Trang chủ Ấn phẩm Thư Viện Ảnh Ấn Phạm Công tân truyện

Phạm Công tân truyện

Tác giả Vô danh thị

Việt dịch Hoàng Văn Suất & Nguyễn Quang Xỹ

Kích thước 16 x 24 cm

Năm xuất bản 1971

Hình thức bìa Bìa mềm, có tay gấp

Nhà xuất bản Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa
Đơn giá

PHẠM CÔNG TÂN TRUYỆN

(THEO BẢN KHẮC MỚI NĂM KỶ MÙI: 1919)

NIÊN HIỆU KHẢI ĐỊNH THỨ TÁM PHÚC VĂN ĐƯỜNG TÀNG BẢN

LỜI NÓI ĐẦU

Với mục đích khai thác tài liệu của tiền nhân còn lưu lại, tôi nhận phiên chuyển cuốn “Phạm Công tân truyện” do Ủy ban dịch thuật Phủ Quốc Vụ Khanh đặc trách Văn hóa giao phó, mặc dầu chúng tôi biết truyện này từ thời tiền chiến đã có người phiên chuyển ra chữ quốc ngữ và đã cho in, đồng thời được lưu hành trong khắp dân gian. Tại sao trước đã in thành sách rồi mà nay lại tốn công làm việc phiên chuyển sang chữ quốc ngữ lần nữa? Việc làm ấy có phải là vô ích không?

Để trả lời sự thắc mắc đó, chúng tôi xin thưa qua vài hàng dưới đây, và cũng là để nói lên cái mục đích chúng tôi phiên chuyển cuốn “Phạm Công tân truyện” này sang chữ quốc ngữ.

  1. Bản in cuốn “Phạm Công Cúc Hoa” hồi tiền chiến nay rất hiếm, họa may chỉ còn lại ở một vài tư nhân giữ làm tài liệu riêng.
  2. Bản in ấy trước kia người xuất bản, có lẽ với mục đích thương mại nhiều hơn, hoặc cố tránh né những chữ nôm khó đọc, hoặc cố lược bỏ những lời chối tai, những câu văn rườm rà, những điều vô lý, nên bản in đó đã bị sửa chữa thêm bớt rất nhiều so với bản chữ Nôm mà chúng tôi dùng làm tài liệu phiên chuyển sang chữ quốc ngữ lần này. (Bản của Chi nhánh Văn khố Đà Lạt MC 4184TT). Vì vậy bản in hồi tiền chiến vừa kể trên mất hẳn giá trị tài liệu, điều mà các nhà khảo cứu không muốn.
  3. Năm 1930, ông Nguyễn Kim Đính lại đã phiên dịch thành chữ quốc ngữ cuốn “Phạm Công Cúc Hoa” do nhà in Bảo Tồn số 23 phố Filipini, Sài Gòn in và xuất bản, song mang đối chiếu với bản Nôm này, tôi thấy: Lời văn khác biệt có đến 8, 9 phần 10.
  4. Gần đây nhà xuất bản Quốc Hoa lại có in và xuất bản cuốn “Phạm Công Cúc Hoa” (KD 2293/XB 24-10-1963) do Tường Vi sao lục và chú giải và bản “Phạm Công Cúc Hoa” in từng kỳ trong Tạp Chí Quê Hương, nhưng cả hai bản này lời thơ đều đã sửa chữa khác hẳn với bản Nôm đã nói trên.

Chính vì những lý do đó, chúng tôi phiên chuyển “Phạm Công tân truyện” bằng chữ Nôm, bản khắc in năm Kỷ Mùi 1919 Khải Định thứ tám, do nhà Phúc Văn Đường tàng bản.

Trong bản Nôm này có rất nhiều chữ khắc sai nên nhiều chỗ ý văn trở thành vô lý, lời văn trở thành ngây ngô. Mặc dầu biết thế nhưng chúng tôi vẫn cứ phiên chuyển theo nguyên văn bản khắc để sau này các nhà khảo cứu đỡ phải bực mình; Hoặc giả không thể đừng được chúng tôi phải ghi theo ý riêng, thời chúng tôi cũng chú thích rõ ràng chứ không dám tự tiện che mắt độc giả. Lại nữa trong truyện có vài chữ rất khó, không biết người viết đã cấu tạo những chữ Nôm đó theo phương pháp nào? (Hài thanh, giả tá hoặc hội ý?) chúng tôi đã đem trình bày trước quí vị dịch giả trong ban quốc âm hoặc hỏi các vị nho học lão thành, tất cả đều không đọc ra chữ gì, gặp trường hợp này chúng tôi đành để khuyết nghi.

Phần chú thích, mỗi khi gặp những câu văn quá ngây ngô, chúng tôi đành dẫn những câu văn trong bản in của nhà xuất bản Quốc Hoa (QH) để làm sáng tỏ ý văn trong đoạn. Sở dĩ làm như vậy vì chúng tôi nhận thấy bản in của nhà xuất bản Quốc Hoa về phương diện văn chương có phần sáng sủa trội hơn hẳn các bản lưu hành từ trước và bản Nôm chúng tôi dùng làm tài liệu phiên chuyển. (Bản QH thỉnh thoảng mới có câu giống bản Nôm in khắc Khải Định thứ 8).

Đến đây, chúng tôi xin mạn phép Quý vị độc giả để nhắc lại một lần nữa; chúng tôi chỉ làm công việc phiên chuyển chữ Nôm sang chữ Quốc Ngữ chứ không hề sáng tác, ngoại trừ vài lời nói đầu về phần lược khảo khi vào truyện.

Tất nhiên việc phiên chuyển và chú thích chúng tôi không sao tránh khỏi những điều sơ suất kính mong chư vị độc giả cao minh chỉ giáo.

Sài thành tháng Trng Hạ, năm Canh Tuất

(6- 1970)

Thái Nhân: NGUYỄN QUANG  XỸ