Trang chủ Ấn phẩm Biên Khảo Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam

Kiến Trúc Phật Giáo Việt Nam (bộ 2 tập)

Tác giả Nguyễn Bá Lăng

Kích thước 20.4 x 27 cm

Số trang Quyển 1: 136 trang; Quyển 2: 142 trang

Năm xuất bản 1972 - 2001

Hình thức bìa Bìa mềm

Nhà xuất bản Viện Đại Học Vạn Hạnh
Đơn giá

Chùa chiền tô điểm cho thiên nhiên, thiên nhiên tô điểm cho chùa chiền, tuy hai mà một. Những ngôi chùa bên hang động hay trong lòng hang động ở Hương Sơn, Yên tử Sơn, Vịnh Hạ Long, những ngôi chùa trên những ngọn đồi hay giữa nơi đồng nội khoảng khoát, Bắc Ninh đã là những kiệt tác của mỹ thuật Việt nam, được coi như là tiêu biểu cho thời kỳ cực thịnh.

Nhìn những mái chùa cong cong, bai bai, trông những cột gỗ lim, người lệ thuộc tiêu chuẩn của những nền mỹ thuật ngoài Việt Nam không thể nào thưởng thức nổi và có thể tự hỏi: "phải chăng là kiến trúc".

Xin hãy bước vào ngôi chùa thâm thấp, thâm u phảng phất khói hương, hãy đặt tay vào những cột gỗ lim một tay ôm, có khi là cả một rùng cột của những ngôi chùa lớn, ta sẽ thấy khác hẳn với những cột đá của những nền kiến trúc kia, sẽ thấy thiên nhiên còn tiếp tục, còn sinh hoạt, còn thở trong lòng kiến trúc giữa bầu không khí tâm linh. Gỗ thở, ta thở, Phật thở - tất cả đều là một, một là tất cả.

Những pho tượng gỗ vàng son với những nét chạm trổ, sắc bén mà mềm mại, vừa cứng cáp vừa uyển chuyển đã lấy từ cây sống và tiếp tục sống với bàn tay tuyệt vời của những nghệ sĩ vô danh thấm nhuần tinh thần đạo Phật. Những bức tượng la hán ở chùa Tây Phương, Sơn Tây và một vài chùa Bắc Ninh được kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng chụp lại và nghiên cứu đã khiến ta sửng sốt vì sự linh động phi thường với những thần thái khác nhau như: vị thì hoan hỷ, vị thì trầm tư, không kém gì những kiệt tác muôn đời của bất cứ nền điêu khắc nào. Bức Quan âm thiên thủ thiên nhãn ở chùa Bút Tháp Bắc Ninh có thể coi là tập đại thành của nền nghệ thuật Việt Nam mà cũng là biểu thị của sự thấm nhuần sâu xa viên mãn tinh thần Phật giáo của người Việt.

Tôi bái phục những điêu khắc sư đã tạc những pho tượng Thần vệ nữ, Jupiter, Apollon, bằng bạch thạch nhưng tôi không được xúc động đến mức độ ghê rợn khi bước vào một ngôi chùa nhỏ quạnh hiu ở ven núi thấy pho tượng Phật có điểm nhỡn sau ánh đèn leo lét nơi thâm cung u uất dư hương.Tôi ghê rợn vì đôi mắt sống quá, sống hòn mắt người thật, nhưng có lẽ vì đó là đôi mắt của tâm linh, tâm linh Phật, tâm linh tôi mà tôi đã quên hay đã trốn chạy đến bây giờ bắt gặp như một niềm thống trách ở đáy lòng chợt nổi.

Những pho tượng bằng bạch thạch của Hy Lạp đều mù mắt. Người Hy Lạp có lý của họ vì học mượn hình thể, làm sống những thân xác nhưng người Việt nam lại mượn hình thể để diễn tả tâm linh, tạm lấy tướng mà hiển tính. Đó cũng là lý do hữu tồn của những ngôi chùa không đồ sộ, không huy hoàng của ta là những nơi con người đến tìm kiếm sự thanh tĩnh, sống với tâm linh, thoát khỏi cái lao xao vẩn đục của cuộc đời.

Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng người đã từ lâu, mấy mươi năm xưa, với căn bản kiến trúc thâu nhận của Tây phương mà không bị lệ thuộc đã khéo sử dụng để tìm hiểu, ghi nhận sắc thái kiến trúc Phật giáo Việt Nam. Đọc những bài biên khảo của ông từ những số báo Vạn Hạnh năm sáu năm xưa đến đặc san này, chúng ta thấy ông đã tỉ mỉ ghi nhận, nghiên cứu với khả năng của nhà chuyên môn kèm theo sự rung cảm của người yêu đất nước cùng đạo pháp để làm sống lại những ngôi chùa từ Bắc vào Nam với quy mô, kích thước và cảnh trí thiên nhiên ở chung quanh. Điểm quý nhất là ông đã tìm hiểu lý do của từng thứ kiến trúc, của từng bộ phận, của từng chi tiết, nhất nhất đều có ý nghĩa. Đó là một điều kiện muôn đời nhưng đặc biệt cần thiết cho ngày hôm nay, thời buổi xáo trộn có những ngôi chùa là những mớ lai căng ở toàn thể cũng như từng bộ phận, từng chi tiết trang trí mà những người xây dựng không ý thức rằng mình làm những cái gì và để làm gì.

(Trích dẫn trong LỜI MỞ của Thạch Trung Giả)