-chối rằng hiểu biết thô thiển về đạo-giáo, chưa đạt được ý nghĩa đạo Phật, tựu-trung đối với kinh sách của Ba thừa và luận thuyết của Năm Phái được xem sơ-lược, hiểu biết nông cạn, đâu dám cầm bút viết bậy để mua cười của các bậc thiện trí-thức hay sao? Sư cụ cố nài xin hai ba lần, tôi bất-đắc-dĩ không làm sao được mới cầm sách về mở ra xem kỹ mới hay sách Khóa-Hư-Lục này là chính Hoàng Đế Thái tôn triều Trần sáng tác vậy.
[...]
Ôi! Vua là bậc hiền nhà Trần mà có thể tự thân ở ngôi vạn-thặng của một nước lớn, lại ý niệm tới bậc Tam-tôn, bỏ áo mũ nhà vua mà mặc lấy nâu sòng của của nông dân, rời ngai rồng mà ngồi đệm cỏ. Không những một thời sửa chùa, xây tháp, cúng Phật, độ tăng, làm lợi ích cho nhân dân, thoát ly khỏi cảnh khổ mà thôi đâu. Ngài lại còn đem cách tự mình chuyên cần tu niệm, hợp thành một tập kệ văn sám hối, đặt tên là tập sách Khóa-Hư để chỉ bảo cho đời sau nữa. Gọi là "Trời sanh một người hiền để thức tỉnh mọi người ngu mê, Trời sinh ra một người giàu để cứu nỗi nghèo của quần chúng". Vua thực là một vị Phật sống trên thế gian, và cũng là một vị Bồ-tát tái thế vậy.
Tôi kính-cẩn đọc văn của Ngài mà lặng cầu lấy tâm ấy, thốt-nhiên như mở thấy được ít nhiều. Vì vậy không dám tự giấu sự hèn kém, chắp tay kính lễ chép nhặt mấy lời để ghi đề ngoài sách. Còn như bảo đề tựa thì đâu dám.
Trích Tựa của Thiều Chửu
Nguyễn Đăng Thục dịch.