“Trải qua thời gian phục vụ Đạo Pháp, chuyên lo giáo dục Tăng Ni, tôi hằng nghĩ đến hai vấn đề: Phương pháp giáo dục và bài vở soạn dạy, nó phải được luôn luôn cải tiến để đáp ứng nhu cầu hiện tại và theo kịp đà giáo dục tân tiến ngày nay.
Riêng về các lớp trung học Phật giáo, tôi nhận thấy không thể loại bỏ hẳn các thứ bằng Hán tự được, nhưng cũng không thể đem cả bản kinh chữ Hán ra dạy như cách dạy mười mấy năm về trước, vì những lý do sau đây:
Một, hiện nay chúng ta chưa có ba tạng kinh điển bằng Việt ngữ
Hai, trình độ Tăng ni sinh hiện giờ rất kém về Hán tự
Ba, hiện nay Tăng ni sinh không phải chỉ chuyên lo học kinh điển như trước kia, mà còn phải lo học các môn thế pháp: Toán, Lý, Hóa,... để “giật lấy mảnh bằng”... nếu dạy theo lối cổ điển như thời kỳ chúng tôi còn “mài” trên ghế Phật học đường, thì chắc không có một ai theo học.
Vì lẽ đó, mà lối dạy kinh điển cần phải được cải tiến. Chúng ta phải làm sao cho các Tăng ni sinh sau khi mãn Trung học Phật giáo, có một số vốn Hán tự khả dĩ nghiên cứu được những bộ kinh khác; giúp cho Tăng ni sinh kém Hán văn vẫn học kinh bằng chữ Hán và thấu triệt được một cách dễ dàng; giúp các Tăng ni sinh có đủ thì giờ vừa học chương trình Phật pháp vừa theo chương trình Thế pháp mà không phải e ngại trước hai chương trình nặng nhọc.
Vì lẽ đó, mà hôm nay bộ Kinh Thập Thiện này ra mắt các bạn, tôi không tham vọng gì hơn là giúp các bạn Tăng ni sinh có đủ sách học tập, để khỏi biên chép mất thì giờ, và cũng đủ giúp phần nào cho các bạn mới bước chân vào ngành Phật sự bạc bẽo này.
Thể thức trình bày các bài trong bộ kinh, chúng tôi theo lối trình bày một bài giảng văn ngoại ngữ:
Trước tiên là nguyên văn chữ Hán của bản kinh; kế đó là phần dịch nghĩa; rồi đến phần giải thích từ ngữ; sau là đại ý của bài; cuối cùng là giảng giải ý kinh.
Theo thể thức này, chẳng những Tăng ni sinh dễ dàng thấu triệt từng bài học của mình, mà người dạy cũng thâu lượm được nhiều kết quả.
Ngoài ra, khi soạn bộ dịch bộ kinh này, chúng tôi còn nhắm vào hai mục đích sau đây:
Một là giúp tài liệu cho các vị Trụ trì, không đủ phương tiện gởi đệ tử vào các Phật học viện để thụ huấn, có thể theo đấy mà dẫn dắt các em trên đường tu học
Hai là giúp các vị cư sĩ mới vào Đạo, muốn tìm hiểu, nghiên cứu Phật pháp rất tiện lợi, vì nó là một bộ kinh căn bản cho tất cả pháp môn tu hành, nền tảng của Tam thừa Thánh quả.
Mặc dù chúng tôi đã cố gắng trong công việc biên soạn này, nhưng không sao tránh khỏi sự thiếu sót vụng về, vậy kính mong các bực cao minh sẽ vui lòng chỉ giáo cho, chúng tôi rất cảm tạ và sẽ cố gắng trong kỳ tái bản sau cho được hoàn hảo hơn.”
Lời dịch giả
Sa môn Thích Hoàn Quan