Khổng Minh

Dịch giả Mã Nguyên Lương - Lê Xuân Mai

Kích thước 14 x 20 cm

Số trang 530 trang

Năm xuất bản 1968

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Khai Trí
Đơn giá

[...]
Và để kể thêm một nhân vật đáng thương, đáng kính nữa, đó là Gia Cát Võ Hầu, thông hiểu quá khứ, vị lai nhưng sinh chẳng gặp thời, biết rằng Lưu Bị chẳng được lâu dài, nhưng chỉ vì nhớ nghĩa "ba lần trở lại lều tranh", nên quyết lòng ra phò giúp để tạ lòng người tri kỷ. Khi Lưu Bị qua đời, Võ Hầu lại cúc cung tận tụy phò giúp giúp Hậu Chúa Lưu Thiện là kẻ nhu nhược bất tài, không hề để dành riêng cho mình một chút hơi sức nào cả, như muốn đem sức tàn của mình để bồi đáp ơn xưa của Tiên Đế.
Biết Hán sẽ suy vong, nhưng nếu không dẹp giặc, thì vương nghiệp cũng mất, nếu chỉ ngồi chờ chết thì thà đánh chúng còn hơn (Nhiên bất phạt tặc, vương nghiệp diệc vong, duy tọa nhi đãi vong, thục dữ phạt chi,...: Hậu Xuất Sư Biểu). Vì lẽ ấy, Võ Hầu quyết đem quân ra Kỳ Sơn mấy lần mà chưa thấy thuận tiện để rồi cuối cùng nhuốm bệnh chết giữa ba quân.
Có một điều rất thảm thương là tuy làm tới chức Thừa Tướng, Võ Hầu lại nhuốm bệnh chết vì đã sống vô điều độ, ăn mặc thiếu thốn làm cho sức khỏe chóng suy giảm. Tình trạng ấy đã được Võ Hầu kể rõ trong sớ tấu trích dẫn sau đây, gửi về Hậu Chúa để báo tin mình nhuốm bệnh nặng không biết mình sẽ chết vào lúc nào:
"...Nhà của bề tôi này ở Thành Đô có tám trăm gốc dâu, mười lăm khoảnh ruộng xấu, con cháu ăn mặc, tự có dư nhiều. Thân bề tôi ở ngoài, riêng chẳng điều độ, tùy thời ăn mặc, đều trông nhờ vào của công, không thể sinh hoạt riêng để thêm được thước tấc...
Ngày bề tôi chết, không khiến bên trong được dư lụa, bên ngoài được lợi của, thành thử phụ lòng Bệ Hạ vậy."
Sự thiếu lụa ấy đã được Võ Hầu dự đoán rất đúng, vì khi Hầu chết, tất cả nhân dân Tây Xuyên đều để tang làm cho vải lụa thiếu hụt và trong một ngàn năm sau họ vẫn còn giữ tang chế đối với Hầu, đến nỗi ngày nay việc quấn khăn trắng trên đầu đã thành một phong tục của xứ Tây Xuyên.
Một người thất bại như Võ Hầu, chỉ biết đem lòng hy sinh của mình để phụng sự xứ sở, khắc sâu vào lòng người một cảm tình ngàn năm không phai lạt, việc ấy thực có một không hai trong lịch sử loài người, đó là một điều đáng cho ta suy nghĩ.
Lối sống vô điều độ của Võ Hầu một phần do hoàn cảnh bất thường của quân đội ở ngoài trận mạc, một phần là do phép tắc làm tướng ngày xưa:
- Sĩ tốt chưa ngồi thì mình chẳng nên ngồi;
- Sĩ tốt chưa ăn thì mình chẳng nên ăn;
- Cùng chịu lạnh, nắng với nhau, cũng chịu mệt nhọc, vui hưởng an nhàn với nhau;
- Đều nếm ngọt đắng với nhau, đều chịu cảnh nguy nan, lo lắng với nhau,...
(XUẤT SƯ XIII)
- Giếng của quân chưa múc nước lên thì tướng không được kêu khát;
- Cơm trong quân chưa nhen nhúm thì tướng không được kêu rét;
- Màn của quân chưa giăng, thì tướng không được kêu nóng;
- Hè không phẩy quạt, đông không mặc áo dạ, mưa không trương lọng, tình cảnh của tướng phải giống như quân lính hết thảy...
(TƯỚNG TÌNH XXXV)
Tướng lãnh ngày nay, có tinh thần như xưa không, ta không thể biết rõ, nhưng chắc là các vị ấy phải ngạc nhiên khi đọc di biểu của Võ Hầu gửi về Hậu Chúa đã trích dẫn ở trên.
[...]

Lê Xuân Mai
Trích Lời nói đầu