Cái sở trường của Phật giáo trên phương diện cá nhân, trên phương diện dân tộc, và trên phương diện NHÂN BẢN bao trùm cả hai ý niệm cá nhân và dân tộc, là Phật giáo là một cái vạn hoa kính: xoay một vòng, hiện ra một đóa hoa nhiều màu hoa, xoay thêm một vòng, hiện ra một đóa hoa khác nhiều màu hoa khác... xoay đến vô cùng, hoa hiện ra vô cùng đóa, vô cùng màu. Vô cùng hoa...
Nhưng nếu ai gán cho Phật giáo một tĩnh từ, một trạng từ... về tôn giáo hay về triết học thì Phật giáo từ chối: Phật giáo chỉ nhận một danh từ: CHỦ THUYẾT NHÂN BẢN ĐÍCH THỰC- như giáo sư Trần Thạc Đức nói trong sách này.
Nói thế vì cần phải nhìn Phật giáo như Phật giáo: ngày xưa kia, Ngài A-nan mỗi khi nói, đều đặt lên trên mỗi mệnh đề mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi thiên, mỗi chương, mỗi cuốn sách, thành ngữ: "Như ngã thị văn" là để nói cái lý ấy. "Như thị" nghĩa là phải nhìn phải nghe theo YẾU TÍNH của sự vật, của thực thể - kể cả cái thực thể lớn bát ngát, rộng bát ngát, cao vun vút là Phật giáo, cố nhiên.
Trích Lời giới thiệu của Tam Ích